Tiến sỹ, MC Trịnh Lê Anh (Trưởng Bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, nhiều khi các tổ chức hay cá nhân làm từ thiện cảm thấy áp lực rất lớn khi phải chịu trách nhiệm với người cho chứ không phải người nhận.
Tôi chỉ chia sẻ góc nhìn về các hoạt động từ thiện có tính chất tự nguyện trong cộng đồng, không đề cập những tổ chức, cơ quan, đoàn thể có chức năng và được quyền hoạt động thiện nguyện theo quy định của Nhà nước.
Tôi cho rằng, một bộ phận có trách nhiệm trong cộng đồng đã bàn luận, chia sẻ và thực hành nhiều phương thức làm từ thiện hợp lý, hợp tình, hợp bối cảnh không gian và thời gian.
Tiếc là, theo quan sát của tôi, nhóm đó còn quá nhỏ trong một tổng thể rất lớn người dân và các “mạnh thường quân” có nguyện vọng, tham gia làm từ thiện ở nước mình.
Những “người hùng” đúng nghĩa thường thầm lặng. Họ không có đủ động lực để chia sẻ lại cách làm từ thiện của mình. Phần vì sự tự trọng cao nên sẽ không nói khi không được đề nghị, phần vì cộng đồng làm từ thiện nói chung tỏ ra thiếu tiếp nhận các ý kiến xác đáng. Trong khi đó, khung pháp lý chưa rõ ràng hoặc các quy phạm đạo đức hay “tính đúng” của vấn đề vẫn còn một biên độ xê dịch khá lớn.
Vì thế, có thể nói việc làm từ thiện tự nguyện ở một số nhóm hay cá nhân ở nước ta mang các đặc thù tự phát, chủ quan và có phần nào thiếu trách nhiệm.
Làm từ thiện thế nào cho đúng là một bàn luận ở tầm quốc tế, cho nên chúng ta cũng chưa nhất thiết phải đặt vấn đề “sáng tạo” trong lĩnh vực này. Vì vậy, hãy cứ tiếp thu, học hỏi từ thế giới đã.
Cách rất hay để hiểu một vấn đề đúng là nghiên cứu các phản biện về nó. Vậy để tìm hiểu như thế nào là “từ thiện đúng”, ta cùng tham khảo thế nào là từ thiện “không đúng” hoặc những hệ quả không tích cực mà việc làm từ thiện mang lại.
Theo BBC, từ thiện có thể không phải là cách hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng đói nghèo trên thế giới. Hoạt động từ thiện thậm chí có thể làm sao lãng việc tìm ra giải pháp tốt nhất, điều được mong đợi ở các hành động cấp vĩ mô: chính sách của các quốc gia và quốc tế nhằm thay đổi điều kiện sống của người dân. Tuy nhiên, đó là góc nhìn vĩ mô.
Câu chuyện nổi tiếng về cậu bé và con sao biển cho thấy, lý do tại sao việc sử dụng từ thiện để khắc phục các vấn đề cá nhân có thể rất có giá trị.
Ngày xửa ngày xưa, một người đàn ông đi dọc bãi biển nhìn thấy một cậu bé nhặt những con sao biển và ném chúng xuống biển. Ông hỏi cậu bé tại sao lại ném sao biển xuống biển. Cậu bé trả lời: "Thủy triều đang rút. Nếu cháu không đưa chúng xuống nước, chúng sẽ khô đi và chết".
Người đàn ông mỉm cười và nói: “Nhưng bãi biển rất dài và có hàng ngàn, hàng vạn con sao biển như thế này. Cháu không thể thay đổi được điều gì!”
Cậu bé mỉm cười, cúi xuống nhặt một con sao biển khác và ném xuống biển.
"Chà," cậu bé nói, "Cháu đã thay đổi cho con sao biển đó”.
Hai góc nhìn vĩ mô và vi mô đã cho thấy có những tiếp cận khác nhau. Để đi đến thấu đáo, còn phải chia sẻ cả những ví dụ trong thực tiễn ở một đất nước, một nền văn hóa cụ thể như Việt Nam, để khái niệm “từ thiện đúng” được hiểu và thực hành phù hợp.
Chúng ta tiếp tục nhìn vào các phản biện của việc làm từ thiện để tìm ra quan niệm phù hợp và cách vận hành tối ưu.
Bản thân các hành động “cho đi” của việc làm từ thiện cũng nhận rất nhiều ý kiến trái chiều, như từ thiện có thể dẫn đến thiên vị, không công bằng.
Một thực tế, các nhà tài trợ, không phải là vô lý khi chọn “cho đi” vì những lý do khiến họ bị thu hút: một hoàn cảnh chạm trái tim họ, hay một ánh mắt của người cần cứu trợ dấy lên trong họ sự thương cảm… Rõ ràng, đây là những lý do rất chủ quan, nó không chắc chắn để đáp ứng những nhu cầu được cứu trợ lớn nhất của cộng đồng.
Ở Quảng Bình, một trưởng thôn bị nhóm người trong thôn đánh đến nỗi nhập viện chỉ vì nghi ngờ chia tiền từ thiện không đều là một trong nhiều ví dụ thực tiễn.
Một phản biện khác, hoạt động từ thiện thường không hiệu quả như chúng ta tưởng. Những người dùng chủ quan của mình để đánh giá cộng đồng cần giúp đỡ, nhiều khi làm giảm lợi ích của những món quà mà chúng ta mang đến cho cộng đồng.
Đợt rét đậm, rét hại ở Lào Cai năm 2016, một phong trào rộng khắp Hà Nội là quyên áo ấm giúp người H'Mông đã được triển khai và mang quần áo đến cho bà con. Ngay sau đó, sự thực được nêu ra là người dân tộc hoàn toàn không mặc quần áo “viện trợ” vì những lý do văn hóa riêng của cộng đồng.
Tuy nhiên, ngay khi các tổ chức, cá nhân tối đa hóa lợi ích của việc “cho đi” bằng việc cân nhắc kỹ hơn đến “cho cái gì” hay “chỉ cho cần câu, không cho con cá” cũng vấp phải nhiều chỉ trích “có đạo đức không khi cho đi lại kèm theo hàng loạt điều kiện”?
Nhiều khi các tổ chức hay cá nhân làm từ thiện cảm thấy áp lực rất lớn khi phải chịu trách nhiệm với người cho chứ không phải người nhận. Điều này lý giải phần nào cho việc họ ít quan tâm thực sự đến người nhận, hoặc họ không có đủ năng lực quan tâm đến người nhận, đặc biệt là đánh giá hiệu quả của việc cho đi. Từ đó, hoạt động từ thiện bị giảm tính thực chất và giảm giá trị của món quà cho đi!
Nhà thần học người Mỹ Reinhold Niebuhr cho rằng, hoạt động từ thiện thường là kết hợp của lòng thương với việc phô trương quyền lực và yếu tố thứ hai giải thích tại sao những người quyền lực lại có xu hướng hào phóng cho đi hơn là nỗ lực hành động để đạt được sự công bằng xã hội.
Tác giả cũng đào sâu vấn đề là sự cho đi của người có quyền lực trong xã hội (theo nghĩa người có nguồn lực sở hữu lớn) sẽ bị “đóng băng” nếu bản thân quyền lực của người đó bị thách thức. Trong khi công bằng xã hội sẽ mong cầu sự san sẻ nguồn lực hơn là một sự “cho đi” giản đơn.
Rất nhiều ý kiến cho thấy, làm từ thiện trong xã hội là một việc rất khó chứ không hề đơn giản. Kiếm tìm một cách làm tối ưu trong xã hội trọng tình như Việt Nam cần một số yếu tố đơn giản thôi, nhưng không dễ đạt được tất cả.
Cụ thể, “Tâm” là yếu tố tiên quyết, để có lòng nhân ái trong suy nghĩ, lời nói, hành động. “Tầm” để có lý trí, chín chắn, có óc suy xét trước - sau, trong - ngoài. “Tài” để có tư chất lãnh đạo, vận hành việc làm từ thiện một cách khoa học, xứng đáng. “Tiền” là biểu đạt của nguồn lực mạnh mẽ, dồi dào. Bên cạnh đó còn cần yếu tố “Đủ” và sự “Minh bạch”. Sự trong sáng, tường minh trước công chúng sẽ đảm bảo cho hoạt động từ thiện bền vững và không gây hệ lụy đến các bên.
Chuyện nghệ sỹ làm từ thiện, anh có cổ vũ?
Tại sao lại không? Quá nên ấy chứ! Nghệ sỹ hay những người có ảnh hưởng trong cộng đồng nói chung, dù theo cách nào, cũng đều có quyền cá nhân trong việc thể hiện hành động làm từ thiện, nhưng ở quy mô nào và mức độ ảnh hưởng ra sao cần cân nhắc các vấn đề pháp lý và trách nhiệm xã hội.
Cầm một ít tiền, quà của vài người bạn để đại diện mang đến tặng một em bé mồ côi mà cả nhóm cùng biết hoàn cảnh đã cần phải có cách thức, cơ chế để đảm bảo sự tín nhiệm, tính minh bạch rồi, nữa là gây quỹ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng!
Nhất thiết phải nghiên cứu luật và hướng dẫn pháp lý có liên quan, các quy phạm đạo đức trong cộng đồng có liên đới. Đặc biệt, phải tâm niệm đây là việc rất khó, chứ không đơn giản hóa, xuề xòa, dễ dẫn dến những hậu quả khôn lường.
Nhiều người lo ngại, với những búa rìu dư luận dành cho nghệ sỹ, cứ săm soi, chỉ trích sẽ khiến nghệ sỹ e ngại, nản lòng, như “con chim sợ cành cong”, sẽ không nhiều người dám đứng lên kêu gọi từ thiện nữa. Anh nghĩ sao?
Tại sao cứ là nghệ sỹ, nhất là nghệ sỹ nổi tiếng thì phải đứng ra “làm từ thiện”? Đây có phải là yêu cầu bắt buộc để định danh nghề nghiệp của nghệ sỹ đâu.
Thấy được trách nhiệm trước xã hội khi bản thân có nguồn lực và có ảnh hưởng trong việc gây quỹ đã đành, cũng cần phải thấy được năng lực nhận thức và năng lực hành động của bản thân nữa.
Ở xã hội tri thức, cái gì chẳng phải học: hãy học làm từ thiện trước! Khi không học về gây quỹ, quản lý quỹ, không học về đặc thù của hoạt động thiện nguyện, không học về những rủi ro “đốt đền” sẽ đến từ sự thiếu minh bạch… thì ai cũng vậy, những nghệ sỹ sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất khi hăng hái bước vào hành trình làm từ thiện, sau những tràng pháo tay là những “cành cong”.
Tôi nghĩ, “không dám” tức là biết lo, biết thể hiện trách nhiệm của bản thân trước một việc ảnh hưởng đến nhiều người trong xã hội thì đó là điều tốt đẹp. Những nghệ sỹ đủ Tâm, Tầm, Tài… sẽ biết cách để không gặp phải “cành cong”.
Còn những nghệ sỹ làm từ thiện như một thứ “trang sức nghề nghiệp”, a dua dù họ có “không dám” lại là điều tốt. Hơn lúc nào hết, cứ nghĩ xem có bao nhiêu trong số các phong trào làm từ thiện một cách tự nguyện như thế này là thực chất?
Cùng nhìn sang một “bên liên quan” rất đặc biệt trong những lùm xùm “làm từ thiện” thời gian qua: những “anh hùng bàn phím”. Theo Tiến sỹ, họ sẽ làm tổn thương đến những người làm việc thiện chân chính ra sao?
Theo quan sát và ghi nhận riêng của cá nhân tôi, cộng đồng những người/nhóm “làm từ thiện” tự nguyện ở Việt Nam chưa thực sự đoàn kết. Quả thực, cũng quá khó để mở lòng với nhau nhằm tạo ra sự tương hỗ, chuỗi kết nối gia tăng giá trị cho hoạt động xã hội của cả cộng đồng này.
Điều đó dẫn đến rất nhiều “người hùng” đúng nghĩa trong lĩnh vực này thường hành động thầm lặng, ít quan tâm đến việc xuất hiện trước công chúng. Họ được yên ổn làm theo nguyện vọng của mình dù chấp nhận nguồn lực huy động để thực hiện hành vi thiện nguyện sẽ bị hạn chế nhiều.
Thực sự, những người liêm chính ai cũng sợ “anh hùng bàn phím” vì bản thân cái tốt chưa kết nối đủ để tạo sức mạnh trấn áp thì cái xấu đã “thăng hoa” theo đà mạng xã hội phải nói là gây áp lực tinh thần ghê gớm.
Ở thời kỳ những nhỏ nhen, ích kỷ của con người hợp lực nơi bàn phím thì những “nghĩa, trí, tín” chỉ có thể tự “miễn nhiễm”. Họ phải học cách đứng trên dư luận xấu, làm đúng bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi theo pháp luật và trách nhiệm xã hội phù hợp, kiên định thẳng đường mà đi, hướng đến những người cần sự giúp đỡ!
Cũng là một MC nổi tiếng, nếu quyên góp từ cộng đồng được 10 tỷ đồng, anh sẽ hào hứng như thế nào khi làm từ thiện?
Tôi vui mừng, nhưng không thể hào hứng thái quá. Tôi nhận thức được mấu chốt để bị coi như tội đồ khi làm từ thiện không phải là hành động tự mình cho đi, mà là hành động hưởng lợi từ hành động đó, dù thậm chí rất tường minh và rất “có lý do chính đáng”.
10 tỷ đồng sẽ không còn nguyên giá trị vì rắc rối sau đây: tôi vẫn giữ 10% trong số đó – khi tôi đã làm rõ ý định đó ngay từ đầu để phục vụ công tác “tổ chức từ thiện” và ngay cả khi 9 tỷ đồng vẫn đến tay những người cần nó nhất.
Kể cả khi hành động đó được pháp luật bảo hộ, tôi cũng chỉ có một trong hai lựa chọn: đứng trên các chỉ trích, làm theo ý mình, không nhận được tràng pháo tay nào hoặc gục ngã vì cảm thấy thất bại trong việc không được sự thừa nhận của cộng đồng.
Nói thật, tôi không chắc mình có đủ dũng khí khi số tiền đó ở trong tay. Hy vọng, sự cân nhắc nhiều khi chưa có số tiền đó sẽ giúp tôi hay những người cùng cảnh thấm thía bài học của những người khác và chọn cách làm tối ưu ở Việt Nam.
Anh có thể đưa ra một thông điệp của mìnhvề vấn đề làm từ thiện ở Việt Nam?
Dù biện luận như thế nào, dù phản biện biết bao nhiêu, để bản thân ta tường minh về làm việc thiện trong xã hội đa dạng này, đặng hành động cho đúng, để phân minh và công bằng hơn trong đánh giá và phát biểu về sự việc liên quan, tôi vẫn thích câu chuyện “cậu bé và con sao biển”.
Tất cả những điều được gọi tên là việc thiện lương, giúp đỡ giữa người với người, được gọi tên là làm điều tốt vẫn sẽ mãi là “làm điều tốt”!
Chưa bao giờ có một người ốm yếu hoặc vô gia cư lại từ chối thuốc men hoặc một bữa ăn no kịp thời khi nhà tài trợ đã thực hiện hành vi giúp ấy một cách thành tâm. Sự giúp đỡ, dù nó đến như thế nào, cũng là rất cụ thể với những người cần nó. Hãy nghĩ đến những người được nhận!
Xin cảm ơn anh!
Nội dung: Yến Nguyệt
Thiết kế: Lim Dim
cứ tin tưởng vào Chính phủ và các cơ quan thuộc Mặt trận Tổ Quốc là đâu sẽ vào đấy cả. còn kiểu tự tin vào cái danh cá nhân ngoài xã hội của nhau thì hên xui cứ tin tưởng vào Chính phủ và các cơ quan thuộc Mặt trận Tổ Quốc là đâu sẽ vào đấy cả. còn kiểu tự tin vào cái danh cá nhân ngoài xã hội của nhau thì hên xui
Trả lờiXóaMột bài viết khá là khiến ta suy ngẫm. Ta vốn tưởng từ thiện chỉ đơn giản là việc ta cho đi cái gì đó để ai đó cảm thấy khá hơn thế nhưng vấn đề ở đây bắt đầu nảy sinh nhiều lên khi quy mô từ thiện bắt đầu lớn dần lên và quy mô từ thiện cũng bắt đầu mở rộng ta. Người đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện cũng sẽ bắt đầu đứng trước những áp lực của cái gọi là áp lực của người cho chứ không phải là áp lực của người nhận như ta vẫn thường nghĩ
Trả lờiXóaTừ thiện quy mô nhỏ, từ thiện cho tiền cá nhân thì vô cùng dễ. Chứ như mấy người kêu gọi hàng chục tỷ đồng rồi gánh trên mình cái trách nhiệm là phải quyên góp này nọ thì thực sự là thấy rất mệt mỏi, áp lực nữa. Bởi vì đấy là gánh trên vai trách nhiệm của biết bao nhiêu còn người ủng hộ tiền vào đó mà
Trả lờiXóaNếu từ thiện xuất phát từ cái tâm thì chỉ một hành động quan tâm nhỏ nhặt thôi cũng mang một ý nghĩa rất lớn. Đúng là một cá nhân đi làm từ thiện thì chỉ có thể quan tâm giúp đỡ những người mà lọt vào tầm mắt, trái tim họ, nhưng ít ra cũng đã là giúp người chứ không nhất thiết gánh vác trách nhiệm quá nặng nề rồi làm không tới đâu đâu
Trả lờiXóaNói chung là càng có uy tín thì sẽ càng kêu gọi quyên góp được nhiều, thế nên cứ cố gắng làm sao cho hợp tình hợp lí, đúng với cái tâm của mình là được chứ không phải là cứ làm vớ vẩn là được đâu. Bởi vì nếu chỉ cần mắc một sai lầm nhỏ thì chắc chắn một điều là sẽ gánh những sự chỉ trích cực lớn đến từ những người khác đấy
Trả lờiXóalàm gì thì làm cũng phải tường minh , công khai. Ai thắc mắc chỗ nào thì cũng phải giải thích được. Nếu vướng mắc khó khăn gì thì cứ chủ động công khai với những người đã góp tiền và đặt niềm tin cho mình đi trao tận tay những người cần nó giúp họ, thế thì cũng chẳng ai trách đâu
Trả lờiXóaDù biện luận như thế nào, dù phản biện biết bao nhiêu, để bản thân ta tường minh về làm việc thiện trong xã hội đa dạng này, đặng hành động cho đúng, để phân minh và công bằng hơn trong đánh giá và phát biểu về sự việc liên quan, tôi vẫn thích câu chuyện “cậu bé và con sao biển”.
Trả lờiXóa