VTC News - Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, CLB Tình Người có dấu hiệu móc túi, lừa đảo, họ cấy tạo nỗi sợ hãi vào trong nhận thức của nạn nhân, từ đó khống chế tâm lý nạn nhân.
Thời gian qua báo chí phản ánh hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) Tình Người (thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng, địa chỉ trụ sở tại tầng 3 - tòa nhà số 68 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có tính chất mê tín dị đoan với nhiều thành viên tham gia.
Theo hướng dẫn tại CLB Tình Người, mỗi tháng, người tham gia sẽ phải cúng một số tiền nhất định cho cả vong người âm và người còn sống. Số tiền đó phải được chia đều, ghi rõ hồi hướng cho ai, về việc gì.
Trả lời PV VTC News, Tiến sĩ Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cho hay, điều này hoàn toàn không có trong đạo Phật, trái ngược với cách làm phúc mà đức Phật dạy.
Cấy tạo sự sợ hãi
“Hoạt động của CLB Tình Người, theo tôi có sự nhập nhằng, tự tôn vinh những lời dạy mê tín của nhóm người chủ trương thành Pháp bảo (chân lý như ngọc quý), thuật ngữ kinh điển do Phật thuyết giảng.
Những lời dạy mê tín của CLB Tình Người, tôi tạm gọi là ký sinh, tức vay mượn từ Phật giáo rồi bóp méo dưới hình thức lạc dẫn để dụ dỗ những người thiếu hiểu biết về đạo Phật, những người không có tôn giáo dễ dàng nhẹ dạ cả tin, đi theo họ.
Chủ trương của CLB Tình người có dấu hiệu móc túi, lừa đảo về tiền bạc.Thượng tòa Thích Nhật Từ
Họ cấy tạo nỗi sợ hãi vào trong nhận thức của nạn nhân làm cho nạn nhân phải lệ thuộc vào mình, nạn nhân tôn vinh mình, nạn nhân phải biết ơn mình.
Từ nỗi sợ hãi đó, con người bị khống chế về tâm lý. Khi khống chế về tâm lý, nạn nhân sẽ tự an ủi, trấn an bằng cách bỏ tiền để mua bình an, mua hạnh phúc. Nhiều người nghèo không có tiền thì vay nợ, có người vay nóng để mua bình an.
Chủ trương của CLB Tình Người này theo tôi, có dấu hiệu móc túi, lừa đảo về tiền bạc”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.
Theo Thượng tọa, bỏ một khoản tiền cúng các vong linh để được phúc đó là mê tín, bỏ tiền cúng cho người còn sống cũng là mê tín. Chúng ta cúng dường khi chúng ta nhìn thấy hoàn cảnh của những người cơ nhỡ, bất hạnh. Nếu chậm trễ trong việc hỗ trợ họ có thể chết, hoặc nỗi khổ, niềm đau đó có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Chúng ta tùy theo năng lực tài chính của mình giúp đỡ người bất hạnh. Nếu không có tài chính thì giúp bằng tấm lòng, công sức, thời gian… không bao giờ kêu gọi bỏ tiền ra để được phúc báo.
Việc vận động tiền dưới hình thức tín ngưỡng và tôn giáo như CLB Tình Người làm là trái với Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo.
“Bất cứ hành động hay học thuyết, niềm tin nào cho rằng, muốn có phúc báo phải đóng tiền, muốn giải nghiệp phải đóng tiền, muốn cầu gì đó phải đóng tiền… thì đó là mê tín và có dấu hiệu lừa đảo lớn”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh.
Bỏ tiền giải nghiệp là tà thuyết
Trong Phật giáo, theo phân tích của Thượng tọa Thích Nhật Từ, nghiệp bắt nguồn từ khái niệm “kamma” trong tiếng Pali và “karma” trong tiếng Sanskrit, có nghĩa đen là hành vi, hành động.
Nghiệp chia làm hai nhóm là nghiệp thiện, nghiệp tích cực mang lại kết quả an vui, giá trị và hữu ích; nghiệp tiêu cực là cái xấu, ác bao gồm các hành vi phạm pháp, trái ngược đạo đức, ngược với lương tâm, lừa dối, mang lại nỗi khổ niềm đau, có tác hại tiêu cực cho người đời.
Phật giáo chủ trương không có số phận an bài, không có định mệnh. Tất cả hành vi xấu, ác nếu lỡ tạo có thể chuyển hóa được bằng sự gieo trồng các nghiệp thiện đối lập với số lượng tương đương hoặc nhiều hơn. Điều này giống như luật pháp Việt Nam và khắp thế giới đều có chủ trương ân xá với những người có thành tích cải tạo tốt thật sự.
Bản chất của giảm nghiệp hay chuyển nghiệp lệ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực đúng, phương pháp đúng, phấn đấu đúng của người đã tạo nghiệp xấu ở hiện tại và tương lai. Bất cứ hình thức nào dù của ai cho rằng, muốn chuyển nghiệp phải đóng tiền, chuyển nghiệp phải cúng ma quỷ… thì nên biết đó là các tà thuyết, các hình thức mê tín dị đoan. Có thể rất nhiều người nhẹ dạ cả tin, vướng bẫy vào các tà thuyết này, dẫn tới tình trạng tiền mất tật mang, ly tán gia đình, tan nát hạnh phúc.
Cũng theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, bỏ tiền ra mua công đức và giải nghiệp là tà thuyết, trái ngược hoàn toàn với học thuyết chuyển nghiệp trong đạo Phật.
Hoạt động của CLB Tình người không thể hiện tình người.Thượng tọa Thích Nhật Từ
Nghiệp là hành động. Do đó, chuyển nghiệp (xấu) phải thể hiện qua hành động cụ thể gồm 3 bước: Nhận diện các hành vi vi phạm luật pháp, trái đạo đức, ngược lương tâm là hành vi xấu; Cam kết không tái phạm lần nào nữa ở hiện tại và trong tương lai; Nỗ lực gieo trồng các hành động thiện đối lập bằng số lượng và cường độ tương đương với các hành động xấu, ác mà mình cố tình hoặc lỡ tạo trong quá khứ.
Bằng 3 bước thực hiện đó, nghiệp xấu mới có thể bị vô hiệu hóa bởi nghiệp thiện.
“Chúng ta phải hiểu rõ giữa học thuyết nghiệp của Phật giáo như nêu trên và các ý niệm nghiệp theo kiểu ru ngủ, gây tạo nỗi sợ hãi, mang tính mê tín của CLB Tình Người. Hoạt động của CLB Tình Người không thể hiện Tình Người. Họ lấy các hình thức thiện nguyện làm chiêu bài, bình phong mà thực chất và chủ yếu là nhằm truyền bá mê tín, dị đoan và có dấu hiệu trục lợi bằng sự lừa dối trên sự thiếu hiểu biết người tin họ”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nêu quan điểm.
Phúc không phải cầu là được
Về tạo phúc, đạo Phật chủ trương phúc báo chia làm 5 nhóm chính: Phúc tướng liên hệ tới cha sinh, mẹ đẻ, ở mức độ đơn giản hơn là hỷ tướng, mọi người gặp được hoan hỷ, quý trọng; Phúc về sức khỏe và tuổi thọ; Phúc tài sản và tiền bạc; Phúc thuận duyên; Phúc có trí tuệ.
Chúng ta muốn loại phúc nào không phải cầu là được mà phải gieo trồng chính nhân, đồng thời phải hỗ trợ bằng thuận duyên thì quả phúc mới trổ theo ý muốn được. Ai chủ trương rằng "phải bỏ ra một khoản tiền nào đó để có được công đức này, bỏ một khoản tiền khác để có được phúc đức kia” thì điều đó có nguy cơ rất cao của dấu hiệu lừa đảo bằng truyền bá mê tín và dụ dỗ.
“Những nơi, những người dụ dỗ người khác bằng niềm tin, mê tín, thu tiền để gieo phúc, họ dùng nguồn tiền này vào mục đích gì, cho công việc cụ thể gì và có cách làm minh bạch không hay bỏ túi riêng tư, đó là vấn đề chúng ta phải đi sâu.
Để đi đến kết luận về hoạt động của CLB Tình Người, tôi cho rằng cơ quan công an cần điều tra rõ xem từng có ai bị lừa dối, móc túi bằng cách giải vong, hù dọa 60-70 con ma đi theo hay không”, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cho hay.
Thông qua những phong trào tà đạo, tà giáo, Thượng tọa cũng khuyến cáo người dân không tin theo những tà thuyết hay mê tín dị đoan vay mượn, ký sinh các thuật ngữ của Phật giáo khiến người khác lầm tưởng đó là Phật giáo.
Nếu nhóm người bóp méo một tôn giáo nào đó, tự thần thánh hóa chính mình, tạo nỗi sợ hãi, yêu cầu cúng ma quỷ, cúng tiền bạc để giải nghiệp thì 100% là tà đạo, tà phái, tà giáo, tà thuyết. Mọi người không nên tin.
Bên cạnh đó, muốn làm phúc chúng ta nên đi đến những cơ sở tôn giáo hợp pháp và có uy tín về các hoạt động an sinh xã hội để tham gia và đóng góp. Ở đó, họ minh bạch hóa tài chính về các hoạt động an sinh… người dân sẽ không bị lừa đảo và biết số tiền của mình bỏ ra được dùng trong lĩnh vực gì.
“Thời gian qua, có nhiều tổ chức cuồng tín, mê tín dị đoan, dụ dỗ, lừa dối khiến người dân tốn nhiều tiền bạc, thậm chí tiền mất tật mang. Điều đó rất đáng tiếc.
Mọi người được quyền chọn niềm tin tôn giáo. Hiến pháp và luật pháp Việt Nam bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng. Để cuộc sống này có giá trị, chúng ta phải lựa chọn niềm tin tôn giáo chân chính, đừng để trở hành nạn nhân của những tà thuyết, mê tín dị đoan và những trò lừa đảo”, Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ.
Hội theo quy định của pháp luật được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo quy định pháp luật.
***
Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật.
Điều 24 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thì hội phải có các nghĩa vụ như: Chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội và điều lệ hội. Không được lợi dụng hoạt động của hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Hội phải có nghĩa vụ lập và lưu giữ tại trụ sở hội danh sách hội viên, chi hội, văn phòng đại diện và các đơn vị trực thuộc hội, sổ sách, chứng từ về tài sản, tài chính của hội và văn phòng đại diện, biên bản các cuộc họp ban lãnh đạo hội.
Kinh phí thu được theo quy định tại khoản 11 và khoản 12 Điều 23 của Nghị định này phải dành cho hoạt động của hội theo quy định của điều lệ hội, không được chia cho hội viên….
Còn tổ chức tôn giáo được định nghĩa tại Khoản 12 Điều 2 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), theo đó: Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo.
Từ đó, có thể thấy một cơ sở tôn giáo khác với hoạt động trong câu lạc bộ của tổ chức xã hội khác. Bởi vậy, trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động của CLB Tình Người mà xác định chưa được đăng ký theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp cũng không có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tổ chức thực hiện các hoạt động này thì cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý.
Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hoạt động đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này có đúng quy định của pháp luật không, có kê khai nộp thuế không.
Đồng thời xác định hoạt động tụ tập đông người tuyên truyền các tư tưởng tôn giáo có được thực hiện theo các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hay không. Trường hợp vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Doanh nghiệp thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy theo hậu quả xảy ra mà hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp phát hiện có căn cứ cho thấy có đối tượng đã đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ cả tin, những người tin theo, nghe theo nhóm đối tượng đó mà số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể xem xét xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Trường hợp người nào tổ chức để tuyên truyền những hoạt động mê tín dị đoan gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị xử lý hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan, cụ thể với tội danh và hình phạt được Bộ luật Hình sự.
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP. HCM)
CLB Tình người lợi dụng lòng tốt của mọi người để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đồng thời tuyên truyền mê tín dị đoan, dùng tiền để giải nghiệp. Đây là một hoạt động lừa đảo vô cùng tinh vi và cần phải bị lên án
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng
XóaThật là đốn mạc về đạo đức khi CLB Tình người lợi dụng mạo danh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi về tiền bạc. hành vi này đáng kịch liệt lên án và phải khiến cho những kẻ chủ mưu chịu trách nhiệm trước pháp luật để lấy tiền đề chấm dứt những tình trạng tiêu cực này.
Trả lờiXóaPhải xử lý nghiêm các sai phạm trong vụ này
Trả lờiXóa