(BVPL) - Chiều 9/11, tại hội trường Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí và Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã cùng có phần trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát và Tòa án về thời hạn giải quyết vụ án dân sự, kinh doanh và thương mại.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Công Hồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đặt câu hỏi: Qua theo dõi, mặc dù theo quy định hiện hành thì thời hạn để giải quyết vụ án dân sự, kinh doanh thương mại nhanh nhất là 9 đến 10 tháng. Nhưng trên thực tế, vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, tiến độ không đạt được như vậy mà kéo dài hoặc có thể là rất dài. Xin đồng chí Viện trưởng, đồng chí Chánh án cho biết, các đồng chí có đồng ý với nhận định như vậy không? Nếu có thì theo các đồng chí trong thời gian tới, chúng ta phải làm gì để được cải thiện?
Phụ thuộc chính vào thời hạn cung cấp tài liệu, chứng cứ
Trả lời câu hỏi này, Viện trưởng Lê Minh Trí chia sẻ, vụ việc mà kéo dài thời hạn giải quyết các vụ án, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại đang là một bức xúc trong đời sống xã hội hiện nay. Nhưng nó có những nguyên nhân khách quan, chủ quan và cách giải quyết, cơ chế giải quyết khác với một vụ án hình sự khi mà đương sự khởi kiện thì đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình.
Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, trường hợp cần thiết và có khó khăn, đương sự có thể yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập các tài liệu, chứng cứ đó. Các yêu cầu của các cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ thì không phải lúc nào các cơ quan, tổ chức cũng đáp ứng được thời hạn yêu cầu các tài liệu, chứng cứ.
Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh, theo luật định từ 4 tháng, thời hạn thụ lý giải quyết hoặc là có thể gia hạn thêm 2 tháng nữa mà nếu không có đủ tài liệu chứng cứ thì Tòa án sẽ quyết định tạm đình chỉ. Chính vì vậy, ở đây nguyên nhân chậm, một là chỗ cơ quan, tổ chức mà cung cấp tài liệu, chứng cứ và có liên quan đến khởi kiện này nếu người ta chậm thì Tòa án cũng không làm gì được. Khi đã tạm đình chỉ rồi thì Kiểm sát không tham gia tiếp mà dừng ở đó, chỉ khi nào Tòa án thụ lý tiếp thì lúc đó Kiểm sát mới tiếp tục tham gia.
“Chỗ này đặt ra là phải xem lại chế tài, trách nhiệm về việc cung cấp tài liệu với những tổ chức, cá nhân có liên quan, phải có thời hạn tương ứng, còn nếu mà không có thì đây là một nguyên nhân kéo dài” – Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định.
Viện trưởng Lê Minh Trí lấy dẫn chứng: “Tôi nói ví dụ, ngay cả vụ án hình sự, yêu cầu về giám định là có thời hạn nhưng cơ quan, cán bộ giám định không đáp ứng được thì điều tra sẽ quá hạn, lúc đó chúng ta cứ đổ thừa...”.
Viện trưởng VKSND tối cao trả lời thỏa đáng
Ngay sau phần trả lời, giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu nêu của Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu. Mở đầu phần phát biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Về câu hỏi của đại biểu Hồng, tôi thấy đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao đã trả lời như vậy là đủ”.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, vụ án dân sự khác vụ án hình sự. Vụ án hình sự trách nhiệm thu thập chứng cứ là của cơ quan nhà nước, tức là Cơ quan điều tra, là Viện kiểm sát và quy định của tố tụng hình sự rất chặt chẽ, bắt giam được mấy tháng, khởi tố được mấy tháng, nghiên cứu được mấy tháng…
Chánh án TAND tối cao phân tích, riêng đối với vụ án dân sự thì nguyên lý của dân sự là việc dân sự cốt ở đôi bên, cho nên các bên thu thập tài liệu và cung cấp tài liệu cho Tòa án, khi nào đủ thì Tòa án thụ lý. Thông thường 2 bên kiện nhau, đây là câu chuyện thực tiễn đã xảy ra, nếu như một bên cảm thấy thua rồi, bản thân một bên cũng cố tình kéo dài, không muốn ra Tòa án, tìm mọi cách để trì hoãn, không xuất hiện tại Tòa án thì Tòa án cũng chịu, không giải quyết được.
“Cho nên, câu chuyện có kéo dài vụ án dân sự, đây là một thực tế. Trách nhiệm cơ quan nhà nước, nếu như đủ hồ sơ và không làm thì việc này ít. Cái chính là cả 2 bên (2 bên dân sự kiện nhau - PV). Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao trả lời như thế tôi thấy thỏa đáng” – Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định và kết thúc phần giải trình của mình.
Vũ Cảnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét