Chia sẻ

Tre Làng

Vạch trần những chiêu trò quảng cáo TPCN xương khớp Mộc Thanh như thuốc chữa bệnh “bẫy” người tiêu dùng

(PLVN) - Coi thường sức khỏe con người và không từ thủ đoạn... đó chính xác là một góc khuất đang diễn ra ở phần chìm thị trường thực phẩm chức năng (TPCN). Ở đó người ta thỏa sức mạo danh lương y, bác sĩ, tên tuổi của những người nổi tiếng mục đích câu kéo, lừa lọc, thậm chí cả dọa nạt để những người bệnh đang “vái tứ phương” phải móc hầu bao mua TPCN trá hình thuốc chữa bệnh với giá trên trời.

Vì hai chữ “lợi nhuận”, nhân viên sẵn sàng “uốn ba tấc lưỡi” biến TPCN thành thuốc chữa bệnh lừa dối người tiêu dùng là những gì đang diễn của nhóm đối tượng có địa chỉ số 17 Nguyễn Xiển (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội) mà nhóm phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã dày công thâm nhập, tìm hiểu để làm rõ những dấu hiệu vi phạm pháp luật và để cảnh tỉnh người tiêu dùng

Khi thâm nhập làm nhân viên kinh doanh tại cơ sở này, phóng viên đã thu thập được những thông tin chân thực về hoạt động kinh doanh TPCN online. Qua đó có thể lột tả hết sự dối trá, bằng mọi cách để người tiêu dùng tin rằng cái gọi là TPCN chính là thuốc chữa bệnh. Ở đó những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi, một chút kiến thức về ngành y cũng không biết nhưng có thể xưng ông này, bà nọ phán bệnh, kê toa cho khách hàng...

Quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh

Khi tìm kiếm trên google với cụm từ “xương khớp Mộc Thanh” sẽ dễ dàng thấy có rất nhiều website quảng cáo cho sản phẩm này xuất hiện. Sở dĩ vậy vì trên các website như www.mocthanhxuongkhop.com hay các fanpage trên mạng xã hội như “Lương y Lê Thị Miểu - xương khớp Mộc Thanh”, “xương khớp Mộc Thanh - Lương y Miểu”... sản phẩm xương khớp Mộc Thanh được quảng cáo như “thần dược” đặc trị đau nhức xương khớp hiệu quả, là sản phẩm số 1 cho các bệnh lý về xương khớp...

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin cùng tâm lý sợ hãi của người bệnh, sử dụng những chiêu trò tinh vi để “giăng bẫy” quảng cáo lừa dối người tiêu dùng, để bệnh nhân đang “vái tứ phương” phải móc hầu bao mua TPCN mà cứ ngỡ mình đang mua được “tiên dược”. Không ít người bệnh vì tin lời quảng cáo mà bỏ khá nhiều tiền ra mua TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để trị bệnh, bỏ lỡ quá trình điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng.


Xương khớp Mộc Thanh được quảng cáo như thuốc

Hiện nay trên các website xương khớp Mộc Thanh được giới thiệu là bài thuốc bí truyền của người Mường do Lương y Lê Thị Miểu kế thừa. Theo quảng cáo, bằng bài thuốc này Lương y Miểu đã giúp hàng ngàn người thoát khỏi các vấn đề về xương khớp: đau nhức xương khớp, Viêm khớp, thoái hóa khớp, thoát vị, sưng - cứng xương khớp... Thậm chí “bệnh nhân bị mắc bệnh xương khớp trên 10 năm tôi còn giải quyết được thì đau xương khớp của bà con không là gì với tôi”. Khắp các tỉnh thành cả nước, ở đâu cũng được giới thiệu là có bệnh nhân được Lương y Miểu điều trị xương khớp. Những quảng cáo khẳng định chắc nịch về công dụng “thần thánh” của sản phẩm này đã “qua mặt” biết bao khách hàng.

Thật giả lẫn lộn

Trên các website, Lương y Miểu được ví như là “thần y” khắc tinh của các bệnh lý về xương khớp. Hình ảnh của một người phụ nữ tóc bạc, chạc 70 tuổi, gọi là Lương y Miểu được quảng cáo kín các website và fanpage xương khớp Mộc Thanh. Ngỡ ngàng hơn khi ở một số website, fanpage khác lại có thêm một người phụ nữ, đầu đội khăn đen, mặc trang phục dân tộc cũng được gọi là Lương y Lê Thị Miểu.

Thậm chí hình ảnh của cả hai người phụ nữ này còn được quảng cáo chung trên cùng một fanpage mạng xã hội. Cả hai người phụ nữ đều giới thiệu sản phẩm xương khớp Mộc Thanh là “công trình nghiên cứu để đời của mình và đã điều trị khỏi bệnh cho hàng nghìn bệnh nhân trên cả nước”. Thật giả lẫn lộn, vậy trong hai người phụ nữ cùng quảng cáo cho sản phẩm này, ai mới thật sự là Lương y Lê Thị Miểu?

Trước đó, ở một phóng sự khác, sản phẩm xương khớp Mộc Thanh lại được giới thiệu là sản phẩm của Công ty TNHH HBG. Sản phẩm được đúc rút từ nhiều phương thuốc cổ phương chữa các bệnh xương khớp, do nhiều chuyên gia hàng đầu Y học cổ truyền phối hợp với phòng nghiên cứu của công ty HBG thực hiện, và Lương y Vũ Quốc Trung là người có công lớn trong việc phát triển sản phẩm.

Một sản phẩm xương khớp Mộc Thanh nhưng lại có đến “năm cha bảy mẹ”. Điều này khiến dư luận không khỏi đặt ra nghi vấn về việc ai mới thật sự là “cha đẻ” của sản phẩm xương khớp Mộc Thanh? Hay đây chỉ là những “chiêu trò” được dựng lên hòng “đánh lừa” khách hàng?

Tại “căn cứ” nơi nhóm đối tượng chạy bán online, khách hàng sẽ được các “dược sĩ rởm” tư vấn về sản phẩm xương khớp Mộc Thanh. Tại đây, nhóm đối tượng này tư vấn cho khách hàng là sản phẩm xương khớp Mộc Thanh sẽ được bào chế theo thông số chiều cao cân nặng, tuổi tác và tình trạng bệnh để tăng giảm liều lượng. Mỗi người một phác đồ điều trị riêng chứ không bào chế chung cho tất cả bệnh nhân cùng sử dụng, kèm theo lời khẳng định “chắc chắn có hiệu quả”. Khi tiếp nhận hồ sơ điều trị, Lương y Miểu sẽ đích thân bào chế sản phẩm cho từng bệnh nhân tại một địa chỉ ở tỉnh Hòa Bình, sau đó sẽ được chuyển đến tay khách hàng thông qua bưu tá.

Một số sản phẩm đang được nhân viến tư vấn bán tại cơ sở 17 Nguyễn Xiển

Thực chất đây chỉ là một chiêu trò được dựng lên để lấy lòng tin của khách hàng. Còn sản phẩm xương khớp Mộc Thanh đã được sản xuất theo dây chuyền được đóng gói sẵn sàng, chỉ chờ khách “sập bẫy” đặt hàng là có thể chuyển đi.

Đồng thời, xương khớp Mộc Thanh được nhóm đối tượng gán với rất nhiều chân dung người nổi tiếng là nghệ sĩ, bác sĩ và sử dụng hàng loạt các câu chuyện, hình ảnh của khách hàng chia sẻ về công dụng và hiệu quả với mục đích “khuyên dùng”, ngầm khẳng định sản phẩm này có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Ở đó, bên cạnh xương khớp Mộc Thanh còn có một số sản phẩm khác cũng đang được nhóm đối tượng chạy bán tương tự như: Phục cốt khang, tóc Mộc Linh... Tại đây, PV đã thấy được những mánh khóe “khôn hết phần thiên hạ” và những chiêu trò lừa dối trắng trợn, bất chấp đạo lý của nhóm đối tượng này.

Với những thông tin nêu trên, để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, tránh việc doanh nghiệp thu lợi nhuận từ việc quảng cáo “bát nháo”... thiết nghĩ Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm và các cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

(Kỳ tới: Tận cùng của sự dối trá bên trong “sào huyệt” xương khớp Mộc Thanh)

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xử lý vi phạm quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm vừa gửi Văn bản 3220/BYT-ATTP tới các bộ ngành liên quan đề nghị triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị nhận được sự phối hợp của Bộ Công an trong chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm về quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu hình sự, quảng cáo gian dối thực phẩm chức năng xâm phạm lợi ích người tiêu dùng theo điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hoàng Quân - Chi Lê / Câu chuyện Pháp luật

4 nhận xét:

  1. Đúng thật, hiện nay sức khỏe cũng như tình trạng khám chữa bệnh của nhân dân đang rất chông chênh, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng rồi các loại chưa được kiểm định chất lượng đã gây khó khăn cho người tiêu dùng. Chúng ta nên xem lại và đánh giá lại, Bộ y tế với Bộ Công an nên vào cuộc trong những trường hợp này.

    Trả lờiXóa
  2. Mỗi người dân chúng ta cần nêu cao cảnh giác với những loại thực phẩm chức năng được quảng cáo tràn lan trên thị trường này, theo tôi, tốt nhất cứ nên hỏi ý kiến của bác sĩ, dược sĩ uy tín cho chắc chắn và đảm bảo vì sức khỏe là vốn quý mà, không thể coi thường được.

    Trả lờiXóa
  3. Lợi dụng sự phổ biến ngày càng rộng của mạng xã hội, một số đối tượng đã đẩy mạnh quảng cáo các sản phẩm chức năng kém chất lượng nhằm lừa đảo người tiêu dùng mà mục tiêu lớn là những người ở quê lớn tuổi.

    Trả lờiXóa
  4. Tất cả những trường hợp lừa đảo như thế này phải bị xử lý thật nghiêm khắc

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog