Mồ hôi nhễ nhại, đại úy Biện Thị Thu Thủy (Công an P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM) hằng ngày cùng tình nguyện viên tay xách nách mang giao thực phẩm sau khi đi siêu thị mua đồ giúp người dân. Chị Thủy chọn xe đặc chủng của ngành để đi siêu thị vì để có thể chứa được nhiều đồ nhất cho bà con.
Nữ công an phường cho biết khi nhận lời cảm ơn hay nhìn nét mặt vui mừng từ bà con, chị quên hết cả mệt nhọc. ẢNH: ĐỘC LẬP
“Bột nếp, bột gạo, bột năng mỗi loại 1 bịch nè”, “Ui hết sữa tươi ít đường rồi, lấy sữa tươi không đường được không ta”,… đại úy Biện Thị Thu Thủy (nữ công an P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM) lúi húi trong siêu thị để tìm mua thực phẩm theo chương trình đi chợ giúp dân mùa dịch của TP.HCM từ 23
Lựa tới lựa lui, món thì hết, món thì không đúng loại với yêu cầu của người dân, nữ công an phường cùng tình nguyện viên phải chạy sang siêu thị khác để tìm mua đủ thực phẩm đã chốt đơn với người dân.
Đi chợ là "nghề” của mình
Trước ngày 23.8, đại úy Biện Thị Thu Thủy được phân công nhiệm vụ trực chốt kiểm soát trên đường Lê Văn Sỹ. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, lưu lượng xe giảm, chị được phân công cùng tình nguyện viên thực hiện chương trình đi chợ giúp dân.
“Phường có mình tôi với anh trưởng phường là chạy được xe này thôi nên tôi dùng xe này đi chợ giúp dân cho tiện, chở được nhiều đồ”, chị Thủy chia sẻ. ẢNH: ĐỘC LẬP
Mỗi sáng, chị cùng đoàn thanh niên ngồi check tin nhắn trong các group Zalo, chốt đơn ghi ra giấy rồi bắt đầu di chuyển qua siêu thị. Để thuận tiện cho việc vận chuyển, chị Thủy dùng xe bán tải của phường để đi siêu thị, chở hàng.
Trong bộ sắc phục màu xanh, chị Thủy đeo khẩu trang, bao tay, trang bị thêm kính chắn giọt bắn nhanh nhẹn mở cửa xe đặc chủng, ngồi lên ghế tài xế ôm vô lăng, nổ máy rồ rồ. Qua gương chiếu hậu, nhìn thấy đồng nghiệp và tình nguyện viên đã lên đủ, chị yên tâm xuất phát. “Phường có mình tôi với anh trưởng phường là chạy được xe này thôi nên tôi dùng xe này đi chợ giúp dân cho tiện, chở được nhiều đồ”, đại úy Thủy cười chia sẻ.
Bên trong siêu thị những ngày này ngoài nhân viên chỉ có công an và tình nguyện viên. Nữ công an phường nhanh chóng xách giỏ, tay cầm tờ giấy vừa chốt đơn đi dọc khắp các gian hàng để tìm từng món đúng với yêu cầu của người dân.
Dù mồ hôi nhễ nhại, tóc bết lại trên mặt và ướt cả lưng áo, nhưng đại úy Biện Thị Thu Thủy vẫn thoăn thoắt với công việc. Chị tâm sự: “Là phụ nữ, việc đi chợ cũng là nghề của mình rồi nên cũng dễ dàng hơn so với các đồng chí nam. Dù vậy, việc đi siêu thị những ngày này cũng gặp một chút khó khăn vì siêu thị không có đủ hết các mặt hàng như người dân đặt nên tôi phải di chuyển nhiều siêu thị thì mới mua đủ. Mình mua cho mình thì có thể linh động đổi qua ăn món khác, nhưng mua cho người dân thì phải mua đúng đơn đó, thành ra sẽ hơi lâu”.
Mỗi đơn hàng, chị Thủy cùng tình nguyện viên sẽ mất khoảng 10 – 15 phút để chọn món, đủ 10 đơn, chị lại lái xe đi giao tận nhà giúp dân. Gặp những con hẻm nhỏ, nữ công an phường và đồng nghiệp phải xuống xách các túi thực phẩm đi bộ vào bên trong.
“Cũng may mình công tác trong lực lượng vũ trang nên sức khỏe, sức chiến đấu của mình bền bỉ, xách những đơn hàng như thế này cũng bình thường thôi. Làm ngày này qua ngày kia cũng mệt nhưng mình nhận lời cảm ơn từ người dân hay nét mặt vui mừng của họ mà mình quên hết cả mệt. Nhất là có những em bé thấy mình đi vào vẫy tay ríu rít con chào cô công an, con cảm ơn cô công an, nghe vậy mình rất vui”, đại úy Thủy tâm sự.
Hơn 2 tháng qua, chị Thủy cùng đồng nghiệp trực chiến tại đơn vị để tăng cường lực lượng phòng chống dịch. Không được về nhà nên những lúc xách giỏ đi chợ giúp dân khiến chị nhớ lại lúc ở nhà đi chợ cho gia đình. Mỗi lần như vậy, chị lại mong dịch chóng qua để được về thăm gia đình.
“Quá tốt, người dân an tâm ở nhà”
Nhận 3 túi thực phẩm vừa được công an đi chợ giúp, ông Lê Thanh Tú (ngụ P.1, Q.Tân Bình) xúc động: “Quá là tốt luôn, tôi thấy rất vui khi được công an mang thực phẩm đến tận nhà như thế này. Chúng tôi an tâm ở nhà chấp hành chỉ thị của nhà nước, mà thức ăn vẫn đầy đủ”.
Ông Tú nhận xét, cách tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ người dân của địa phương rất hiệu quả vì tất cả đều trao đổi qua nhóm Zalo. Khi cần mua gì, người dân chỉ việc lên đơn, chờ siêu thị báo giá rồi chuyển khoản hoặc nhận thực phẩm thanh toán sau.
Nếu ở siêu thị này không đủ sản phẩm người dân chốt đơn, công an sẽ đi đến siêu thị khác tìm mua cho đủ các sản phẩm. ẢNH: ĐỘC LẬP
Anh Ngô Nam Việt, Bí thư đoàn P.1, cũng cho hay chương trình đi chợ giúp dân được triển khai từ 23.8. Người dân trên địa bàn sẽ đặt hàng qua các nhóm Zalo theo tổ dân phố từ 6 – 11 giờ mỗi ngày, sau đó tình nguyện viên sẽ tiếp nhận đơn hàng và đến siêu thị soạn hàng, chuyển hàng đến tay người dân trong ngày. Với những đơn hàng không đủ sản phẩm sẽ được nhóm giao vào sáng hôm sau.
Hiện nay, P.1 đang có 100 tình nguyện viên đi chợ giúp 400 hộ dân mỗi ngày, ngày hôm sau đến lượt các hộ khác…
Nhìn hình ảnh nữ công an đứng trước nhà gửi thực phẩm đã đặt, ông Lê Thanh Tú cho biết ông và gia đình an tâm ở nhà giãn cách. ẢNH: ĐỘC LẬP
Địa phương khuyến khích người dân thanh toán chuyển khoản, các trường hợp thanh toán tiền mặt thì tiền sẽ được khử khuẩn trước khi nhận. ẢNH: ĐỘC LẬP
Ông Bùi Hoàng Lộc, Phó bí thư Đảng ủy P.1, chia sẻ chương trình "Shipper 0 đồng" được phường triển khai từ khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 15. Ban đầu, lực lượng hỗ trợ đi chợ giúp các hộ cách ly y tế, người già neo đơn, nhưng từ 23.8 thì mở rộng ra là đi chợ giúp toàn bộ người dân của phường. Riêng 1600 trường hợp khó khăn thì được phường hỗ trợ thực phẩm miễn phí trong thời gian này.
“Một số trường hợp người dân nhờ mua thuốc lá, mua bia, hay hành ngò phải đúng loại, thịt đúng loại đúng giá người dân hay dùng,… khi đặt đơn trong chương trình đi chợ giúp dân. Chúng tôi phải động viên người dân chia sẻ cùng chính quyền, mong người dân thông cảm trong bối cảnh dịch bệnh”, ông Lộc chia sẻ.
Bài viết của Vũ Phượng/Báo Thanh Niên
Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, lực lượng công an, bộ đội tăng cường hết sức có thể. vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, họ đã tập trung tối đa lực lượng, tinh thần , ngày đêm không biết mệt mỏi tăng cường chống dịch. Và trong hoàn cảnh khó khăn đó, họ lại tiếp tục tận tay đi mua những nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trong cơn khủng hoảng của đại dịch. Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm qua đi để người dân có thể trở lại cuộc sống như vốn có.
Trả lờiXóaĐó là những hành động đẹp, các chiến sỹ luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không nề hà khó khăn, vất vả, gác lại mệt mỏi, mong ước được về với gia đình để ổn định dịch bệnh , lo cho người dân không thiếu thực phẩm trong những ngày tháng khó khăn này. Mọi người nên đồng lòng, ý thức, trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hiện đúng, chấp hành các chỉ thị để nhanh chóng vượt qua cơn đại dịch.
Trả lờiXóaThật là đẹp hình ảnh người phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà. Nhờ có hành động của chị Thủy cùng những người đồng chí, đồng đội đã giúp đỡ bà con vùng dịch rất nhiều từ những việc đơn giản nhất như đi chợ. Từ đó mới thấy đóng góp của những người chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đã góp phần rất lớn trong công tác chống dịch.
Trả lờiXóaCông an nhân dân là một lực lượng vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốcc,là lực lượng bảo vệ tính mạng tài sản của Nhân dân...Mỗi khi dịch bệnh hay bão lũ thì hình ảnh của người chiến sỹ Công An Nhân dân ngày lại càng được lan tỏa.
Trả lờiXóa