Chia sẻ

Tre Làng

Lại chuyện "Thầy giáo nghèo" và "xe tự chế"

Cuteo@

Suốt mấy năm qua những chiếc xe tự chế chở hàng, chở người gây ra không biết bao nhiêu vụ tai nạn làm chết người, phá hủy nhiều tài sản vẫn là nỗi ám ảnh của những người tham gia giao thông. Các cơ quan chức năng và báo chí cũng tốn không ít giấy mực để ngăn chặn tình trạng này, nhưng hội chứng xe tự chế vẫn không giảm.

Tôi không đồng tình với Infornet khi đăng bài "Thầy giáo nghèo chế tạo 'ô tô tải' chỉ triệu đồng để đi chở hàng thuê, chữa bệnh cho con", vì đây là hành động cổ xúy cho phong trào tự chế xe chở hàng, gây nguy hiểm cho xã hội và đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Bài viết của Infornet kể về thầy Phạm Thành Tài, một thầy giáo nghèo, dạy môn vật lý ở vùng sâu huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã lắp ráp chiếc ô tô điện gắn bánh xe rùa lắp chạy bằng pin mặt trời với số tiền vỏn vẹn 10 triệu đồng để chở hàng thuê, kiếm thêm thu nhập cho gia đình trong hoàn cảnh khó khăn.

Phải nói rằng, đam mê nghiên cứu, thực hành và ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống là điều trân quý và đáng hoan nghênh. Nhưng mang những chiếc xe tự chế, thiếu kiểm định, không được phép lưu hành tham gia giao thông là điều không nên, bởi nó có thể gây ra tại nạn bất cứ lúc nào. Là thầy giáo (tốt nghiệp đại học Đà Nẵng) thì càng phải hiểu rõ điều này. Không thể lấy cái nghèo để biện minh cho việc làm đó được. Nhiều thầy cô giáo còn nghèo hơn, hoàn cảnh bi đát hơn vẫn có cách tổ chức cuộc sống hợp lý và bên cạnh đó còn có nhà trường, có đồng nghiệp và nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng giúp đỡ.

Rộng hơn, nói về chuyện xe tự chế, không ai cấm chúng ta mày mò, sáng tạo, cải tiến, phát minh, sáng chế ...Nhưng chúng ta không được phép gây nguy hiểm cho xã hội. Tôi không đồng tình với một số phóng viên thổi phồng việc tự chế ô tô của người nông dân, của các em học sinh hay của những thầy giáo nghèo và coi đó là phát minh, là sáng chế. Nhất là lại nhân việc đó để bỉ bôi đội ngũ giáo sư tiến sĩ với lời lẽ miệt thị, trong khi các anh chị viết bài không hiểu thế nào là sáng chế hay phát minh, cũng không hiểu đội ngũ giáo sư tiến sĩ về kỹ thuật ở Việt Nam họ cống hiến cái gì cho thành tự khoa học nước nhà.

Nhiều người tỏ thái độ hả hê khi nghĩ rằng, các giáo sư tiến sĩ của Việt Nam không phát minh sáng chế được gì, trong khi đó thì nông dân sáng chế ra ô tô... Họ tưởng mình đúng khi không thấy các trí thức phản ứng. Các trí thức chọn cách im lặng thì cũng không có nghĩa là những phán xét, bỉ bôi đó đúng.

Nói thẳng ra, những ai nói rằng nông dân, hay học sinh chế tạo hay phát minh ra cái cỗ máy gọi là "ô tô" là những người không hiểu gì. Bản thân cách dùng sai từ "Chế tạo", "Phát minh", hay "Sáng chế" đã nói lên mức độ hiểu biết của nhà báo. 

Nói ngắn gọn, cái cỗ máy gọi là "ô tô" ấy không phải là phát minh hay sáng chế gì cả. Đơn giản nó là chế ô tô bằng cách ghép nối các bộ phận máy móc, linh kiện lại với nhau theo những nguyên lý mà các nhà khoa học đã phát minh trước đó. Tất nhiên cái máy móc đó, các linh kiện đó thì người nông dân hay anh thợ hàn không bao giờ nghĩ ra chứ chưa nói là chế tạo được. Tất cả đã có sẵn và do các nhà khoa học tiền bối phát minh sáng chế ra....Vậy đừng nên lộng ngôn nói rằng nông dân đã sáng chế hay phát minh. 

Việc chế một chiếc xe kiểu như thế thì bất kỳ ai học hết lớp 5 lớp 7 đều có thể tự làm được. Các gara ô tô (nhất là các tỉnh phía Nam), các tiệm độ xe máy, sửa chữa máy nông nghiệp... đều có thể làm được. Khu vực huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang trước đây cũng đã độ chế trên 2000 xe vận tải, trên 600 xe ben có tải trọng hàng hóa trên 10 tấn để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân địa phương trong hoàn cảnh đường sá là đồng ruộng, sình lầy mà xe nhập khẩu không thể sử dụng được.

Còn nhớ, cộng đồng mạng từng phát sốt về chuyện ông Trần Quốc Hải ở Tây Ninh, đón nhận huân chương Đại tướng quân do nhà nước Campuchia trao tặng vì những đóng góp vào kỹ thuật cho đất nước này thông qua việc sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB. Ông Hải đã từng chế máy bay trực thăng nhưng chưa có kết quả thực nghiệm và theo các nhà chuyên môn, nó không đạt tiêu chuẩn về an toàn và tiêu chuẩn cần có của một máy bay trực thăng. Ông cũng có sáng chế, và lắp ghép một số máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy trồng mì, máy giặt mủ cao su tạp, máy phun thuốc cao su, dàn cày không lật, máy thu hoạch mía.v.v.. 

Nhiều người cho rằng việc "Chế tạo" (thực chất là sửa chữa) xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB là phi thường, nhưng đối với các nhà khoa học quân sự Việt Nam, nó hoàn toàn là câu chuyện bình thường, chẳng có gì to tát. Việc sửa chữa, cải tạo xe bọc thép BRDM 2 cũ đã được quân đội Việt Nam tiến hành, và cũng từng được làm ở Ukraine. Nói để dễ hình dung, ở Việt Nam, một chiếc xe dù to lớn đến thế nào, cũ nát ra làm sao, đảm bảo chỉ trong vài tuần, tại các gara ô tô chiếc xe đó sẽ được hồi sinh đến không ngờ và việc chế một chiếc xe bọc thép cũng tương tự, dựa trên nguyên lý lắp ráp tổng thành, phần nào chưa tương thích thì sẽ được "Độ" và phần thiếu sẽ được "Chế" thêm.

Về chuyện ông Trần Quốc Hải chế tạo trực thăng hồi cách đây chục năm, một số người tung hô ông trong mối quan hệ so sánh về tài năng của ông với các nhà khoa học Việt Nam. Trong cơn lốc a dua ấy, hình ảnh các nhà khoa học trở nên nhạt nhòa, méo mó và các nhà quản lý cũng trở thành tâm điểm của sự chỉ trích không đáng có. Không cần lý lẽ, không cần đọc tham khảo, không cần giải thích, cộng đồng mạng thẳng thừng chỉ trích chính quyền, mà trực tiếp là các nhà quản lý là cản trở sự sáng tạo, là không biết quý trọng tài năng.

Nói về vấn đề này trước BBC, chuyên gia Thanh Huy cho đó là, "Một sự phê phán rất "nông dân" cho một thử nghiệm có nguy cơ gây tai họa cho bản thân người thử nghiệm, và nguy cơ cho người dân trong khu vực". Ông Thanh Huy cho biết: "Nhìn lại một chiếc máy bay trực thăng được chế tạo bằng một động cơ ô tô Zil 130 “lên nòng xoáy cốt” độ chế từ 150 lên 300 mã lực, hầu hết những người biết về động cơ trên thế giới, không có ai dám chắc chắn rằng động cơ quái gở này bắt đầu hoạt động, tồn tại và duy trì được trong bao nhiêu phút, thì hệ quả việc bay thử hay bay thật có khả năng an toàn tới đâu. Các nguyên lý cơ học, sức bền vật liệu phải tuân thủ phương pháp tính toán để đáp ứng yêu cầu kết cấu về cường độ, độ mỏi. Phải được kiểm tra lại các sản phẩm cho là đúng chuẩn bằng những thiết bị thí nghiệm hiện đại để phát hiện lỗi sản xuất, thậm chí còn phải tuân thủ theo tiêu chuẩn vật liệu hàng không vũ trụ ASMT…Ông Hải hầu như chưa đáp ứng được những yêu cầu trên, thì việc cấm bay của các cơ quan hữu trách là việc bắt buộc phải thực hiện để ngăn ngừa tai nạn và hỏa hoạn".

Dưới góc độ quản lý, thì rõ ràng chính quyền có lý khi không thể cho ông thử bay trên bầu trời, bởi trước hết là sự an toàn của chính ông và sau nữa là của cộng đồng dân cư.

Đối chiếu với những thông tư hướng dẫn của chính phủ, ban bộ chuyên ngành, hay sự ràng buộc về an toàn trong lao động sản xuất trên nguyên tắc mọi người phải tuân thủ, ông Hải vẫn đang tự do kinh doanh và làm giàu trên những sản phẩm copy, độ chế hay tự chế tạo thì việc ông phát ngôn: “Ở Việt Nam, đam mê của ông không được khuyến khích” là một sự áp đặt quá đáng". Nhận định của nhiều người căn cứ vào một chuyện “gặp duyên cớ” của ông Hải bên nước Campuchia mà phê phán rằng Việt Nam bị ràng buộc cơ chế, không trọng dụng ông Hải, không tạo điều kiện phát huy tài năng để làm giàu cho bản thân, góp phần làm giàu cho xã hội, dẫn đến làm chậm phát triển đất nước, là phát ngôn có sự lợi dụng cảm tính phi khoa học hơn là tôn trọng sự thật".

Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là nhiều người tài, nhiều nhà khoa học giỏi ở Việt Nam vẫn chưa được trọng dụng. Hiện tượng chảy máu chất xám, lãng phí nhân tài là có thật và nó đang là nỗi đau nhức nhối của những nhà lãnh đạo chính quyền, và cả của người dân.

Cách đây 6 năm, báo Nghệ An cũng có bài cảnh báo về xe tự chế được các "thợ cơ khí làng" sản xuất tận dụng từ phế liệu, nghênh ngang chạy trên đường tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông. Đó là chiếc xe tự chế từ các phế liệu ô tô cũ, xe máy cũ nhưng chiếc xe này có đầy đủ kính chắn gió, mái che, đèn, gương chiếu hậu và được sơn khá đẹp mắt. Chủ sở hữu chiếc xe là một thợ cơ khí ở Diễn Thái. 

Tương tự như ở Diễn Thái, tại xã Nam Thành, huyện Yên Thành cũng xuất hiện một ô tô tự chế hàng ngày chở khá nhiều trẻ em đi dạo chơi trên các tuyến đường liên xóm. Để làm được chiếc xe này chủ nhân phải bỏ ra từ 60 triệu đồng để mua khung sắt, lốp, ghế ngồi, vô lăng, trục thủy lực, chân phanh, chân ga từ chủ vựa phế liệu và một động cơ xe máy cũ. Chỉ nghe kể về quá trình lắp ráp thì chắc chắn ai cũng thấy, đó là nguồn nguy hiểm cao độ đối với những người tham gia giao thông, kể cả những người đang ngồi trong nhà ở ven đường.

Cuối cùng, tôi nghĩ, những đam mê nghiên cứu ứng dụng Khoa học kỹ thuật là đáng quý và cần được khuyến khích. Nhưng không nên cổ súy cho việc mang những cỗ máy tự chế đó tham gia giao thông dù bất kỳ lý do gì, kể cả lý do nghèo khổ.

6 nhận xét:

  1. Không ai cấm 1 con người sáng tạo vào sáng chế. Nhưng bất cứ 1 cái gì trước khi đưa vào sử dụng cũng đều phải qua môi trường để kiểm thử , sau khi đạt các quy định mới có thể đưa vào sử dụng. Không thể tùy tiện sử dụng khi chưa có giấy phép hay qua sự kiểm tra nào được. Làm ơn đừng có viết báo cổ súy cho những hành động như vậy

    Trả lờiXóa
  2. Xin lỗi chứ đừng có gán cái mác nghèo để khiến mọi việc trở nên cao đẹp và ý nghĩa. Ai ủng hộ cho cái việc chế xe này còn tôi thì không. Riêng cái việc xe ba gác trở hàng cồng kềnh đã khiến cho người đi đường như tôi đủ khiếp sợ rồi. Hễ đi đường mà thấy xa ba gác thì xử tự động mà tránh xa xa vì coi như tránh ôm họa vào thân mình. Đây còn là xe trở bệnh nhân nữa. Không gì đâu nhưng xui mà xe nó lỗi gì thì khéo bênh thêm bệnh

    Trả lờiXóa
  3. Là thầy giáo thì tôi nghĩ phải suy nghĩ thấu đáo một chút. Anh có tri thức, có lòng tốt thì phải sử dụng nó đúng chỗ, không phải là sử dụng bừa bãi và tạo nên một nguy cơ có thể gây nguy hiểm và ảnh hưởng cho những người khác như thế. Rõ ràng là những xe bac gác, đặc biệt là xe tự chế phải có gì đó nguy hiểm thì nhà nước mới cấm, chứ không phải tự dưng lại cấm đâu. Vậy mà anh còn làm trái với pháp luật thế

    Trả lờiXóa
  4. Lại là câu chuyện gắn thêm cái mác "miễn phí", "giúp dân nghèo"..để có thể tạm thời che mắt và lôi kéo sự đồng tình ủng hộ của người đọc. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách đúng đắn, việc chế tạo xe mà đưa vào sử dụng khi chưa có sự đăng kí đối với cơ quan nhà nước thì sự là gây nguy hiểm cho bản thân người dử dụng lẫn người bênh nhân được chở miễn phí đằng sau. Hi vọng không có bài báo, hay ai đó đăng những thông tin để cổ súy hay ủng hộ cho việc làm này

    Trả lờiXóa
  5. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của tác giả, mày mò, sáng tạo trong nghiên cứu là điều ta khuyến khích. Không ai cấm và làm thui chột đi khả năng sáng tạo tuy nhiên tất cả phải trong khuôn khổ, làm việc phải mang tính kiểm định và giám sát. Biết bao nhiêu xa tự chế, máy bay tự chế thậm chí cả tàu ngầm nhưng không ai đảm bảo đó là an toàn. Không ai kiểm chứng, chỉ có một điều là mấy sự việc này vẫn diễn ra một cách tai hại, thậm chí là đe dọa xung quanh. Tôi nghĩ nên có sự giáo dục, tuyên truyền rõ hơn về vấn đề này

    Trả lờiXóa
  6. Chúng ta khuyến khích các sáng tạo về khoa học kỹ thuật nhưng mà khi đưa nó vào sử dụng phải cẩn trọng, đảm bảo an toàn, không gây ra tai nạn chứ không được tùy tiện

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog