Chia sẻ

Tre Làng

Những câu nói của người Mỹ và tướng tá ngụy về bản chất chế độ Ngụy Sài Gòn


Rất nhiều lãnh đạo Hoa Kỳ, trong đó cả tổng thống đã chủ động thừa nhận hoặc vô tình lỡ lời nói lên bản chất của chế độ Việt Nam cộng hòa và thực tế ai là chủ trong mối quan hệ Mỹ - VNCH.

Nixon hù dọa sẽ cắt đầu Thiệu nếu cần (Cut off his head if necessary), “cố vấn” Mỹ cười cợt đòi bắn bỏ Thiệu, Nixon ví ngụy quyền như cái đuôi của mình v.v. Ngoài giới chính trị, quân sự Hoa Kỳ thừa nhận bản chất tay sai của ngụy quyền Sài Gòn thì những người dân thường Mỹ cũng coi ngụy quyền Sài Gòn chỉ là bù nhìn của chính phủ họ. Điều này thể hiện trên các băng rôn trong phong trào phản chiến khắp nơi trên đất Mỹ và cả thế giới.
Và rất nhiều chóp bu ngụy, trong đó có cả “tổng thống”, “phó tổng thống”, “thủ tướng”, tướng tá sĩ quan ngụy đã chủ động thừa nhận hoặc sơ ý lỡ lời nói lên bản chất bù nhìn của chế độ mình, quân đội mình. Trong đó có những người sau này đã không còn chống đối nữa (Nguyễn Cao Kỳ, Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Hạnh, Đỗ Mậu, Trần Chung Ngọc v.v.) và cả những người chống cả đời hoặc vẫn đang chống đối (Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Đôn, Đặng Văn Nhâm, Trần Viết Đại Hưng, Cao Văn Viên v.v.).
Trong giai đoạn đấu tranh giằng co với Việt Nam trong hội nghị Paris, khi “tổng thống” Nguyễn Văn Thiệu xin cho mình khỏi phải ký tên vào Hiệp định Paris 1973 vì ông ta bảo rằng đây là hiệp định “bán đứng miền Nam cho cộng sản”, thì có một lần Nixon đã nói với Kissinger: “Không thể để có cái đuôi chó phản lại cái đầu con chó được”.
Và sau đó Thiệu vẫn phải nhịn nhục ký vào hiệp định và ông ta thừa biết dù không ký thì ông ta vẫn sẽ bị gạt ra và hiệp định vẫn sẽ được thực thi, thậm chí ông ta có thể bị gì đó, gương Ngô Đình Diệm sờ sờ trước mắt.
Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch và Phát triển của chế độ Sài Gòn, giáo sư đại học Harvard tại Mỹ trong cuốn “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập” (The Palace File) xuất bản năm 1986 thì trong thời điểm đó Mỹ đã nhiều lần gởi thơ yêu cầu, bắt buộc, và đe dọa (thậm chí đe dọa tính mạng) Thiệu phải ký vào hiệp định.
Theo sách “Vietnam, a History” của nhà sử học Stanley Karnow, do NXB Edition King Press xuất bản năm 1983, khi phóng viên hỏi tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson tại sao lại chọn Diệm mà không phải là một nhân tuyển khác, thì Johnson đã trả lời: “Diệm là thằng con trai duy nhất mà chúng ta có ở đó”. (Diem is the only boy we’ve got out there). Lưu ý ông Diệm là một người trung niên đã lớn tuổi.
Tuy nhiều câu nói của các tổng thống Mỹ đôi lúc chỉ là sự lỡ lời, nhưng điều đó cũng nói lên rằng họ không hề tôn trọng và không coi ngụy quyền Sài Gòn ra gì.
Cựu sĩ quan Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Ts. Daniel Ellsberg trong cuốn sách “Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers”, NXB Viking xuất bản năm 2002, đã cho biết:
“Không làm gì có chiến tranh Đông Dương thứ nhất và thứ nhì, mà chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư thế kỷ. Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: Mới đầu là Pháp – Mỹ (1945-1954), sau đến toàn là Mỹ (1954-1975). Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam – không phải là tất cả người Việt Nam nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh – chống chính sách của Mỹ và những kinh viện, ủy nhiệm, kỹ thuật gia, hỏa lực, và cuối cùng, quân đội và phi công, của Mỹ.
Cuộc chiến đó không có gì là “nội chiến”, sau 1956 hay 1960, như nó đã không từng là nội chiến trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình – thì không phải là một cuộc nội chiến”.
Ts. Daniel Ellsberg biết những điều đó là vì ông là quan chức cao trong chính phủ Mỹ, đã từng đọc được những tài liệu mật của Mỹ và biết rõ về thực chất cuộc chiến tại Việt Nam. Chính ông là người đã tiết lộ tài liệu Lầu Năm Góc. Và ông viết đoạn trên năm 2002 chứ không phải là trong thời kỳ chống chiến tranh xâm lược sôi nổi trên đất Mỹ. Nếu chúng ta đã đọc một số những sách viết về Chiến tranh Việt Nam, viết sau 1975, của các học giả và cựu quân nhân Mỹ, thì chúng ta sẽ thấy rằng đa số đồng ý với Daniel Ellsberg về điểm này.
Tướng Đỗ Mậu (từng là “Phó thủ tướng” ngụy) đã viết về Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu trong phần “Lời Mở Đầu” của hồi ký “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi”, do nhà xuất bản Hương Quê xuất bản năm 1986 ở Mỹ và sau này nhà xuất bản Văn Nghệ tái bản lại cũng ở Mỹ như sau: “Người thì muốn nối dài biên giới Hoa Kỳ từ Alaska đến sông Bến Hải, người thì đào nhiệm bỏ ngũ khi Hoa Kỳ ngưng viện trợ ‘chống Cộng”.
Sử gia Jacques Dalloz cũng ghi nhận trong quyển “The War in Indochina 1945-1954” câu nói của Diệm: Biên giới của Mỹ không ngừng ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, mà kéo dài, ở Đông Nam Á, tới sông Bến Hải, ở vĩ tuyến 17 của Việt Nam, hình thành một biên giới của “thế giới tự do”, cái mà chúng ta đều trân quý.
Ông Diệm đã lỡ lời, nói hớ rằng biên giới Hoa Kỳ kéo dài tới sông Bến Hải, vĩ tuyến 17. Sau đó báo chí Sài Gòn kiểm duyệt, cắt xén và biên tập lại thành “biên giới tự do kéo dài đến sống Bến Hải” cho đỡ bộc lộ bản chất tay sai. Sau đó Diệm cũng nói chữa lại bằng một câu khác, nhấn mạnh “biên giới tự do” thay thế “biên giới Hoa Kỳ”.
Sử liệu “Vietnam, the ten thousand day war”, NXB Thames Methuan, London, xuất bản năm 1982 đã ghi nhận một số câu nói của Nguyễn Văn Thiệu: “Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng ta nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ, chúng ta sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!”, “Mỹ còn viện trợ, thì chúng ta còn chống cộng”.
Trong bộ phim tài liệu “Việt Nam – Cuộc chiến 10.000 ngày” (Tập đoàn Truyền thông Canada – CBC sản xuất, đạo diễn danh tiếng Micheal MacLear thực hiện vào năm 1980), phát lại một số video phỏng vấn cũ trong thời chiến, đã cho thấy rõ Thiệu – Kỳ trả lời phỏng vấn tự thú nhận rằng mình là bù nhìn, nghị gật, con rối của Mỹ, và ông Kỳ cũng thừa nhận chính người Mỹ coi mình là con rối.
Những đoạn video clips tài liệu này được nhóm làm phim “Cuộc chiến 10.000 ngày” của Canada mua lại và phát lên trong phim tài liệu của họ. Trong đó cho thấy khi trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh, Nguyễn Văn Thiệu đã nói: “Tôi là một kẻ ba phải, nếu không phải là một con rối”(I’m a yes-man, if not a puppet.).
Ông Nguyễn Cao Kỳ thì nói: “Việt Cộng luôn đối xử với chúng tôi như là những con rối, những con bù nhìn của người Mỹ, nhưng rồi chính người Mỹ cũng coi chúng tôi là những con bù nhìn của Mỹ, chứ không phải các nhà lãnh đạo thật sự của người dân Việt Nam”.
Ngoài ra, ông Kỳ khi trả lời trong cuộc phỏng vấn Báo Thanh Niên, số Xuân Ất Dậu, năm 2005 cũng đã thẳng thắn thừa nhận: “Ông Mỹ lúc nào cũng đứng ra làm kép chính, chúng tôi không có quyền lực và vai trò gì quan trọng, vì vậy nhiều người cho đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi chỉ là những kẻ đánh thuê”.
Trong phim tài liệu “Vietnam: A Television History” do đài PBS, NBC, và ABC hợp tác sản xuất, có đoạn phóng viên phỏng vấn Nguyễn Cao Kỳ. Ông Kỳ kể lại sau khi ông ra lệnh đàn áp cuộc đấu tranh của Phật giáo và muốn hạ bệ tướng Nguyễn Chánh Thi trong một cuộc chiến quyền lực, vào đầu năm 1965. Sau đó ông và các tướng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Khánh, và Nguyễn Chánh Thi bị “đại sứ” Mỹ triệu tập vào và đập bàn ghế chửi mắng thậm tệ. Tướng Kỳ thật thà thú nhận rằng từ nhỏ tới lớn ông chưa bao giờ bị chửi mắng thậm tệ như thế, ngay cả cha ruột của ông cũng chưa bao giờ chửi mắng ông ta nặng và lâu đến như vậy. Sau đó, Nguyễn Khánh bị Mỹ lưu đày, và năm 1966, Nguyễn Chánh Thi cũng chịu chung số phận.
Theo quan hệ thông thường giữa các quốc gia, chỉ có chính quyền sở tại triệu đại sứ đến nói chuyện, đằng này ngược lại, mà còn bị chửi mắng, xúc phạm, sỉ nhục. Đây là một trong những điều cho thấy bản chất thật của chế độ Sài Gòn và quân đội Sài Gòn là gì.
Ngoài ra, phim tài liệu “Heart & Mind” của đạo diễn Peter Davis, do đài BBC Anh quốc sản xuất năm 1974 và đoạt giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất năm 1975 cũng cho thấy cảnh Nguyễn Khánh cho biết Nhà ngoại giao, Đại tướng Maxwell D. Taylor của Mỹ đã đích thân ra lệnh cho ông ta phải rời khỏi nước Việt Nam. Thậm chí, Nguyễn Khánh còn lén ghi âm lại lệnh lưu đày của Taylor.
Theo các tướng tá cũ của quân đội Sài Gòn như Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Chánh Thi, và cựu “dân biểu” Lý Quý Chung thì sáng ngày 30/4/1975, tướng tình báo Pháp Francois Vunuxem đã tới gặp “tổng thống” Dương Văn Minh và đề nghị kêu gọi Trung Quốc can thiệp để cứu ngụy quyền Sài Gòn đang trong cơn nguy kịch. Tướng Minh vốn đã được Ban Binh vận Trung ương cục miền Nam thông qua em trai Dương Thanh Nhựt (bí danh Mười Ty, đại tá QĐNDVN) và gia đình đã thuyết phục từ trước đã từ khước và nói: “Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai cho Trung Quốc”.
Tướng Cao Văn Viên là 1 trong 5 đại tướng trong quân đội Sài Gòn. Ông ta giữ chức Tổng tham mưu trưởng quân đội ngụy lâu nhất, từ năm 1965 đến 1975. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Cao Văn Viên chạy theo người Mỹ sống luôn bên Mỹ, qua đời ở tiểu bang Virginia vào năm 2008. Trong hồi ký để lại, ông viết: “Chúng ta không có trách nhiệm về chiến tranh. Trách nhiệm về cuộc chiến ở đây là của người Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra, chúng ta chỉ theo họ mà thôi!”.
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, cựu phụ tá Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, là một trong số 16 nhân vật lãnh đạo chức lớn nhất trong chế độ ngụy quyền còn ở lại khi Sài Gòn được giải phóng tháng 4/1975, đã trả lời phóng viên của đài BBC Việt ngữ vào năm 2010:
“Pháp đã ở Việt Nam 100 năm. Pháp đi sau Hiệp định Genève thì Mỹ lại nhảy vô.
Tôi nói thật, trong tất cả các đời tổng thống Việt Nam Cộng hòa, ai mà Mỹ không ưa thì người ấy bị hất đổ ngay. Ở miền Nam này, đã xảy ra không biết bao nhiêu cuộc đảo chánh – mười mấy lần chứ có ít đâu.
Tụi tôi trong quân đội, học ở Mỹ, học tiếng Mỹ, đi thăm Mỹ… đủ hết. Rồi tụi tôi cũng có nhiều bạn Mỹ rất tốt bụng, nhưng với Mỹ thì tôi vẫn không có bằng lòng. Thậm chí lần đi thăm đại bản doanh Cục Tình báo Trung ương (CIA) bên đó, thấy sợ hơn là thấy thích.
Người Mỹ họ có đường lối của họ: đó là họ phải nắm chỉ huy ở miền Nam này. Họ chỉ huy trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế tới ngoại giao… Mỹ nắm hết. Rồi chính Mỹ đã bỏ miền Nam Việt Nam”.
Trong bài tham luận “Một Bí Ẩn Cần Tiết Lộ Trong Chuyện Bức Tử Miền Nam Năm 1975” của tác giả Trần Viết Đại Hưng, một cựu sĩ quan ngụy, bạn thân của tướng ngụy Nguyễn Chánh Thi, và hiện đang hoạt động chống cộng sản ở Lawndale, Mỹ:
“Trong thời Chiến tranh Việt Nam, báo chí Mỹ phanh phui là Thiệu cùng với đàn em là Trung tướng Đặng văn Quang, đã buôn bán Bạch phiến làm giàu. Thứ trùm ma túy như Thiệu thì làm gì mà có chuyện yêu nước thương dân. Gặp thời loạn lạc, làm cai thầu chống Cộng, Thiệu chỉ có một việc duy nhất là vơ vét cho đầy túi tham mà thôi. Đến khi quốc gia hưng vong thì lòi ngay ra bản chất ti tiện hèn nhát, đúng là có ‘cháy nhà mới lòi mặt chuột’ Nguyễn văn Thiệu”
Phó tổng thống Nguyễn cao Kỳ cũng chẳng có gì khá hơn, trong cuốn hồi ký “Việt Nam máu lửa quê hương tôi” , cựu thiếu tướng Đỗ Mậu đã chỉ ra rằng ông Kỳ và bà chị ruột là Nguyễn thị Lý đã buôn lậu thuốc phiện từ Lào về bán. Đúng là hai gương mặt cai thầu chống Cộng do Mỹ dựng lên là Nguyễn văn Thiệu và Nguyễn cao Kỳ chẵng có tay nào sáng sủa, toàn là thứ buôn lậu ma túy. Phải đợi tới những ngày cuối tháng 4/1975 mới thấy rõ tư cách hèn kém của hai tay này. Bỏ quân leo phi cơ mà chạy không một chút liêm sỉ và danh dự của người lãnh đạo.
Thiệu và Kỳ sẽ còn bám víu quyền lực nếu ngày nào còn viện trợ của Mỹ mà thôi. Công tâm mà nói, đúng ra vào những ngày cuối tháng 4/1975, Nguyễn Cao Kỳ tính làm một cuộc đảo chánh chính phủ Dương văn Minh mới thành lập để đối đầu với Bắc quân. Dĩ nhiên là người Mỹ biết chuyện đó và trùm CIA ở Saigòn lúc đó là ông Polgar đã cảnh cáo Kỳ là không được lộn xộn, Kỳ nghe như thế thì riu ríu vâng lời vì đã nhiều năm làm việc với người Mỹ, Kỳ hiểu rằng nếu cứng đầu, bướng bỉnh cãi lại Mỹ thì chỉ mang họa vào thân.
Trước đây khi ép buộc Tổng thống Thiệu ký Hiệp định Paris về Việt Nam vào tháng 1 năm 1973, Tổng thống Nixon cũng gửi nhiều bức thư cho Thiệu, cảnh cáo Thiệu là nên nghe lời Mỹ mà ký, chứ nếu không thì sẽ chịu số phận thê thảm của Tổng thống Diệm. Những lời hù dọa này đã có kết quả: Nguyễn văn Thiệu đồng ý ký vào Hiệp định Paris về Việt Nam dù bản thân Thiệu cũng biết đây là hiệp định bán đứng miền Nam cho Cộng sản. (Xin đọc kỹ cuốn sách Hồ sơ mật Dinh Độc Lập của tiến sĩ Nguyễn tiến Hưng để coi lại những bức thư mà Nixon viết cho Thiệu nhằm thuyết phục và hăm dọa Thiệu ký)”.
“Việt Nam Cộng hòa chiến đấu chống Cộng sản trong suốt 21 năm (1954-1975). Miền nam được sự bảo trợ kinh tế và quân sự của Mỹ, tiếc rằng Mỹ không đóng vai trò một đồng minh tin cẩn, nhiệt thành mà Mỹ là hiện thân của một ông chủ thô bạo, tiền hậu bất nhất để rồi mới đưa đến thảm kịch 30/4.
Mỹ thất bại với Việt Cộng là vì đánh giá quá thấp khả năng chiến đấu của Việt Cộng, đã không làm tròn vai trò đồng minh với Việt Nam Cộng hòa mà chỉ độc đoán điều hành sắp đặt mọi việc. Người lính Mỹ mắt xanh mũi lõ có mặt trên đất nước Việt Nam cũng không khác gì hình ảnh của lính Pháp viễn chinh ngày xưa. Thêm vào đó, Mỹ không muốn tìm một người lãnh đạo quốc gia có tư cách để cùng chống Cộng vì những người này đôi khi xung khắc với đường lối của Mỹ, cho nên Mỹ chỉ muốn tìm tay sai để sai bảo cho dễ và những tên tay sai thì thường mất tư cách, tham nhũng, làm suy yếu tiềm năng chống Cộng. Viện trợ của Mỹ trước đây đổ vô miền Nam như đổ vô cái thùng không đáy vì tệ nạn tham nhũng mà đứng đầu là vua tham nhũng Nguyễn Văn Thiệu”.
Trong một số bài viết về lịch sử hiện đại Việt Nam, như bài “30 tháng tư, nhìn lại cuộc chiến ở Việt Nam”, “Tôi đọc bài của Phạm Cao Dương về Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Vài nét về Cụ Hồ” v.v. Giáo sư Tiến sĩ Trần Chung Ngọc, cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn, cựu giảng viên Trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định, hiện đang sinh sống tại Grayslake, Illinois, Hoa Kỳ, đã viết:
"Nhìn cuộc chiến ở Việt Nam đơn giản chỉ là cuộc chiến giữa lý tưởng tự do dân chủ của người Việt Quốc gia đối với lý tưởng độc tài sắt máu của người Việt Cộng sản là không hiểu gì về cuộc chiến cả. Do đó kéo dài hận thù đối với Cộng sản là một hành động vô trí, bắt nguồn từ cái nhìn rất thiển cận của mình về cuộc chiến. Hiện nay chúng ta có rất nhiều tài liệu về cuộc Chiến tranh Việt Nam vừa qua, gồm cuộc chiến chống Pháp và cuộc chiến chống Mỹ, nhiều đến độ có lẽ không bao giờ chúng ta có thể biết hết và đọc hết. Người Việt Quốc gia thường cho Nam Việt Nam là đồng minh trước hết là của Pháp, rồi sau là của Mỹ, để chống Cộng cho họ. Nhưng sự thật khá đau lòng, trong cả hai cuộc chiến, Nam Việt Nam chỉ là tay sai, con cờ của Pháp và Mỹ. Pháp chưa bao giờ coi thành phần quốc gia là đồng minh của họ. Mỹ còn tệ hơn nữa vì là ông chủ chi tiền".
Đối với một thiểu số người Việt lưu vong, thì ngày 30/4/75 là ngày mà họ gọi là ngày “mất nước” làm như miền Nam là nước của riêng họ. Tuy rằng nước vẫn còn đó, và càng ngày càng phát triển, ngày nay đã vượt trội hẳn cái nước của họ khi xưa mà thực ra chỉ là cái nước nằm trong sự chi phối của những đồng đô la viện trợ và sự chỉ đạo của các quan Toàn Quyền như Nolting, Lodge, Martin.
Không phải là sau Hiệp định Genève về Đông Dương Mỹ mới can thiệp vào Việt Nam mà Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam từ trước đã lâu. Mỹ đã đồng lõa với thực dân Pháp trong mưu toan tái lập nền đô hộ của Pháp trên dân Việt Nam. Những người thực sự tin rằng Mỹ là “đồng minh” của Nam Việt Nam, muốn giúp dân Việt Nam để chống lại Cộng sản, để cho dân Việt Nam, hay ít ra là dân miền Nam, được tự do dân chủ, nên nhớ kỹ rằng chính Mỹ đã đài thọ hơn 80% chiến phí cho Pháp trong cuộc chiến tiền-Genève, từ 1945 đến 1954, để Pháp tái lập nền đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam, đưa Việt Nam trở lại vòng nô lệ Pháp, trong khi Mỹ đã biết rõ chế độ thực dân Pháp đối với dân Việt Nam là như thế nào. Lịch sử Việt Nam sẽ lên án hành động đế quốc thực dân này. Nếu chúng ta coi Pháp là quân xâm lăng thì Mỹ cũng là kẻ xâm lăng không kém. Chỉ sau khi Pháp thất trận Mỹ mới đưa ra chiêu bài giúp Việt Nam, bảo vệ nền tự do (sic) của Nam Việt Nam trong khi, như chúng ta đã biết, theo Hiệp định Genève về Đông Dương, Nam Việt Nam không phải là một quốc gia độc lập mà chỉ là một vùng rút quân của Pháp và những lực lượng quân sự dưới quyền Pháp, trong đó có lực lượng “Quốc gia”, chờ ngày Tổng Tuyển Cử trên toàn thể đất nước vào năm 1956.
Nhiều người Mỹ cũng biểu tình phản đối ông Diệm, người họ gọi là “bù nhìn” của Hoa Kỳ và người đã trì hoãn tổng tuyển cử. Trong ảnh những người biểu tình cũng dẫn lời của Tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower nói “Nếu bầu cử được tổ chức vào thời điểm giao tranh hồi năm 1954 thì 80% dân số đã bỏ phiếu cho lãnh đạo cộng sản Hồ Chí Minh.”
Ngày 30/4/1975 không chỉ có nghĩa là ngày đất nước thống nhất, chủ quyền trở lại tay người Việt Nam, mà còn là ngày người dân Việt Nam, trừ những kẻ có tâm cảnh phi dân tộc hay tiếp tục nuôi dưỡng thù hận, bất kể thuộc chính kiến hay phe phái nào, đều có thể hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể là họ thuộc lớp người nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào. Tôi ở phe thua trận, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như ngày 30/4/1975, đã mang đến cho tôi một niềm hãnh diện được làm một người Việt Nam, một người Việt Nam không “Quốc gia” không Cộng sản, không Nam không Bắc, một người Việt Nam không từ bỏ gốc gác tổ tiên, không từ bỏ lịch sử khi vinh khi nhục của quốc gia, và lẽ dĩ nhiên rất hãnh diện với lịch sử chống xâm lăng của dân tộc. Khía cạnh tích cực nhất của ngày 30/4/75 là trên đất nước không còn cảnh bom đạn, cảnh đồng bào bắn giết nhau, và nhất là đất nước đã vắng bóng quân xâm lược.
Trong bài viết gởi nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân trên trang “Đàn chim Việt”, Đặng Văn Âu, cựu sĩ quan ngụy, một trong những tên tay sai đắc lực nhất, chó săn trung thành nhất của chủ Mỹ trước năm 1975, đã viết: “Cần phải vận động Hoa Kỳ cho Việt Nam trở thành một tiểu bang của nước Mỹ. Chỉ còn có cách ấy, nhân dân ta mới có thể chống nổi tham vọng bành trướng của người Đại Hán”.
Trong bài tuyên truyền “Thằng Mỹ đô hộ coi bộ khỏe hơn” trên trang Dân luận, Nguyễn Ngọc Già, cựu “anh hùng mũ đỏ” của ngụy quân đã úp mở viết câu kết luận ngay cuối bài: “Thôi thì… cho thằng Mỹ nó đô hộ coi bộ khỏe hơn”.
* * *
Và đó là những quan điểm khác nhau của nhiều tầng lớp, chức vụ khác nhau trong chính phủ, quân đội Hoa Kỳ và ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn, dù gián tiếp hay trực tiếp, dù lỡ miệng hay thật thà thừa nhận, dù thiện hay ác, dù là quan điểm phá hoại hay quan điểm xây dựng v.v. cũng đều nói lên bản chất của ngụy quyền và ngụy quân Sài Gòn. Không gì rõ ràng hơn là chính họ nói về họ, chính họ nói về nhau, quân nhân Mỹ nói về bản thân họ và nói về “đồng minh” của họ, quân nhân ngụy nói về bản thân họ và nói về “đồng minh” của họ. Và họ nói những điều đó cả trong cuộc chiến và sau cuộc chiến
Nguồn 24h

1 nhận xét:

  1. Nói đúng hơn cái chế độ Mỹ-ngụy tạo ra chỉ là con rối nhằm ngăn chặn sự lan rộng ủa CNXH thời đó, đó là hệ quả của chiến tranh lạnh, của sự căng thẳng giữa 2 cực, 2 phe. Mỹ cung cấp nhân tài, vật lực cho cái gọi là chế độ theo kiểu chiến tranh thực dân mới, một nhà nước phi nghĩa, không có giá trị...Nhưng thời thế và vận mệnh dân tộc không cho phép chúng tồn tại, sự tiêu vong của VNCH à một minh chứng cho điều đó.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog