Liên quan vụ Hồ Duy Hải, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức họp ủy ban và đang báo cáo kết quả nghiên cứu đến các cơ quan có thẩm quyền.
Vụ án Hồ Duy Hải đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, đã kéo dài qua nhiều năm, cử tri và dư luận rất quan tâm - Ảnh: Dân trí
Theo kết quả tập hợp giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 9 do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện, có 14 ý kiến cử tri quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải, gồm cử tri ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, An Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Bình Phước, Bình Dương và Long An.
Các ý kiến bày tỏ quan tâm đến phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đối với vụ án Hồ Duy Hải và đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp giám sát vụ án này, sớm thông tin cho cử tri biết quan điểm chính thức về vụ án.
Trả lời kiến nghị này, Ủy ban Tư pháp cho biết ngày 8/5, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải, quyết định giữ nguyên bản án phúc thẩm của tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM xử phạt tử hình bị cáo Hồ Duy Hải về tội "giết người" và tội "cướp tài sản".
Ủy ban Tư pháp thấy rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, đã kéo dài qua nhiều năm, được cử tri và dư luận quan tâm.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự đã báo cáo Quốc hội về vụ án này.
Để xem xét một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến vụ án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Tư pháp nghiên cứu. Ủy ban Tư pháp đã tổ chức họp ủy ban và đang báo cáo kết quả nghiên cứu đến các cơ quan có thẩm quyền.
Theo nội dung vụ án, tối 13/1/2008, Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi (Long An) chơi - nơi chị Hồng (23 tuổi) và em họ tên Vân (21 tuổi) làm việc. Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên sát hại cô và người em.
Ngày 1/12/2008, TAND tỉnh Long An tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về 2 tội giết người và cướp tài sản. Ngày 28/4/2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh bác kháng cáo, y án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Sau bản án tử hình, Hồ Duy Hải làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình. Tuy nhiên, ngày 24/5/2011, Chánh án TAND Tối cao có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm.
Sau đó, ngày 24/10/2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm. Ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
Đến ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không. Cùng ngày 4/12/2014, Hội đồng Thi hành án tử hình Long An ra quyết định hoãn thi hành án đối với Hồ Duy Hải.
Ngày 22/11/2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao ký ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình, để điều tra lại.
Cự Giải (T/h)
Vụ án Hồ Duy Hải đã gây ra bao nhiêu râm ran, hoài nghi trong dư luận, nhiều người đặt câu hỏi rằng vụ án này có án oan hay không? Hay có lỗ hổng nào trong có khâu tham gia tố tụng, khám nghiệm hiện trường, điều tra hay không? Tuy nhiên vụ án này đang được các cấp theo dõi đặc biệt và TAND đã tuyên HDH tử hình theo đúng luật định. Điều này đúng với pháp luật, và các cấp cần giải quyết nhanh để xử lý dứt điểm vụ việc này.
Trả lờiXóa