Chia sẻ

Tre Làng

Thủ tướng: "Mưa to hàng nghìn mm, cả cánh rừng bạt ngàn cũng phải sạt, đừng có đổ cho thủy điện"!

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi chủ trì làm việc về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn chiều tối ngày 1/11 tại tỉnh Quảng Nam.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về tình hình cơn bão số 9 và công tác ứng phó khắc phục cho biết, đây là cơn bão lớn, đặc biệt nguy hiểm, là cơn bão lịch sử trong 20 năm trực tiếp tác động vào miền Trung nước ta. Cơn bão số 9 đổ bộ sau thời gian nhiều ngày mưa, lũ gây tổn thất nặng nề.

Với sức tàn phá của cơn bão có cường độ rất mạnh và thời gian lưu bão rất dài 6-7 tiếng, mặc dù đã chuẩn bị ứng phó quyết liệt khẩn trương, căn bản, xong cơn bão và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại rất lớn, cụ thể: có người 80 người (chết 29, mất liên lạc 51 người), trong đó 45 người do sạt lở đất. 47 người ở Quảng Nam chết 23, mất tích 24 người; 23 người mất liên lạc trên 2 tàu cá tại Bình Định; 10 người chết, mất tích ở các tỉnh Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk. 727 nhà sập hoàn toàn (riêng Quảng Ngãi: 325 nhà, Quảng Nam: 288 nhà); 176.797 nhà bị hư hỏng (riêng Quảng Ngãi: 140.033 nhà, Quảng Nam: 27.649 nhà). Thiệt hại ước tính 10.000 tỷ đồng.

Khi cơn bão số 9 vào đến biển Đông, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương trong công tác chỉ đạo, ban hành công điện và trực tiếp họp trực tuyến để triển khai công tác ứng phó. Đồng thời, quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban, Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ làm việc với các bộ, ngành và các địa phương về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn


Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực để chuyển biến tình hình mưa, lũ đang còn căng thẳng. “Đề nghị, các bộ, ngành, địa phương đều phải có phương án để góp phần vào khắc phục tình trạng khó khăn rất lớn hiện nay” – Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng yêu cầu, cơ quan báo chí thông tin phải chính xác, trung thực, đúng bản chất. "Tôi chỉ đạo Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải chấn chỉnh. Mưa to hàng nghìn mm, cả cánh rừng bạt ngàn cũng phải sạt, đừng có đổ cho thủy điện, rừng xanh Trà Leng hàng trăm năm dân đã sống ở đó rồi. Tại Hướng Hóa Quảng Trị sạt doanh trại đoàn kinh tế 337 là cách cả 1,6km chứ có phải tại đó đâu?” - Thủ tướng nói.

“Khắc phục cấp bách trước mắt nhưng phải có định hướng lâu dài; thảo luận nguồn lực cần thiết từ xã hội, làm sao để phát động, huy động được sự chung tay của toàn dân, của các mạnh thường quân, hảo tâm vào cuộc hỗ trợ người dân miền Trung, trước mắt là 4 tỉnh, thành mới gặp ảnh hưởng của bão số 9 và lũ lụt gây ra; sau nữa là với các địa phương đang bị lụt trở lại” – Thủ tướng yêu cầu.

Tại buổi làm việc,Thủ tướng Chính phủ đã nghe đại diện tỉnh Quảng Nam báo cáo về công tác tìm kiếm cứu nạn người và tài sản bị vùi lấp do sạt lở đất tại huyện Phước Sơn và huyện Nam Trà My

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, Bộ Công Thương đã có những công điện ban hành cho những lĩnh vực phụ trách. Các nhu yếu phẩm về cơ bản được cung ứng vận chuyển đầy đủ. Đã giao cho lực lượng Quản lý thị trường có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, chống lợi dụng thời cơ để tăng giá, găm hàng. “Với phương châm “4 tại chỗ” cơ bản các địa phương đã giảm thiểu được các thiệt hại chung, đề nghị Thủ tướng biểu dương các địa phương và ngành Điện lực trong công tác phòng chống lụt, bão qua cả hai đợt bão số 8 và số 9” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

“Về vấn đề điện và thủy điện, không chỉ riêng Quảng Nam mà còn cả Quảng Bình và Quảng Trị ảnh hưởng của bão và lượng mưa rất lớn đã có tác động rất mạnh đến môi trường của chúng ta. Và thực tế diễn ra tại rất nhiều nơi, chứ không phải chỉ những khu vực gần công trình thủy điện. Thậm chí đến những công trình như Rào Trăng 3, hay ở Trà Leng thì không có câu chuyện tác động trực tiếp của thủy điện” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và khách quan từ các câu chuyện thiên tai liên quan trực tiếp đến môi trường, từ đó có các chính sách đặc biệt. Cần có nghiên cứu kỹ hơn của các bộ ngành với tính dị thường cực đoan của thời tiết để đối phó. Qua đánh giá kiểm tra theo thực tế, thì chúng ta có một số dự án chưa đúng theo quy định. Ví dụ, chưa có phương án với công tác ứng phó thiên tai theo Luật Phòng chống thiên tai, một số chủ đầu tư chưa làm xong và chưa được phê duyệt về phương án phòng chống thiên tai. Bộ Công Thương đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát các dự án chặt chẽ, theo đúng trình tự pháp luật.

“Quá trình vận hành hồ chứa, thủy điện ở các địa phương thời gian qua rất tốt. Điển hình như Thuỷ điện Đăkmi 4, nếu không làm tốt công tác điều tiết nước thì tôi đồng ý với ý kiến địa phương là lũ sẽ đến sớm hơn trước ngày 28/10 và mực độ nước về 17.000m3/s chứ không hẳn là 11.000m3/s như báo cáo và chúng ta đã cắt lũ trên đỉnh lũ lên đến 55%. Do đó quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ phải được các được phương quán triệt và điều tiết các đơn vị chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh báo cáo các phương án "vào cuộc" của Bộ Công Thương trong khắc phục hậu quả của bão số 9

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, thời gian tới các địa phương phải rà soát tất cả cát công trình thủy điện các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp để đảm bảo phương án phòng chống thiên tai. Đồng thời, cần mời chuyên gia khảo sát, đánh giá nơi sinh sống có địa hình nguy hiểm phức tạp để từ đó có phương án di dời hợp lí. Ngoài ra, phải tạm dừng xây dựng các công trình thủy điện trong thời gian bão, lũ để đảm bảo an toàn cho con người.

“Không có bất kỳ dự án nào sử dụng đất rừng và một mét vuông đất rừng. Thời gian tới sẽ rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho dừng các dự án có nguy cơ quá nhỏ và không có ý nghĩa với ngành điện”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, các tỉnh miền Trung anh hùng phải tìm cách thích nghi và sống chung với lũ, đoàn kết vượt qua thử thách, làm tốt công tác chủ động phòng chống thiên tai

“Tìm mọi biện pháp cứu người khi chưa tìm thấy ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Bình Định. Tích cực cứu chữa người bị thương. Không được để người dân sống màn trời chiếu đất, cơ cực sau lũ. Đặc biệt, ngành Y tế hỗ trợ giúp dân phòng ngừa dịch bệnh. Các địa phương tiếp nhận các nguồn viện trợ công khai, minh bạch, tiện lợi. Các đơn vị lực lượng vũ trang tiến hành dựng lại nhà cho dân sớm nhất, các địa phương sớm di dời dân khỏi vùng nguy hiểm đề phòng bão lũ số 10”- Thủ tướng yêu cầu.

Thành Long

3 nhận xét:

  1. Rất quyết đoán và dứt khoát, với lượng mưa như trút, thậm chí là như trút nước,..thì đất rừng xói lở phần nhiều là việc không khó hiểu. thiên tai, bão lũ thực sự không ai lương được điều gì cả, nó chợt đến rồi chợt đi, rất khó nói. Chỉ trách con người ta chưa có biện pháp triệt để khắc phục được nó. Chỉ có một quốc gia sống trong thiên tai như Nhật Bản thì mới biết thế nào là mức độ khủng khiếp. Đừng cũng cái gì cũng đổ thủy điện, xin thưa đó là luận điệu xuyên tạc.

    Trả lờiXóa
  2. Động đất, mưa, lũ, bão, nắng hạn, tuyết phủ vv... đó là THIÊN TAI, và con người từ mấy ngàn năm luôn luôn muốn chinh phục, chế ngự nó, tuy nhiên đâu có được?, thời nay khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, con người đã lên tận Mặt trăng, tàu du hành lên Sao Hỏa, Sao Kim vv... nhưng đã nước nào làm tan bão, tan mưa lớn được chưa?. Lắm tiền nhiều của, khoa học vượt bực nhưng Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc đã hết lũ lụt đâu?, mấy năm trước nước lũ vẫn trắng trời Mỹ tới vài bang vùng sông Mississippi (diện tích gấp 3 lần cả nước ta đó), đất trời Trung Âu cũng trắng xóa vậy thôi, Nhật cũng vậy, đến tháng 7 vừa rồi sông Trường Giang Trung Quốc bao ngày khẩn nguy .. và họ vẫn có Thủy điện đó thôi. Thế nên thiên tai vẫn là mối lo cho bất cứ quốc gia nào, dù giàu, dù nghèo nhưng vẫn phải hứng chịu mà chưa có biện pháp nào chứ ngự hoàn toàn cả. Lũ lụt miền Trung năm nay đã gây ra thiệt hại quá to lớn, nó còn ngang bằng với lũ lụt năm 1964 đó; vì thế có những kẻ đổ thừa cho do làm thủy điện mà ra thì đó là luận điệu xuyên tạc cần phải lên án.

    Trả lờiXóa
  3. Sạt lở đâu phải chỉ diễn ra tại khu vực có thủy điện mà nhiều nơi rừng xanh tươi tốt vẫn xảy ra sạt lở rất nghiêm trọng. Tình hình thời tiết năm nay mưa kéo dài, đất đá đã no nước nên việc sạt lở là rất dễ xảy ra, nhiều người không am hiểu, không biết đổ lỗi cho thủy điện thế nhưng thực chất thủy điện có vai trò lớn trong việc ngăn chặn đất đá các vụ sạt lở tránh ảnh hưởng trực tiếp tới người dân.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog