GDVN- Chuyện học sinh hỗn láo trong giờ học với cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B (Quốc Oai, Hà Nội) đang là vấn đề nóng mấy ngày qua.
Từ sự việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi, khi học trò có những hành động và lời nói như vậy, ở trường hợp tương tự trên thì thì giáo viên đứng lớp phải làm gì?
Bài viết chỉ đánh giá về chuyên môn giáo dục tiểu học, không phê phán, nêu nhận định về cá nhân hay vụ việc liên quan.
Để có thể hiểu rõ hơn về chuyên môn giáo dục tiểu học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Hương cho biết: “Thứ nhất, là một giảng viên Khoa Tiểu học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi khẳng định là dạy lớp 2 hay dạy lớp 5 đều là nhiệm vụ của giáo viên tiểu học. Tất cả các giáo viên tốt nghiệp Khoa Tiểu học của tất cả các trường sư phạm thì đều phải biết dạy từ lớp 1 đến lớp 5, nếu không thì chúng tôi không cấp bằng.
Thứ hai, môn Địa lý và Lịch sử là môn chính, không phải là môn phụ. Thực ra trong tiểu học không có môn chính và môn phụ. Thậm chí, môn Địa lý và Lịch sử là một trong những môn mà chúng tôi chú tâm đào tạo, bởi vì thường không có giáo viên kiêm nhiệm cho những môn ấy.
Ví dụ như môn: Mỹ thuật, Âm nhạc, tiếng Anh thì chúng tôi đào tạo sẽ nhẹ nhàng hơn một chút vì các trường thường có giáo viên chuyên biệt, chuyên phụ trách đào tạo những môn ấy. Do vậy, sinh viên tiểu học của chúng tôi vẫn được đào tạo đầy đủ, nghĩa là cho dạy thì vẫn dạy được.
Nói cách khác, ba môn: Toán, Tiếng Việt và các môn Tự nhiên Xã hội thì bắt buộc giáo viên tiểu học nào cũng phải dạy được và Lịch sử, Địa lý là 1 trong 3 nhánh của môn Tự nhiên Xã hội. Tức là nó là môn mà nếu giáo viên không dạy được thì chúng tôi không cho tốt nghiệp đại học sư phạm.
Thứ ba, giáo viên vào lớp không phải chỉ có giảng, trách nhiệm của giáo viên phải dạy học sinh về cả 3 mảng: kiến thức, kỹ năng và đạo đức.
Tư cách đạo đức của học sinh trong lớp không tốt thì một phần lớn trách nhiệm là của giáo viên. Không có chuyện yêu cầu bắt buộc học sinh phải ngồi im thin thít cho giáo viên dạy còn nếu học sinh không ngồi im thin thít thì giáo viên không dạy. Các giáo viên phải có kỹ năng ổn định lớp và chúng tôi gọi đó là hoạt động giáo dục. Giáo viên không chỉ có hoạt động giảng dạy mà phải có cả hoạt động giáo dục nữa.
Cụ thể, trong trường hợp của cô Tuất, tôi chưa bàn đến chuyện cô Tuất xích mích với ai, tôi chỉ bàn đến đúng thời điểm cô Tuất đang ở trong lớp và trách nhiệm cao nhất của cô là phải dạy học sinh về kiến thức, kỹ năng, đạo đức. Nếu cô không dạy được kiến thức bởi vì lúc đó học sinh đang rất ồn, không sao cả, cô hãy dành thời gian đó để giáo dục đạo đức cho học sinh, chuyện đó là bình thường, đó là trách nhiệm lớn nhất của cô Tuất vào thời điểm đó.
Tôi đặt ra câu hỏi là tại sao lúc đó cô Tuất không làm gì để ổn định lớp? Tôi nói với tư cách là một giảng viên đi đào tạo, nếu như sinh viên của tôi không thể nào giữ trật tự được một lớp học thì chúng tôi sẽ không cho sinh viên qua môn học đó, và bạn đó sẽ không bao giờ lấy được bằng.
Bạn đừng nghĩ rằng trẻ con dễ bị xúi giục. Những tình huống như thế này, nếu các cô đã trải qua trường sư phạm, nếu các cô đã đi thực tập, các cô đã ra ngoài đi dạy nhiều năm thì đó là việc giải quyết trong tầm tay.
Ví dụ như sinh viên của chúng tôi, bây giờ nhiều bạn sinh viên chỉ nặng 40kg, cao tầm 1m50, trong khi học sinh bây giờ rất to cao, các bạn lớp 5 có thể cao đến 1m40, nghĩa là xấp xỉ cô. Rất nhiều bạn sinh viên của chúng tôi đi thực tập, toàn bị các bác bảo vệ không cho vào vì nghĩ là người lạ, hoặc các bác bảo vệ bắt vào lớp vì nghĩ là học sinh chạy ra ngoài cổng chơi, tức là nhầm với học sinh. Thế nên, khi các bạn ấy vào lớp, học sinh biết các bạn ấy là sinh viên thực tập, biết là có thể bắt nạt được các cô nên học sinh sẽ bắt nạt các cô tơi bời.
Với điều kiện như thế, cô phải làm thế nào để ổn định được lớp và dạy được học sinh, đó là bài học đầu đời của chúng tôi trước khi cho sinh viên ra trường. Nếu sinh viên không làm được thì sẽ không đủ tiêu chuẩn để tốt nghiệp”.
Mục tiêu của giáo dục là phải đảm bảo cả 3 mặt: kiến thức, kỹ năng, đạo đức. Đó là điều bắt buộc với các sinh viên ngành giáo dục tiểu học ngay từ khi còn học trong trường sư phạm. Tuy nhiên, với một giáo viên có 6 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cùng nhiều bằng khen khác, không thể nói cô Tuất thiếu chuyên môn được.
Hình ảnh học sinh tụm năm tụm ba làm việc riêng trong giờ học của cô Tuất. Hình ảnh cắt từ clip: Đình Hùng
“Tôi nghĩ là về trình độ chuyên môn, chưa chắc là cô Tuất đã không có bởi vì nếu thiếu chuyên môn thì cô đã không thể ra được khỏi trường sư phạm, cũng không thể đi dạy được bao nhiêu năm.
Thế nên, vấn đề đặt ra ở đây là ý thức của cô. Về khoa học giáo dục, khi mình làm việc sẽ có 2 cái tác động vào bạn: một là trình độ, hai là ý thức. Khi mà trình độ của bạn đã được ghi nhận thì ý thức của bạn sẽ quyết định tất cả.
Bây giờ, tôi chỉ thấy rằng, cô giáo ấy đã tốt nghiệp đại học sư phạm nào đó, cô ấy đã đi dạy và dạy được nhiều năm thì chắc chắn cô ấy có khả năng để ổn định trật tự được lớp. Đó đều là những kỹ năng đã được học. Tôi không nói đến chuyện là các bạn học sinh trong lớp phải ngồi ngoan 100%, nhưng để học sinh không làm loạn và ngồi yên tại chỗ thì điều đó là quá dễ”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Không dạy được học sinh thì trách nhiệm lớn nhất, trước tiên thuộc về giáo viên được giao lớp đó. Tuy nhiên, việc cả một lớp có những hành động và lời nói hỗn láo với cô giáo thì trách nhiệm của nhà trường ở đâu? Phải chăng nhà trường vô can trong việc này?
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nhà trường sẽ có trách nhiệm khi được cô giáo báo cáo sự việc. Về nguyên tắc, nhà trường không được phép can thiệp vào khi cô giáo còn đang đứng lớp vì đó là thiếu tôn trọng giáo viên. Trong giáo dục, nếu nhà trường thiếu tôn trọng giáo viên thì giáo viên sẽ mất uy tín trong mắt học sinh, từ đó giáo viên sẽ không dạy được.
Tuy nhiên, chia sẻ với Truyền hình Người Đưa tin, cô Tuất nói rằng đã báo cáo sự việc lên ban giám hiệu trường nhưng không nhận được sự giúp đỡ, thậm chí, cô hiệu trưởng nhà trường còn hỏi: “Giờ dạy của cô có chất lượng không”? Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, hiệu trưởng nhà trường hỏi câu đó là đúng bởi vì:
“Xét đến 3 mục tiêu của giáo dục là: kiến thức, kỹ năng và đạo đức, cái rèn luyện đạo đức cho học sinh của cô ở đâu mà lại để học sinh như thế.
Tôi đã nói đến một chi tiết về chuyên môn giáo dục tiểu học là giáo viên bước vào lớp, cho dù gặp bất kỳ khó khăn gì thì cô cũng phải ổn định được lớp.
Giống như bạn đi làm đầu, thợ làm đầu trước khi cắt được cho bạn mái tóc đẹp thì người ta phải gỡ được cho bạn mái tóc rối. Đó là tiêu chuẩn số 1, việc đầu tiên là phải làm được việc đó. Bây giờ bạn không ổn định được lớp thì cách gì bạn dạy được đứa trẻ?
Chúng tôi đã hướng dẫn rất nhiều, thậm chí, chúng tôi còn đặt ra vô vàn các tình huống sư phạm, nhặt hàng nghìn các tình huống sư phạm ở khắp mọi nơi mang về phân tích, nêu ra các phương án giải quyết theo tâm lý học sinh. Các sinh viên của chúng tôi phải thuộc tất cả các tình huống đó”.
Ở các trường công lập, việc một lớp học có từ 50-60 học sinh là chuyện bình thường. Việc ra một số điều luật cấm giáo viên không được phạt, không được khiển trách học sinh đã làm cho giáo viên mất đi một số công cụ để giáo dục học sinh. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giáo viên không chỉ có phạt mới dạy được học sinh:
“Tôi rất thích 1 kỹ thuật mà các cô lớp 1 hay dùng đó là: khi học sinh đang làm ồn, khi các cô muốn giữ trật tự, các cô nói: “các con đặt tay lên môi xinh nào”, sau đó tự tay cô đặt lên môi vì làm như thế thì không nói được, một số bạn sẽ bắt chước cô và đặt lên môi, sau đó cô chỉ vào một bạn A bất kỳ và nói: “Cô khen bạn A đặt tay xinh quá”, thì tất cả những bạn những bạn khác sẽ tò mò nhìn và học theo, chỉ sau 3 câu khen thì cả lớp im lặng. Đó là 1 trong rất nhiều kỹ thuật với học sinh lớp 1, là lớp phá nhất, nghịch nhất”.
Nghề giáo viên là một nghề áp lực. Không chỉ đối với những giáo viên trẻ, mới vào nghề mà ngay cả với những giáo viên lớn tuổi, đã đi dạy lâu năm đôi khi không kìm nén được cảm xúc mà có hàng động đánh học sinh. Việc giáo viên đánh học sinh là một hành động không thể chấp nhận được, nhiều giáo viên đã bị kỷ luật vì những hành động như vậy. Tuy nhiên, nếu học sinh đánh cô giáo thì xử lý như thế nào?
“Học sinh sẽ bị xử lý theo nội quy nhà trường vì theo pháp luật Việt Nam, dưới 16 tuổi thì không bỉ xử lý hình sự.
Do vậy, tôi muốn đề nghị các phụ huynh là hãy để yên cho nội quy nhà trường hoạt động bởi vì trong đó có những quy định mà nếu các con vi phạm cái gì đó thì các con sẽ bị phạt, kể cả hình phạt cho nghỉ học.
Tất cả những quy định này rất cần thiết để giữ các con trong phạm vi đạo đức cho phép. Do vậy, nội quy nhà trường càng nghiêm túc, càng công bằng và rõ ràng thì học sinh trường đó sẽ càng ngoan”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
* Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của Tiến sĩ Vũ Thu Hương.
Đình Hùng
Trường hợp này các cơ quan chức năng cần vào cuộc để giải quyết
Trả lờiXóa