(PLVN) - DKSP là các chữ cái viết tắt của những từ tiếng Anh gồm: Dream (Mơ ước), Kindness (Lòng tốt), Success (Thành công) và Prosperous (Thịnh vượng)... nghe qua thì quả là những mỹ từ mà bất cứ ai cũng mường tượng ra những điều tốt đẹp, hữu ích ẩn sau đó. Vậy nhưng thực tế đối với cái gọi là “Cộng đồng DKSP” đang hoành hành trên mạng thì những mỹ từ kể trên chỉ mang tính chất “tham khảo”, những gì họ thật sự đang làm lại mang ý nghĩa ngược lại: Nhẫn tâm.
Vì 2 chữ lợi nhuận nhân viên sẵn sàng dối trá, “hô biến” thực phẩm chức năng (TPCN) thành thuốc lừa dối người tiêu dùng. Phóng viên (PV) Báo Pháp luật Việt Nam khi thâm nhập làm nhân viên kinh doanh tại cơ sở có văn phòng tại tầng 4 và 5 số 30, ngõ 168 Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã thu thập được những thông tin phản ánh chân thực về hoạt động kinh doanh TPCN online của nhóm đối tượng này.
Qua đó có thể lột tả hết sự dối trá, bằng mọi cách để người tiêu dùng tin rằng cái gọi là TPCN chính là thuốc chữa bệnh. Ở đó những chàng trai, cô gái tuổi 20, một nửa chữ về ngành y cũng không biết nhưng có thể giả danh Lương y này, bác sĩ nọ khám chữa bệnh cho khách hàng. Đó là những gì mà PV ghi nhận được cho thấy tận cùng của sự dối trá lọc lừa coi những người bệnh là con mồi và bất chấp coi thường sức khỏe của người khác vì lợi nhuận.
Bài nhập môn: “Ngửi” mùi tiền
Theo một mẩu tin tuyển dụng trên mạng xã hội, PV đã liên hệ và được mời đến địa chỉ số 30, ngõ 168 Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để phỏng vấn. Tại đây PV được đón và dẫn lên tầng 4 phỏng vấn. Không yêu cầu hồ sơ hay bất kì một loại giấy tờ gì, chỉ cần có giọng nói và tinh thần quyết tâm cao, PV đã có thể trở thành nhân viên thử việc trong Cộng đồng DKSP.
Buổi đầu thử việc, PV được một người tên Thanh Thảo - tự xưng là HR (Human Resource - tạm dịch là Quản trị Nhân lực) đào tạo về văn hóa doanh nghiệp. Theo lời Thanh Thảo, đây là Cộng đồng DKSP, Chủ tịch hệ thống là ông Phùng Anh. Lịch sử hình thành, lịch sử phát triển cũng được giới thiệu rất hoành tráng... Người này cho biết thêm, hệ thống không chỉ có cơ sở tại Hà Nội, mà còn có cả 3-4 cơ sở trong Thanh Hóa.
PV sẽ là nhân viên thuộc quản lý của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ EEK (còn gọi là Cơ sở Tuấn Ngọc - nhánh con đầu tiên được tách ra từ Cộng đồng DKSP). Bên cạnh đó, còn có Cơ sở Đức Thảo là nhánh con của Cơ sở Tuấn Ngọc cũng hoạt động tại tòa nhà này. Ở đây, tầng 4 dành cho maketing, kế toán, hành chính nhân sự. Tầng 5 dành cho nhân viên kinh doanh (sale) và vận đơn, đều là những cô cậu còn rất trẻ.
Tiếp đó PV được đào tạo chuyên môn bởi người có tên là Nguyễn Thị Ngọc (SN 1997), được giới thiệu là Phó Giám đốc Công ty EEK. Theo Ngọc cho biết, hiện bên công ty đang chạy chủ yếu là sản phẩm xương khớp Ích Cốt Vương và da liễu Lĩnh Xuân Đường, trước tiên sẽ đào tạo chuyên môn về xương khớp và đưa cho PV một tập tài liệu có ghi là “Kịch bản xương khớp - Ích Cốt Vương”.
Sản phẩm xương khớp Ích Cốt Vương là Thực phẩm chức năng (TPCN) được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 7868/2020/ĐKSP, do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ EEK chịu trách nhiệm khi lưu hành.
Nhập môn kinh doanh TPCN online, PV được yêu cầu thuộc lòng kịch bản sẵn có với những “công thức” rất bài bản, hướng dẫn thăm khám bệnh như một bác sỹ thực thụ. Dù người bệnh là nam hay nữ, già hay trẻ, dấu hiệu bệnh lý ra sao đều không quan trọng mà cốt yếu là bất chấp bằng mọi giá phải “ghim” vào đầu khách hàng là họ đang có bệnh, nếu không điều trị sẽ có biến chứng nguy hiểm; thuốc Tây không điều trị dứt điểm; đây đều là dược liệu được triết xuất từ thuốc Đông y gia truyền chứ không phải thực phẩm chức năng...
Với tất cả yêu cầu trên khi được tuân thủ, thì đáp lại sẽ là lời hứa một mức thù lao hấp dẫn, cơ hội thăng tiến rộng mở, cùng lời nhắn nhủ về sự thành công từ người Phó Giám đốc tên Ngọc này. PV đã trở thành nhân viên thử việc tại đây theo cách không thể nhanh gọn hơn.
Trong vai trò người sếp dày dặn kinh nghiệm, am hiểm chuyên môn, Ngọc bắt đầu chia sẻ những “bí quyết chốt đơn bán hàng đỉnh cao” của mình. Những mánh khóe được gọi là “tuyệt kỹ” chốt đơn dần lộ diện.
Bán được liệu trình cao, doanh số cao, đồng nghĩa lương thưởng sẽ cao. Ở đây, nhân viên được tùy ý kê liệu trình cho khách cũng như “hét giá” vì theo Ngọc hướng dẫn: “Chị không đề giá sản phẩm trên icheck (ứng dụng giúp người dùng có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa thông qua chức năng quét mã vạch kết hợp tính năng mạng xã hội-PV), vậy nên em có thể tư vấn cho khách giá cao hoặc thấp hơn tùy em, thấp nhất là 700.000 đồng/hộp trong trường hợp khách nghèo quá. Cứ nói giá cao lên rồi giảm dần xuống”.
Tuy nhiên, để có thể câu dẫn khách mua liệu trình cao thì kỹ năng thuyết phục chưa đủ, nhân viên ở đây còn được đào tạo cả về “nghiệp vụ đi săn”: “Mình ‘ngửi’ mùi khách hàng là người có tiền, mình có thể chốt liệu trình to, còn nếu khách hàng băn khoăn, phân vân thì mình tách đôi ra cho người ta. Trường hợp khách hàng ‘khoai’ quá chỉ mua một hộp 950.000 đồng thì mình có thể tặng cho họ một lọ xịt cũng được”. Vừa đào tạo, Ngọc liên tục động viên tinh thần: “Cố gắng lên em! Chị thấy em giống chị, chị làm được em cũng sẽ làm được thôi...”, và không quên tấm tắc kể về hành trình đã đưa Ngọc đến với vị trí như bây giờ.
Cách thức xử lý tình huống, “bẻ ghi” thái độ từ chối của khách hàng cũng được Ngọc thể hiện một cách trơn tru. Còn trong trường hợp nếu khách hàng ngỏ ý đến Trung tâm thăm khám thì phải từ chối bằng cách: “Bây giờ tình trạng của anh chị như thế này đi lại khó khăn vì trong này là vùng dân tộc, thì mình cứ điều trị liệu trình nhỏ một hộp trong thời gian 15-20 ngày để cải thiện trước, sau đó mình thấy có hiệu quả thì mình lấy thêm”. Còn nếu khách hỏi địa chỉ thì trả lời là thôn Nà Lốc, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, hoặc Ba Vì, Hà Nội...
Bài nâng cao: Luyện giả giọng
Ngọc không quên nhắc nhở “tân binh” rằng để tư vấn tốt, lấy được lòng tin từ khách hàng thì phải giả giọng: “Các bạn tư vấn ở đây cũng giả giọng rất là tốt, đóng vai “Lương y” cực đạt, giọng của em chỉ cần nói trầm xuống một chút, để nghe chững chạc một chút là rất OK đấy”... Tóm lại là biết biến tấu theo tâm lý của khách hàng... để “diễn” thật sâu.
Kết thúc màn dạo đầu, PV được dẫn lên tầng 5 là nơi ngồi làm việc. Tại đó có khá đông nhân viên, đều là nhân viên bán hàng (sale) của các nhánh đang hoạt động tại đây. PV bất ngờ khi nhìn quanh văn phòng toàn người trẻ tuổi, nhưng lại nghe thấy những giọng nói trầm khàn, chậm rãi như những người lớn tuổi đang tư vấn, thăm khám bệnh tình cho khách hàng.
Thật đúng như Ngọc nói, các bạn ở đây giả giọng phải nói là rất tốt chứ không phải bình thường. Khắp văn phòng rộn ràng âm thanh tư vấn: “Chào chị! Tôi gọi đến cho mình bên điều trị xương khớp của cô Nhàn/cô Lĩnh đây!”, “Alo chào anh nhá! Tôi gọi cho mình tư bên điều trị xương khớp Ích Cốt Vương của Lương y Giang Thị Nhàn/ Phạm Thị Lĩnh đây!”... Chợt nghĩ, nếu tất cả những nhân viên tư vấn ở đây mà cùng tham gia chương trình “Gương mặt thân quen” thì có lẽ sẽ đều dành được danh hiệu Quán quân cũng nên.
Với biệt tài giả giọng “trời phú” như thế này, chỉ nghe qua điện thoại thì khách hàng có “tài thánh” cũng không thể đoán được rằng “Lương y, bác sĩ rởm” của Cộng đồng DKSP đang tư vấn, bắt bệnh cho họ vốn chỉ là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Không có chuyên môn, kiến thức, không qua bất kì trường lớp đào tạo chính quy nào. Chỉ cần học theo kịch bản đã soạn sẵn, học được chút kỹ năng nắm bắt tâm lý người bệnh là đã có thể ngồi đây mặc sức thăm khám, phán bệnh, kê đơn, bốc thuốc... như “thần”.
Cả văn phòng hăng say gọi điện, chốt đơn, chạy đua doanh số. Ai cũng tập trung cao độ, mồm tư vấn liên hồi, tay gõ máy tính tanh tách. Với tinh thần, quyết tâm cao độ, tất cả mọi người cùng lao vào những cuộc gọi, bất chấp không gian, thời gian. Có người ngồi bàn làm việc, có người ngồi sàn nhà, cũng có người ngồi trên ghế xoay rồi quay vòng vòng lắc lư, thậm chí là chui tọt vào một góc nào đó để hạn chế tiếng ồn từ những người khác... Ngồi đâu cũng được, miễn sao ra được đơn hàng là thành công. Hễ ai chốt được đơn là mọi người lại cùng nhau đập tay phấn khích, chúc mừng khi đã có khách hàng “sập bẫy”.
***
Đối diện với Ngọc - một người từng là sinh viên sư phạm, xinh xắn, có học thức nhưng lại có thể “tự hào” về công việc hiện tại của mình - mấy ai có thể lý giải nổi tại sao người con gái “như hoa như ngọc” này lại có thể ngồi đó gọi điện, chốt đơn, lừa dối khách hàng chỉ để tăng doanh số, bất chấp sức khỏe của người dân, khách hàng. Mấy ai hiểu được trong cái tự hào về vị trí của mình hiện tại, có bao giờ cô gái đó nghĩ đến những người bệnh, có cả những người nghèo đã đặt lòng tin và hy vọng biết nhường nào, chắt chiu từng đồng để mua TPCN chữa bệnh mà không hề hay biết mình bị lừa. Việc làm của cô ta đã vô tình cướp đi “cơ hội vàng” của rất nhiều người bệnh, cướp đi cả tiền bạc mà họ dành dụm để chữa bệnh.
(Kỳ sau: Bất chấp mọi mánh khóe để moi tiền của bệnh nhân)
Hoàng Quân
Vụ việc này cần điều tra, làm rõ và xử lý thật nghiêm
Trả lờiXóa