Làm giáo viên là một nghề nhưng là một nghề đặc biệt, khác với tất cả những nghề còn lại trong xã hội. Đây là nghề thường được ví von nhằm thực hiện thiên chức cao quý: trồng người. Trồng cây vốn vô cùng gian nan, cực nhọc. Trồng người cực nhọc, gian nan gấp bội. Câu nói của lãnh tụ Hồ Chí Minh (dựa vào ý của Quản Trọng thời Xuân Thu chiến quốc) về lợi ích mười năm, trăm năm của việc trồng cây, trồng người đã phần nào thể hiện rõ điều này.
Nói một cách mộc mạc, giản dị: làm giáo viên cực khó! Ai đã chọn nghề này để mưu sinh, yêu trẻ và tham gia đóng góp cho xã hội, ắt biết chấp nhận cái cực khó của nghề như một định mệnh.
Cực khó như thế nào? Người cùng nghề thì ai ai cũng đã hiểu, đã thấm. Nhưng người khác nghề, chưa chắc đã nhận biết điều này một cách rành rẽ, đúng đắn trong khí quyển nhân văn.
Cái cực khó thứ nhất, trong suốt quãng đời ba, bốn chục năm đi trồng người, người giáo viên phải đóng góp tâm huyết, công sức của mình làm sao để giáo dục, đào tạo ra hàng trăm, hàng ngàn con người thực sự có ích cho xã hội mà không được quyền trồng sai, không được quyền để mất mùa như trồng khoai, trồng lúa... Vượt lên trên cái cực khó này, người giáo viên phải tự mình phấn đấu để luôn luôn là hình mẫu, là tấm gương sáng về nhân cách và thực sự là chuyên gia đích thực của tiến trình trồng người này. Rất nhiều hành vi, cách ứng xử ở trên đời, những người hành nghề khác có thể làm được nhưng người giáo viên thì không, hoàn toàn không, ví dụ đơn giản như: nói tục, chửi bậy, vượt đèn đỏ, vứt rác bừa bãi... Không vậy, không thể đảm nhận một sứ mạng thiêng liêng và vĩ đại đến thế! Đội ngũ giáo viên phải là những người như vậy, nên trong tiến trình hành nghề, sự thanh lọc, loại bỏ các phần tử không đủ đạo đức và năng lực nghề nghiệp là chuyện đương nhiên.
Giáo viên cũng là con người và vì vậy, trong số họ đương nhiên cũng có số ít người mang khí chất hung hãn, nóng nảy, thiếu kiềm chế và khoái thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Quả thật, trong xã hội loài người, luôn tồn tại một hạng người như vậy và họ thích hợp với những hành vi du côn, càn quấy. Nghề giáo thì không cho phép xuất hiện hạng người đó. Nhưng khâu tuyển sinh vào các trường sư phạm thì hoàn toàn không có hình thức sát hạch, kiểm định nào, qua đó nhận biết và loại ngay hạng người có tính cách này. Chính vì thế mà như một tất yếu, thỉnh thoảng chúng ta vẫn phải phẫn uất, đau lòng khi chứng kiến những bảo mẫu hay thầy cô giáo hành hạ học trò bằng vũ lực. Họ là vậy, tính ác, tính dữ luôn trỗi dậy, khiến không thể không dùng vũ lực với học trò như là một cứu cánh để hành nghề và tồn tại. Nếu để họ tiếp tục làm nghề giáo, bằng cách này hay cách khác, hạng người này vẫn coi vũ lực là phương thức, phương pháp giáo dục duy nhất, tối thượng. Không biết để khước từ hạng người này ngay từ khâu tuyển sinh thì bây giờ phải cần loại bỏ họ ra khỏi nghề giáo, đó là cách xử lý thông minh, hiệu quả và nhân văn nhất. Chọn cách tái giáo dục hạng người hung hãn đang hành nghề giáo thì đã cực khó lại cực khó thêm!
Cái cực khó thứ hai, nghề giáo là nghề duy nhất có đối tượng tương tác chủ yếu là người trẻ (các kiểu đi học của người già cũng chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ). Người trẻ thì vốn sống và kinh nghiệm cá nhân rất mỏng, tư duy khoa học và bản lĩnh cuộc sống còn non, còn yếu. Vậy nên, sự tương tác giữa người dạy và người học sẽ chẳng hề dễ dàng, thuận lợi như những nghề khác. Sự tương tác này ít căn cứ vào các quy định, thủ tục hành chính hay những thông số kỹ thuật, công nghệ mà chủ yếu dựa vào cung bậc và nhịp đập của trái tim. Trái tim người dạy và người học không đồng điệu thì giờ dạy - học chắc chắn ít hoặc không thành công. Gọi người giáo viên là kỹ sư tâm hồn chính vì lẽ đó! Để có một tiết lên lớp, một buổi dạy - học, một đời làm nghề giáo âm vang nhịp đập chung của thầy và trò là một tiến trình khổ luyện vô lường của người giáo viên. Người thầy không chỉ giúp học trò từng bước thu nạp một dung lượng tri thức phổ thông cần thiết mà còn tham gia trực tiếp xác lập, bồi dưỡng nhân cách đẹp cho các em qua những bài học đạo đức và kỹ năng sống. Mà dạy chữ khó một thì dạy người khó mười, khó trăm. Có nghề nào cực khó như vậy không? Không! Hoặc có nhưng rất ít (?).
Cái cực khó thứ ba (điều này ít nhất đúng ở Việt Nam hiện nay), nghề giáo mà cụ thể là giáo viên luôn chịu áp lực nặng nề của bệnh thành tích nói chung. Bệnh thành tích khiến giáo viên bị cuốn vào vòng xoáy đa chiều của nó, không thể tự mình thoát ra. Nếu biết hoặc cố thoát ra, đương nhiên giáo viên ấy sẽ khó hoặc không còn được tiếp tục hành nghề, dù tâm huyết với nghề đến mấy! Cuốn vào vòng xoáy này, phải chấp nhận và đồng hành ít nhiều với sự giả tạo đã đành, người giáo viên còn đánh mất năng lực và cá tính sáng tạo của mình. Thành tích đích thực là điều cần phấn đấu để có, để đạt được. Nhưng bệnh thành tích thì phải triệt tiêu, loại bỏ trong đời sống tinh thần của xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng. Bệnh thành tích là không biến thành có, xấu phù phép thành tốt, đánh tráo thực hư, trắng đen, khiến cuộc sống trở nên giả tạo, lừa lọc, bệnh hoạn. Để không dính dáng gì hay thoát khỏi căn bệnh quái ác này, người giáo viên không thể tự bơi. Cả một guồng máy ít nhúc nhích thì một đinh ốc nhỏ khó có thể tự mình chuyển động. Cực khó! Chừng nào những quy định và danh hiệu tào lao, phù phiếm, vô bổ trong ngành giáo dục, nhất là những con số thống kê rỗng tuếch bị khước từ và gỡ bỏ, chừng đó người giáo viên mới thực sự được làm nghề một cách đích thực, tự tin và dễ dàng hơn.
Nhìn một cách thấu đáo như trên để tất cả chúng ta có một thái độ cảm thông, bao dung, chia sẻ đối với đội ngũ giáo viên hiện nay. Ai đó, trước một sự kiện tiêu cực nào đó trong ngành giáo dục, lập tức lên mạng la mắng, ném đá dồn dập nghề giáo và đội ngũ giáo viên nói chung, thiết nghĩ, e chưa độ lượng, nhân văn cho lắm! Nghề nào cũng vậy, y tế, giao thông, điện lực, xăng dầu... trong muôn một điều tốt, ắt cũng nảy nòi dăm ba cái xấu. Đó là vũ trụ với những cặp phạm trù tồn tại như một quy luật siêu phàm. Rất ảo tưởng nếu đòi tất cả cuộc đời này đều hay ho, tốt đẹp, đều là màu hồng... Điều quan trọng là chúng ta biết phấn đấu để những điều nói trên hiện diện nhiều hơn, lấn át cái xấu, cái tiêu cực. Vậy thôi, nghề giáo và đội ngũ giáo viên cũng không nằm ngoài quy luật vĩnh hằng đó của tạo hóa.
Nghề giáo cực khó! Xin ngưỡng vọng và tôn vinh đội ngũ giáo viên luôn vượt qua những cửa ải cực khó để mãi mãi tự tin hành nghề.
Không thầy đố mầy làm nên!
TAO ĐÀN
Tôi vẫn nhớ những câu thầy giáo hay giảng, in hằn vào tâm trí những lần nghêu ngao "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Nghề giáo là vậy, gian truân khổ cực, nhưng cũng vui buồn hạnh phúc. Giáo viên thời xưa lương tháng tong teo, đi lại khó khăn nhưng được trò yêu trò quý; giáo viên ngày nay sợ mạng xã hội, trên đe dưới búa, trăm mối lo toan. Đã đến lúc phải có cơ chế riêng cho nhà giáo, nghề ươm mầm cho thế hệ đất nước, bởi hiền tài là nguyên khí quốc gia mà.. Giáo dục có mạnh thì gốc rễ nước nam mới đời đời bền vững.
Trả lờiXóaNền giáo dục của Ta hiện nay dù hô hào nhưng vẫn quá nặng về Bệnh Thành Tích : học trò phải đều đạt loại khá giỏi trở lên, không có em đúp; Thầy cô từ dạy lớp 1 trở lên thì năm nào cũng phải có một hai đề tài, mà rõ khổ đề tài viết thế nào?, chỉ có mỗi một dạy ngần ấy chữ cho một khối lớp, chia ra thế nào để năm nào cũng phải có đề tài, và ra được đề tài thì đa phần cất tủ, nếu không có thì kém điểm thi đua, thì ảnh hưởng này nọ.... Vì thế nên đến năm nay, học sinh lớp 1 nhiều bé còn nói ngọng, nhưng để cải cách, cải tiến thì các bé chưa nhìn hết mặt chữ lại phải đọc hàng tá ngôn từ, lại phải hiểu những dụng cụ, con vật ...mà từ bé đến đi học các Bé chưa được biết, chưa nhìn thấy bao giờ nhưng lại được ghép thành một câu, một đoạn văn hoàn chỉnh vậy thì làm sao các Bé nhớ cho xuể, hiểu được đây? (nhiều chỗ đến người lớn còn chả nắm hết nữa là trẻ con mới đi học vỡ lòng). Vậy nên chúng ta cần thông tin đầy đủ trước hết đến anh Nhạ (tư lệnh ngành), sau đến các vị chuyên gia hãy nghiên cứu cho kỹ hãy viết sách và đã viết sách thì phải đặt câu hỏi : Đã hợp với lứa tuổi đó chưa?, hiệu quả ra sao, hậu quả thế nào ?...có phù hợp thực tế không và cuộc sống có cần đến thế không?. Nếu làm không tốt thì những người đầu tiên chịu khổ ấy là các Thầy Cô giáo, thứ đến Học trò, sau đến các Gia đình, Xã hội .... Mong được các vị Ngành giáo dục quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đích thực đừng phù phiếm, đừng mắc bệnh thành tích nữa ngõ hầu giúp ích cho Nhân dân, cho Đất nước được Hùng Cường.
Trả lờiXóangười ta thường ví nghề giáo là một trong những nghề cao quý nhất. Giáo viên như người cha người mẹ thứ hai của các em học sinh. Nhưng giá trị tôn sư trọng đạo ngày nay dường như bị méo mó đối với một bộ phận người dân bởi vì họ tự cho rằng giáo dục con họ là trách nhiệm dĩ nhiên của nhà giáo, mà giáo dục không được mắng, không được nạt, không được trừng phạt đang được nhiều phụ huynh ưa chuộng lại làm khó cho chính những người giáo viên tận tâm.
Trả lờiXóaMỗi nghề có cái khó, cái thuận tiện riêng nhưng riêng nghề nhà giáo thì theo tôi là quá vất vả, con cái có mỗi đứa còn quát lên quát xuống đây người thầy quản lý vài chục con người, chỉ cần quá lời là phụ huynh, nhà trước đã gọi lên gọi xuống, đồng lương thì chẳng được bao nhiêu, làm việc cả tháng chẳng đủ ăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa đời sống còn khó khăn, người thầy phải trải qua bao khó khăn, vất vả, gian truân.
Trả lờiXóaTừ trước tới nay, nhà giáo luôn được xem là một nghề cao quý và đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện tại, người giáo viên đang phải chịu áp lực từ các bộ luật giáo dục, từ nhà trường, phụ huynh và cả học sinh. Làm sao cho chu toàn những đối tượng này khiến nhiều thầy cô trở nên mệt mỏi và bất mãn với nghề của mình. Niềm đam mê yêu nghề và sống chung với nghề chính là yếu tố quyết định khả năng gắn bó của các giáo viên đối với lĩnh vực giáo dục.
Trả lờiXóaHiện nay, ngành giáo dục đang ở trong trạng thái thiếu nhân lực trầm trọng. Đặc biệt là mảng giáo dục vùng sâu, vùng xa. Hầu như trên toàn quốc, ở các trường từ cấp tiểu học cho tới THPT đều thiếu nguồn giáo viên chất lượng, yêu nghề và có năng lực chuyên môn tốt. Vì thế nghề giáo vẫn là lựa chọn tối ưu với nhiều người.
Trả lờiXóaNghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Giáo dục là quốc sách hàng đầu của mỗi quốc gia, vì vậy trọng trách của những người làm nghề giáo càng lớn lao hơn bao giờ cũng như đầy rẫy khó khăn, vì giáo dục không chỉ là những môn học được giảng dạy trên lớp mà còn là các bài học làm người và những người giáo viên là người dẫn dắt là yếu tố tác động đến việc có giáo dục hiệu quả hay không, điều này không hề dễ dàng chút nào
Trả lờiXóaNhững người thầy người cô dù không nổi tiếng trên những chương trình truyền hình, dù không được nhận ra giữa dòng người qua lại nhưng họ luôn là người âm thầm hy sinh vĩ đại nhất. Tuy không có công sinh thành, nuôi nấng nhưng thầy cô là người đã cho ta đôi cánh tri thức để có thể bay cao, bay xa, thực hiện hóa những ước mơ và trở thành những con người có ích trong xã hội.
Trả lờiXóaTrường lớp nào chẳng vậy, luôn có nhiều thể loại tính cách học sinh. Có nhiều em rất ngoan ngoãn, chăm chỉ, bảo gì nghe nấy. Thế nhưng phần nhiều lại là các em rất bướng bỉnh, bất trị, luôn muốn nổi loạn. Thầy cô đau đầu vì học sinh ngủ gật trong giờ, nói chuyện, làm việc riêng, nghe điện thoại hay không chịu làm bài tập về nhà… Nhiều học sinh tỏ ra thách thức các thầy cô giáo, lén lút thực hiện sai các quy định về trang phụ đầu tóc vì muốn thể hiện cá tính riêng của mình.
Trả lờiXóa