TCDN - Bộ Công an vừa phát đi thông tin cảnh báo tội phạm hoạt động lừa đảo dưới chiêu trò “khai thác kho báu”, “tiếp nhận di sản” với những khoản tiền rất lớn.
Ngày 20/11, Bộ Công an phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo núp bóng dưới các dự án khai thác “kho báu” tiền tỉ, đồng thời đề nghị người dân cũng như doanh nghiệp trong nước hết sức cảnh giác.
Cụ thể, Bộ Công an phát hiện Công ty cổ phần Quốc tế Hồ Tràm, Công ty cổ phần Di sản quốc tế Hồ Tràm, do Nguyễn Quốc Long, Lê Nguyên Thành (còn tự xưng là Chủ tịch Hội đoàn xử lý di sản quốc tế) là thành viên sáng lập, đại diện pháp luật (các đối tượng đã có tiền án, tiền sự); Công ty cổ phần CT Toàn cầu giác mạc 13579 do Văn Hùng Tính là Tổng giám đốc; Công ty cổ phần đầu tư Nam Hải Thái Bình Dương do Trần Minh Phương là Tổng giám đốc; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư PHM do Nguyễn Hoàng Ngân là Giám đốc; Công ty cổ phần Quốc tế An sinh toàn cầu phát; Công ty Đông Đô miền Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn tài chính toàn cầu DONA, do Trần Lê Thu Thảo làm đại diện pháp luật... Một số cá nhân có liên quan như Nguyễn Thị Thúy Chiêu, Lê Thị Thu Liễu, Lê Quang Ngọc, Lý Ngọc Thắng có dấu hiệu lừa đảo...
Các đối tượng thành lập các doanh nghiệp nhưng không có hoạt động sản xuất kinh doanh; tự xưng các tổ chức (không có cơ sở pháp lý), không đúng quy định của pháp luật; phần lớn các cá nhân tham gia vào hoạt động lừa đảo này đều có tiền án, tiền sự về tội lừa đảo, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, không có nghề nghiệp, nơi cư trú rõ ràng.
Qua xác minh, đa phần các đối tượng đều không có mặt tại nơi cư trú theo địa chỉ trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Các cá nhân, doanh nghiệp này đã nhiều lần trực tiếp hoặc thông qua các doanh nghiệp trong nước lập các bộ hồ sơ gửi tới các cơ quan T.Ư đề nghị xem xét, giải quyết cho tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khai thác “kho báu”...
Theo Bộ Công an, các hoạt động mang dấu hiệu lừa đảo nêu trên từng bị bị công an các địa phương khởi tố, điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc phối hợp với các ban, ngành để xử lý theo quy định của pháp luật (thu hồi giấy phép), yêu cầu viết cam kết không thực hiện các hoạt động tương tự.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các cá nhân, doanh nghiệp nêu trên vẫn tiếp tục hoạt động, lập và sử dụng nhiều pháp nhân mới, tự xưng là người của các tổ chức mới (không có thật) như “Tổ chức hậu cần mật”, “Di sản Triều Nguyễn”, “Hội đoàn xử lý di sản tài chính thế giới”, “Tập đoàn JESC”... để soạn thảo các “tờ trình”, “thông báo” và “đề nghị” gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương đề xuất xin được “khai thác kho báu”, “tiếp nhận di sản”; chào mời các cá nhân, doanh nghiệp hợp tác đầu tư, góp vốn, gây thiệt hại kinh tế cho các cá nhân, doanh nghiệp và làm ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan nhà nước khi liên tục phải tiếp nhận, xử lý các hồ sơ “không có thật” do các đối tượng gửi đến.
Bộ Công an nhận định hành vi này gây thiệt hại kinh tế cho các cá nhân, doanh nghiệp và làm ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan Nhà nước khi liên tục phải tiếp nhận, xử lý các hồ sơ “không có thật” do các đối tượng gửi đến.
PV (t/h)
Đúng là càng ngày thì các chiêu trò lừa đảo của các đối tượng càng tinh vi và xảo quyệt, chúng không từ thủ đoạn nào để có thể đạt được mục đích và dã tâm của mình. Nếu mỗi người chỉ cần mất cảnh giác và nhẹ dạ cả tin là đã trở thành miếng mồi ngon cho lũ phạm tội, vậy nên hãy thật sự minh bạc, rõ ràng và tìm hiểu kĩ ngọn ngành trước khi quyết định tham gia hay tiến hành hoạt động kinh tế nào đó.
Trả lờiXóa