Chia sẻ

Tre Làng

Nguyên nhân sạt lở đất khiến 22 người chết và mất tích ở Trà Leng

Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên vừa chỉ ra một số nguyên nhân chính gây sạt lở đất tại Trà Leng khiến 22 người chết và mất tích.

Ngày 4/11, trả lời VTC News, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên mới có báo cáo nhanh về nguyên nhân gây ra lũ quét, sạt lở đất tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My.

Đất đá từ trên núi trút xuống, tạo nên trận sạt lở kinh hoàng khiến 22 người chết và mất tích.

Từ các kết quả nghiên cứu của chuyên gia và khảo sạt thực địa tại hiện trường ngày 31/10, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên đưa ra nhận định ban đầu.

Đây là khu vực có tổ hợp rất nhiều bất lợi về địa hình dốc, phân cắt mạnh nên hình thành một khe suối hẹp hình chữ V, có độ dốc từ 30-45 độ; 2 vách bên khe suối có cấu tạo nền đất bở rời, nằm trên nền đá gốc nên dễ gây sạt trượt.

Ngoài ra, từ ngày 6 đến 22/10, mưa kéo dài, đất bị bão hòa hết và khi gặp trận mưa lớn ngày 27-28/10 (bão số 9) với gần 180mm thì đất như một khối bùn lỏng, sạt lở lao nhanh xuống phía dưới tạo ra trận lũ quét kéo theo đất đá, cây cối chắn ngang cống thoát nước dẫn tới dòng bùn đá đã chuyển hướng sang bờ phải lao vào khu dân cư, cuốn đi tất cả trên đường đi của nó, tạo ra thảm họa sạt lở.

Bên cạnh đó, việc dự báo lũ quét, sạt lở đất rất khó, chỉ có thể cảnh báo, xác định được các vùng điểm có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên để dự báo chính xác thời điểm xảy ra là không thể.

Song song với việc chỉ ra nguyên nhân ban đầu dẫn tới thảm họa sạt lở ở Trà Leng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên cũng đưa ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài.

Ngay trong mùa mưa bão này, đặc biệt có bão số 10 đang chuẩn bị đổ bộ, gây mưa lớn thì nguy cơ sạt lở đất càng nghiêm trọng. Vì vậy, địa phương cần rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và theo dõi dự báo mưa của Đài Khí tượng Thủy văn để di dời dân đến nơi an toàn.

Trong khi đó, người dân cần chủ động quan sát, khi thấy các dấu hiệu bất thường như: Nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu..., phải báo cáo ngay chính quyền.

Đến thời điểm hiện tại, 14 nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở vẫn chưa được tìm thấy.

Về giải pháp lâu dài, địa phương cần xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất tới cấp huyện tỷ lệ 1/5.000 và cấp xã tỷ lệ 1/1.000 - 1/2.000. Ngoài ra, địa phương cũng cần tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết về phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở đất nói riêng; Rà soát, quy hoạch, bố trí lại khu dân cư, cơ sở hạ tầng...an toàn trước thiên tai.

Giải pháp được đề cập nữa là phải xây dựng hệ thống cảnh báo sạt lở đất tại các khu vực dân cư có nguy cơ cao.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị địa phương cần tăng mật độ trạm đo mưa tự động để nâng cao công tác cảnh báo chính xác hơn; Cần rà soát và đánh giá để đưa ra tỷ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên cũng như phương thức khai thác hợp lý để nâng cao chất lượng thảm phủ rừng nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ gia tăng lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét.

Thanh Ba/VTC News

11 nhận xét:

  1. Sự việc vừa rồi ở Trà Leng rất đau lòng, ta thấy đấy thiên tai, bão lũ, dịch bệnh là những thứ đe dọa trực tiếp đến con người và của cải. Nếu không có sự phòng ngừa, dự báo, cũng như và khuyến cáo của cơ quan chức năng tôi e điều tồi tệ sẽ xảy ra nữa. Chưa nói đến thương vong, mất mát...sự việc đau lòng này là một bài học cho cả hệ thống chính trị, hãy quan tâm đến việc tái tạo rừng cũng như khuyến cáo hơn nữa rủi ro do thiên tai

    Trả lờiXóa
  2. Thật là thương xót cho những người dân ở Trà Leng. Qua sự việc cũng là bài học cho người dân sống quanh khu vực đồi núi cần phải chủ động hơn trong việc phòng ngừa các hiện tượng thiên nhiên, chủ động di chuyển tới khu vực an toàn khi thời tiết mưa lũ kéo dài, khi các điều kiện che chắn không đảm bảo để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc xảy ra.

    Trả lờiXóa
  3. Thời tiết bão lũ năm nay đã cướp đi của người dân ta quá nhiều, vẫn biết thiên tai khó biết được nhưng chủ động phòng ngừa giúp giảm thiểu những bất ngờ ngoài ý muốn xảy ra. Đồng thời chính quyền tại địa phương cần tăng cường giúp người dân ổn định nơi cư trú, tránh sinh sống khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tăng cường các hoạt động dự báo tình hình, sơ tán người dân khi cần thiết.

    Trả lờiXóa
  4. Đau thương nối tiếp đau thương... Khoảng thời gian này quả là mất mát cho đất nước ta cả về sức người và của cải. Thế mới biết, dải đất chữ S "rừng vàng biển bạc" nhưng cũng lắm thiên tai bão lũ phải gánh gồng. Thương lắm Việt Nam ơi. Mong rằng bà con miền Trung sẽ kiên cường chống lũ đến cùng như cách chúng ta đã chiến thắng đại dịch Covid 19

    Trả lờiXóa
  5. Chúng ta cũng phải thẳng thắn nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan là do con người, chúng ta đã tàn phá quá nhiều rừng tự nhiên, can thiệp thô bạo vào thiên nhiên đẫn đến con người phải trả giá đắt cho việc này.

    Trả lờiXóa
  6. Nhìn thấy mưa bão gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân đã đau lòng. Nhìn thấy cảnh người dân thiệt mạng , chôn thân dưới đám bùn đất đó lại càng cảm thấy đau lòng hơn. Thiên nhiên thực sự đã quá khắc nghiệt với đồng bào ta, thực sự chỉ mong tình hình mưa bão chấm dứt càng sớm càng tốt để không còn tiếp tục phải nhìn thấy những cảnh tượng đáng buồn này

    Trả lờiXóa
  7. Mong là các đài quan sát sẽ tăng cường đo để có thể theo dõi một cách chính xác lượng mưa để kịp thời đưa ra cảnh báo. Đối với các vùng mà có những vị trí nguy hiểm thì nên là có những phương án để sơ tán nhân dân trước khi mưa lũ tới để chẳng may có những chuyện như sạt lở xảy ra thì có ảnh hưởng đến tài sản cũng không ảnh hưởng đến mạng người..

    Trả lờiXóa
  8. Thương xót biết mấy khi nhìn thấy hình ảnh đến từ hiện trường. Chẳng ai ngờ vẫn có cảnh "hố chôn tập thể" xuất hiện trong thời bình như thế này nên thật đáng buồn. Chắc chẳng mấy ai có thể kìm được nước mắt khi nhìn thấy những cảnh như thế , rồi có những người cũng chẳng ngờ là người thân mình lại nằm ở đó, quay về đã không còn nhà và người thân, chỉ còn là một bãi đất mà thôi

    Trả lờiXóa
  9. Kính mong chính quyền nhân dân sẽ thực hiện chính sách di dời kịp thời người dân trước những cảnh bão về mưa lũ lớn kéo dài. Người dân cũng nên hợp tác với chính quyền hay chủ động di dời để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình chứ tài sản và nhà mất còn có thể lấy lại chứ người thân mà mất thì thực sự nó là nỗi đau lớn và khó có thể vượt qua nổi

    Trả lờiXóa
  10. Nguyên nhân nào thì kết quả để lại cũng đau lòng. Thực sự thì khi lũ đến quá nhanh thì cái việc kịp thời di tản dân cũng không thể 100% làm được kịp thời vì sự thực là ta có mật độ dân cư đông, có những nhóm dân cư sinh sống ở những vùng sâu cùng xa rất khó tiếp cận. Vậy nên người dân cũng nên chủ động tự di tản để bảo vệ chính bản thân mình trước đã

    Trả lờiXóa
  11. Chúng ta có đường bờ biển dài cũng là thứ gọi là được thiên nhiên ưu tiên cho tuy nhiên cũng có nhiều cái nguy cơ về mưa lũ.. Thể hiện là năm nào miền TRung nước ta cũng phải đón lũ nhưng năm nay có lẽ là năm vất vả và đau thương nhất. Hi vọng họ có thể mạnh mẽ và nhanh chóng vượt qua

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog