(Doanh nghiệp) - Thủy điện tích nước trái phép phải xử thật nghiêm bởi các quy định đã có, thủy điện phải chấp hành.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra yêu cầu cơ quan chức năng của tỉnh lập biên bản để xử lý thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) vì tự ý tích nước. Đây là lần thứ hai, thủy điện này tích nước trái phép, bất chấp các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cũng như yêu cầu của các sở, ban ngành Thừa Thiên Huế gây nguy hiểm cho vùng hạ du, nhất là trong thời điểm bão lũ.
Bình luận trước sự việc trên, GS.TS. Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp khẳng định, các hồ chứa thủy điện phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ hứa đã được Chính phủ và các bộ ngành ban hành. Thủy điện nào làm sai, tích trữ nước trái phép đều phải xử lý thật nghiêm, không nương nhẹ, xuê xoa.
Vị chuyên gia chỉ rõ, về quy định đã có, các điều khoản xử lý cũng được quy định rất rõ tại Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cụ thể, với các hành vi vi phạm về an toàn đập thủy điện có thể sẽ bị phạt hành hính tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức; công trình đập thủy điện từ cấp II trở lên thì áp dụng 100%, từ cấp III trở xuống áp dụng 70% mức phạt tiền nói trên.
Ngoài ra, quy định xử phạt với hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn đập thủy điện và vùng hạ du cũng quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án bảo vệ đập thủy điện; phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập thủy điện được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
"Những hệ lụy từ việc tích, xả nước của thủy điện khiến người dân vùng hạ du chịu nhiều thiệt hại là minh chứng xác thực, không thể chối cãi.
Việc vận hành thủy điện cũng đã có quy định, quy trình rất cụ thể, được giám sát chặt chẽ từ các bộ ngành, địa phương, không có trường hợp nào ngoại lệ.
Trong trường hợp xác định rõ thủy điện tích nước là trái quy định pháp luật, không tuân thủ các biện pháp phòng chống bão lũ cũng như đi ngược với quy trình vận hành liên hồ chứa thì phải xử lý thật nghiêm. Thậm chí phải tính đến cả phải xử lý điểm, xử lý hình sự để làm gương, không có gì khó khăn", GS.TS Đào Xuân Học nói rõ.
Về đề xuất của Thừa Thiên Huế yêu cầu Tổng Công ty Điện lực miền Trung không mua điện của nhà máy thủy điện Thượng Nhật đến khi được UBND tỉnh cho phép nhà máy thủy điện này tích nước, vị chuyên gia nhận định đây cũng là một biện pháp xử lý, tuy nhiên không thể áp đặt. Hơn nữa, đưa ra biện pháp xử lý nào muốn được thực thi thì vấn đề trách nhiệm phải thật rõ ràng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PT-NT cho hay, khi theo dõi việc chỉ đạo và xử lý các dự án thủy điện "bất tuân chỉ đạo", cụ thể là thủy điện Thượng Nhật (Huế) khiến vị chuyên gia băn khoăn. Ông cho biết, việc địa phương chỉ đạo, thủy điện không nghe cho thấy yêu cầu thực hiện các quy định pháp luật hoặc là đang bị xem thường do các quy định xử phạt hành còn quá nương nhẹ, chưa đủ sức răn đe hoặc do thiếu các quy định ràng buộc về trách nhiệm hoặc có vấn đề tiêu cực, khuất tất khiến địa phương lúng túng, thậm chí phải "bó tay", không xử lý được.
Đồng quan điểm, ông Thái Phụng Nê, Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (cũ) nói thẳng, thủy điện tích nước bất chấp các chỉ đạo của các cấp, ngành từ trung ương tới địa phương là sai và phải xử lý.
"Việc này nằm trong tầm tay của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh có đủ thẩm quyền để xử lý với các hành vi sai phạm của thủy điện này. Việc xử lý hành vi vi phạm của thủy điện này nếu có gặp khó khăn thì cần phải làm rõ có hay không sự bắt tay, bao che cho các nhà đầu tư, để khi làm sai không xử lý được", ông Nê đặt vấn đề.
Đâu là căn cơ
Từ thực tế trên, ông Đào Xuân Học cũng đồng thời đặt dấu hỏi với năng lực điều hành quản lý cũng như năng lực thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án của các cấp sở ngành liên quan tại địa phương, đặc biệt, nguyên tắc xây dựng quy trình liên hồ chứa đã bảo đảm tính chặt chẽ, minh bạch, công tâm, khách quan hay chưa?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, với những thủy điện lớn đều phải do trung ương đánh giá, thẩm định và phê duyệt, còn các dự án thủy điện nhỏ và vừa được giao lại cho chủ tịch UBND các tỉnh có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép, bổ sung quy hoạch. Đây cũng chính là vấn đề dẫn tới việc phê duyệt, bổ sung dự án thủy điện nhỏ và vừa tràn lan, khiến lãnh đạo phải chỉ đạo dừng, xóa bó hàng loạt những dự án không khả thi, có nguy cơ gây nguy hiểm.
"Có vẻ quy trình phê duyệt dự án cũng như quy trình vận hành các đập thủy điện nhỏ và vừa giữa địa phương và chủ đầu tư đang có vấn đề chưa ổn.
Tôi lấy ví dụ, với các hồ đập thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình đều vận hành theo quy trình đã được phê duyệt, dưới sự giám sát chặt chẽ của các bộ ngành trung ương và địa phương. Theo đó, ngay trước khi dự báo có bão, thủy điện đã được thông báo ngừng tích nước từ ngày nào tới ngày nào và phải xả nước từ ngày nào, rất rõ ràng.
Hầu hết chưa phải chứng kiến sự cố nào xảy ra với các hồ đập thủy điện lớn mà chủ yếu những vấn đề đều đến từ các thủy điện nhỏ và vừa. Như vậy, cần xem lại từ công tác quy hoạch, phê duyệt thủy điện của các địa phương cho tới quy trình vận hành liên hồ chứa của các thủy điện này đã thật sự chuẩn chưa?. Tôi khá băn khoăn với một sở quản lý địa phương, năng lực thủy lợi không có nhưng lại đi thẩm định, phê duyệt một dự án hồ chứa gắn chặt với vấn đề điều tiết thủy lợi của hạ du, như vậy thì làm sao làm tốt được?
Tôi đồng ý, thủy điện làm sai thì phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên, cũng cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm, năng lực quản lý, vận hành của các cấp ngành địa phương, những đơn vị được giao thẩm quyền đánh giá, phê duyệt cho cá dự án này", vị chuyên gia chỉ thẳng.
Để quản lý và xử lý được những thủy điện nhỏ và vừa, GS.TS Đào Xuân Học kiến nghị cần quy các thủy điện nhỏ và vừa về một mối, cùng với đó cũng phải xây dựng một quy trình vận hành chung dưới sự phê duyệt của các cấp bộ ngành trung ương, địa phương là đơn vị giám sát. Khi có quy trình vận hành bảo đảm chặt chẽ, nghiêm khắc sẽ không có lý do gì mà không xử lý được.
"Trước đây, khi khoa học chưa phát triển, kinh tế còn khó khăn, việc vận hành các đập hồ chứa rất đơn giản đó là xây đập tràn, để nước tràn tự do. Như vậy, khi mực nước về hồ vượt ngưỡng cho phép sẽ lập tức bị tràn trên mặt, với biện pháp này nước chảy tràn về hạ du luôn thấp hơn lượng nước chảy về hồ chứa.
Tuy nhiên, hiện nay việc vận hành thủy điện bằng các cửa xả van ngầm, khi thủy điện xả nước, các van ngầm được kéo lên trong khi nước trong hồ quá lớn sẽ tạo ra áp lực cùng với lượng nước xả cực lớn đổ xuống hạ du, khiến vùng hạ du chịu nhiều ảnh hưởng.
Do đó, tới đây, việc vận hành quy trình xả hồ đập phải xem xét, bảo đảm đúng yêu cầu lượng nước xả ra không được lớn hơn lượng nước chảy về", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Lam Lam
Việc các thủy điện tích nước ở phía thượng nguồn thì rõ ràng gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân vùng hạ du là đúng rồi, chưa nói đến những lúc trời mưa lớn thủy điện sẽ đầy nước thì việc dẫn đến vỡ đê đập còn nguy hiểm hơn. Chẳng trách mà nhân dân cứ mỗi lần lũ về lại khổ, đề nghị địa phương nên rà soát kiểm tra lại và xử lý thật nhanh, không để việc này diễn ra nữa.
Trả lờiXóa