(VTC News) - Căng thẳng ở Biển Đông buộc nhiều nước phải chọn bên, nhưng Việt Nam kiên định với cuộc chiến pháp lý, thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật Biển 1982.
Những động thái ngày càng quá đà của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như ở các khu vực khác đang khiến cả thế giới cảnh giác, cảnh tỉnh và đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ. Không còn đứng ngoài “cuộc chiến công hàm” nữa, các quốc gia có liên quan ở Biển Đông đều đã và đang sử dụng công hàm như một tuyên bố pháp lý của mình trước các yêu sách phi lý của Trung Quốc.
Người lính và lực lượng Hải quân Việt Nam anh hùng luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bảo về lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: Hoàng Trường - Báo Thế giới và Việt Nam)
Việt Nam, bên cạnh việc sử dụng công hàm gửi Liên hợp quốc để phản đối yêu sách của Trung Quốc trong từng trường hợp cụ thể, đã có những bước đi khác – sâu hơn vào hệ thống luật pháp quốc tế - để gia tăng không chỉ tiếng nói mà còn là vị thế của đất nước trên các diễn đàn pháp lý thế giới.
Ngày 27/7, Việt Nam chính thức đề cử 4 hòa giải viên và 4 trọng tài viên theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Danh sách đề cử nhanh chóng được công bố chính thức trên trang thông tin của Liên hợp quốc về điều ước quốc tế (United Nations Treaty Collection). Theo đó, Việt Nam là nước thứ tư ở ASEAN đề cử chuyên gia của mình vào danh sách trọng tài viên, hòa giải viên theo UNCLOS, sau Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Trong số 46 quốc gia có trọng tài viên và hòa giải viên, số lượng thành viên đến từ châu Á khá khiêm tốn. Tuy nhiên, con số đang ngày càng được bổ sung. Và việc Việt Nam có mặt trong danh sách các quốc gia này cho thấy, nước ta đang có những tính toán kỹ lưỡng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của đất nước theo hướng đi dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế.
Điều này cho thấy "Việt Nam đang dần hội nhập với quốc tế, chứng minh Việt Nam hoàn toàn có các chuyên gia hàng đầu về luật biển quốc tế", chuyên gia Hoàng Việt - nhà nghiên cứu Biển Đông (đến từ Đại học Luật TP. HCM) - nhận định.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (thứ ba từ trái qua) cùng các chuyên gia được đề cử vào danh sách trọng tài viên và hòa giải viên theo UNCLOS 1982 hôm 27/7/2020. (Ảnh: Báo Thế Giới &Việt Nam)
Theo ông Hoàng Việt, việc UNCLOS 1982 mở thêm chi nhánh ở Singapore tạo cơ hội cho Việt Nam giới thiệu những nhân vật có khả năng tham gia vào cơ quan quốc tế này. Hầu hết trong số 8 người được đề cử đều được đào tạo ở nước ngoài, có kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý và đa phần từng công tác trong Bộ Ngoại giao.
“Trước đây, trong thời gian dài, chúng ta chưa chú ý đến việc này”, chuyên gia Hoàng Việt cho hay.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ còn cần phải cử thêm chuyên gia vào các cơ quan tài phán khác của UNCLOS 1982.
“Việc Việt Nam đưa ra danh sách đề cử chứng minh một điều: Việt Nam đang hội nhập với quốc tế. Việt Nam cũng cần phải tính đến việc đưa người vào các cơ quan quốc tế, cơ quan tài phán như vậy trong thời gian tới. Một mặt là để Việt Nam dần hội nhập với quốc tế, mặt khác là để chứng tỏ người Việt Nam có thể tham gia được nhiều vấn đề, có nhân lực được đào tạo bài bản”, ông Hoàng Việt bình luận.
Đồng thời, việc Việt Nam mời, đề cử chuyên gia nước ngoài - GS Robert Beckman (Giám đốc Chương trình Luật và chính sách đại dương, Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore), cho thấy sự khách quan của Việt Nam, sẵn sàng giới thiệu những chuyên gia, học giả uy tín vào các tổ chức quốc tế.
Việt Nam không nên chỉ có trọng tài viên và hòa giải viên. Bước đi tiếp theo nên là cử thẩm phán theo UNCLOS. Từng bước, Việt Nam sẽ thể hiện được vai trò của mình có nhiều đóng góp pháp lý trong đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Chia sẻ với VTC News, Tiến sĩ Hosoda Takashi, chuyên gia an ninh châu Á tại Đại học Charles (CH Séc) nhận định, “Tôi đánh giá cao bước đầu tiên của Việt Nam để củng cố sự hiện diện của quốc gia trong lĩnh vực pháp lý. Sự đóng góp về mặt pháp lý này rất quan trọng để nâng cao uy tín của Việt Nam trên thế giới và là nền tảng để Việt Nam hướng đến các mục tiêu như đề cử các thẩm phán cho ITLOS, ICJ hoặc PCA”.
Theo ông Hosoda Takashi: "Đây là bước quan trọng, cần thiết để chống lại “Tam chiến pháp” (thuyết “Ba cuộc chiến”) mà Trung Quốc đã vạch ra, gồm chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý. Để bảo đảm chủ quyền và lợi ích quốc gia, Việt Nam nên áp dụng chiến tranh đối xứng, chống lại cách tiếp cận của Bắc Kinh với các biện pháp tương tự”.
Đồng thuận quan điểm với Tiến sĩ Hosoda Takashi, ông Gregory Poling - Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, nhận định, việc các nước có tranh chấp ở khu vực đẩy mạnh cuộc chiến pháp lý chống lại Trung Quốc là tín hiệu tích cực, cho thấy tính thượng tôn pháp luật của chính các nước này.
Đồng thời, việc ngày càng nhiều hơn vai trò của luật gia châu Á cho thấy tính độc lập và hòa nhập của các nước châu Á. “Việc ngày càng nhiều hơn vai trò của luật gia châu Á ở các tổ chức luật quốc tế là một lợi thế, giúp khẳng định tính độc lập và hòa nhập của các nước châu Á”, ông Gregory Poling nói.
Theo ông Hosoda Takashi, Việt Nam nên đặt mục tiêu trung hạn là đề cử thẩm phán cho các tổ chức quốc tế này. “Trong bối cảnh Bắc Kinh đã đầu tư bồi dưỡng các luật sư quốc tế ưu tú để bảo vệ lợi ích quốc gia và đảm nhiệm các chức vụ quan trọng tại các tổ chức quốc tế như Tòa án luật biển quốc tế (ITLOS), Tòa án công lý quốc tế (ICJ), hay Tòa án thường trực (PCA), Việt Nam cần nâng cao năng lực các luật sư tương lai nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia”, ông Hosoda Takashi chia sẻ.
Có các chuyên gia luật pháp quốc tế tại Tòa trọng tài Liên hợp quốc là bước đi chậm mà chắc trong cuộc chiến pháp lý của Việt Nam trước các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có các chính sách đối ngoại nhất quán, kiên định để bảo vệ quyền chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp ASEAN + 3 lần thứ 21 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, ngày 09/09/2020. (Ảnh: Vietnamplus)
Tại các diễn đàn đa phương, nơi Việt Nam là thành viên, các tuyên bố ngoại giao của đất nước luôn gắn liền với sự thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật Biển 1982.
Đầu tiên, phải kể đến các diễn đàn do ASEAN tổ chức trong năm Việt Nam là Chủ tịch – năm 2020.
“Đối với năm Việt Nam chủ tịch ASEAN thì đó là thành công”, ông Trần Khánh, Nguyên Tổng Biên tập tạp chí Đông Nam Á nhận định về việc các nước ASEAN nhất trí giải quyết vấn đề Biển Đông theo UNCLOS 1982 tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao (AMM 53) được tổ chức vào đầu tháng 9 vừa qua tại Hà Nội.
“Việt Nam đã đưa những từ ngữ nhấn mạnh vai trò của UNCLOS vào các tuyên bố sau các cuộc gặp ASEAN khác, và tuyên bố chung của AMM lần này thể hiện sự tiếp tục của bước đột phá đó. Tôi nghĩ điều nổi bật là ASEAN đang kiên định với lập trường vững chắc hơn này, bất chấp áp lực có thể đến từ phía Bắc Kinh”, ông Ibrahim Almuttaqi, chuyên gia chương trình nghiên cứu ASEAN, trung tâm Habibie, Indonesia cũng đưa nhận định tương tự khi trao đổi cùng phóng viên VTC News.
Theo chuyên gia Indonesia, phần về Biển Đông trong tuyên bố chung về cơ bản giống với tuyên bố năm ngoái. Tuy nhiên, đã có một điểm khác biệt. Đó là sự thay đổi từ “theo luật pháp quốc tế” thành “theo những nguyên tắc đã được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế”.
“Dường như ASEAN đang muốn nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của luật pháp quốc tế ở đây”, ông nhận định.
Tiến sĩ Hosoda Takashi cũng tin rằng, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của mình, Việt Nam sẽ cải thiện hơn nữa sức mạnh pháp lý của luật Biển được đưa vào các tuyên bố của khối nói chung và của Việt Nam nói riêng. “Chúng ta có thể kỳ vọng Việt Nam có thể cải thiện các nỗ lực và biện pháp trong nước của mình trong các lĩnh vực này, với sự hỗ trợ của các đối tác bên ngoài như Nhật Bản, Australia, Mỹ và EU”, ông Hosoda Takashi nói.
Với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020, Việt Nam cũng đưa thông điệp thượng tôn pháp luật ở Biển Đông trong các phát biểu quan trọng của lãnh đạo đất nước.
Trong thông điệp gửi phiên thảo luận chung Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 25/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: “Chúng tôi khẳng định cam kết cùng các nước trong và ngoài khu vực duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; tuân thủ các nguyên tắc kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý”.
Các tuyên bố nhất quán của Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục được khẳng định lại bên cạnh các hành động pháp lý vững chắc, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật quốc tế, không để bất cứ bên nào, bao gồm cả Trung Quốc, có quyền lấn át trong quan hệ song phương và đa phương trên trường quốc tế.
Chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam còn thể hiện ở việc đất nước không lựa chọn bên trong các mối quan hệ với các nước trên thế giới.
Bình luận về việc “chọn bên” này, TS Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam nhận định, nước ta có lịch sử trải qua nhiều cuộc chiến tranh, bị ảnh hưởng rất lớn từ mối quan hệ giữa các nước lớn. Vì thế, Việt Nam có nhiều bài học xử lý trong quan hệ nước lớn. Một trong những bài học đó là phải đa phương, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế. Việt Nam phải có chính sách đối ngoại độc lập, tránh bị lệ thuộc vào quốc gia nào. Chính sách này hiện vẫn đang được Việt Nam thực thi.
Việt Nam không chọn bên trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở khu vực. Việt Nam cương quyết bảo vệ quyền chủ quyền của mình ở Biển Đông và sử dụng các phương pháp ngoại giao và luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền chủ quyền của mình trên Biển, đặc biệt theo UNCLOS 1982.
“Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ở khu vực ngày càng tăng, Việt Nam cần tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ hội để đảm bảo lợi ích quốc gia của mình. Trong chính sách, Việt Nam không chọn phe, cân bằng trong quan hệ nước lớn, không nghiêng về bên nào. Ngoài ra, Việt Nam cũng tập trung phát triển kinh tế, xem đây là trọng tâm ưu tiên”, TS Phạm Cao Cường nói.
Theo ông Cường, trong cuộc chiến pháp lý hiện nay, Việt Nam có rất nhiều cơ sở, lợi thế khi đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bởi nước ta có chủ quyền đối với các quần đảo, lãnh thổ trên biển đã được khẳng định trong lịch sử.
Bên cạnh đó, phán quyết Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016 khi bác yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam củng cố tuyên bố chủ quyền của mình cũng như có các biện pháp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển.
TS Cường cũng cho rằng, trước làn sóng chỉ trích, phản đối, bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông mạnh mẽ như hiện nay, không loại trừ khả năng các nước đưa nội dung phán quyết của tòa PCA vào các thỏa thuận về kinh tế trong tương lai. Tức là buộc phải Trung Quốc thực thi phán quyết của PCA thì mới được hưởng các ưu tiên về kinh tế.
Sự quyết đoán của Mỹ sẽ giúp các quốc gia yếu thế trong khu vực có cơ sở để tiếp tục củng cố quan điểm, chính sách về Biển Đông của mình. Bởi vì Washington là nước lớn nhất trong Liên hợp quốc, một khi có tiếng nói ủng hộ của Mỹ, Trung Quốc sẽ khó phản bác.
“Đấy là lợi thế cho cuộc chiến pháp lý của Việt Nam nếu biết tận dụng đúng mức có thể sẽ thành công, thậm chí Việt Nam có thể tính toán đến khả năng khởi kiện về vấn đề Biển Đông trong trường hợp các biện pháp ngoại giao không mang lại hiệu quả”, TS Phạm Cao Cường chia sẻ.
Câu chuyện chọn bên cũng được bàn luận bên lề Hội nghị AMM 53. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, các tuyên bố và phát ngôn của Việt Nam không chỉ đại diện cho khối, mà còn là tiếng nói của chính đất nước trước hiện trạng phân định cục diện đa phương hiện nay trên toàn cầu.
Các đoàn tàu đánh cá - một lực lượng giương oai của Trung Quốc trên các vùng biển quốc tế. (Ảnh: China Foto Press)
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ ASEAN, ông Vũ Hồ cho biết: “Vai trò trung tâm của ASEAN được thể hiện trên rất nhiều phương diện, không phải chỉ trong quan hệ đối ngoại… Vấn đề ‘chọn bên’, theo như chúng tôi đánh giá thì không hề được đặt ra bởi vì ASEAN giữ vai trò trung tâm và không có một trung tâm nào có thể chọn bên trong thời đại ngày nay.
Ở đây vai trò trung tâm của ASEAN chính là duy trì tinh thần độc lập, tự chủ, không để bị lôi kéo và cuốn vào những diễn biến phức tạp đang diễn ra trên thế giới; duy trì tinh thần của ASEAN từ năm 1967 khi thành lập đến nay, bảo đảm các đối tác tham gia hỗ trợ và ủng hộ ASEAN trong quá trình xây dựng hòa bình và duy trì ổn định trong khu vực”.
Với vị thế ngày càng lớn trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam tiếp tục chính sách đối ngoại nhất quán, không thiên về bất cứ bên nào, lựa chọn thượng tôn pháp luật làm kim chỉ nam để khẳng định và bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bằng sự kiên định đó, từng bước một, Việt Nam sẽ ngày càng củng cố năng lực pháp lý để tiếp tục tiến lên phía trước trong cuộc chiến pháp lý đang ngày càng cam go ở Biển Đông.
PHAN SƯƠNG - PHƯƠNG ANH
Việt Nam luôn lựa chọn pháp luật là tiên quyết, giải quyết các vấn đề trên cơ sở thượng tôn pháp luật, đảm bảo quyền lợi của mọi quốc gia. Việt Nam không theo phe nào cả vì như vậy sai với tôn chỉ từ trước đến nay và luôn xem sự tự chủ, độc lập, chủ quyền của mình là điều thiêng liêng nhất
Trả lờiXóaViệt Nam luôn giữ vững quan điểm của mình đó là tự cường tự lực tự chủ trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, và không theo phe nào cả và lựa chọn giải quyết vấn đề biển Đông trên cơ sở thượng tôn pháp luật quốc tế
Trả lờiXóa