“Nếu nghệ sĩ giận không làm từ thiện nữa, xã hội sẽ nhận được nhiều lợi ích chứ không thiệt thòi gì cả”, Tiến sĩ Vũ Thế Dũng nói.
Thời gian qua, rất nhiều nghệ sĩ bị dính vào loạt lùm xùm xoay quanh chuyện quyên góp và xử lý tiền từ thiện, gây xôn xao công chúng, tạo nhiều ý kiến trái chiều.
Trước vấn đề này, tiến sĩ Vũ Thế Dũng, Nguyên Phó hiệu trưởng Đại Học Bách Khoa TP.HCM đã chia sẻ quan điểm của mình.
Nếu đã làm với cái tâm trong sáng thì sẽ đối đáp lại với tất cả yêu cầu của cộng đồng. Nhưng các nghệ sĩ lại có nhiều hờn giận
Thời gian qua, công chúng thấy một số nghệ sĩ dính phải lùm xùm xoay quanh việc sử dụng tiền từ thiện quyên góp từ các mạnh thường quân.
Chẳng hạn như Hoài Linh với số tiền 14 tỷ giải ngân quá muộn, hay Đàm Vĩnh Hưng lấy 140 triệu ủng bộ bão lũ đi xây chùa. Hay như Trấn Thành, giao tiền từ thiện lại cho một bên thứ ba tự xử lý.
Một số nghệ sĩ nói rằng họ sẽ chấm dứt huy động tiền từ thiện của cộng đồng như Đàm Vĩnh Hưng.
Một số nghệ sĩ khác lại cho rằng họ không sinh ra để làm từ thiện, nếu làm từ thiện mà phải có chứng từ, sao kê thì họ không muốn làm nữa, như Trấn Thành.
Vậy, phải chăng các nghệ sĩ đang làm ơn mắc oán và nếu họ chấm dứt việc làm từ thiện thì xã hội sẽ thiệt thòi?
Trên thực tế, việc làm từ thiện là tốt và các nghệ sĩ đã có nhiều nỗ lực trong công tác làm từ thiện này.
Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm tốt đó là sự tùy tiện, muốn làm lúc nào thì làm, đi lúc nào thì đi, gửi tiền cho ai thì gửi, làm đúng mục đích cộng đồng hay không cũng không cần biết.
Ranh giới giữa cái thiện và cái ác rất mong manh. Tôi không hề nói những nghệ sĩ nổi tiếng đang làm từ thiện là không có cái tâm. Nhưng rõ ràng, có những kẻ ác ngoài kia sử dụng vỏ bọc từ thiện để làm điều ác, lợi dụng cộng đồng để làm điều xấu.
Như vậy, để tách bạch thiện và ác chỉ có cái tâm tốt, sự minh bạch, tận tâm, trưởng thành và chuyên nghiệp.
Nếu bạn cho đi với một cái tâm trong sáng, bạn sẽ không bao giờ hờn giận, tự cảm thấy mình làm ơn mắc oán hay tỏ ra khó chịu khi bị người khác đòi giải trình hay minh bạch mọi thứ.
Nếu đã làm với cái tâm trong sáng thì sẽ đối đáp lại với tất cả yêu cầu của cộng đồng. Nhưng các nghệ sĩ lại có nhiều hờn giận. Tôi nghĩ, miễn phí là tốt nhưng nhiều khi miễn phí lại là một chiêu trò để lừa đảo người khác.
Nghệ sĩ làm từ thiện không hề không công. Dù chủ đích hay không, họ cũng nhận lại được nhiều lợi ích
Vì các nghệ sĩ làm từ thiện trên danh nghĩa miễn phí nên dẫn tới rằng họ có nhiều đặc quyền.
Nhiều nghệ sĩ muốn làm từ thiện để tích phước cho mình. Thông qua con đường đóng góp của bá tánh, người ta thấy tên tuổi nghệ sĩ nổi lên như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành, chứ không ai biết bá tánh là ai cả.
Thông qua hoạt động từ thiện, nghệ sĩ đẩy mạnh được thương hiệu, quan hệ để dễ hoạt động, làm ăn sau này. Lâu dần, điều này tạo thành cuộc đua từ thiện giữa các nghệ sĩ, xem ai huy động được số tiền nhiều hơn.
Từ đó, xuất hiện cả chuyện từ thiện như Trấn Thành, đứng tên mình nhận tiền từ thiện từ cộng đồng nhưng lại đưa cho người khác xử lý hộ.
Chưa kể, tiền là của cộng đồng nhưng đến khi trao ra chỉ thấy tên nghệ sĩ chứ không thấy hình bóng cộng đồng nào trong đó.
Rõ ràng, nghệ sĩ làm từ thiện không hề không công. Dù chủ đích hay không, họ cũng nhận lại được nhiều lợi ích. Vậy nên, nghệ sĩ hãy bớt hờn giận, nhõng nhẽo và nên trưởng thành, chuyên nghiệp hơn.
Nếu nghệ sĩ giận không làm từ thiện nữa…
Nghệ sĩ cũng đừng cho rằng mình đang làm ơn cho các mạnh thường quân đóng góp mà hãy tự thấy rằng, mình đang nhận ơn của họ để đi làm từ thiện, rồi đạt được những mục đích riêng của mình.
Nếu nghệ sĩ giận không làm từ thiện nữa, công chúng có cơ hội đánh giá lại niềm tin thiếu kiểm chứng của mình về một bộ phận nghệ sĩ nổi tiếng. Đây cũng là động lực thanh lọc tốt những kẻ giả trân. Không có mợ thì chợ vẫn đông, thúc đẩy được các hội nhóm từ thiện hoạt động chuyên nghiệp hơn.
Nghệ sĩ không làm từ thiện thì tiền của cộng đồng vẫn còn đó, không mất đi đâu. Chỉ có điều, nó sẽ được chuyển vào những nơi uy tín hơn, minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn.
Những nghệ sĩ nào thực sự có tâm, khiêm tốn, biết làm sẽ được nâng cao năng lực quản lý, khả năng minh bạch của mình và tiếp tục được các mạnh thường quân lựa chọn, tin yêu.
Chúng ta rất tôn trọng nghệ sĩ làm từ thiện, đóng góp cho đời sống nhưng cũng cần hết sức rạch ròi, không ai nợ ai, không ai làm ơn cho ai. Cần phải hướng đến quá trình chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện.
Nguồn : Soha
thật nực cười khi có nhiều người đặt câu hỏi "nghệ sĩ không làm từ thiện thì ai giúp dân". Nhưng có rất nhiều lực lượng sẵn sàng giúp đỡ người dân, và đi đầu chính là Chính phủ bởi nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nếu giới nghệ sĩ có làm từ thiện thì hãy làm một cách văn minh, minh bạch và không tùy tiện.
Trả lờiXóaĐứng ra kêu gọi tiền quyên góp từ thiện cho nhân dân là việc làm tốt tuy nhiên thực trạng hiện nay là các nghệ sỹ vẫn làm theo cảm tính chứ chưa có tính chuyên nghiệp, bản bản gây ra nhiều vấn đề tranh cãi trong dư luận. Việc từ thiện của nghệ sỹ cần phải theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, thông qua các tổ chức xã hội Nhà nước cũng như cần minh bạch hơn nữa trong việc sao kê số tiền và người dân đã ủng hộ. Hơn nữa, trong những lúc khó khăn hoạn nạn có rất nhiều mạnh thường quân đứng ra quyên góp âm thầm, và hơn hết Nhà nước đóng vai trò chính trong công tác giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Nên, một số nghệ sỹ cũng đừng sớm tự mãn, tự cao mà cho mình cái quyền chỉ đạo cả Chính quyền, không xem Nhà nước ra gì.
Trả lờiXóa