Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM, Sở đã phối hợp với Bộ TT&TT gỡ bỏ hàng trăm bài viết, video trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật, xuyên tạc liên quan đến dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM.
Ngày 28/8, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM cho biết thời gian qua, trên không gian mạng lan truyền nhiều thông tin giả, tin sai sự thật, mang tính chất xuyên tạc, xâm phạm tình hình trật tự - xã hội và gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM.
Trước tình trạng này, Sở TT&TT TPHCM đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các chủ tài khoản, kênh mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật để góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong giai đoạn cao điểm tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM.
Sở TT&TT đã phối hợp với Công an Thành phố, các Cục thuộc Bộ TT&TT thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên không gian mạng.
Cụ thể, các cơ quan chức năng đã gỡ bỏ 112 bài viết trên tài khoản mạng xã hội, 182 video trên kênh Youtube, 17 video trên ứng dụng Tiktok có nội dung sai sự thật, xuyên tạc sự thật liên quan đến dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM.
Sở TT&TT phối hợp với Trung tâm xử lý tin giả - Bộ TT&TT xác minh và công bố 3 tin giả liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; chuyển 4 trường hợp cho Bộ TT&TT xử phạt theo thẩm quyền.
Từ tháng 4/2021 đến nay, Sở TT&TT đã tiến hành xử phạt 15 trường hợp vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 122,5 triệu đồng, trong đó, xử phạt về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc sự thật là 7 trường hợp; chia sẻ thông tin gây hiểu lầm, hiểu sai nội dung, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 là 8 trường hợp.
Bên cạnh biện pháp xử lý hành chính, Sở TT&TT phối hợp với các cơ quan chức năng TPHCM xử lý 2 vụ án hình sự liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật nói trên.
Cụ thể, Sở đã phối hợp với Công an TPHCM tiến hành bắt, khởi tố đối tượng Phan Hữu Điệp Anh về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; Quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Đối tượng này đã lợi dụng vụ việc tẩm xăng tự thiêu của một nam thanh niên có tiền sử bệnh tâm thần tại khu vực đường số 2 (phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức) để đăng tải thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM.
Mới đây, Sở TT&TT phối hợp với Công an TPHCM tiến hành khởi tố đối tượng Lê Thị Kim Dung để điều tra về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi trong việc bán vắc xin trái phép.
Đối tượng này đã sử dụng tài khoản facebook “Kim Zunf” để đăng thông tin sai sự thật về việc cung cấp “dịch vụ tiêm vắc xin COVID-19” tại TPHCM.
Từ những vụ việc trên, lãnh đạo Sở TT&TT đề nghị người dân TPHCM không cung cấp, chia sẻ, phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang cho xã hội và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố.
Theo ông Lâm Đình Thắng, trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý cương quyết, áp dụng các biện pháp mạnh hơn nhằm răn đe, hạn chế các trường hợp lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Huy Thịnh
các đối tượng này dùng tài khoản trên mạng xã hội cá nhân để chia sẻ những video sai sự thật có nội dung liên quan đến COVID-19, gây tâm lý hoang mang cho người dân trên địa bàn, cần xử lý nghiêm hành vi xuyên tạc để làm gương cho những người đang có ý định tương tự
Trả lờiXóaThời gian qua, chính quyền các cấp cùng lực lượng chức năng phải gồng mình phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn, tính mạng cho nhân dân và duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, chỉ vì mục đích câu view, thu hút lượt like hay thậm chí là vì thỏa mãn những cảm xúc nhất thời của bản thân, nhiều cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật, bình luận với lời lẽ xúc phạm cơ quan, tổ chức thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch trên các trang mạng xã hội và đã bị xử phạt, răn đe.
Trả lờiXóaVới tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, để không gây hoang mang dư luận thì các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau để xử lý cương quyết, áp dụng các biện pháp mạnh hơn nhằm răn đe, hạn chế các trường hợp lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Trả lờiXóaTrong đợt dịch lần này đã xuất hiện rất nhiều bài viết, video xuyên tạc, sai sự thật của các đối tượng xấu hòng gây nên tâm lý hoang mang trong dư luận, cản trở công tác chống dịch của Nhà nước và nhân dân ta. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng phản động còn "thừa nước đục thả câu" ra sức xuyên tạc, bôi nhọ, định hướng dư luận để kích động biểu tình, bạo loạn. Những hành vi đấy vô cùng nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Cần phải quyết liệt xử phạt để nêu gương.
Trả lờiXóaCác thế lực thù địch đang lợi dụng tình hình dịch bệnh trong nước để ra sức xuyên tạc, định hướng dư luận, kích động biểu tình, chống phá. Do đó, bên cạnh việc đình chính, gỡ bỏ và xử phạt của cơ quan chức năng, người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác cảnh mạng của mình, nhận thức rõ đúng sai, quan tâm hơn nữa đến các kênh tin tức chính thống của nhà nước để không bị các đối tượng xấu lợi dụng, hướng lái dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.
Trả lờiXóaHoan nghênh các cơ quan chức năng đã quyết liệt, nhanh chóng vào cuộc xử lý gỡ bỏ tin giả, độc hại. Tuy nhiên, trong thời gian này các đối tượng thù địch đang đẩy mạnh hơn nữa vệc lan truyền tin giả, xuyên tạc, bôi nhọ hòng cản trợ công tác chống dịch của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nên vẫn sẽ cần đẩy mạnh nhanh, quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong việc xử lý tin giả.
Trả lờiXóa