Cuteo@
Phe Quân đội đã nắm quyền kiểm soát đất nước Myanmar sau khi bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo chính trị khác bị bắt sáng hôm 1/2. Chỉ vài giờ sau vụ bắt giữ, đài truyền hình quân sự Myawaddy TV xác nhận tình trạng khẩn cấp đã được ban bố trong vòng một năm.
Theo kênh truyền hình Myawaddy TV, Văn phòng Tổng thống Myanmar tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” trong một năm. Theo đó, quyền điều hành đất nước được giao cho Tổng tư lệnh quân đội, tướng Min Aung Hlaing.
Tuyên bố này được đưa ra đúng lúc Quốc hội mới của Myanmar bắt đầu nhóm họp. Myawaddy TV cũng đưa lại thông tin việc Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Myanmar Win Myint và các lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) bị quân đội nước này bắt giữ vào sáng sớm 1/2.
Động thái đảo chính này diễn ra sau nhiều ngày căng thẳng giữa chính phủ và quân đội Myanmar sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020 mà theo quân đội nước này là có gian lận. Trước đó, quân đội Myanmar yêu cầu điều tra về cáo buộc gian lận bầu cử, giúp Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thắng áp đảo.
Chiến thắng này đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích với lý do tước quyền bỏ phiếu của cử tri tại các khu vực xung đột. Sau đó, phe đối lập đã liên kết với quân đội nước này phản bác kết quả bầu cử và tuyên bố phát hiện 8,6 triệu trường hợp gian lận.
Liên quan đến cuộc đảo chính tại Myanmar, những phản ứng quốc tế đầu tiên của Mỹ, Australia đã được công bố.
Hoa Kỳ lên án cuộc đảo chính, nói rằng Washington "phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả của các cuộc bầu cử gần đây hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi trả tự do cho tất cả các quan chức chính phủ và lãnh đạo xã hội dân sự, đồng thời nói Mỹ "sát cánh với người dân Miến Điện trong khát vọng dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển. Quân đội phải đảo ngược những hành động này ngay lập tức. "
Tại Úc, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne nói "chúng tôi kêu gọi quân đội tôn trọng pháp quyền, giải quyết các tranh chấp qua các cơ chế hợp pháp và trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà lãnh đạo dân sự và những người đã bị giam giữ trái pháp luật."
"Cánh cửa vừa mở ra một tương lai rất khác," Thant Myint-U, nhà sử học ở Yangon mô tả viễn cảnh: ''Tôi có cảm giác lạnh người là sẽ không ai thực sự có thể kiểm soát được những gì sẽ xảy ra tiếp theo." "Và hãy nhớ Myanmar là một đất nước ngập tràn vũ khí, với sự chia rẽ sâu sắc giữa các dòng tộc và tôn giáo, nơi hàng triệu người hầu như không thể tự kiếm ăn."
Kết nối dữ liệu internet di động và một số dịch vụ điện thoại đã bị gián đoạn ở các thành phố lớn, trong khi đài truyền hình MRTV của Myanmar nói đang bị trục trặc kỹ thuật và không phát sóng.
Hiện tại, liên lạc với Nay Pyi Taw đang bị gián đoạn và rất khó để đánh giá tình hình ở đó. Tại thành phố lớn nhất của đất nước và thủ đô cũ là Yangon, đường dây điện thoại và internet dường như bị hạn chế, nhiều nhà cung cấp đã cắt dịch vụ.
Có tin người dân ở Yangon đang đổ xô đi lấy tiền từ các máy ATM trong bối cảnh kỳ vọng tiền mặt sẽ khan hiếm trong những ngày tới. Một số máy ATM dường như không hoạt động và không rõ liệu các ngân hàng có mở cửa hay không.
Dù rất khó để đánh giá tình hình Myanmar lúc này, nhưng điều người ta có thể tưởng tượng ra được là hỗn loạn và bạo lực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét