Rất nhiều cơ sở y tế lo ngại, muốn giữ an toàn cho bệnh viện nên đùn đẩy, không muốn tiếp nhận bệnh nhân mới.
Chia sẻ với VietNamNet, GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế cho biết đây là thực tế rất đáng báo động tại nhiều cơ sở y tế hiện nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khám chữa bệnh của người dân.
“Nhiều nơi, lãnh đạo Bộ Y tế phải 'ốp' xuống mới nhận bệnh nhân hoặc nhận các bệnh nhân đã âm tính 3 lần. Điều này rất khổ cho người bệnh và gây quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối”, Thứ trưởng nói.
Sở dĩ có tình trạng e dè do vừa qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K bị đề nghị rút kinh nghiệm, kiểm điểm, xem xét trách nhiệm sau khi để dịch Covid-19 bùng lên, lan ra nhiều địa phương.
Ngoài ra, 20 cơ sở y tế khác đang phải cách ly, phong tỏa do phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 khi đến khám bệnh hoặc điều trị.
Theo Thứ trưởng Thuấn, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp khi dịch vừa xuất hiện trong cộng đồng, vừa bùng lên tại các khu công nghiệp hay các sự kiện tập trung đông người như Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
“Đáng lưu ý, đợt dịch này cũng xuất hiện cùng lúc 2 biến thể nguy hiểm nhất hiện nay đến từ Ấn Độ và Anh nên lây lan rất nhanh, đặc biệt trong môi trường kín, dùng điều hòa. Các nhà khoa học đã chứng minh, trong không gian hẹp, thông khí kém, virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm cao gấp nhiều lần so với nơi thông thoáng”, Thứ trưởng nói.
Đặc biệt trong các khu công nghiệp, việc dùng điều hòa gần như bắt buộc vừa để bảo vệ sức khỏe người lao động, vừa để bảo vệ máy móc nên chỉ cần 1 ca F0 sẽ lan truyền rất mạnh.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh virus biến đổi không ngừng, đã có các ca bệnh len lỏi trong cộng đồng nên các khu vực tập trung đông người như nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện nơi tiếp nhận bệnh nhân từ mọi tỉnh thành thì việc xuất hiện các ca bệnh là khó tránh khỏi. Quan trọng nhất là mỗi cá nhân, tổ chức đã làm hết trách nhiệm hay chưa và tuyệt đối không được lơ là, chủ quan".
“Thống kê cho thấy, khoảng 70% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng, do đó các biện pháp sàng lọc thông thường như đo nhiệt độ, khai báo y tế, khai thác triệu chứng lâm sàng ho, sốt… không thể phát hiện được”, Thứ trưởng giải thích thêm.
Hiện Bộ Y tế chưa khuyến cáo tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc sử dụng test nhanh kháng nguyên để sàng lọc Covid-19 với mọi bệnh nhân trước khi vào viện.
“Nếu áp dụng sẽ làm gia tăng gánh nặng chi phí với người bệnh rất lớn. Mỗi test nhanh kháng nguyên có giá giao động từ 130.000-300.000 đồng”, Thứ trưởng thông tin.
Các bệnh viện cũng không thể yêu cầu bệnh nhân trước khi nhập viện phải chờ 5-7 tiếng để làm xét nghiệm RT-PCR. Điều này thực sự khó, nhất là với các ca cấp cứu.
“Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các bệnh viện thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch. Song trường hợp đã làm hết trách nhiệm nhưng ca bệnh Covid-19 vẫn lọt vào là điều bất khả kháng vì rất khó sàng lọc. Nếu Bộ trưởng hay Thứ trưởng có về làm giám đốc bệnh viện thì cũng vậy”, Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh, lãnh đạo Bộ Y tế rất chia sẻ với các bệnh viện, trong tình hình hiện nay cần xác định việc xuất hiện các ca Covid-19 trong bệnh viện là khó tránh khỏi, quan trọng là cần làm hết sức, hết trách nhiệm, có các kịch bản để chủ động ứng phó, sàng lọc, không để dịch lan rộng.
Do đó, các bệnh viện cần tiếp tục duy trì các hoạt động khám chữa bệnh như thường lệ, kiểm soát chặt hơn các trường hợp có nguy cơ để không làm chậm trễ, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người bệnh.
Biện pháp lâu dài để phòng ngừa Covid-19 là vắc xin. Tuy nhiên trong bối cảnh nguồn cung vắc xin trên thế giới vẫn còn hạn chế như hiện nay, việc thực hiện tốt khuyến cáo 5K vẫn là những biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa lây nhiễm cho chính bản thân và cộng đồng.
Thúy Hạnh
Đến cả bệnh viện còn không tiếp nhận bệnh nhân thì người dân biết phải làm sao đây? Các bệnh viện cần phải tiếp tục duy trì các hoạt độngkhám chữa bệnh như thường lệ,, kiểm soát chặt hơn các trường hợp có nguy cơ để không làm chậm trễ, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người bệnh.
Trả lờiXóaBạn nói rất chính xác
XóaCác bệnh viện cần nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Chính phủ và Bộ Y tế đề ra cũng như cần có trách nhiệm vận hành tối đa công suất của mình để tiếp nhận và cứu chữa bệnh nhân. Bệnh viện chính là nơi duy nhất mà người bệnh có thể đến khi bị cơn bệnh đày đọa mà lại ngại tiếp nhận bệnh nhân thì thử hỏi trách nhiêm và nghĩa vụ đối với nhân dân của người lãnh đạo ở đâu? Trong lúc dịch bệnh trên cả nước đang căng thẳng và vô cùng phức tạp lại đọc được những dòng tin này mà chợt buồn não lòng. Kính mong các cơ quân chức năng cần vào cuộc để làm rõ những cơ sở nào có thái độ e dè, ngại tiếp nhận cứu chữa cho bệnh nhân để có biện pháp xử lý phù hợp.
Trả lờiXóaTrong lúc dịch bệnh trên cả nước đang căng thẳng và vô cùng phức tạp lại đọc được những dòng tin này mà chợt buồn não lòng. Kính mong các cơ quân chức năng cần vào cuộc để làm rõ những cơ sở nào có thái độ e dè, ngại tiếp nhận cứu chữa cho bệnh nhân để có biện pháp xử lý phù hợp
Trả lờiXóa