Bộ GD&ĐT đã làm việc, trao đổi và đi đến thống nhất với Bộ Nội vụ về việc bỏ quy định chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Đây được xem là một trong những bước thay đổi quan trọng, tiến bộ và phù hợp với tình hình mới.
Từ bằng giả của ĐH Đông Đô
Mới đây CQĐT đã đề nghị truy tố một số cán bộ nguyên lãnh đạo ĐH Đông Đô liên quan đến sai phạm trong việc cấp văn bằng 2 tiếng Anh. Đáng chú ý trong số những đối tượng dùng bằng tiếng Anh giả của trường này có đến 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ. 5 trường hợp còn lại thì có một người làm điều kiện học thạc sĩ, một trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, một trường hợp thi tuyển công chức và 2 người kê khai hồ sơ cán bộ.
Thực tế cho thấy, hiện nay, bằng, chứng chỉ tiếng Anh, tin học là điều kiện cần của các cuộc tuyển dụng viên chức, công chức, thi nâng hạng, nâng lương hiện nay. Cũng bởi vậy, mà nhiều người chạy đua để có được bằng tiếng Anh cho đủ hồ sơ, chứng chỉ. Không chỉ ở cấp bậc cao, cần điều kiện nghiên cứu sau ĐH, mà ngay cả đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cũng cần những chứng chỉ tin học, không sử dụng để… thăng hạng, nâng lương.
Cần chứng chỉ nhưng không sử dụng, không có thời gian đi học nên mới có chuyện: Không học mà có chứng chỉ, không tổ chức dạy mà có điểm và mở ngành đào tạo nhưng không đào tạo vẫn có cấp bằng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ ra trong quá trình đào tạo ở các trường sư phạm, các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau rồi, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực.
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng thừa nhận nếu toàn dân biết ngoại ngữ thì quá tốt. Nhưng yêu cầu giáo viên nào cũng phải biết ngoại ngữ là điều không tưởng. Nên khi đặt ra quy định vượt quá khả năng thật của giáo viên thì sẽ dẫn đến tình trạng đối phó.
Xóa bỏ những chứng chỉ không cần thiết cũng sẽ góp phần xóa bỏ học giả, bằng giả, đào tạo giả. Ảnh tư liệu
Bỏ chứng chỉ không cần thiết là mong mỏi từ lâu
Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ Nội vụ đã có ý kiến chính thức tại Công văn số 4853 ngày 16-9-2020 và Công văn số 5646 ngày 27-10-2020; sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ hiện thực hóa trong chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập sắp được ban hành.
Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Đã có nhiều phản ánh về những áp lực, cũng như tiêu cực khi giáo viên phải đi học để có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Bên cạnh đó, trên thực tế, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là hình thức, chưa thiết thực.
Khi Luật Viên chức sửa đổi ban hành, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã tham mưu xây dựng các Thông tư mới quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Điểm nhấn đáng chú ý của các Thông tư này, theo ông Đặng Văn Bình, chính là tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ 2; không quy định giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc.
Trước đó, tại cuộc tiếp xúc cử tri thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết: Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất, xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã hoàn tất các quy trình soạn thảo văn bản và đơn vị đầu mối là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục sẽ trình Lãnh đạo Bộ ban hành chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập trong tháng 12 này.
Xóa bỏ những chứng chỉ không cần thiết cũng sẽ góp phần xóa bỏ học giả, bằng giả, đào tạo giả. Vì thế, quy định này được cho là bước tiến và đã được mong mỏi từ lâu.
Phan Thủy
Ủng hộ việc bỏ quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên! Bởi vì giáo viên họ được đào tạo khả năng sư phạm về một hay một vài môn học nào đó, đến môi trường chỉ dạy lại cho học sinh của họ cũng chỉ sử dụng tiếng việt 100%! Nên thực sự không nhất thiết cứ phải có cái bằng với cả chứng chỉ làm gì cho nó oai cả
Trả lờiXóaCông nhận là việc học ngoại ngữ, tin học đối với một số giáo viên mà đã có tuổi rồi thì thực sự là gây khó khăn với họ. Mà hầu như ở các trường học thì số lượng giáo viên có tuổi cũng chiếm tỉ lệ cao, việc bắt họ bắt đầu học ngoại ngữ, tin học thực sự rất khó. Khó nên họ mới làm liều, làm liều mới tạo điều kiện cho mấy tay bị bắt ở trên kiếm lợi là vì thế
Trả lờiXóaCông nhận là nếu như việc bắt học ngoại ngữ, thì chứng chỉ ngoại ngữ hay tin gì đó nó thực sự có tác dụng, nghĩa là có bằng thì tương đương với việc có thể sử dụng tốt như thế thì hẵng bắt. Chứ còn không thì nên bỏ bởi vì giáo viên chưa chắc họ đã có cơ hội sử dụng nhiều đến vậy vì họ cũng chỉ giảng dạy bằng tiếng việt hay viết bảng trên lớp thôi
Trả lờiXóaBỏ hay không bỏ thì cũng có cái lợi và hại riêng. Vì thế giới phát triển nên không thể chối bỏ tầm quan trọng của tiếng anh cùng với tin học. Lực lượng giáo viên trẻ vẫn nên trang bị kiến thức tin học và ngoại ngữ chứ không thể đến khi ra công tác bỗng xảy ra chuyện: Giáo viên còn kém hơn cả học sinh được đúng không ạ?
Trả lờiXóaBỏ nhưng mà vẫn phải học chứ ạ? Học sinh giờ nhạy bén lắm. Hơn nữa muốn dạy tốt, kết hợp các môn học tốt thì vẫn nên để giáo viên phải biết ngoại ngữ. Tôi vẫn mong phía trường học tạo cơ hội cho giáo viên được tập huấn nhiều để học nâng cao khả năng dạy và học kết hợp cơ bản thêm tin học và ngoại ngữ để có thể dạy con trẻ thật tốt
Trả lờiXóaPhải xem xét từ việc cho phép trường đại học nào cấp các loại chứng chỉ này. Muốn được phép cấp thì chính họ phải đảm bảo điều kiện, đủ sự minh bạch trong việc tổ chức thi và trao chứng chỉ đã. Chứ chính trong nội bộ của nhà nước đã có lỗ hổng thế là không ổn rồi? Bỏ của giáo viên thì có thể chấp nhận vì họ không quá cần đến tiếng anh thế còn ngành nghề khác cần tiếng anh mà lại có kẻ dùng bằng giả thì sẽ sao?
Trả lờiXóaBỏ nhưng vẫn hi vọng giáo viên nên không ngừng rèn luyện học tập để cải thiện cho mình. Vì không thể chối bỏ tầm quan trọng của ngoại ngữ tin học đâu. Đừng cho mình trở nên tụt hậu như thế. Rõ ràng bạn có chuyên môn nhưng ngoại ngữ tin học kém cũng đã là một cái bất lợi rồi, có thể sẽ không chạy được với hội trẻ đâu
Trả lờiXóaViệc bỏ các chứng chỉ tin học ngoại ngữ đối với các giáo viên không phải là chuyên ngành cũng là vấn đề cần thiết. Thực tiễn cho thấy từ khi có tiêu chuẩn tin học, ngoại ngữ bắt buộc đối với các giáo viên đã có rất nhiều áp lực cũng như khó khăn cho giáo viên không phải là chuyên ngành, từ thực tiễn đó đã có nhiều trường hợp dùng các này dùng cách khác để có được chứng chỉ trong khi năng lực trình độ cũng chẳng cao và sử dụng bao nhiêu.
Trả lờiXóaĐào tạo thật,chứng chỉ thật, chất lượng thật còn tốt hơn việc đào tạo đại trà như hiện nay. thiết nghĩ các giáo viên dạy tin, dạy ngoại ngữ thì cần tăng cường tiêu chí cũng như năng lực, các giáo viên khác thì tập trung chuyên môn để các giáo viên có thời gian tập trung nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh mục mình tránh việc thúc ép cơ học.
Trả lờiXóaRõ ràng việc học giả thi giả và làm bằng giả đã gây ảnh hưởng cực lớn đến chất lượng chung của ngành giáo dục, một nền giáo dục giả dối đã làm nên những con người như vậy. Không biết các thế hệ mầm non tương lai của đất nước sẽ đi về đâu khi thấy cha anh mình có những sai phạm tiêu cực trong thi cử như vậy, đáng buồn
Trả lờiXóaChính phủ trả lương Cán bộ dựa theo bằng cấp nên bằng giấy bảng giả lả chuyện thường tình, muốn được thêm thu nhập thì không cần làm được việc hay liêm khiết mà chỉ cần có cái bằng cao hơn thôi.Chuyện này đã xảy ra và cũng sẻ xảy ra. Doanh nhân làm ăn với các đối tượng nước ngoài nhất định phải học tiếng nước ngoài đê dể giao dịch là điều dể hiểu Nhưng cán bộ cấp xả,phường,quận huyện phải biết ngoại ngữ là điều Không tưởng.Giao dịch làm ăn với đối các tác nước ngoài là việc của vợ chồng con em cha mẹ của quan chức chứ đâu phải việc của quan chức sao họ phải học,phải có chứng chỉ ngoại ngữ!!!. Nếu có ai đó mơ tưởng biến nước ta thành thuộc địa của một cường quốc nào đó thì hảy mở mắt thật to mà nhìn vào Hong Kong,Puerto Rico và Caribbean Islands. Xin đừng Tây Tàu hóa chúng tôi bằng Giáo Dục
Trả lờiXóa“Để tránh lãng phí về tiền bạc thời gian và công sức cho những chứng chỉ bắt buộc nhưng công việc không cần dùng đến dù chỉ rất nhỏ, theo tôi tới đây công việc nào cần chuyên môn gì thì kiểm tra năng lực chuyên môn đó như các doanh nghiệp họ phỏng vấn cho vị trí nào thì tuyển người có chuyên môn đó” – PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT đề xuất.
Trả lờiXóa