(NLĐO)- Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định cả hai nội dung mà ông Lê Vinh Danh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, khiếu nại đều là khiếu nại sai; do đó giữ nguyên việc thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Lê Vinh Danh.
Chiều nay 5-1, tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP HCM), Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức công bố Quyết định số 1662/QĐ-TLĐ ngày 4-12-2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, về việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Vinh Danh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Trước đó, trong đơn khiếu nại đề ngày 27-10-2020, ông Lê Vinh Danh khiếu nại Quyết định số 1507/QĐ-TLĐ ngày 21-10-2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc thi hành kỷ luật viên chức bằng hình thức kỷ luật cách chức với 2 nội dung khiếu nại.
Ông Trần Trọng Đạo, Võ Hoàng Duy không còn là thành viên Hội đồng kỷ luật
Căn cứ quy định của pháp luật về khiếu nại, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thành lập đoàn xác minh, tiến hành xác minh, tổ chức đối thoại đảm bảo dân chủ, khách quan. Kết quả xác minh cho thấy về nội dung khiếu nại thứ nhất (xem xét lại thành phần Hội đồng kỷ luật do có thành viên liên quan đến các vi phạm của viên chức bị xem xét, xử lý kỷ luật).
Căn cứ Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Trường ĐH Tôn Đức Thắng và ông Lê Vinh Danh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Công văn của Thành ủy TP HCM đề nghị Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm đối với ông Lê Vinh Danh, ngày 24-8-2020, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Quyết định số 1243/QĐ về việc thành lập hội đồng kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh, trong đó có hai thành viên là ông Trần Trọng Đạo - người được Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam giao điều hành hoạt động của trường trong thời gian tạm đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng của ông Danh và ông Võ Hoàng Duy - Phó Bí thư Đảng ủy phụ trách Đảng bộ Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Sau đó, ngày 17-9-2020, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ TP HCM ban hành các quyết định kỷ luật đối với ông Võ Hoàng Duy và ông Trần Trọng Đạo.
Căn cứ khoản 3 Điều 17 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 6-10-2020, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TLĐ về việc thay đổi thành viên Hội đồng kỷ luật theo Quyết định số 1243/QĐ-TLĐ. Theo đó bà Đinh Thị Thảo Trang - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối ĐH, CĐ TP HCM - thành viên Hội đồng (thay thế ông Võ Hoàng Duy); ông Đồng Sỹ Thiện Châu, Trưởng khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Thành viên Hội đồng (thay thế ông Trần Trọng Đạo).
Như vậy, kết quả xác minh cho thấy nội dung khiếu nại thứ nhất của ông Lê Vinh Danh là sai. Bởi Quyết định số 1243/QĐ-TLĐ đã được điều chỉnh bởi Quyết định số 1399/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, theo đó ông Trần Trọng Đạo và ông Võ Hoàng Duy không còn là thành viên Hội đồng kỷ luật.
Kỷ luật cách chức ông Lê Vinh Danh là đúng quy định pháp luật
Về nội dung khiếu nại thứ hai (người khiếu nại không vi phạm các quy định tại Điều 12 Nghị định số 27/NĐ-CP ngày 6-4-2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức).
Quá trình xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp cũng như căn cứ hồ sơ xử lý kỷ luật viên chức và văn bản giải trình của những người có liên quan đến vụ việc, Đoàn xác minh của Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Lê Vinh Danh đã có những hành vi vi phạm như sau.
Ông Lê Vinh Danh đã vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ. Việc tuyển dụng, bố trí cán bộ, viên chức có trường hợp không thông qua tập thể lãnh đạo quản lý, Ban Giám hiệu, Đảng ủy Trường; hoặc có thông qua nhưng không đúng quy định của Đảng về việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng về công tác cán bộ; ký hợp đồng với bà Trịnh Minh Huyền sau khi nghỉ hưu với chức vụ Trợ lý Hiệu trưởng có thời hạn 5 năm là vi phạm điểm b, Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012 . Mặt khác, chức danh này không có trong Đề án vị trí việc làm của Trường.
Đề xuất bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng không có trong quy hoạch vi phạm mục 2 Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW ngày 24-2-2017 của Ban Tổ chức Trung ương, điểm 2 Khoản 1 mục III Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 5-1-/2012 của Ban Tổ chức Trung ương; Bổ nhiệm 44 trường hợp không có trong quy hoạch.
Bên cạnh đó, ông Lê Vinh Danh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Cụ thể, ông Danh đã trực tiếp ký các văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bỏ cơ chế cơ quan chủ quản nhưng không thông qua Hội đồng Trường, Đảng ủy Trường, không báo cáo xin ý kiến Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, là vượt thẩm quyền theo quy định; thực hiện không đúng quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Quyết định số 747/QĐ-TTg ngày 11-6-2008 của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm Điều 11 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường.
Không chỉ vậy, ông Danh đã có những phát biểu và cung cấp thông tin để báo chí đăng tải chưa đúng với thực tế, phủ nhận sự đóng góp và hỗ trợ của tổ chức Công đoàn trong quá trình thành lập và phát triển của Trường, đòi thoát ly vai trò của cơ quan chủ quản là Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Đối với hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 27/NĐ-CP, ông Lê Vinh Danh đã duyệt chi để thực hiện công tác đối ngoại của Trường không đúng quy định hơn 7,3 tỉ đồng (cho cán bộ các cơ quan, tiếp các đoàn làm việc tại Trường); duyệt chi hơn 4,4 tỉ đồng hỗ trợ cho LĐLĐ các tỉnh và hơn 2,8 tỉ đồng đồng tài trợ cho các cơ quan, đơn vị ngoài trường. Hành vi nêu trên đã vi phạm Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3995/VPCP-KGVX ngày 18-6-2008 về việc xây dựng Quy chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Sử dụng tiền lãi cho vay của Tổng LĐLĐ Việt Nam và trích lập các quỹ chưa đúng mục đích vay. Cụ thể, Trường đã ký hợp đồng số 391b/HĐVT ngày 3-4-2014 vay của Tổng LĐLĐ Việt Nam số tiền 100 tỉ để đầu tư xây dựng Dự án trung tâm đào tạo thực hành du lịch, nhà hàng khách sạn và thể thao biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu, thời hạn vay 5 năm và không tính lãi. Trong thời gian nhận nợ vay, Trường đã gửi tiết kiệm vào Ngân hàng Phương Đông và thu được hơn 10,5 tỉ đồng tiền lãi. Trường kết chuyển tiền lãi vào chênh lệch thu chi và đã trích vào các Quỹ của Trường. Việc gửi tiết kiệm và trích quỹ nêu trên đã vi phạm mục đích sử dụng tiền vay tại Điều 2 Hợp đồng 391b/HĐVT giữa Trường và Tổng Liên đoàn.
Bên cạnh đó, ông Lê Vinh Danh còn có hàng loạt vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu. Cụ thể: Chỉ định thầu và ký hợp đồng với Công ty tư vấn thiết kế xây dựng Sagen không có năng lực, nguy cơ gây tổng thiệt hại với Trường khoảng 29,9 tỉ đồng; Chỉ định thầu của hạng mục mua sắm trang thiết bị Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan trị giá hơn 22,3 tỉ đồng, vi phạm Khoản 2 Điều 89 Luật Đấu thầu.
Như vậy, kết quả xác minh cho thấy nội dung khiếu nại thứ hai của ông Lê Vinh Danh cũng là khiếu nại sai. Từ đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định giữ nguyên Quyết định số 1507/QĐ-TLĐ ngày 21-10-2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc thi hành kỷ luật viên chức đối với ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, bằng hình thức cách chức.
Làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Tổng LĐLĐ Việt Nam
Ngày 26-3-2020, ông Lê Vinh Danh đã trực tiếp ký ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐT của Hội đồng trường có nội dung không phản ánh đúng diễn biến cuộc họp là vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền ban hành văn bản; đồng thời tự ý biên tập lại nội dung biên bản cuộc họp của tập thể lãnh đạo Trường phản ánh không đúng ý kiến của các thành viên tham dự, trong đó tự bổ sung thêm những phát biểu phản đối nhằm làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Tổng LĐLĐ Việt Nam; tự ý kết thúc nhiệm kỳ của Hội đồng Trường và các Phó Hiệu trưởng từ ngày 31-3-2020 để một mình điều hành các hoạt động của Trường… là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc mất dân chủ của Trường.
Văn Duẩn
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã làm khá tốt công tác kiểm tra, giám sát nhưng về mặt khía cạnh trách nhiệm cũng có mặt chưa quyết liệt, có nội dung chưa triệt để. Lãnh đạo Tổng Liên đoàn đều thấy trách nhiệm
Trả lờiXóaQuan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam phải tìm người đủ năng lực, trình độ và phù hợp với mô hình của nhà trường và tình hình phát triển của nhà trường. Những người mới này sẽ làm cho trường tiếp tục phát triển nhưng phát triển vững chắc, lành mạnh
Trả lờiXóa'Có tài mà cậy chi tài, chữ tài đi với chữ tai một vần'; chữ 'Đức' đáng giá bằng năm chữ 'Tài'. Ông này cậy tài lạm quyền, coi thường cấp dưới, khinh rẻ tập thể thì để lại làm chi mà không 'cắt cái chức' đó đi cho lành xã hội, cho yên lòng Dân!. Đây đúng là cái lò của Cụ Tổng đã nóng thì củi nào cũng cháy và thịt sẽ chín ngay mà lị.
Trả lờiXóa