Hai bộ trưởng Công thương và Tài nguyên – môi trường đưa ra những thông tin về quản lý an toàn hồ đập, vận hành với các nhà máy thủy điện, đồng thời khẳng định sẽ rà soát và đánh giá kỹ tác động kinh tế – xã hội tới môi trường.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng quản lý an toàn hồ đập được thực hiện đúng quy định.
Dành phần lớn thời gian phát biểu để thông tin về việc vận hành an toàn hồ đập, thủy điện tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội ngày 2-11, bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay cả nước có 429 công trình thủy điện, chiếm 86% dung tích hồ chứa nước.
Hiện đã có đầy đủ quy định quản lý về an toàn hồ đập thủy điện. Cụ thể, có 401/401 các đập báo cáo hiện trạng an toàn đập, thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập; được phê duyệt về phương án ứng phó thiên tai, phối hợp phòng chống bão lũ; có 376/401 đập chủ đập thực hiện theo đúng quy định về quy trình vận hành hồ chứa.
Bộ Công thương cũng thường xuyên kiểm tra an toàn hồ, đập thủy điện, cơ bản đều đảm bảo an toàn, thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định.
“Thông tin ngập lụt là cách viết truyền thông”
“Một số thông tin hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt, đấy là cách viết thông tin trên truyền thông. Thực tế, qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn, như hồ thủy điện Đắc Mi 4 có thời điểm nước về hồ lên tới 17.000m3/giây, nhờ khả năng điều tiết, chứa nước đã cắt lũ đến tới 55%, không thì ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu”, ông Tuấn Anh dẫn chứng.
Cũng tại thảo luận tổ, bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Trần Hồng Hà cho rằng nguyên nhân sạt lở được kích hoạt chính là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục. Đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở.
“Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày là đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài”, ông Hà cho hay.
Do đó, tới đây với những dạng tai biến thiên tai cực đoan, cần các nhà khoa học đánh giá kỹ hơn đối với địa chất mỗi khu vực khi phát triển các công trình hạ tầng để có thể đối phó và đưa ra những giải pháp phòng ngừa, ông Trần Hồng Hà nhận định.
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng mưa lớn kéo dài kích hoạt gây sạt lở – Ảnh: N.KH
Nghiên cứu kỹ lưỡng biến đổi địa chất, làm thủy điện và phát triển rừng
Nhấn mạnh đến tính dị thường và cực đoan của thời tiết, bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho hay tại miền Trung có khu vực lưu lượng mưa đạt đến đỉnh 2.000m, thậm chí 3.000m, dẫn tới địa chất yếu gây nên sạt lở đất.
Tuy vậy, ông Trần Tuấn Anh cũng nhìn nhận cần phải đánh giá kỹ lưỡng tác động của hoạt động kinh tế xã hội, dân sinh ảnh hưởng tới môi trường, bao gồm các công trình thủy điện, giao thông…
Đối với thuỷ điện, bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị hiện nay các nguồn tiềm năng lớn đã được khai thác hết, nên tới đây cần có những chính sách chặt chẽ để lựa chọn phát triển thuỷ điện một cách phù hợp và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường cũng khẳng định sẽ đánh giá nghiêm túc vấn đề phát triển rừng.
Mặc dù tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng so với các khu vực và trên thế giới, nhưng cần xem xét lại cơ cấu rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, tăng độ che phủ và chú ý chất lượng rừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét