Tấm hình anh bộ đội gầy gò vác khẩu súng phóng lựu B41 kê lên cây số 0 ở Lạng Sơn từ lâu đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người và trở thành biểu tượng của cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc năm 1979.
Tìm ra nhân vật trong bức ảnh ấy là hành trình rất dài và khó như mò kim đáy bể. Khát khao kiếm tìm lời giải đáp, chúng tôi đi từ Bắc vào Nam, lần theo những manh mối nhỏ nhất, tìm gặp những chứng nhân có liên quan đến bức ảnh với niềm hy vọng cháy bỏng về người chiến sỹ đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Người cựu binh ngoài 80 ấy là Đại tá Ngô Công Nội, khi ấy là Trung tá - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 540, mặt trận Lạng Sơn, người đã ký giấy chứng minh quân nhân cho chiến sỹ Trần Huy Cung - nhân vật trong bức ảnh người chiến sỹ vác khẩu súng phóng lựu B41 kê lên cột Km0 Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979.
Bức ảnh đã nổi tiếng từ lâu khắp trong và ngoài nước. Phóng viên chiến trường kỳ cựu TTXVN, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Minh Đạo cho rằng đây là một trong những hình ảnh ấn tượng, ‘mang tính biểu tượng nhất’ cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 của nhân dân Việt Nam.
Và cuối cùng cũng phải tìm ra ...
Chúng tôi có được thông tin từ Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An) - người tham gia vào biên soạn cuốn sách “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989): Góc nhìn báo chí”.
Với manh mối của Thạc sỹ Hiếu, phóng viên VTC News tìm đến nhà ông Trần Huy Cung ở phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người được cho là nhân vật trong bức ảnh lịch sử.
Thật buồn là ông Cung đã mất năm 2015. Trò chuyện với bà Tô Thị Huê, vợ ông Cung và 2 con của ông, chúng tôi mới hay gần như toàn bộ giấy tờ về ông đã bị thất lạc. Những gì còn lại giờ đây chỉ là tờ giấy chứng minh ông Trần Huy Cung thuộc Quân đoàn 14 - Binh đoàn Chi Lăng.
Với một vài giấy tờ ít ỏi còn sót lại, ông Cung thậm chí còn không được tham gia hội cựu chiến binh xã do không đủ giấy tờ. Trong những câu chuyện về chồng mình, bà Tô Thị Huê vừa kể vừa nghẹn ngào khóc, bà chưa bao giờ nghĩ sau từng ấy năm lại có người về tận đây để tìm ông.
Từ manh mối duy nhất là tấm chứng minh quân đội, chúng tôi tìm được Đại tá Ngô Công Nội, khi đó là Trung tá - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 540 thuộc Quân đoàn 14 - Binh đoàn Chi Lăng, ký giấy chứng minh quân nhân cho ông Trần Huy Cung.
Đại tá Nội giúp chúng tôi làm sáng tỏ nhân vật trong bức ảnh lịch sử. Ông xác nhận người trong ảnh là lính của mình, ông Trần Huy Cung, người lính anh hùng năm xưa trên mặt trận Lạng Sơn chống quân Trung Quốc xâm lược.
Tháng 7/2019, loạt phóng sự “Đi tìm người lính trong bức ảnh biểu tượng nhất cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược” được đăng tải và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận độc giả.
Gần nửa năm sau, chúng tôi có cơ hội tổ chức cuộc gặp gỡ giữa những nhân vật là chứng nhân của bức ảnh lịch sử đó.
Cuộc hạnh ngộ như duyên tiền định
Mặc dù nhân vật trong bức ảnh, ông Trần Huy Cung không còn nhưng gia đình ông, người chỉ huy cũ của ông và các nhà nghiên cứu sử học vẫn mong muốn con ông và thủ trưởng cũ của ông gặp mặt được nhau để ôn lại bao nhiêu chuyện duyên nợ.
Cuộc gặp với ông Nội đáng lẽ đã diễn ra từ lâu với sự có mặt của vợ và các con ông Cung. Tuy nhiên, vì lý do sức khoẻ nên bà Huê đã không thể ra Hà Nội gặp lại thủ trưởng cũ của chồng mình mà chỉ có con trai cả của Ông Cung là Trần Văn Dũng, , hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Hải, Thị xã Phú Mỹ, từ Bà Rịa - Vũng Tàu bay ra để gặp thủ trưởng cũ của người cha quá cố của mình.
Thu xếp công việc ở địa phương, anh Trần Văn Dũng ra Hà Nội tìm gặp ông Nội. Tuy nhiên, thời điểm này ông Nội thông báo đang phải trị bệnh ở Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công An vì căn bệnh dạ dày tái phát.
Dù sức khỏe không được tốt khiến ông gặp khó khăn khi đi lại nhưng khi biết sẽ được gặp con trai của người lính dũng cảm năm nào, ông Nội khẳng định: “Cuộc gặp này rất ý nghĩa. Tôi nhất định phải đến”.
Buổi sáng thứ Bảy, chúng tôi có mặt rất sớm trước phòng bệnh. Vị tướng dạn dày trận mạc năm nào đã sẵn sàng quân phục, tinh tươm, ngồi tựa tay lên giường bệnh chờ tôi từ lâu. Thấy tôi, ông vẫy tay gọi vào, khẽ nói nhỏ: “Hôm trước tôi hỏi rồi nhưng bác sĩ điều trị không cho đi đâu”.
Nhưng hôm nay là cuối tuần, ông Nội quyết định “trốn viện” đến cuộc gặp gỡ lịch sử. Trên suốt chuyến đi khoảng hơn 10km, ông Nội liên tục hỏi về những người con của chiến sĩ Trần Huy Cung.
“Không biết các con anh Cung có giống anh ấy không? Nếu giống thì chắc đẹp trai lắm vì anh Cung có gương mặt rất sáng. Không biết con anh ấy đi từ trong đó ra có vất vả không? Ra ngoài này thì ở đâu? Nếu tôi không ốm thì mời cậu ấy về nhà tôi chơi thì chắc là rất vui...”.
Đến chứng kiến cuộc gặp gỡ xúc động có liên quan đến bức ảnh nổi tiếng khắp trong và ngoài nước còn có đại diện các nhà nghiên cứu sử học, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sự quân sự Việt Nam.
Bức ảnh người chiến sỹ vác khẩu súng B41 trên cột mốc giới Lạng Sơn được chiếu trên màn hình lớn khiến Trần Văn Dũng càng xúc động. Anh cứ ôm chặt người chỉ huy năm xưa của cha mà khóc.
Nhắc lại những kỷ niệm về chiến sỹ Trần Huy Cung, Đại tá Ngô Công Nội dường như quên mất mình đang bệnh. Ông kể về người lính năm xưa với nét mặt đầy tự hào. Đại tá Nội nói rằng, chiến sỹ Trần Huy Cung là một trong những người lính ông nhớ nhất trong sự nghiệp cầm binh của mình.
“Anh em ca ngợi chiến sỹ Trần Huy Cung là người dũng cảm. Hoả lực B40, B41 chỉ dùng để bắn các hoả điểm, xe tăng, lô cốt. Tuy nhiên, chiến sỹ Cung đã dùng để bắn quân địch trong nhiều trận. Nếu dùng B41, ngay lập tức, quân địch sẽ phát hiện và tập trung lực lượng để đánh vào vị trí này. Những chiến sĩ cầm B40, B41 thường có khả năng hy sinh rất cao”.
Vị chỉ huy năm nào khẳng định chỉ những chiến sỹ có kỹ năng tốt, có sức khoẻ mới được chọn để bắn B40, B41. Bình thường mỗi người chỉ bắn được 1 quả đạn nhưng Trần Huy Cung lại bắn được 3-4 quả/lần.
Với nhiều thành tích đặc biệt trong chiến đấu, chiến sỹ Trần Huy Cung nhiều lần được đại đội và cấp tiểu đoàn gửi đề nghị phong anh hùng.
Trong trí nhớ minh mẫn của người cựu binh già, chiến sỹ Trần Huy Cung đã 3 lần được mời lên cấp Trung đoàn để báo cáo thành tích trước các lãnh đạo.
Trong một lần gặp mặt, ông Nội còn yêu cầu chiến sỹ Trần Huy Cung kể lại chi tiết về quá trình chặn đứng mũi tấn công của địch trên mảnh đất Lạng Sơn. Đó là thành tích mà không phải ai cũng có thể làm được.
Ở nhiều buổi nói chuyện với các chiến sỹ trong toàn trung đoàn, người chỉ huy Ngô Công Nội đều lấy ví dụ về gương chiến đấu anh dũng của chiến sỹ Trần Huy Cung để những người khác cùng học tập.
Trên mặt trận, ông Trần Huy Cung từng là một chiến sỹ giỏi và được đồng đội ngưỡng mộ là thế, vậy mà sau này, trở về thời bình, ông lại phải chịu nhiều thiệt thòi chỉ vì bị thất lạc giấy tờ.
Sau biết bao những nỗ lực, cố gắng của ông trên chiến trường, vậy mà giờ đây, khi đã trở về với đất mẹ, ông cũng chưa được công nhận là cựu chiến binh và được hưởng chế độ. Đại tá Nội bày tỏ sự tiếc nuối bởi nếu gia đình hoặc cơ quan chức năng tìm gặp ông sớm hơn, có thể mọi chuyện đã được giải quyết.
Những câu chuyện về cha, chẳng phải giờ đây anh Trần Anh Dũng mới được nghe nhưng đến tận hôm nay, đích thân người chỉ huy của cha năm xưa đang kể lại cho anh nghe, anh chẳng thể kìm ném được nỗi xúc động, liên tục lấy tay lau vội những giọt nước mắt.
“Hôm nay là ngày rất đặc biệt trong cuộc đời của tôi. Thay mặt gia đình, tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến Báo điện tử VTC News và những người đã bỏ thời gian, sức lực đi tìm kiếm để trả lời sự thật cho bức ảnh”, anh Dũng bày tỏ.
Trong đôi mắt ầng ậng nước vẫn ánh lên niềm tự hào, anh Dũng kể về cha, về truyền thống gia đình với ông nội và bác đều tham gia cách mạng. Cha của anh, ông Trần Huy Cung, từng tham gia quân ngũ, chiến đấu ở Quảng Trị rồi về địa phương, sau đó ông lại tái ngũ để tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc.
“May mắn trải qua những cuộc chiến ác liệt, cha tôi đều sống sót trở về. Dù vậy, điều trăn trở nhất với ông là xin vào hội cựu chiến binh của xã nhưng không được vì không có quyết định xuất ngũ mà chỉ có giấy chứng nhận hạ sỹ quan do Trung đoàn trưởng Ngô Công Nội, Trung đoàn 540, Quân đoàn 14 cấp. Ông đã phải mang theo nỗi buồn đó đến khi mất”, anh Dũng ngậm ngùi.
Sau này, được người thân cho xem bức ảnh về cha đang cầm súng B41 chiến đấu tại Lạng Sơn, cả gia đình đều rất xúc động, mong mỏi một ngày câu chuyện đằng sau bức ảnh được sáng tỏ.
Không lãng quên bất cứ ai.
Là chuyên gia lịch sử, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng không giấu được sự xúc động. “Bức ảnh này tôi xem rất quen thuộc, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chắc chắn có lưu giữ và trưng bày, nhưng để thông tin chính xác nội dung bức ảnh này thì chưa hề có.
Hôm nay được nghe trực tiếp Đại tá Ngô Công Nội kể về bức ảnh, được gặp gia đình chiến sỹ Trần Huy Cung, tôi cũng mong rằng sau cuộc trao đổi hôm nay, thông tin này có thể được gửi trực tiếp cho Bảo tàng Lịch sự Quân sự Việt Nam để sau này có thể có chú thích thông tin đầy đủ khi trưng bày bức ảnh”, Thiếu tướng Năng nói.
Cuộc hạnh ngộ như mơ từ bức ảnh ‘biểu tượng nhất’ cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược.
Chia sẻ trăn trở với gia đình chiến sỹ Trần Huy Cung, Thạc sĩ Trần Trung Hiếu (Giáo viên Lịch sử trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An) bày tỏ mong muốn có sự ghi nhận pháp lý bằng văn bản của cơ quan chức năng với bức ảnh lịch sử này để “không có lỗi với những người chiến sỹ bảo vệ Tổ quốc, không có lỗi với lịch sử dân tộc”.
“Tôi mong bức ảnh nhận được sự công nhận rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền và có chú thích đầy đủ, rõ ràng khi đăng tải các bức ảnh.
Mong muốn này không phải là để đòi hỏi lợi ích, đòi hỏi chế độ cá nhân mà là mong muốn về sự công bằng với lịch sử, với một bức ảnh biểu tượng, mang hồn cốt, khí phách của một gian đoạn lịch sử hào hùng dân dân tộc”, Thạc sĩ Trần Trung Hiếu nói.
------
Ngô Văn Long
Đặc Công Việt Nam
Ảnh: VTCNews
P/v. sưu tầm.
Chiến tranh đã đi xa nhưng những bài học làm chúng để lại cứ đau đáu, in đậm trong chính mỗi chúng ta. Thế hệ người trẻ không trải qua chiến tranh thì làm sao hiểu được cái đau thương, cái mất mát đó. Liệt Sỹ Cung đã viết nên một bản hùng ca sáng chói lọi cho thế hệ trẻ Việt Nam kiên cường, bất khuất noi theo và học tập. Nói để biết được rằng có được hòa bình đâu phải dễ, nhưng những kẻ như Xuân Diện hay một số kẻ chống phá khác cứ ra rả đòi lật sử, rồi lên án này nọ, thật đáng khinh bỉ. Xin được thắp nén nhang, thành kính nghiêng mình dưới anh linh của bao anh hùng liệt sỹ đã hy sinh.
Trả lờiXóaCông nhận là những bác những ông đã trải qua thời kì chiến tranh thì họ thực sự hiểu giá trị của của hòa bình đã được đánh đổi bằng mạng sống và tuổi trẻ của biết bao nhiêu người. Tấm ảnh trên toát lên quá nhiều điều, khiến tôi khi nhìn vào có phàn lạnh sống lưng chính bởi sự oai hùng hiên ngang toát ra từ khuôn mặt người chiến sĩ ấy
Trả lờiXóaBức ảnh phản ánh một con người bằng da bằng thịt mà không ai biết chính xác tên tuổi của anh. Để rồi khi tìm được ta lại cay đắng phát hiện cuộc đời của anh cho đến khi già yếu mất đi còn chẳng được tham gia vào hội cựu chiến binh vì không đủ giấy tờ chứng minh, nghe mà thấy đau xót biết bao nhiêu
Trả lờiXóaCông nhận là quá thiệt thòi cho những gì mà ông đã cống hiến cho sự nghiệp đáu tranh bảo vệ tổ quốc. Một người chiến sĩ real nhưng không được hưởng các phúc lợi xã hội chỉ vì giấy tờ còn lại không đủ chứng minh ông là một chiến sĩ đã từng chiến đâu..
XóaNhững gì mà chiến tranh để lại thì vẫn còn in hằn trong mỗi trái tim người Việt chứ chẳng đi đâu mất. Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh như thế thì sự sục sôi lòng tự hài dân tộc nó lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Phải có những người dũng cảm, hiên ngang như ông thì chúng cháu là những con dân Việt Nam mới được tận hưởng sự hòa bình độc lập ngày nay
Trả lờiXóaĐây cũng là một vấn đề được nhà nước chúng ta quan tâm, đấy là tìm kiếm và hỗ trợ cho những người chiến sĩ đã có công với cách mạng. Tuy nhiên, trường hợp này thì ông Cung lại đánh mất giấy tờ do chiến tranh thành ra là thiếu sự hỗ trợ đến từ nhà nước, cũng là một sự thiệt thòi lớn đối với ông và gia đình
Trả lờiXóaMong muốn của thạc sỹ Trần Trung Hiếu là hoàn toàn phù hợp với những gì đã diễn ra. Đối với một người có công lao như thế thì bức ảnh cần phải có sự công nhận bằng văn bản, chú thích tên tuổi để những đứa trẻ sau này nhìn vào có thể biết đến đó là ai, tên tuổi ra sao và có chiến công như thế nào. Đấy là sự công bằng với lịch sử
Trả lờiXóaỦng hộ ý kiến này ạ. Phải làm thế mới là công bằng đối với lịch sử và cá nhân những người đã hi sinh chiến đấu ạ. ĐÚng là trước đó bức ảnh không có ai nhận là chủ thì không nói, nhưng nay đã tìm ra nguồn gốc bức ảnh và nhân vật trong đó thì tôi nghĩ nên có chú thích đàng hoàng để con cháu đời sau có thể nhìn nhận được cụ thể
XóaTôi vô cùng biết ơn những con người đã hy sinh tất cả để đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước Việt Nam và cũng rất biết ơn những người đã đấu tranh cho hòa bình hiện nay. Tôi mong đây sẽ là động lực cho thế hệ trẻ hôm nay xây dựng một tương lai giàu mạnh tiến bộ cùng thời đại
Trả lờiXóa