Trung Quốc có quân đội lớn nhất thế giới. Nga sở hữu nhiều xe tăng nhất. Và Hoa Kỳ nắm giữ những vệ tinh đắt tiền nhất. Nhưng đâu mới là quốc gia hùng mạnh nhất trong lĩnh vực mạng máy tính?
Một bảng xếp hạng mới về sức mạnh mạng của các quốc gia được thực hiện bởi Trung tâm Belfer của Đại học Harvard đã xếp hạng 30 quốc gia về mức độ tham vọng và năng lực của họ. Một trong những tiêu chí đánh giá là năng lực tấn công mạng - năng lực gây tổn hại thông qua hoặc trực tiếp đến mạng máy tính.
Đồng thời bảng xếp hạng cũng xét đến các tiêu chí: sức mạnh phòng thủ của một quốc gia, mức độ tinh vi của nền công nghiệp an ninh mạng và khả năng truyền bá cũng như ngăn chặn thông tin tuyên truyền.
Không bất ngờ gì khi Hoa Kỳ chính là quốc gia đứng đầu bảng. Ngân sách an ninh mạng của Hoa Kỳ cho năm tài chính 2020 vượt trên mức 17 tỷ đô la, với Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), cơ quan tình báo tín hiệu (SIGINT) của Hoa Kỳ, có thể được chi hơn 10 tỷ đô la.
Quy mô đáng gờm của hoạt động tình báo kỹ thuật số của Hoa Kỳ đã bị phơi bày trong các tiết lộ vào năm 2013 của Edward Snowden, một cựu nhân viên hợp đồng của NSA, cho thấy cơ quan này đang tiêu thụ lượng lớn lưu lượng truy cập internet và cố làm suy yếu các tiêu chuẩn mã hóa.
Ở vị trí á quân là Trung Quốc với khát khao mãnh liệt cho hoạt động gián điệp mạng thương mại nước ngoài và khả năng kiểm soát hoàn toàn internet trong nước.
Nằm ở vị trí thứ ba là Anh, Trung Tâm An ninh mạng Quốc gia của nước này đã ngăn chặn hơn 1.800 cuộc tấn công mạng từ khi nó được thành lập vào năm 2016.
Anh hiện đang thành lập Lực lượng Không gian mạng Quốc gia với mục đích tấn công, có nhân viên là các điệp viên và binh lính. Nga chính là nước về đích hạng tư.
Bất ngờ lớn ở đây chính là Hà Lan, đất nước giành được hạng năm, hơn cả Pháp, Đức và Canada. Một người Hà Lan trong ngành cho biết, chuyên môn của Hà Lan trong việc phân tích phần mềm độc hại thì đặc biệt nhạy bén, người này cho rằng điều này rất có lợi cho việc phát hiện cũng như thực hiện tấn công.
Đội truy bắt tội phạm mạng do cảnh sát Hà Lan đảm nhiệm đã chứng minh khả năng thông thạo trong việc bắt tội phạm trực tuyến.
Vào năm 2014, một nhóm hacker tuy có quy mô nhỏ nhưng mang đẳng cấp thế giới làm việc cho tình báo Hà Lam đã xâm nhập vào mạng máy tính của SVR (Cục Tình báo nước ngoài của Nga), bao gồm cả hệ thống camera quan sát của tòa nhà, vì thế cho phép họ quan sát khi Nga tấn công (hack) vào Bộ ngoại giao Hoa Kỳ.
Marcus Willett, cựu phó giám đốc của GCHQ, cơ quan SIGINT của Anh, cảnh báo rằng việc đo lường sức mạnh mạng đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chuyên gia cảm thấy bối rối khi Israel sở hữu khả năng tấn công tốt, nhưng lại nằm ở vị trí tương đối thấp trong bảng xếp hạng của Belfer, có lẽ bởi vì Israel luôn kín đáo về những chiến tích của mình.
Ông Willet nói: “Ta có thể dễ dàng nhìn thấy những con tàu chiến ở Nam Cực, nhưng khó có thể phát hiện ra một đoạn mã được đưa vào một nhà máy điện”.
Trong khi một số quốc gia thừa nhận năng lực tấn công của họ, với Hoa Kỳ và Anh tự hào khoe khoang đập tan được mạng lưới Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria một phần như một tín hiệu gửi đến Nga và Trung Quốc, hầu hết các nước đều tránh né đề cập đến điều này.
Nhiều quốc gia thuê ngoài những kẻ thay mặt mà họ có thể dễ dàng từ chối sự liên can như hacker hay tội phạm để làm các công việc bẩn thỉu. Và trong khi việc mua sắm tàu chiến hay tên lửa rất hao tổn thời gian và tiền bạc thì những phần mềm độc hại mạnh mẽ lại có thể bị đánh cắp hoặc mua online.
Ví dụ, WannaCry, một đòn tấn công bằng ransomware (mã độc tống tiền) được Triều Tiên thực hiện năm 2017 đã sử dụng công cụ hack EternalBlue bị rò rỉ từ NSA.
Một nghiên cứu sắp được công bố về sức mạnh mạng do ông Willett và các đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), một tổ chức tư vấn, kết luận rằng, mặc dù việc đánh cắp và làm gián đoạn mạng là quan trọng, nhưng quan trọng nhất về lâu dài vẫn là sự kiểm soát cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, chẳng hạn như phần cứng vận hành viễn thông di động và các ứng dụng chủ chốt.
IISS cho biết sự thống trị trong khía cạnh này sẽ rất quan trọng đối với sức mạnh kinh tế và an ninh quốc gia. Theo thước đo này, “chỉ có Trung Quốc đang có khả năng nhảy vọt để đứng cùng với Hoa Kỳ ở vị trí đầu bảng”.
Đi kèm với chuyển đổi số thì an ninh mạng là cực kì quan trọng, có thể thấy các nước lớn rất chú trọng trong việc này, họ sẵn sàng chi hàng tỷ đô la để củng cố tiềm lực an ninh mạng. Việt Nam qua đó cũng nên nhìn nhận về việc củng cố tiềm lực an ninh mạng.
Trả lờiXóa