Hà Nội đã trải qua hơn 20 ngày giãn cách toàn thành phố. Đây cũng là khoảng thời gian nhiều tổ chức, cá nhân, nhóm thiện nguyện triển khai giúp đỡ các mảnh đời khốn khó. Thế nhưng, lòng tốt của những nhà hảo tâm đôi khi vẫn bị lợi dụng.
Từ lời than khổ ngô nghê cho đến người xin hỗ trợ bị…gạ tình!
Sau một ngày kết thúc làm việc online, chị Nguyễn Thị Bình (phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tranh thủ lướt Facebook. “Tôi hay đọc các thông tin từ thiện bởi COVID-19 bùng phát kéo dài, nhiều người lao đao mất việc, cuộc sống khổ cực thấy xót xa! Giật mình, tôi thấy nick của người em họ tên H đăng thông tin trên một nhóm thiện nguyện kể về cuộc sống của một cô tật nguyền tên K, kèm ảnh và chứng minh thư của cô K”, chị Bình cho biết.
Theo lời kể của chị Bình, gia đình H hiện sống với người cô tên K tại một ngôi nhà mặt đường - phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Nhà H làm ăn phát đạt nhờ có cửa hàng may đo mấy chục năm nay. Mặc dù H đăng trên mạng không trực tiếp xin tiền, thực phẩm mà chia sẻ, mong nhận được lời động viên của cư dân mạng; đồng thời bày tỏ trường hợp của cô K xứng đáng nhận được sự giúp đỡ.
“Cô K bị tật nguyền từ nhỏ, gia đình H từng viết giấy cam kết với họ hàng nhận nuôi cô K, đổi lại, bố mẹ H được sở hữu ngôi nhà mặt tiền. Hiện, họ còn có 2 ngôi nhà đang cho thuê, chưa kể còn mua một căn khác cho H. Đọc thông tin, tôi không dám kể với ai vì thật xấu hổ khi H đem hoàn cảnh của gia đình mình trình bày với nhóm thiện nguyện. Trong khi cuộc sống hiện nay còn bao mảnh đời khốn khó, người vô gia cư…”, chị Bình bức xúc chia sẻ.
Đăng trên trang mạng "Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch”, nick Bảo Linh than thở: “Mấy hôm nay, em không khác gì con nợ vì bị đòi quà cứu trợ, bị áp đặt số lượng quà, thậm chí còn bị chửi vì không kịp trả lời tin nhắn…Có gia đình xin hỗ trợ khẩn vì than, mấy ngày không còn thức ăn, phải ăn mỳ tôm nhiều ngày nhưng đến nơi phát hiện, gia đình họ đang quây quần bên mâm cơm. Hai đứa nhỏ đang xem Youtube bằng iPhone, trong sân có xe máy SH, xe ga Vision, nhà mặt đường… Vậy mà họ nỡ đóng vai ‘chị Dậu’ để cầu cứu”.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chị Đỗ Thị Thanh Hà - phụ trách truyền thông Nhóm thiện nguyện “Cho Là Nhận” cho biết: “Dịch kéo dài nên càng ngày càng xuất hiện những người không trung thực. Họ lập nick ảo, nội dung trang Facebook không có thông tin, chỉ có ảnh đại diện của đứa trẻ…và xin thực phẩm nhiều lần, xin tiền chuyển khoản. Chúng tôi đọc thông tin, gọi điện và xem trang Facebook cá nhân của họ là phát hiện thông tin không đúng”.
Tài khoản Huong Nguyen đăng dòng trạng thái (status): “Suy nghĩ mãi em mới đăng vì thấy bạn Ngoc A xin thực phẩm quá nhiều. Bên em đã hỗ trợ 10 kg gạo, bạn Linh hỗ trợ 2 hộp sữa bột, nhóm Kim Ngân đã giúp 2 suất chưa kể còn đến điểm phát miễn phí lương thực... nhưng liên tục xin hỗ trợ”. Tài khoản Rubis Nguyen bình luận: “Giờ nhiều người đi lừa thường nói địa chỉ ở ngoại thành Hà Nội để các mạnh thường quân không gửi được thực phẩm thì sẽ chuyển khoản tiền”.
Trước tình trạng lừa đảo này, quản trị viên Facebook Anh Lê Huyền vừa đăng trên Nhóm “Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch” danh sách các nick ảo, Facebook mạo danh lợi dụng lòng tin. “Những thông tin này do chính những nhà hảo tâm gửi tới Ban điều hành của nhóm. Không thể để ‘con sâu làm rầu nồi canh’ và không để những nhà hảo tâm trao nhầm quà. Ban quản trị rất buồn khi phải công khai những tài khoản Facebook mạo danh. Ở ngoài kia còn biết bao hoàn cảnh cần đến sự chung tay của các nhà hảo tâm, mong rằng những điều này không làm nguội đi tấm lòng nhân ái”, tài khoản Anh Lê Huyền viết. Không chỉ vậy, nick Anh Lê Huyền còn đăng nội dung tin nhắn của một tài khoản HT chia sẻ việc em này bị một tài khoản VQ nhắn tin gạ tình đổi lại sẽ được hỗ trợ tiền…
Hỗ trợ nhu yếu phẩm thông qua chính quyền địa phương
Nhà hảo tâm Bảo Linh đề xuất: Nhóm thiện nguyện nên phối hợp với chính quyền tại phường, quận để xây dựng danh sách những người, hộ gia đình khó khăn để có kế hoạch trao tặng cho đúng đối tượng. Tránh tình trạng có xóm trọ nhận được nhều quà nhưng có nơi chưa được nhà hảo tâm biết tới. “Có hộ gia đình lên mạng thường xuyên, nhận được nhiều lương thực còn đem bán cho hộ khác”, tài khoản Bảo Linh viết.
Để tránh tình trạng bị lợi dụng, anh Nguyễn Phan Huy Khôi – Trưởng nhóm “Hà Nội – giúp nhau mùa dịch” vừa thông báo: “Nhóm chỉ hỗ trợ nhu yếu phẩm tại Hà Nội thông qua chính quyền địa phương; không hỗ trợ tiền, không xem xét các trường hợp kêu gọi ủng hộ đơn lẻ. Các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn chưa nhận được hỗ trợ vui lòng đăng thông tin, địa chỉ đầy đủ bằng cách để lại comment (bình luận) dưới status này, Nhóm sẽ hỗ trợ kết nối với chính quyền nơi cá nhân đó sinh sống. Yêu cầu các nhà hảo tâm không dễ dãi chuyển khoản, tránh bị lợi dụng và biến Nhóm trở thành nơi các đối tượng lừa đảo nhắm đến. Kính nhờ các thành viên report (báo cáo) khi phát hiện comment xin tiền, cung cấp thông tin không trung thực. Ban Quản trị sẽ block (chặn) các đối tượng vi phạm ra khỏi nhóm”.
Theo Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), trong thời gian giãn cách tại Hà Nội đã có rất nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ người dân ngheo. Việc từ thiện này xuất phát từ những cá nhân, hội nhóm hoặc tổ chức tư nhân với nhiều hình thức hỗ trợ như: Tiền, lương thực, thực phẩm, hỗ trợ suất ăn, mặt hàng thiết yếu…
“Tinh thần lLá lành đùm lá rách' của người Việt được thể hiện rõ nét thời gian qua. Tuy nhiên, có những người không khó khăn vẫn tới nhận đồ hỗ trợ; đến điểm phát từ thiện nhiều lần trong một ngày hoặc một tuần; có những người cung cấp thông tin ảo, không đúng sự thật để lấy được sự cảm thông của mọi người để mong sự giúp đỡ; có trường hợp lừa đảo”, luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Vì vậy theo luật sư, các mạnh thường quân khi hỗ trợ với quy mô lớn nên liên lạc với chính quyền địa phương để những phần quà, phần hỗ trợ đến được với đúng đối tượng, tránh sự bất công.
Cảnh giác chiêu trò giả mạo từ thiện
Lập nick ảo, viết nội dung không có thật để lấy nước mắt cư dân mạng, từ đó lợi dụng kêu gọi quyên góp tiền.
Vừa qua, cộng đồng mạng ngỡ ngàng về “màn kịch” lấy nước mắt của nhóm Facebook "bác sỹ Khoa" với người có tên Phong Lam. Nhóm người này đã dàn dựng chuyện "bác sỹ Khoa" rút ống thở của mẹ, nhường cho sản phụ để lấy nước mắt cư dân mạng, từ đó sẽ kêu gọi quyên góp từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh mà nhóm này vẽ ra.
Hiện Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hồ Chí Minh đang phối hợp cơ quan quan chức năng làm rõ động cơ của những người liên quan và dấu hiệu tội phạm của sự việc trên. Theo cơ quan chức năng, ngay sau khi bị lật tẩy, tất cả tài khoản Facebook Phong Lam, Nguyễn Thy và Trần Khoa lập tức đóng. Trước đó, cả 3 tài khoản này tự nhận là thành viên nhóm "nhà 82" hay "thiện nguyện 82", thường tổ chức các chương trình thiện nguyện, ủng hộ bệnh nhân ung thư. Nhiều người cho biết từng tin tưởng nhóm này, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng có tên Nguyen Thi Minh Thy, ở Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), để ủng hộ.
Theo cảnh báo của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an), hiện nhiều đối tượng đã tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm. Trước đó, A05 phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam, bắt giữ Trần Văn Lâm (23 tuổi, ngụ tỉnh Hà Nam) để điều tra về hành vi lập Fanpage Facebook kêu gọi người dân ủng hộ tiền từ thiện rồi chiếm đoạt.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 9/2020, Lâm lập trang Fanpage Facebook "Hỗ trợ trẻ em" và đăng gần 250 bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là câu chuyện về các cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Tin vào những thông tin này, đã có hàng ngàn nhà hảo tâm gửi tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng đến tài khoản ngân hàng do Lâm tạo lập, quản lý…
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Theo quy định pháp luật, dùng thủ đoạn gian dối: Giả danh cơ quan tổ chức, nạn nhân, đưa ra các thông tin gian dối để có được tài sản của các nhà hảo tâm; sau đó chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, nếu người nào đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện, họ đưa ra những thông tin gian dối là đã trao, tặng. Song thực tế, họ không thực hiện hoặc lợi dụng uy tín để nhận tiền của người khác, sau đó gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt một phần tiền; hoặc toàn bộ số tiền đó là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 175 Bộ Luật hình sự năm 2015, với số tiền từ 4 triệu đồng trở lên.
"Để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Minh Phương/Báo Tin tức
Hôm trước thì nhóm thiện nguyện 82 lợi dụng vấn đề thiện nguyện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hôm nay thì lại là những mảnh đời chẳng khó khăn gì lại lên mạng kêu than mình khổ để lừa những tấm lòng tương thân tương ái của những người thiện nguyện. Các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng điều tra làm rõ các hành vi và truy tìm ra được các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng từ những sự việc này, thiết nghĩ trong hoạt động thiện nguyện chúng ta cần phải có sự phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để lòng tốt đến đúng người.
Trả lờiXóaSinh ra từ thiện là vì mục đích nhân đạo ,tự nguyện nhưng không biết từ bao giờ từ thiện đã bị biến tấu thành một thủ đoạn lừa đảo. Phải chăng khi nhân danh lòng tốt khiến người ta dễ tin người hơn
Trả lờiXóaTrong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, trong lúc mọi người đang gồng mình lên chống dịch, lòng nhân ái của mọi người đang dâng cao thì cũng là lúc những người xấu lại có những âm mưu, thủ đoạn tinh vi hơn để lợi dụng lòng tốt của mọi người mà chiếm lợi cho bản thân, mọi người nên cảnh giác trước các thủ đoạn, âm mưu thâm hiểm đó
Trả lờiXóaĐể lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý
Trả lờiXóaKhi cả dân tộc, trong đó có nhiều người già cả, neo đơn, em nhỏ đã dành dụm vật chất để góp sức mình chống dịch. Nhiều tình nguyện viên, y, bác sĩ đã gác lại mọi việc để vào các tỉnh, thành phố có dịch, các khu cách ly góp sức mình vào cuộc chiến, thì những việc làm như thế không thể nào tha thứ dễ dàng được. Mong những tên lừa đảo này sẽ sớm bị trừng trị thích đáng
Trả lờiXóaKhi mà cả đất nước cùng chung tay để vượt qua dịch bệnh, khó khăn như chính chúng ta đã từng phấn đấu, cố gắng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong thời chiến tranh...thì đó là điều đáng quý và tôi xem đó như một thước đo phẩm chất. tuy nhiên lợi dụng lòng thương, sự hỗ trợ để rồi từ đó lừa gạt, nhận hỗ trợ nhiều lần rồi tham lam, sân si của cải vật chất, đáng nhẽ ra giành cho những người đáng ưu tiên hơn thì lại không có. Vậy nên cần xem xét quát triệt rõ ràng, tuyên truyền cho người dân hiểu về tính tự trọng và những nhà từ thiện nên xem xét kĩ lưỡng, tránh bị lừa lọc.
Trả lờiXóaLừa cả tiền lẫn tình, bọn lừa đảo bây giờ nhiều thủ đoạn và phương thức thật! Nhưng suy cho cùng mà nói, dù có lừa cái gì, cứ lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện những hành vi trái pháp luật, ảnh hưởng xấu đến xã hội thì phải xử lí mạnh tay, không để chúng có cơ hội thừa cơ chuộc lợi.
Trả lờiXóacó còn tình người nữa không mà làm thế. Không biết có phải xuất phát từ sự trêu đùa vô cớ hay không nhưng bao nhiêu tình thương của các cá nhân, tổ chức sẽ đổ sông, đổ bể vì những tin nhắn hay sự kêu gọi giả dối đó. Dịch giã thế này nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn đang rất cần sự giúp đỡ.
Trả lờiXóaxuất phát từ lòng thương thì những mạnh thường quân mới ra tay giúp đỡ giữa mùa dịch nhưng chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ của một số người ích kỉ, thiển cận mà khiến cho lòng thương đó không đến được với đúng đối tượng. Những kẻ muốn trục lợi vì hoạt động này cần phải bị lên án nghiêm khắc.
Trả lờiXóa