Chia sẻ

Tre Làng

Tà đạo ở Điện Biên và âm mưu lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” bất thành

VOV.VN - Một số điểm nhóm theo “Giê sùa” đã công khai cầu nguyện, mong muốn chúa “Giê sùa” về phù hộ, dẫn dắt để có được “Nhà nước Mông”.

Điện Biên là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh phía Tây Bắc của Tổ quốc, biên giới dài hơn 455km, tiếp giáp với Lào và Trung Quốc. Đặc biệt, ở địa phương này, người Mông chiếm số đông với hơn 38%, tiếp sau là người Thái chiếm hơn 35%. Người Kinh chỉ chiếm 17,3%. 

Với vị trí chiến lược, những năm qua, tỉnh Điện Biên luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn, nhiều dự án để giúp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, đời sống một bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn, cùng với đặc điểm tự nhiên của tỉnh nên những năm qua, các thế lực thù địch, phần tử xấu triệt để lợi dụng để kích động, tuyên truyền, lôi kéo nhân dân tham gia hoạt động ly khai, tự trị, tuyên truyền đạo trái pháp luật… 

Sau khi cơ quan chức năng giải tán vụ tụ tập đông người, phá rối an ninh ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (tháng 5/2011) và đập tan âm mưu phối hợp trong ngoài tiếp tục gây rối, gây bạo loạn lần 2 tại khu vực biên giới Việt-Trung (tháng 10/2012), tình hình hoạt động tuyên truyền, tập hợp lực lượng lập “Nhà nước Mông” tại địa bàn tỉnh Điện Biên tiếp tục có những diễn biến mới phức tạp, manh động. 

Người Mông chiếm số đông ở Điện Biên với hơn 38% dân số. 

Lôi kéo những người theo tà đạo “Giê sùa” để thành lập Nhà nước riêng

Trong bài viết trước, VOV đã đề cập 2 nhóm tà đạo xuất hiện ở Điện Biên từ năm 2015 với tên gọi “Giê sùa” và “Bà cô Dợ”, lôi kéo hơn 1500 người tham gia ở các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông… Bản chất là xuyên tạc Kinh thánh, lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo người tin theo “Nhà nước Mông” và nhiều lần gửi tiền tài trợ cho số đối tượng cầm đầu tại địa bàn với tổng số hơn 300 triệu đồng. 

Đáng chú ý, một số điểm nhóm theo “Giê sùa” đã công khai cầu nguyện, mong muốn chúa “Giê sùa” về phù hộ, dẫn dắt để có được “Nhà nước Mông”. Một số đối tượng đã công khai tuyên bố “Ở Mường Nhé hoạt động Nhà nước Mông không thành thì người Mông ở huyện Tuần Giáo sẽ làm, mọi người phải tin theo Giê sùa để lập Nhà nước Mông, ai làm lộ thông tin sẽ giết người đó”. Một số đối tượng cầm đầu hoạt động lập “Nhà nước Mông” đã chỉ đạo các đối tượng theo đạo “Giê sùa” thu thập các thông tin vu cáo chính quyền đàn áp, tiêu diệt người Mông với âm mưu gửi các tổ chức phản động ở bên ngoài nhờ can thiệp, giúp đỡ… làm cho tình hình an ninh trật tự trong vùng đồng bào Mông diễn biến rất phức tạp. 

Các đối tượng triệt để sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông, lỗ hổng trong quản lý sim trả trước, mạng internet, điều kiện địa hình, địa vật, vùng giáp biên, mối quan hệ dòng tộc, đồng tộc, niềm tin tôn giáo mù quáng và các tà đạo “Giê sùa”, “Bà cô Dợ” để tuyên truyền, tập hợp lực lượng tiếp tục gây bạo loạn tại địa bàn. Số đối tượng cầm đầu ở nước ngoài ráo riết xuyên tạc kinh thánh, triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội facebook… để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia hoạt động lập “Nhà nước Mông”; tài trợ tiền cho số cầm đầu trên địa bàn. 

Âm mưu lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” bất thành 

Đầu năm 2018, các cơ quan chức năng ở tỉnh Điện Biên phát hiện một số đối tượng trên địa bàn móc nối với một số đối tượng phản động ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái… và số đối tượng đã trốn ra nước ngoài nhen nhóm hoạt động trở lại. Số đối tượng này từng tham gia nhóm “7 cánh” do Tráng A Chớ ở xã Mường Toong, huyện Mường Nhé cầm đầu, hiện đang chấp hành án phạt tù về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Mục đích của tổ chức này là cướp đất, cướp chính quyền, thay thế chính quyền tại huyện Mường Nhé bằng một chính quyền riêng của người Mông, do người Mông làm chủ, có bộ máy, tổ chức riêng, có chữ viết, có con dấu, cờ, đồng tiền, lực lượng công an quân đội riêng của người Mông, có cương lĩnh riêng.

Xét xử những đối tượng âm mưu lập "Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông". Ảnh: Vũ Lợi/VOV- Tây Bắc 

Chúng đã nhiều lần họp bàn thống nhất cách thức hoạt động, xây dựng “cương lĩnh”, “điều lệ”, vẽ mẫu “cờ”, đúc “sao”, “dấu”, “trang phục”, vũ khí, phương tiện phục vụ hoạt động lập “Nhà nước Mông”… với âm mưu gây bạo loạn vũ trang, lật đổ chính quyền nhân dân huyện Mường Nhé, lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” và gửi đơn đề nghị Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế công nhận. 

Âm mưu của chúng là gây bạo loạn vũ trang, đánh chiếm huyện Mường Nhé, lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” từ đó mở rộng ra các địa bàn khác trong và ngoài tỉnh. “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” gồm 4 cấp : Trung ương- cấp tỉnh- cấp huyện- cấp bản, sau đó mở rộng ra các tỉnh Tây Bắc. 

Đầu tháng 3/2019, các đối tượng tụ tập về huyện Mường Nhé để thực hiện chủ trương bắt cóc, thủ tiêu cán bộ nhằm gây tiếng vang, đưa yêu sách với chính quyền.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, kiên quyết đấu tranh, trấn áp những phần tử phản động… một chuyên án đã được thành lập, phối kết hợp từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu, sự phức tạp của địa hình tại khu vực biên giới Việt- Lào, sự manh động, liều lĩnh của các đối tượng… Cuối cùng, âm mưu lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” đã bị vô hiệu hóa. 

Thu giữ trang phục “công an Mông”, “bộ đội Mông”và nhiều tài liệu khác 

Kết quả đã bắt giữ được 15/20 đối tượng cầm đầu, cốt cán; vận động 8 đối tượng ra đầu thú, xác minh làm rõ, triệu tập đấu tranh vô hiệu hóa 28 đối tượng liên quan, thu giữ 400 triệu đồng, 1 tập tài liệu (49 trang) chữ Mông Latinh có hình quân hàm, quốc huy, sao, cương lĩnh, điều lệ, 3 súng tự chế, 155 viên đạn, 17 sao “7 cánh” bằng kim loại, 22 chiếc áo, 14 chiếc quần trang phục “công an Mông”, “bộ đội Mông”và nhiều tài liệu khác. 


Tang vật thu giữ trong vụ án âm mưu thành lập "Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông"

Căn cứ kết quả đấu tranh, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, khởi tố, bắt tạm giam 15 bị can và khởi tố, ra quyết định truy nã đối với 5 bị can đang lẩn trốn. 

Với 5 đối tượng lẩn trốn, tổ công tác đã khắc phục khó khăn, không quản ngại nắng mưa, đêm tối liên tục luồn rừng, trèo đèo, lội suối để lần theo dấu vết, truy bắt các đối tượng tại biên giới Việt-Lào thuộc các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ của Điện Biên và tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu; huyện Phong Sa Ly, tỉnh Phong Sa Ly của Lào khiến các đối tượng liên tục phải tìm cách thay đổi nơi lẩn trốn. 

Cuối tháng 12/2019, ngay khi phát hiện 5 đối tượng này đang lần trốn, móc nối với số đối tượng phản động ở tỉnh Lai Châu tổ chức tuyên truyền, lôi kéo người tụ tập về bản Giàng Ly Cha, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè để gây bạo loạn, lập “Nhà nước Mông”, các đơn vị chức năng đã phối hợp giải tán vụ tụ tập, đồng thời triển khai các tổ công tác trên các tuyến đường dọc tuyến gianh giới giữa tỉnh Điện Biên với tỉnh Lai Châu để nắm tình hình, ngăn chặn không để người ở địa bàn kéo sang tỉnh Lai Châu tụ tập.

Đến ngày 3/1/2020, các lực lượng chức năng đã giải quyết xong vụ tụ tập, bắt giữ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu cốt cán, trong đó có 4/5 đối tượng truy nã, thu giữ được 5 con dấu phục vụ hoạt động lập “Nhà nước Mông” mà nhóm này đang cất giấu tại xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé.

TAND tỉnh Điện Biên xét xử công khai 14 bị cáo vì có các hoạt động tuyên truyền, chống phá Nhà nước xảy ra tại huyện Mường Nhé. Ảnh: Vũ Lợi/VOV- Tây Bắc

Tháng 3 năm 2020, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã đưa ra xét xử công khai 14 bị cáo vì có các hoạt động tuyên truyền, chống phá Nhà nước xảy ra tại huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). 

Theo nhận định của Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên, Chủ tọa phiên tòa Phạm Văn Nam, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến chế độ chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được hiến pháp quy định và đủ các yếu tố cấu thành tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và tội “Che giấu tội phạm” theo quy định tại các Điều 109, Điều 88, Điều 389 Bộ Luật hình sự. 

Kết thúc phiên tòa, Sùng A Sính, Lầu A Lềnh với vai trò chủ mưu cầm đầu, là người khởi xướng việc lập nhà nước Mông và trực tiếp soạn thảo điều lệ, cương lĩnh, mô hình tổ chức, đúc sao hàm… chịu mức án chung thân. 12 bị cáo còn lại chịu mức án từ 24 tháng đến 20 năm tù giam./. 

Quốc Phong/VOV.VN

14 nhận xét:

  1. Điểm mà để các đối tượng nhắm vào đó chính là dân trí thấp, sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc; vùng này có đặc điểm là số lương người dân tộc thiểu số chiếm rất cao , đặc biệt còn là người dân theo đạo vì vậy sẽ tạo điều kiện để các đối tượng tung ra các chiêu trò, đưa ra các tà đạo để nhằm lừa người dân, khiến người dân càng thêm tin vào Chúa một cách mù quáng

    Trả lờiXóa
  2. Vì dân họ nghèo, lại chẳng được đi học nên tầm hiểu biết của hộ kém. Họ chẳng phân biệt được tốt xấu đâu, tự dưng được một nhóm cho tiền, rồi nói là đó là chúa cho thì dĩ nhiên họ tin rồi. Có lẽ ta cần đẩy mạnh công tác nắm tình hình, cho các cán bộ xuống gần dân hơn. Có gần gũi thì nói về cái đúng họ mới nghe, và họ mới hiểu những chính sách của Đảng và Nhà nước ta dành cho họ là tốt nhất

    Trả lờiXóa
  3. Cái gì cũng do nghèo và thiếu thốn mà ra. Rõ ràng là họ nghèo nhưng dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân ở vùng đó họ càng bảo thủ cố chấp. Trong tâm niệm của họ đã có chúa thì họ sẽ tự cho rằng chúa sẽ ban cho họ tất cả. rồi dân đến việc con em cũng không được cha mẹ cho đi học, rồi nghèo vẫn hoàn nghèo, vẫn là một vòng luẩn quẩn mãi chẳng thể thoát ra. Thật tội!

    Trả lờiXóa
  4. Vì hiểu rõ bản chất thiếu hiểu biết và nghèo đói của dân nên các đối tượng đã nhắm vào. Chu cấp cho người dân lợi ích cơ bản nhất đấy là kinh tế, từ đó người dân sinh ra "ảo tưởng " về chúa và nghe răm rắp những lời mà cách đối tượng reo vào tai. nắm địa bàn thường xuyên và gần gũi dân chính là công tác cần ưu tiên hàng đầu đối với người dân vùng này

    Trả lờiXóa
  5. Không phải bây giờ mà nhiều năm trước Điện Biên luôn là điểm nóng về không chỉ ma túy, buôn người trái phép, vượt biên mà còn là "đất thánh" để các thế lực thù địch lợi dụng triệt để nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Những đối tượng mà chúng lợi dụng chủ yếu là những đồng bào dân tộc ít người, dân trí thấp, bị mê hoặc dụ dỗ. Đúng như C.mác nói :"Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân". Chính thứ độc hại này đã mê hoặc lôi kéo được bà con, hình thành một lực lượng nhằm đối kháng lại với nhà nước. Nếu không có một biện pháp kịp thời, xử lý nhanh gọn thì rất nhiều vấn đề sẽ bùng nổ lên, đói nghèo vẫn đói nghèo, loạn lạc thêm phần loạn lạc.

    Trả lờiXóa
  6. Việc sử dụng những chiêu bài lợi dụng sự hạn chế về hiểu biết của bà con, nhằm kích động lợi dụng gây mất đoàn kế chia rẽ các dân tộc anh em vốn không xa lạ gì đối với địa bàn như Điện Biên mấy năm đổ lại đây. Không phải ngẫu nhiên mà TW, địa phương lại chú ý đặc biệt tới Điện Biên một nơi có địa chính trị quan trọng của cả nước. Muốn giải quyết vấn đề tà đạo này không có gì khác ngoài việc nâng cao ý thức nhân dân, tuyên truyền giúp họ hiểu và tác hại của loại tà đạo này. Có như thế mới có thể trừ khử được những tà đạo này xâm nhập vào nhân dân.

    Trả lờiXóa
  7. Với các khu vực vùng sâu vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ hiểu biết chưa cao là điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng kích động tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, chống đối chính quyền, gây rối an ninh trật tự chính vì vậy tại các khu vực này cần chú ý tới công tác dân vận, vận động nhân dân tuân thủ pháp luật, đấu tranh ngăn chặn hoạt động đạo lạ xâm nhập, các đối tượng xấu kích động người dân.

    Trả lờiXóa
  8. Do sự hiểu biết có hạn chính vì vậy các đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng núi khó khăn trở thành mục tiêu của các đối tượng chống phá đất nước kích động, tham gia vào các đạo lạ, dùng thần quyền giáo lý, niềm tin để kích động bạo loạn gây rối, chống đối chính quyền. Đây là những âm mưu hết sức thâm độc và nguy hiểm chính vì vậy mỗi người cán bộ cần sâu sát nhân dân, vận động nhân dân tuân thủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

    Trả lờiXóa
  9. Bọn này đúng là tào lao cực kì ý, Nhà nước Mông thế cũng tin mà đi theo, dân trí thấp là vậy luôn bị các thế lực thù địch nước ngoài tiếp cận, lôi kéo, lợi dùng để ly khai dân tộc, kích động nổi dậy gây mất an ninh trật tự vùng biên giới. Chúng ta không xử lý rứt điểm thì sẽ còn có hậu họa về sau.

    Trả lờiXóa
  10. Rõ ràng đồng bào Mông bị lừa phỉnh. Họ được rỉ tai là đến đây đón nhận sự xuất hiện của thế lực siêu nhiên. Con người sẽ được tới miền đất hứa - nơi có sự giàu sang, ấm no và hạnh phúc. Nhưng đến nơi thì luận điệu bỗng quay ngoắt 180 độ.THế mà cũng tin được trơi ơi, làm sao để nâng cao dân trí vùng này đây. Thử thách khó khăn nhất là làm cho người dân hiểu.

    Trả lờiXóa
  11. Sau năm 2011, mặc dù chính quyền ta đã tập trung trấn áp, bóc dỡ, xử lý, tuy nhiên vấn đề tuyên truyền, hoạt động hình thành “nhà nước Mông” gần đây có xu hướng phức tạp trở lại.
    Vấn đề tuyên truyền, thành lập “nhà nước Mông” trên địa bàn các tỉnh vùng cao, đặc biệt tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên manh nha xuất hiện từ những năm 2003, 2004, sau đó nhanh chóng lan rộng ra toàn huyện.Tư tưởng ly khai, tự trị được các đối tượng phản động trong dân tộc Mông ở nước ngoài tuyên truyền vào địa bàn thông qua một số đối tượng cốt cán để tuyên truyền, vận động, tập hợp lực lượng, hành động trong người Mông.

    Trả lờiXóa
  12. Khôn như ba que mà lần Đông Tiến nào cũng bị xích ko còn 1 mống. Mấy chú này thì làm ăn được gì với An Ninh Việt Nam mà gáy! Hoặc cũng có thể bú rượu nhiều nên làm liều, mấy a dân tộc chắc say rượu táo mèo rồi chứ "Chúng Tao có biết cái gì đâu". Và bản án thích đáng dành cho những kẻ thích "tự trị" ngông cuồng đã được đưa ra!

    Trả lờiXóa
  13. Điện Biên là một tỉnh biên giới có nhiều vấn đề chính trị xã hội phức tạp, đặc biệt đó cũng là nơi mà các thế lực thù địch lợi dụng ván đề dân tộc tôn giáo với âm mưu lật độ chính quyền, vậy nên trong thời gian tới cần có biện pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời các hoạt động của chúng

    Trả lờiXóa
  14. Phần lớn việc hình thành các tà đạo là mầm nhằm mục đích thành lập nhà nước tự trị mới, đa số người dân tộc thiếu số ở trên Điện Biên nhận thức của họ còn kém, khó phân biệt được tốt xấu việc bị lôi kéo vào các tổ chức như này là điều có thể đoán trước được, vậy nên chúng ta cần làm tốt công tác vận động quần chúng két hợp với các biện pháp khác để họ không đi theo con đường tội lỗi

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog