Chia sẻ

Tre Làng

Phú Thọ: Xây dựng phương án thiết lập Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19

Kinhtedothi - Ngày 8/2, tại buổi làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Phú Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã chỉ đạo xây dựng phương án thiết lập Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.


Theo Quyết định số 1640/KH-UBND, thiết lập và triển khai Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 để đáp ứng yêu cầu thu dung, sàng lọc, cách ly, cấp cứu, chăm sóc, theo dõi và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Người dân huyện Thanh Ba chủ động đến các cơ sở chức năng để khai báo y tế

Việc thiết lập BVDC không ảnh hưởng đến hệ thống khám chữa bệnh đã được hình thành để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 ở tất cả các tuyến.

Bệnh viện được đặt tại Trung đoàn 753, xã Trưng Vương, TP Việt Trì với quy mô từ 30 - 200 giường bệnh, được chia theo từng cấp độ.

Đây là khu vực có không gian rộng, thoáng gió, tách biệt khu dân cư, thuận tiện đi lại, sẵn có cơ sở vật chất thiết yếu, có đủ năng lực về cung cấp nước sạch, xử lý vệ sinh môi trường, xử lý chất thải y tế góp phần tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nguồn lực được huy động từ các cơ sở y tế, phi y tế (cả công lập, ngoài công lập) để phục vụ điều trị người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 và các bệnh lý nền (bệnh mãn tính phổ biến: tim mạch, tiểu đường...).

Ban Giám đốc Bệnh viện do Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh quyết định bổ nhiệm. Giám đốc Bệnh viện chịu trách nhiệm toàn bộ việc xây dựng kế hoạch chi tiết để thiết lập Bệnh viện, phương án huy động nguồn lực...

Trước đó, người dân trên địa bàn huyện Thanh Ba đã rất hoang mang trước thông tin một đối tượng đi từ vùng dịch trở về địa phương nhưng không khai báo y tế và không được cách ly kịp thời. Qua điều tra xác minh của các cơ quan chức năng, trường hợp này là L.T.M.P. có địa chỉ thường trú tại xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba. Chị P. là nhân viên của một cơ sở kinh doanh dịch vụ tại khu đô thị Ghé, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương - một trong những ổ dịch lớn nhất hiện nay.

Điều đáng nói, chị này đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân số 1871, là nhân viên làm cùng trước khi trở về địa phương. Sau đó, ngày 31/1, chị P. đã bắt xe ô tô khách để trở về quê. Từ ngày 1 - 6/1, chị P. đã di chuyển đến nhiều địa điểm công cộng như đi cắt tóc, đi chợ tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh và chợ Khải Xuân, huyện Thanh Ba. Chỉ đến khi Công an xã Quảng Yên nhận được thông tin của Công an tỉnh Hải Dương về trường hợp F1 là chị P. do có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân 1871 thì chị P. mới được đưa đi cách ly theo quy định. Đến ngày 7/2, chị P. đã được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm với SARS-CoV-2 và cho kết quả âm tính lần 1.

Ngay sau đó, UBND huyện Thanh Ba đã ra văn bản yêu cầu tất cả công dân trên địa bàn đang làm ăn xa, lao động, du lịch, thăm thân, đi học ngoài địa bàn tỉnh khi trở về địa phương ăn tết Tân Sửu 2021 phải đến Trạm Y tế xã, thị trấn thực hiện việc khai báo y tế theo dõi sức khỏe. Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng Công an, Trạm Y tế, tổ phòng chống Covid-19 ở khu dân cư giám sát thường xuyên việc tuân thủ các quy định cách ly, theo dõi y tế tại nơi cư trú đối với người thực hiện cách ly tại nhà bảo đảm đúng đối tượng, đủ thời gian theo quy định, tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Xử lý nghiêm những đối tượng chốn cách ly, không thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Phú Thọ đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, người dân trên địa bàn tỉnh cần nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã được khuyến cáo.

Đặc biệt, tiếp tục thực hiện khai báo y tế một cách trung thực, chính xác, giúp cơ quan chức năng sớm phát hiện, khoanh vùng ổ dịch và đưa ra những phương án kiểm soát, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

3 nhận xét:

  1. Bệnh viện dã chiến là một bệnh viện tạm thời hoặc đơn vị y tế di động để chăm sóc bệnh nhân trước khi có thể chuyển họ sang các cơ sở lâu dài hơn. Vì vậy việc xây dựng bệnh viện dã chiến là một phương án tối ưu trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

    Trả lờiXóa
  2. Bệnh viện dã chiến được xây dựng gần nguồn thương vong, trong đô thị thì là những nơi dễ dàng tiếp cận như trường học, sân vận động. Bệnh viện dã chiến nói chung lớn hơn trạm cấp cứu tạm thời nhưng nhỏ hơn Bệnh viện Quân y thường trực. Nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh.

    Trả lờiXóa
  3. Bệnh viện dã chiến hoàn thành sẽ nâng công suất điều trị bệnh nhân Covid-19 của ngành y tế.Việc bệnh viện được hoàn thiện nhanh chóng, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân sẽ góp phần hỗ trợ ngành y tế trong việc kịp thời đẩy lùi dịch bệnh Covid đang bùng phát, đưa nhịp sống của người dân sớm trở lại bình thường

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog