TP - “Họ ở tận đẩu đâu, không biết gì về Ngọa Cương cũng lên mạng bình luận, chửi bới, thậm chí có truyền thông chính thống… cũng nói không đúng về Ngọa Cương. Dân chúng tôi tự nguyện, lãnh đạo thôn Ngọa Cương không sai” - bà Cao Thị Thắng, một người dân Ngoạ Cương nói về câu chuyện thôn thu lại tiền cứu trợ đang gây xôn xao dư luận.
Dân tự nguyện!
Để tìm hiểu khách quan về câu chuyện lãnh đạo thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) thu lại tiền cứu trợ của người dân, PV Tiền Phong trực tiếp tìm gặp người dân ở đây, không bị tác động bởi bất cứ sự “định hướng” nào. Hầu hết người dân chúng tôi gặp đều đồng tình với việc lãnh đạo thôn thu lại tiền để chia sẻ với những hộ dân khác. Họ nói đó là truyền thống được ghi trong nghị quyết thôn lâu nay của thôn Ngọa Cương, chứ không phải đây là lần đầu tiên. “Lâu nay con trâu, con bò phân về cho hộ nghèo nào thì hộ đó được hưởng, không phân chia cho ai cả. Nhưng quà cứu trợ lũ lụt bấy nay quy định rồi, chỉ có cán bộ gần dân mới hiểu nên dân chúng tôi tự nguyện chia sẻ, lãnh đạo thôn không có chi sai trái cả, làm rứa là đúng đó” - Cụ bà Cao Thị Trâm nói.
Theo cụ Trâm, nhà cụ bị ngập lụt gần chạm nóc, trước đó cũng được nhận nhiều quà cứu trợ. Hôm 28/10, cụ được ca sỹ Thủy Tiên tặng 6 triệu đồng, cụ tự giác mang đến thôn nộp cho bộ phận tiếp nhận của thôn. Sau đó do lình xình trên mạng, thôn họp dân và nói trả lại tiền, nhiều người không muốn nhận lại tiền nhưng lãnh đạo thôn quán triệt không muốn chuyện cứu trợ làm mất hình ảnh tốt đẹp bấy nay nên dân nhận lại. Riêng bản thân cụ, tự mình trích ra 2 triệu đồng trong số 6 triệu để san sẻ cho những gia đình không có quà của người cứu trợ.
Bà Cao Thị Thắng cho biết: Bà cũng nhận được 6 triệu trong đợt đó và cũng tự nguyện nộp lại cho ban tiếp nhận của thôn. Sau khi thôn trả lại tiền, bà đã trích ra 2 triệu đồng nhờ thôn san sẻ cho những người khác. “Tui không biết ai có ai không, nên đã đến nhờ thôn cầm 2 triệu đồng để san sẻ cho những người không có. Nói thiệt, trong thôn có những nhà ở trên núi không bị nước lụt vào nhà nhưng họ cũng bị cô lập mấy ngày liền. Dân chúng tôi ở dưới thấp trũng, không có những nhà ở trên cao, khi lũ lụt ập về biết trú nhờ ở đâu? Chuyện thu lại tiền, dân cả thôn không ai phản ứng, chỉ duy nhất một người ở xa quê hương không hiểu chuyện xóm làng nên đưa lên mạng tạo nên sự hiểu lầm” - bà Thắng nói.
Bà Trần Thúy Vi, mẹ của người đưa câu chuyện thu lại tiền của thôn Ngọa Cương lên Facebook cá nhân gây xôn xao dư luận kể: “Suy nghĩ của hai bác là sáng đi nộp tiền lại thôi, chứ không có chi hết, lâu nay vậy rồi. Nhà bác lúc nào cũng ăn sáng muộn, chưa kịp đi nộp tiền thì thấy lãnh đạo thôn lên. Bác trai vui vẻ gửi lại tiền. Khi thôn thu tiền xong, hai bác vô nhà ăn cơm tiếp thì con gái điện về hắn nói “mẹ sướng hè, khi đêm có Thủy Tiên cho tiền hả mẹ?”. Tui nói, có cho mẹ 6 triệu, nhưng mà sáng nay thôn thu lại rồi. Nó hỏi “sao thu lại”. Lúc đó bác cũng theo ăn cơm với khách khứa vô mua hàng nên không nói chi thêm”.
Theo bà Vi, sau đó nghe dân làng xôn xao là con gái bà phản ứng việc thôn thu lại tiền. Bà điện cho con gái nói rõ nguồn cơn và con gái đã gỡ “tút” và đăng lại bài xin lỗi vì có sự hiểu lầm. Vì sự việc này mà gia đình bà chịu rất nhiều áp lực từ làng xóm, họ nghĩ bà tham tiền này nọ… còn lãnh đạo thôn không nói gì bởi bấy nay họ công tâm vì dân thì ngại chi một sự hiểu lầm.
Ông trưởng thôn vì dân
Bà Trần Thúy Hằng, Chủ tịch MTTQVN xã Cảnh Hóa cho biết: Ông Phạm Văn Cần, trưởng thôn Ngọa Cương là một người rất nhiệt tình và vì dân. Trong lũ lụt, bất chấp nguy hiểm, ông cùng với lãnh đạo thôn dùng chiếc thuyền nhỏ cứu được hàng chục người, trong đó có những người già neo đơn. Ngoài ra, ông còn tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống trong suốt 3 ngày cho các hộ trong thôn bị cô lập.
Để chứng minh điều mình nói, bà Hằng mở Facebook cá nhân, cho PV Tiền Phong xem hình ảnh ông Cần lặn lội trong lũ, vô tình được một người dân truyền phát trực tiếp, kèm theo lời khen ngợi: “Bác trưởng thôn và anh phó thôn Ngọa Cương đó bà con ạ. Lúc mưa to gió lớn, nước lũ dâng cao, các bạn đang làm gì? Ở đây, những cán bộ thôn xã các bác ấy lặn lội đi từng nhà hỏi han, rồi di dời từng hộ dân từ vùng thấp đến vùng cao lo cho tính mạng của từng người dân trong thôn”.
Clip này được Facebook Trần Lài phát trực tiếp vào ngày 19/10, lúc nước lũ lên cao nhất và nhận được hàng ngàn bình luận khen ngợi, cảm phục ông Cần trưởng thôn Ngọa Cương. “Bác Cần tội lắm, người nhỏ thó nhưng rất nhiệt tình với việc công. Anh xem clip thì anh biết đó, một người vì dân như thế thì không lí gì lại đi ăn bớt phần quà trong lũ lụt của dân được” - bà Hằng nói.
Nhà Văn hóa thôn Ngọa Cương không được khang trang nhưng khá sạch sẽ. Khi chúng tôi đến, không có ông Cần trưởng thôn, chỉ có mấy người trong ban tiếp nhận hàng cứu trợ của thôn làm việc. Họ ghi chép tỉ mẩn, chi tiết từng phần quà của các đoàn cứu trợ phân về cho các gia đình. Họ nói phải ghi như thế để còn phân phối hàng cứu trợ cho công bằng.
Đợi được một lúc, phía ngoài sân có một người quần ống cao, ống thấp đi vào, mọi người nói ông Cần về. Khi biết báo chí đến tìm hiểu câu chuyện, ông Cần bảo không muốn nói gì thêm. Tuy nhiên, sau một hồi thuyết phục ông cũng chịu ngồi lại nói chuyện. Ông Cần cho biết, toàn thôn Ngọa Cương có 171 hộ, trong trận lũ lụt vừa rồi có 69 hộ bị ngập lụt, các hộ còn lại không bị ngập lụt nhưng bị cô lập dài ngày. Hôm đoàn của ca sỹ Thủy Tiên về, yêu cầu chỉ hỗ trợ những gia đình bị ngập lụt, ông cũng khai thật là thôn có 69 hộ và sau đó mỗi hộ nhận được 6 triệu đồng.
Ông Cần nói, ghi rất chi tiết các khoản cứu trợ, không có chuyện bớt xén hàng cứu trợ
“Bác Cần tội lắm, người nhỏ thó nhưng rất nhiệt tình với việc công. Anh xem clip thì anh biết đó, một người vì dân như thế thì không lí gì lại đi ăn bớt phần quà trong lũ lụt của dân được”
Bà Trần Thúy hằng, Chủ tịch MTTQ VN xã Cảnh Hóa
Trong đêm hôm ấy nhiều hộ gia đình tự nguyện đưa tiền đến nộp cho thôn để thôn cân đối chia đều theo truyền thống lâu nay vẫn làm. Ngày hôm sau có một số hộ chưa kịp nộp thì lãnh đạo thôn đến từng nhà để thu lại cho công bằng với những hộ đã nộp. “Dự định của lãnh đạo thôn là giữ tiền lại đó, đến hết đợt cứu trợ sẽ họp dân và bình bầu công khai, ai thiệt hại nặng sẽ được phần nhiều, ai nhẹ hơn thì phần ít, tất cả phải được sự thống nhất của toàn dân. Nhưng khi mạng xã hội làm ầm lên, rồi lãnh đạo yêu cầu trả lại, chúng tôi trả nhưng đa số người dân vẫn bớt lại tiền nhờ chúng tôi san sẻ cho những hộ dân khác. Tôi không làm gì sai, tôi không sợ, chỉ sợ sau chuyện này tình làng nghĩa xóm sẽ bị xói mòn, hệ thống điều hành thôn, xã sẽ lung lay hiệu lực. Ai chung lưng đấu cật với dân, đồng cam cộng khổ với họ? Một vài đồng cứu trợ làm chao đảo cả” - ông Cần nói.
(Còn nữa)
HOÀNG NAM
Báo Tiền Phong.
Thủy Tiên, cháu thấy chưa?, cần thì đến nhà ông Trưởng thôn thôn Ngọa Cương mà kiểm tra xem đúng không?. Và xem cách bà con miền Trung yêu thương đùm bọc nhau, chia sẻ khó khăn để vượt qua thiên tai, hoạn nạn như thế nào ? và làm thế nào để công bằng trong NHÂN DÂN mà vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm đó mới là cái Quí, cái cần; Thủy Tiên - tài thì tạm gọi là có, còn tầm thì chưa đạt đâu, cần phải học hỏi nhiều, đừng hợm mình thì mới tiến bộ được. Còn bọn cào bàn phím cũng cần phải tự thấy xấu hổ về việc này và đối với mọi việc xảy ra cần phải xem xét nhiều chiều nếu không gây hại cho người khác và có lúc bản thân mình cũng dính đó, đấy là Nhân Quả mà.
Trả lờiXóaTheo tôi việc làm từ thiện phải là một công việc thiện nguyện. Tức là việc làm nên dành cho những người mong muốn được làm những việc từ thiện một cách tự nguyện không vụ lợi. Các cá nhân muốn làm công việc từ thiện nên đăng ký danh sách lập thành một nhóm chuyên nghiệp, đăng ký trở thành đoàn thể làm công tác từ thiện.
Trả lờiXóa