Quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động là bình đẳng. Vì vậy, khi vi phạm thỏa thuận, người lao động phải có trách nhiệm bồi thường
Do tự ý nghỉ việc mà không có lý do chính đáng, mới đây, công nhân (CN) Lê Thị Mỹ Duyên đã bị Công ty TNHH L.M (quận 12, TP HCM) khởi kiện ra tòa đòi bồi thường. Theo phán quyết của tòa, ngoài các khoản bồi thường theo quy định đối với hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái luật, chị Duyên còn phải bồi thường gần 10 triệu đồng chi phí đào tạo cho công ty.
Nghỉ việc tùy tiện
Tháng 3-2018, chị Duyên được công ty tuyển dụng vào bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm. Trước khi làm việc chính thức, chị phải trải qua thời gian đào tạo 2 tháng, hưởng lương cơ bản và ký cam kết học việc. Theo thỏa thuận, sau khi kết thúc thời gian đào tạo, chị Duyên phải làm việc cho công ty ít nhất 2 năm; nếu nghỉ việc trước thời hạn thì phải bồi thường chi phí đào tạo là 2 tháng lương cơ bản.
Đầu tháng 5-2019, chị Duyên và công ty ký HĐLĐ xác định thời hạn 24 tháng. Tuy nhiên, mới làm việc được hơn 6 tháng thì chị tự ý bỏ việc không có lý do và cũng không báo trước. Nhiều lần mời Duyên đến làm việc nhưng chị không hợp tác nên công ty quyết định khởi kiện.
Trình bày tại tòa, Duyên cho hay vào thời điểm nghỉ việc, chị đang có thai, sức khỏe yếu, trong khi công việc ở công ty quá áp lực. "Do không am hiểu luật nên trước khi nghỉ việc, tôi đã không báo trước và chưa nộp đơn xin thôi việc. Lý do nghỉ việc của tôi là chính đáng và tôi không đồng ý bồi thường cho công ty" - Duyên quả quyết.
Hội đồng xét xử nhận định lý do chị Duyên nghỉ việc là vì mang thai, sức khỏe yếu nhưng không cung cấp được chứng cứ (giấy chỉ định phải nghỉ việc dưỡng thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền). Hơn nữa, trước khi nghỉ việc, chị Duyên không tuân thủ thời gian báo trước nên hành vi của chị là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định pháp luật.
"Quan hệ lao động giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) là bình đẳng, được pháp luật lao động điều chỉnh cụ thể, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ lao động. Hành vi của chị Duyên là trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty nên yêu cầu đòi bồi thường của công ty có cơ sở chấp nhận" - chủ tọa phiên tòa nhận định. Ngoài tổng số tiền bồi thường cho các hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định, chị Duyên còn phải bồi thường chi phí đào tạo cho công ty với tổng số tiền gần 18 triệu đồng.
Phải mạnh tay
Công ty TNHH T.B.S (tỉnh Bình Dương) là doanh nghiệp (DN) rất kiên quyết trong việc khởi kiện NLĐ có hành vi vi phạm pháp luật và nội quy lao động. Giải thích lý do khởi kiện, ông Lê Minh Nhật, đại diện công ty, cho biết mục đích của ban giám đốc không phải để đòi tiền bồi thường mà là nhắc nhở NLĐ phải có ý thức tuân thủ pháp luật.
"Tình trạng NLĐ vi phạm nội quy lao động, tự ý bỏ việc xảy ra khá phổ biến mà nguyên nhân một phần là do DN chưa mạnh tay xử lý hành vi vi phạm. Do vậy, việc khởi kiện sẽ là giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa triệt để tình trạng này" - ông Nhật nhìn nhận.
Ông Nhật dẫn chứng một hành vi vi phạm của NLĐ xảy ra tại công ty để khẳng định điều mình nói. Cách đây không lâu, công ty tuyển dụng anh Vũ Văn Đăng vào làm CN đóng gói. Trong quá trình làm việc, do anh Đăng không tuân thủ nội quy lao động, đặc biệt là không chấp hành sự phân công của trưởng bộ phận, nên đã bị lập biên bản vi phạm. Dù đã được nhắc nhở nhưng Đăng không những không khắc phục sai phạm mà còn tiếp tục có những hành vi gây ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của bộ phận đóng gói. Vì vậy, công ty đã ra quyết định tạm thời điều chuyển Đăng sang làm việc tại tổ cơ khí trong thời gian 2 tháng. Chứng nào tật đó, Đăng tiếp tục có những hành vi vi phạm nội quy lao động như: tự ý bỏ vị trí làm việc và nói chuyện riêng. Lãnh đạo công ty đã nhiều lần mời anh Đăng lên để nhắc nhở, khiển trách nhưng không hiệu quả. Khi ban giám đốc gửi giấy mời họp xử lý kỷ luật lao động thì Đăng tự ý bỏ việc không có lý do, cũng không báo trước. Chưa hết, sau khi nghỉ việc, Đăng cho đăng tải những thông tin trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến uy tín công ty.
Trước hành vi quá quắt của Đăng, công ty quyết định khởi kiện. Tại tòa, Đăng phủ nhận các cáo buộc của công ty, đồng thời biện minh lý do không làm việc ở bộ phận mới và rời khỏi vị trí làm việc là vì bị đau đầu bởi tiếng ồn, phải đi nơi khác ngồi nghỉ (!?).
Tuy nhiên, cách giải thích này bị tòa bác bỏ. Tòa tuyên buộc Đăng phải bồi thường cho công ty hơn 8 triệu đồng vì đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và phải xóa các thông tin gây bất lợi cho DN trên mạng xã hội.
"Đối với trường hợp trên, công ty có thể tiến hành xử lý kỷ luật sa thải nhưng chúng tôi quyết định khởi kiện hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ bởi đi kèm với hành vi đó là nghĩa vụ phải bồi thường cho DN. Mong muốn của DN sau vụ việc là NLĐ phải ý thức tuân thủ pháp luật" - ông Nhật phân tích.
Bình đẳng quyền lợi và nghĩa vụ
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ là bình đẳng. Do vậy, khi một trong các bên vi phạm thỏa thuận đều phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Trước đây, đa số các vụ khởi kiện, NLĐ đứng ở vị trí nguyên đơn nhưng thời gian gần đây, việc NSDLĐ đứng ra khởi kiện NLĐ có chiều hướng tăng nhằm tăng sức răn đe.
"Khi bị thua kiện, ngoài tổn thất về kinh tế, lý lịch tuyển dụng của NLĐ còn xấu đi, từ đó dẫn đến mất các cơ hội làm việc tốt về sau. Do vậy, trong mọi trường hợp, NLĐ phải có ý thức tuân thủ luật để bảo vệ quyền lợi bản thân, tránh thiệt hại không đáng có" - ông Tín nhấn mạnh.
Bài và ảnh: HƯƠNG HUYỀN
Những người làm việc không có trách nhiệm, thích nghỉ việc lúc nào thì nghĩ, thích thì làm mà không thích thì thôi thì làm ở đâu cũng chẳng thể khá lên được. Đặc biệt là những kẻ tự ý nghĩ ngang chừng, không thông báo rồi lặng biệt tích vào thời gian cao điểm gây khó khăn thiệt hại cho công tay, người sử dụng lao động thì cần phải xử lý nghiêm theo luật dân sự.
Trả lờiXóa