TPO - Người nhà một bệnh nhân cho rằng đã chạy khắp các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhưng không ai tiếp nhận dẫn đến tử vong. Để tìm hiểu vụ việc, PV Tiền Phong đã liên hệ đến các bệnh viện nói trên nhằm cung cấp thông tin khách quan đến bạn đọc.
Trước đó, tối 14/8, người nhà bệnh nhân N.D. (57 tuổi, quê Trà Vinh) thông tin về việc ông này tử vong do bệnh viện ở Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu.
Theo lời bà N.P, con gái của ông D. trình bày, khoảng 20h tối 13/8, ông N.D. (57 tuổi, quê Trà Vinh) bị nôn ói nên gia đình gọi xe cấp cứu nhưng không được nên người này sau đó được hàng xóm hỗ trợ chở đi cấp cứu.
Bà P. cho rằng, khi tới cơ sở y tế đầu tiên là Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An, nơi đây không nhận người thân của mình vì đang điều trị bệnh nhân COVID-19.
Sau đó gia đình bà di chuyển bệnh nhân đến Phòng khám Ngọc Hồng. Tại đây, ông D. cùng người thân được test nhanh COVID-19 và có kết quả âm tính.
Tuy nhiên, sau khi thăm khám và hỏi tiền sử bệnh (ông D. bị cao huyết áp, từng bị đột quỵ), bác sĩ tại phòng khám này cho biết tình trạng của ông D. quá nặng, vượt khả năng của phòng khám nên đề nghị bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên.
Tuy nhiên, sau khi rời phòng khám, gia đình đã đưa ông D. Bệnh viện đa khoa An Phú và Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh nhưng không nơi nào nhận bệnh. Ông D. đã tử vong vào đêm 14/8.
Sáng 15/8, trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS.BS Trần Văn Hưởng – Giám đốc Phòng khám Đa khoa Nam Anh cho biết, phòng khám bố trí 15 y, bác sĩ túc trực cấp cứu 24/24. Nhận chỉ đạo và lời kêu gọi của lãnh đạo địa phương, phòng khám Nam Anh tiếp nhận tất cả các trường hợp cấp cứu bất kể thời gian nào.
“Đêm 13/8, có một người đến cổng hỏi bảo vệ là phòng khám có cấp cứu bệnh nhân bệnh nặng không. Bảo vệ tại đây cho biết phòng khám có nhận cấp cứu nhưng nếu người bệnh nặng quá thì nên chuyển gấp đến bệnh viện Đa khoa tỉnh cho an toàn. Sau đó, người này rời đi. Tôi đảm bảo phòng khám không bao giờ có chuyện không tiếp nhận bệnh, phòng khám lập ra luôn đặt việc cứu người lên hàng đầu chứ không vì lợi ích nào hơn. Ngoài cấp cứu tại chỗ, tôi còn bố trí nhân lực tham gia hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống dịch”, bác sĩ Hưởng nói.
Sáng cùng ngày, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Hà - Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Phú khẳng định: “Tôi đã cho rà soát lại camera và không có chuyện bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân dẫn đến tử vong. Để chống dịch hiệu quả, cứu sống người, tôi thậm chí dùng hệ thống máy thở oxi mang đến tặng cho cơ sở 2 bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tôi luôn chỉ đạo các kíp trực phải tiếp nhận tất cả bệnh nhân, nếu nặng quá thì lập tức chuyển tuyến”.
Hương Chi
Sự việc trên phải được sớm làm rõ để xác định tính xác thực của thông tin trên. Nếu đúng như phản ánh của người nhà bệnh nhân thì cần xem rõ trách nhiệm của các bệnh viện còn nếu sai sự thật thì phải có sư đính chính, nhận sai từ phía gia đình, không gây hiểu lầm cho ngành y tế
Trả lờiXóaSự việc này cần phải được xem xét và kiểm chứng rõ ràng, tránh gây ra những hiểu lầm trong dư luận xã hội. Công chúng cũng cần định hướng đúng, tránh bị những luồng thông tin chưa được kiểm chứng dắt mũi, còn riêng tôi tôi tin rằng ngành y tế sẽ không bao giờ từ chối bất kì một bệnh nhân nào cả, vì đó là sứ mệnh của họ.
Trả lờiXóa