Trong 24 giờ qua, Thái Lan cũng ghi nhận 188 ca tử vong vì COVID-19 - mức cao nhất kể từ đầu dịch, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi ở nước này lên 5.503 người.
Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok (Thái Lan), ngày 8/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tại Thái Lan đã vượt mức 20.000 khi Bộ Y tế nước này sáng 4/8 công bố 20.200 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 672.385 ca.
Bộ Y tế Thái Lan cũng thông báo nước này ghi nhận 188 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua - mức cao nhất từ đầu dịch, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi lên 5.503 người.
Nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh khi Chính phủ đưa thêm 16 tỉnh vào danh sách các địa phương thực hiện phong tỏa và giới nghiêm ban đêm, Nội các Thái Lan ngày 3/8 đã thông qua ngân sách bổ sung 30 tỷ baht (906 triệu USD) dành cho người lao động và doanh nhân.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết người dân và doanh nhân ở 16 tỉnh mới bị ảnh hưởng sẽ nhận được mức hỗ trợ tài chính tương tự 13 tỉnh, kể cả thủ đô Bangkok, đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ được cung cấp thông qua Quỹ Bảo hiểm Xã hội.
Các biện pháp cứu trợ mới nhất được áp dụng cho những lĩnh vực kinh doanh bao gồm xây dựng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, nghệ thuật, vui chơi và giải trí. Theo ông Anucha, biện pháp hỗ trợ sẽ kéo dài 2 tháng đối với nhóm 13 tỉnh bị phong tỏa đợt đầu (tháng Bảy-tháng Tám) và 1 tháng (tháng Tám) đối với 16 tỉnh bổ sung.
Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã dành 30 tỷ baht cho các biện pháp hỗ trợ đối với nhóm 13 tỉnh phong tỏa đợt đầu.
Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) ước tính việc kéo dài thời gian phong tỏa và mở rộng “vùng đỏ sẫm" kiểm soát tối đa lên 29/77 tỉnh trên toàn quốc sẽ khiến nền kinh tế Thái Lan thiệt hại khoảng 300-400 tỷ baht mỗi tháng (9,1-12,1 tỷ USD) do các hoạt động kinh tế bị ngừng trệ.
Chính phủ Thái Lan ngày 1/8 đã gia hạn các biện pháp phong tỏa được áp đặt từ 12/7 thêm 2 tuần, đồng thời bổ sung thêm 16 tỉnh vào danh sách những địa phương thuộc “vùng đỏ sẫm” kiểm soát tối đa nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Như vậy, sau ngày 3/8, “vùng đỏ sẫm” kiểm soát tối đa ở Thái Lan bao phủ 40% dân số và chiếm 3/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Các tỉnh “vùng đỏ sẫm” chiếm 70-80% năng lực sản xuất chung của cả nước.
Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia ước tính các biện pháp áp đặt tại 29 tỉnh sẽ làm cho GDP của cả nước giảm 1 điểm phần trăm, tương đương 160 tỷ baht.
Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)
Đợt dịch lần này với biến thể mới Delta đang hàng ngày tàn phá hầu hết các quốc gia khu vực Đông Nam Á với những con số kỷ lục về ca nhiễm mới liên tục được ghi nhận. Hi vọng rằng, Thái Lan cũng như Việt Nam sẽ nhanh chóng đẩy mạnh tiêm vắc xin và kiểm soát được dịch bệnh trong một ngày gần nhất.
Trả lờiXóaTrung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ nói biến thể này lây nhanh như thủy đậu và có độc lực cao hơn chủng SARS-CoV-2 ban đầu.Biến thể Delta đang đe dọa những thành tựu chống dịch COVID-19 mà thế giới đã rất khó khăn đạt được và nếu thế giới không hành động nhanh sẽ lại có thêm các biến thể nguy hiểm hơn.
Trả lờiXóaCho tới nay, Thái Lan đã có hơn 672.385 ca bệnh trên cả nước, trong đó có 455.806 ca đã bình phục và 5.503 ca tử vong. Tính riêng đợt dịch mới nhất bùng lên hồi đầu tháng 4, Thái Lan ghi nhận hơn 643.522 ca bệnh, trong đó có 5.409 ca tử vong.Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca bệnh với hơn 3,4 triệu ca. Kế đến là Philippines (hơn 1,6 triệu ca), Malaysia (hơn 1,1 triệu ca), Thái Lan (hơn 652.000 ca) và Myanmar (hơn 311.000 ca).Như vậy không chỉ riêng Việt nam, mà các nước khu vực và thế giới hiện nay dịch bệnh cũng diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường, khó kiểm soát. Việt Nam chúng ta đang duy trì nỗ lực tốt đảm bảo được các chỉ tiêu yêu cầu, vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch.
Trả lờiXóa