Chia sẻ

Tre Làng

Bức thư gửi người đang sống

Đây là trích đoạn trong bức thư được gói kỹ càng để lại giữa một cánh rừng nguyên sinh tại thượng nguồn sông Đồng Nai bên cạnh 3 bộ hài cốt của 3 chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn BG (Bình Giã), Quân giải phóng miền Nam.

Sau trận tập kích của Trung đoàn Bình Giã và một số đơn vị khác thuộc Bộ Tư lệnh Miền, diệt một lực lượng lớn quân Mỹ - Ngụy ở Bông Trang - Nhà Đỏ (Thủ Dầu Một), tháng 2/1966, trên đường rút về hậu cứ, một tiểu đội, trong đó có các anh Vũ, Chí, Dũng, được phân công nghi binh, đánh lạc hướng địch, để trung đoàn trở về an toàn.

Một tiểu đội 11 người với những chiếc bật lửa và vài chiếc máy thông tin, mỗi người một khẩu AK đã làm tròn nhiệm vụ tạo dấu vết một trung đoàn hành quân về hậu cứ sau trận tập kích thắng lợi. Sau mấy ngày băng rừng, vượt suối, hứng chịu hàng chục phi vụ rải thảm của B52, tám người hy sinh; phương tiện thông tin hư hỏng.

Vượt qua những ngày “đói quay đói quắt…, khát như khô cháy cả ruột gan…” và mang trên mình đầy thương tích, ba chiến sĩ còn đã tới được cánh rừng này. Sức kiệt, không thể đi tiếp, không còn phương tiện thông tin, các anh quyết định dừng lại và “chọn khu rừng đẹp đẽ này làm nơi an nghỉ cuối cùng…”.

Chúng ta hãy nghe các anh tâm sự: “Quyết định rồi chúng tôi tự thấy khoan khoái lạ thường. Sáng suốt hẳn lên… Dừng lại ở đây với một ít sức lực còn lại viết một tường trình cuộc chiến đấu gửi lại cho ai đó tìm được…

Mỗi người đứng trước cái chết của mình cố gắng dùng một chút sức còn lại, quả thật rất ít ỏi, để thay nhau chấp bút. Chúng tôi đã chọn cây gỗ tơ còn sống lâu này làm trụ, giúp nhau mắc võng cho từng người, thống nhất nhau tư thế nằm trên võng, sắp xếp vài đồ vật còn lại… Chúng tôi sẽ chết ung dung thư thái như đã từng sống mãnh liệt mà thư thái với công việc chúng tôi đã làm…”.

Sau khi chọn cho mình cái chết, ba chiến sỹ - người yếu viết trước, người còn sức dành viết sau; các anh dồn chút sức lực còn lại viết về cuộc chiến đấu trong mấy ngày qua, về sự hy sinh của đồng đội; những tình cảm thân thương da diết đối với bố, mẹ, vợ con, người thân, quê hương… và bày tỏ niềm tin vào ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng.

Lần lượt, Lê Hoàng Vũ, Nguyễn Chí vĩnh viễn ra đi. Người để lại những dòng lưu bút cuối cùng là Trần Viết Dũng. Xin được dẫn những dòng như dứt, rút từ gan ruột của anh: “…Nhưng rồi các bạn giục kết thúc lá thư đi thôi. Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi đã cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được bảo quản cẩn thận để tránh thời gian mưa nắng phũ phàng. Thư. Thư phải về tới tay những người đang sống…

Nếu lá thư này được về với đồng đội chúng tôi trong Trung đoàn BG quân giải phóng miền Nam hay một đơn vị bạn nào đó qua đây, xin chuyển lên giùm cấp trên.

Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.

Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm - 10 năm - tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi - gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng.

Hay trong trường hợp đến 50-100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích - Và hơn thế nữa nếu được, cho chúng tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh.

Mùa Xuân giữa rừng miền Đông Nam Bộ.

Vũ-Chí-Dũng”.

9 nhận xét:

  1. Xin nghiêng mình tưởng nhớ sự hi sinh vì nên độc lập tự do của Tổ quốc Việt Nam của chúng ta.

    Trả lờiXóa
  2. Có những lớp người như thế, họ đã sống và chết-giản dị và bình tâm, không ai nhớ mặt đặt tên nhưng họ đã làm nên đất nước. chính họ đã gieo lên ngọn lửa của niềm tin của hy vọng, sức sống tiếp bước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau khi bước đến tương lai. thử hỏi có bao nhiêu dân tộc được như dân tộc ta, kiên trung, anh hùng,...những bài học về lịch sử hẵng còn đó, xin hãy ghi nhớ

    Trả lờiXóa
  3. Tổ quốc, nhân dân và các thế hệ con cháu đời đời ghi nhớ công ơn của các ông, các bác đã anh dũng chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do của Dân tộc!Các "Anh" và cả một thế hệ vàng son của dân tộc đã viết lên một trang sử oai hùng cho bản trường ca chống giặc giữ nước của dân tộc VN.

    Trả lờiXóa
  4. Tổ quốc, nhân dân và các thế hệ con cháu đời đời ghi nhớ công ơn của các ông, các bác đã anh dũng chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do của Dân tộc! Đọc xong mình cảm thấy muốn cố gắng nhiều hơn nữa, cảm ơn các anh (xin phép được gọi là anh). Xin cảm ơn từ tận đáy lòng!

    Trả lờiXóa
  5. Các "Anh"và cả một thế hệ vàng son của dân tộc đã viết lên một trang sử oai hùng cho bản trường ca chống giặc giữ nước của dân tộc VN. Họ đã chọn cho mình cách sống và cách hy sinh cho tổ quốc cho lý tưởng, đáng để học tập suy nghĩ và noi theo

    Trả lờiXóa
  6. Xin kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh lớn lao và cao cả của các anh, các anh đã đánh đổi cả bản thân mình vì một Việt Nam thống nhất và độc lập, một Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ. Thế hệ sau, lớp trẻ sau, những người sống trong môi trường hòa bình sau này, 5 năm, 10 năm, hàng trăm năm sau nữa chúng ta vẫn luôn nhớ mãi một thời ông cha anh hùng, bất khuất, dũng cảm, đã ngã xuống để con cháu thoát khỏi tay cai trị của kẻ khác.

    Trả lờiXóa
  7. Cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc khó khăn, gian lao và đầy những mất mát đau thương, không biết bao nhiêu người cha, người chú, người anh đã nằm xuống mãi ở chiến trường, không biết bao nhiêu gia đình đã lâm vào cảnh chia ly nhưng tất cả đều hướng tới mục đích duy nhất là giành và giữ được độc lập. Sống trong thời đại ngày nay, ngoài sống cho bản thân thì còn phải thực hiện tiếp ước vọng của những người đã ngã xuống, sống xây dựng phát triển đất nước, sống tốt vai trò của một công dân để xứng đáng với sự hy sinh của các chiến sĩ.

    Trả lờiXóa

  8. Xin được nghiêng mình trước những gương hy sinh nghĩa liệt, trước những dòng huyết thư như một lời ca bất tử của những người trai đất Việt thời thắng Mỹ.

    Trả lờiXóa
  9. Với cá nhân tôi, tôi thực sự xúc động và tự hứa với linh hồn các anh sẽ rèn luyện thật tốt mong sao đền đáp được phần nào sự bình yên mà các anh đã đóng góp đem lại cho thế hệ chúng tôi ngày nay. Sự hy sinh của các anh là vẻ đẹp của một thế hệ hào hùng, chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog