“Điều làm tôi băn khoăn lương tâm là vì tôi đã từng phạm tội ở nhiều nơi và đã từng vào tù ra tội nhưng tôi không biết sửa chữa lỗi lầm. Nhưng từ khi bị bắt vào Công an huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trước hết là chữ Tâm, sau là tính nhân văn, nhân đạo đối với người phạm tội và tôi đã tỉnh lại để hướng thiện, làm lại con người mới” – đó là những dòng chữ trong bức thư gửi lời cảm ơn và xin lỗi của Đặng Công Nguyên.
“…Điều làm tôi băn khoăn lương tâm là vì tôi đã từng phạm tội ở nhiều nơi và đã từng vào tù ra tội nhưng tôi không biết sửa chữa lỗi lầm. Nhưng từ khi bị bắt vào Công an huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trước hết là chữ Tâm, sau là tính nhân văn, nhân đạo đối với người phạm tội và tôi đã tỉnh lại để hướng thiện, làm lại con người mới. Sau này mãn hạn tù tôi sẽ là người chồng, người bố tốt của các con, là công dân tốt cho cộng đồng và xã hội…”, đó là những dòng chữ trong bức thư gửi lời cảm ơn và xin lỗi của Đặng Công Nguyên (SN 1970, ở khối Trần Phú, phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) gửi tới lãnh đạo và cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Thượng tá Nguyễn Đăng Hải, Phó trưởng công an huyện Nghi Xuân trực tiếp lấy lời khai Đặng Công Nguyên.
Chiều muộn thứ 6, ngày 19/3, chúng tôi gặp Đặng Công Nguyên tại Công an huyện Nghi Xuân, khi Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Xuân hoàn tất hồ sơ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Công Nguyên về tội trộm cắp tài sản.
Bị tạm giữ từ ngày 10/3, sau 9 ngày tại cơ quan điều tra, Nguyên đã thức tỉnh bởi những việc làm đầy ý nghĩa của cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Nghi Xuân. Trước khi nhập trại tạm giam Công an Hà Tĩnh, Nguyên trải lòng với chúng tôi về những cảm nhận về chiến sĩ Công an Hà Tĩnh. Bởi cuộc đời của Nguyên đã có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản, nói như Nguyên là “dành cả thanh xuân để ăn cơm tù”.
Bước sang tuổi 52, Nguyên khá già dặn, có nhiều “ngón nghề” trong việc trộm cắp tài sản. Năm 1992, Nguyên trộm cắp tài sản, bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ và thụ lý án 7 năm tù (từ năm 1992 đến 1999). Ra tù được một năm sau đó, ngựa quen đường cũ, không chịu lao động, Nguyên lại tiếp tục vào con đường trộm cắp tài sản. 30 tuổi, Nguyên lại bị Công an bắt giữ. Nguyên tiếp tục vào tù, thi hành án phạt trong vòng 4 năm (2000 – 2004).
Ra tù, chàng thanh niên từng vào tù ra tội, năm 2007 tròn 37 tuổi, những tưởng lúc đó lập gia đình, lấy vợ, Nguyên sẽ tu chí làm ăn, lương thiện. Thế nhưng, 7 năm sau đó, năm 2014, Nguyên tiếp tục phạm tội, và tiếp tục vào tù. Việc đối diện với Công an, với phạm luật, với nhà tù đã trở thành quen thuộc đối với Nguyên. Vào tù nhiều, Nguyên đã chai sạn với những bản án của pháp luật dành cho mình.
Nhưng, với lần trộm lần này, khác với những lần trước đó, bị Công an huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh bắt giữ, Nguyên được đánh thức mầm thiện trong mình lâu nay bị lẩn khuất, khát khao làm lại cuộc đời bừng sáng trong Nguyên. Nói như Nguyên, 52 tuổi, tôi như được sinh ra để làm người đúng nghĩa.
Trước đó, khoảng 19h ngày 9/3, Đặng Công Nguyên điều khiển xe máy nhãn hiệu Sirius, BKS 37B-137.40, đi từ nhà ở khối Trần Phú, phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đến địa bàn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh để trộm tài sản. Nguyên đi qua cầu Cửa Hội, đi qua đường ven biển khoảng 3km rồi cất giấu xe ở một bãi nghĩa địa. Nguyên đến nhà văn hóa thôn Hợp Thuận, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, dùng thanh sắt mang theo phá khóa, mở cửa lấy trộm 3 chiếc loa và 1 bộ máy vi tính. Sau khi lấy trộm, Nguyên đưa tài sản ra nơi cất giấu xe thì bị Công an huyện Nghi Xuân phát hiện, bắt quả tang.
Nguyên trải lòng mình, mặc dù là tội phạm, ở tù nhiều, nhưng chưa ở đâu Nguyên được đối xử tử tế như vậy. Tại nhà tạm giữ Công an huyện, Nguyên ngủ có chăn, có màn, có gối. Đêm đến được lãnh đạo Công an huyện xuống hỏi thăm, được đốt hương đuổi muỗi khỏi bị côn trùng cắn.
Nguyên nói rằng, mỗi lần đối diện với Công an, Nguyên thường “ủ mưu” để chống đối, thường xuyên lì lợm, không khai báo thành khẩn. 2 ngày đầu vào đây, Nguyên cũng đã tỏ thái độ như vậy, như những lần bị bắt trước đó. Thế nhưng, sang ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5…. đến ngày thứ 9, từ con tim của Nguyên đã xem những cán bộ, chiến sĩ Công an là ân nhân, là người đánh thức con người nhiều tội lỗi trong bản thân Nguyên.
Và, tại cơ quan Công an, Nguyên đã khai nhận đầy đủ hành vi trộm cắp tài sản của mình. Ngoài ra, Nguyên còn khai nhận thực hiện một số vụ trộm cắp tài sản tại công sở, trường học trên địa bàn huyện Nghi Xuân (9 vụ) , huyện Đức Thọ (7 vụ) và thị xã Hồng Lĩnh (3 vụ).
Nguyên đã tự nguyện khai báo về việc đã thực hiện trót lọt 21 vụ trộm cắp tài sản tại các địa bàn Hưng Nguyên, TP Vinh, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An). Với Nguyên, chính chữ tâm của cán bộ, chiến sĩ Công an đã giúp Nguyên tìm lại ngày mai cho mình.
Sau khi cơ quan điều tra hoàn tất các thủ tục, Nguyên có nguyện vọng xin cán bộ điều tra một tiếng đồng hồ, và xin mượn một chiếc bút và một tờ giấy. Các chiến sĩ lúc đầu cũng không biết Nguyên sẽ viết gì, nhưng sau đó, Nguyên viết xong bức thư gửi lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ Công an huyện Nghi Xuân, gửi lời cảm ơn và xin lỗi “Quê hương Nghi Xuân, quê hương Đại thi hào Nguyễn Du đã dùng bằng chữ Tâm để chiến thắng với những người phạm tội như tôi”…
Ngồi với chúng tôi, Nguyên nói: “Chữ tôi xấu thế, chị đọc được không?”. Tôi cười bảo, tôi đọc và hiểu những gì anh muốn chia sẻ. Và tôi tin Nguyên sẽ làm được điều khát khao của mình, thực hiện nguyện ước khi 52 tuổi, dẫu đã bước sang bên kia dốc cuộc đời, nhưng đó chưa phải là điều muộn màng.
Nguyên nói tôi nhớ anh Thành là lãnh đạo huyện, anh Hải là phó huyện; các cán bộ hình sự Đại úy Trần Thanh Thái, Đội trưởng; Đại úy Nguyễn Công an, Đội phó, Thượng úy Phan Anh Đồng, đội phó; Đại úy Trần Mạnh Hiệp, tổ trưởng… 9 ngày ở đây đã mở ra con đường mới trong tâm hồn người phạm tội như Nguyên.
Khi Nguyên bước lên xe thùng để cơ quan Công an tiến hành bàn giao cho Trại tạm giam Công an tỉnh, chúng tôi cảm nhận sự ăn năn của Nguyên ở tuổi 52. Hy vọng rằng, những gì Nguyên nói, Nguyên viết là những điều cảm nhận từ chính đáy lòng. Ba lần đi tù về tội trộm cắp, ra tù lại chứng nào tật đấy. Vậy có thể tin sau 9 ngày ở nhà tạm giữ Công an huyện, người phạm tội lại tỉnh ngộ? Chưa thể nói trước được sự thật có như lời nói bởi đó còn là chặng đường dài, song những gì anh ta trải lòng trong lá thư cũng cho thấy một sự thay đổi.
Trên con đường cuối tháng ba, những mần xanh, lộc biếc hé nở. Những mầm cây vươn mình và tôi mong mầm thiện trong Nguyên được đánh thức và Nguyên sẽ tự nguyện cải tạo tốt và hoàn lương. Con đường tháng ba trở nên đẹp và nhân văn hơn với những màu tím hoa xoan, màu đỏ hoa gạo. Trên quê hương đại thi hào Nguyễn Du lấp lánh chữ Tâm. Và những dòng chữ Nguyên viết còn in đậm trong tôi….
“Nghi Xuân ngày 19/3/2021
Thời gian tôi bị bắt vào đây cũng không được dài lắm nhưng trước hết tôi cảm xúc thấy mình được sống lại với con người đúng nghĩa, vì sự quan tâm của các ban lãnh đạo, phó lãnh đạo cùng các chú Cảnh sát hình sự. Với tính nhân văn và nhân đạo bằng chữ Tâm.
Đối với những người phạm tội như tôi lại là người ngoại tỉnh vì thế tôi cảm thấy áy náy với lương tâm với bản thân mình qua thời gian phạm tội trên địa bàn huyện Nghi Xuân nói riêng và Hà Tĩnh cùng Nghệ An nói chung.
Tôi thấy người Nghi Xuân, Hà Tĩnh nơi đây và Công an huyện Nghi Xuân nơi đây có tấm lòng nhân văn và nhân đạo, trước hết phải nói đến chữ Tâm.
Qua đây cho tôi thấy một bài học đắt giá cho bản thân tôi khi sa vào con đường phạm tội. Tôi cứ nghĩ mình là kẻ cặn bã tột cùng của xã hội nhưng vào đây lại được đối xử quá tử tế và nhân đạo. Vì vậy tôi đã cảm nhận được điều đó nên tôi đã tự nguyện khai báo những tội lỗi mà mình đã gây ra trong thời gian qua.
Vậy tôi mong muốn gửi lời cảm ơn và xin lỗi sâu sắc nhất với ban lãnh đạo Công an huyện Nghi Xuân, cùng các chú hình sự Công an huyện và toàn thể người dân, học sinh huyện Nghi Xuân nói riêng và người dân tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An nói chung.
Điều làm tôi băn khoăn lương tâm là vì tôi đã từng phạm tội ở nhiều nơi và đã từng vào tù ra tội nhưng tôi không biết sửa chữa lỗi lầm. Nhưng từ khi bị bắt vào Công an huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trước hết là chữ Tâm, sau là tính nhân văn nhân đạo đối với người phạm tội và tôi đã tỉnh lại để hướng thiện làm lại con người mới, sau này mãn hạn tù tôi sẽ là người chồng, người bố tốt của các con, là công dân tốt cho cộng đồng và xã hội.
Người viết lời xin lỗi và cảm ơn
Người phạm tội: Đặng Công Nguyên
TB: Quê hương Nghi Xuân, quê hương Đại thi hào Nguyễn Du đã dùng bằng chữ Tâm để chiến thắng với những người phạm tội như tôi”.
Xuân Lý – Anh Cường
đọc hết bài này tôi thấy được thực sự cái tâm, cái tầm, sự bản lĩnh nhân văn của cán booj, chiến sỹ công an hà tĩnh nói riêng, cũng như cán bộ, chiến sỹ công an cả nước nói chung. "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" đó là câu nói từ xa xưa cụ Nguyễn Trãi đã từng cáo rằng. Cho ta thấy được chủ trương đúng đắn của LLCA khi cho cán bộ chiến sỹ về nắm cơ sở, hơn ai hết họ là người gần dân, bám dân và từ dân mà ra. yêu vô cùng những con người ấy, tất cả vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Trả lờiXóaThế mới thấy cái tâm, cái tầm của những người chiến sĩ Công an. Cái đức của các anh đã cảm hóa được những người đã từng sai lầm và tha hóa trong cuộc sống để trở về với thiện lương. Các anh Công an vì nhân dân phục vụ thì xứng đáng được nhân dân tôn trọng, ủng hộ.
Trả lờiXóaChữ tâm bằng ba chữ tài mà
Trả lờiXóa