Tại hội nghị trực tuyến sáng nay, 28.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã "truy bài" với lãnh đạo các địa phương khi thảo luận về việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chủ trì Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021, bàn phương hướng năm học 2021 - 2022.ẢNH MINH MINH
Sáng nay, 28.8, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020 - 2021, bàn phương hướng nhiệm vụ năm học mới của toàn ngành. Hội nghị được chủ trì bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính, với sự tham gia điều hành của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Hội nghị có 65 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học. Tại hầu hết các điểm cầu của các địa phương đều có các bí thư tỉnh ủy hoặc chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
“Tôi biết các đồng chí nắm chưa chắc”
Trong các báo cáo về tình hình triển khai các nhiệm vụ giáo dục của địa phương, nhiều đại biểu đề cập vấn đề thiếu giáo viên. Thủ tướng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới chủ đề này, thường hỏi lại các đại biểu để nắm rõ hơn việc thừa, thiếu giáo viên.
Đặc biệt, khi đại diện lãnh đạo tỉnh Kon Tum đề xuất Chính phủ bổ sung cho địa phương 1.696 chỉ tiêu giáo viên còn thiếu, giữa Thủ tướng và các lãnh đạo tỉnh này có phần hỏi - đáp thú vị.
Thủ tướng hỏi đại diện lãnh đạo tỉnh Kon Tum là giáo viên của tỉnh còn thiếu thì thiếu ở đâu, thiếu ở những cấp nào.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Kon Tum trả lời Thủ tướng: “Cấp mầm non thiếu 688, tiểu học thiếu 564, THCS thiếu 366, THPT thiếu 75”.
Thủ tướng hỏi lại: “Chỉ tiêu này do ai quy định?”.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Kon Tum báo cáo: “Do Bộ Nội vụ quy định”.
Thủ tướng tiếp tục hỏi: “Nhưng là trên cơ sở đề xuất của các đồng chí, nên Bộ Nội vụ mới biết các đồng chí thiếu từng đó giáo viên, đúng không?”.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Kon Tum báo cáo: “Vâng. Kon Tum đã đề xuất với Bộ Nội vụ nhiều lần về việc này…”.
Thủ tướng nói: “Bộ Nội vụ bao giờ cũng chỉ dựa vào đề xuất của các đồng chí. Vấn đề là đánh giá này có chuẩn không thì phải đi kiểm tra. Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá về việc này càng sớm càng tốt”, và ông tiếp tục hỏi: “Kon Tum có nhiều điểm trường không?”.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Kon Tum báo cáo: “Trong sắp xếp đợt 1, Kon Tum đã giảm 143/918 điểm lẻ”.
“Như vậy, các đồng chí mới sắp xếp mới được khoảng 15%, hiện còn lại gần 800 điểm trường. Vậy, đồng chí Giám đốc Sở GD-ĐT báo cáo xem việc này Kon Tum đã làm như thế nào, làm ra sao?”, Thủ tướng yêu cầu.
Khi đại diện lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho biết có một điểm trường ở địa phương là nơi hẻo lánh, cách trung tâm xã 95 km, Thủ tướng nói: “Đó chỉ là một trường hợp rất đặc biệt, không đại diện cho đặc điểm các điểm trường ở Kon Tum”.
Sau khi đại diện lãnh đạo tỉnh Kon Tum tiếp tục trình bày, Thủ tướng nhận xét: “Qua các con số mà các đồng chí vừa báo cáo, tôi biết các đồng chí nắm chưa chắc. Dân số tỉnh Kon Tum rất ít, nên các con số đồng chí vừa nêu ra không logic”.
Thủ tướng đề nghị đích thân Bí thư tỉnh ủy hoặc Chủ tịch UBND tỉnh trả lời câu hỏi: “Kon Tum có bao nhiêu dân số?”.
Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, trả lời: “Kon Tum có số dân là 550.000 người. Nhưng địa bàn rất rộng, dân cư thưa thớt, từ làng này qua làng kia 4 - 5 km, thậm chí 6 km. Việc sát nhập điểm trường rất khó khăn, do địa hình Kon Tum tương tự như Tây Bắc, 80% là đồi núi…”.
Thủ tướng cắt lời ông Dương Văn Trang, rồi đề nghị lãnh đạo các địa phương phải cùng với anh em ở cơ sở nghiên cứu để có giải pháp phù hợp về việc giải quyết vấn đề sáp nhập các điểm trường, tránh để thiếu giáo viên vì tồn tại quá nhiều điểm trường lẻ.
Cần chấm dứt những mô hình phi lý
Sau đó, ông chia sẻ kinh nghiệm thời làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, nơi có địa bàn phức tạp nhất cả nước bởi không chỉ có miền núi cao mà còn có các xã đảo, nơi từng tồn tại phổ biến những điểm trường lẻ xa trung tâm 4 - 5 km, thậm chí 6 - 7 km. Có nơi, một điểm trường có 7 học sinh nhưng cần tới 9 giáo viên.
“Ở điểm trường tôi vừa nói đến, thay vì đưa giáo viên về mấy điểm trường này, chúng ta đưa các cháu về điểm trường chính. Các cháu vừa được tiếp cận đời sống giáo dục ở nơi văn minh hơn nơi mình sống, vừa hiệu quả. Nếu đưa giáo viên về điểm trường, chúng ta cần 1,2 tỉ đồng/năm. Giờ không đưa giáo viên về điểm trường nữa mà lấy 200 triệu đồng đó để dùng xe, sáng đón chiều đưa các cháu. Thực tế triển khai cho thấy là không dùng hết 200 triệu đồng. Học sinh được tiếp cận với điều kiện giáo dục tốt, mà ngân sách nhà nước giảm 1 tỉ đồng", ông dẫn chứng.
"Nếu là các đồng chí, các đồng chí chọn phương án nào? Dĩ nhiên là sẽ chọn phương án vừa nâng cao chất lượng giáo dục, vừa tiết kiệm tiền cho đất nước. Vấn đề tôi muốn nói là anh em mình phải đi tận nơi, phải khảo sát từng cơ sở mới tìm được giải pháp hợp lý”, Thủ tướng lưu ý.
Tiếp theo, Thủ tướng nêu một ví dụ khác để cho thấy khó khăn tồn tại khi lãnh đạo không chịu… nghĩ: “Trước đây, tôi đã đến nhiều nơi, và thấy nhiều điều bất hợp lý trong bố trí, sắp xếp cán bộ trong bộ máy chúng ta. Có một trường tiểu học (ở Yên Bái) chi hoạt động thường xuyên mỗi tháng chỉ 10 triệu đồng, nhưng trường này có hẳn 1 kế toán (tốt nghiệp ĐH ra), 1 thủ quỹ. Riêng lương cho 2 cán bộ phục vụ này là 14 triệu đồng/tháng. Tôi hỏi cô kế toán trưởng gia đình cô có mấy người, tiêu hết bao tiền/tháng? Cô ấy trả lời, có 4 người, tiêu hết 14 triệu đồng/tháng. Tôi hỏi: Mức tiêu của nhà cô cao hơn mức chi thường xuyên của trường, vậy ở nhà cô có cần 1 kế toán, 1 thủ quỹ không? Lúc đó, tôi đã đề nghị Yên Bái phải cơ cấu lại. Yên Bái đã làm được, tôi đề nghị Bộ GD-ĐT nhân rộng, nhưng đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa triển khai”.
Cứ làm cách này đất nước không chịu nổi!
Theo Thủ tướng, để sắp xếp đội ngũ cán bộ, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, rất cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, phải trên cơ sở lợi ích quốc gia thì mới làm được. Nếu chỉ đơn thuần làm việc thống kê rồi kêu ca thì sẽ luôn luôn thấy khó, không thể làm được. “Cứ đà đó, mỗi năm lại đề xuất là cần thêm bao nhiêu giáo viên, đất nước không chịu nổi!”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, nếu cứ tính toán đơn thuần dựa theo các con số thống kê, mỗi tỉnh thiếu bao nhiêu, cộng lên cả nước thiếu bao nhiêu,… thì sẽ chẳng bao giờ giải quyết được ở một đất nước mà nguồn lực còn thiếu như chúng ta. Vì thế phải bàn, phải tìm cách đưa ra mô hình phù hợp với đất nước. Chẳng hạn, có thể thay thế mô hình điểm trường (một mô hình rất lãng phí, tiêu rất tốn tiền của đất nước) bằng mô hình trường nội trú. Xây một trường nội trú hết 100 tỉ đồng, nhưng học sinh được hưởng lợi rất nhiều, mà lại xóa được các điểm trường, xóa được các khoản chi tiêu lớn và lãng phí.
Khi tiếp tục đối thoại về chủ đề này với lãnh đạo tỉnh Gia Lai tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định: “Về nguyên tắc, ở đâu có học sinh là ở đó phải có giáo viên, phải có trường học. Chúng ta không được phép để con em mình thất học, vấn đề là nghiên cứu để có phương án phù hợp. Làm sao để tiết kiệm tối đa, vì nguồn lực chúng ta có hạn. Chúng ta không hy sinh an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần, nhưng phải tổ chức cơ cấu lại nhà trường, nghiên cứu đưa ra mô hình phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, mà phải đảm bảo quyền lợi cao nhất của học sinh, phải đảm bảo mọi học sinh phải được đến trường”.
Quý Hiên/Báo Thanh Niên
Những chỉ đạo của thủ tướng là vô cùng quyết liệt, đánh thẳng vào thực tế của ngành giáo dục hiện nay. Mong rằng các đồng chí lãnh đạo địa phương sẽ nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại vấn đề này để sớm có cách giải quyết hợp lí, đảm bảo chất lượng giáo dục cho học sinh
Trả lờiXóa