Chia sẻ

Tre Làng

Tay nghề từ thiện

Rolf Dobelli trong cuốn " Nghệ thuật tư duy rành mạch ", đặt câu hỏi rằng với nhiều người làm thiện nguyện liệu có phải "chỉ để ve vuốt cái tôi" của họ? Tôi cũng tự hỏi, là với lời kêu gọi thiện nguyện và những khoản tiền khủng dễ dàng nhận về, liệu các nghệ sĩ đã và đang làm một việc mà họ thiếu tay nghề?

Lập ra một quỹ chuyên từ thiện về lĩnh vực cụ thể, như bảo trợ trẻ em, hỗ trợ tài năng trẻ, giúp người dân vùng thiên tai lũ lụt, quỹ mổ tim, hay những học bổng thường niên,… sẽ khác với việc cá nhân nổi hứng huy động về một cục tiền, rồi do bận bịu cứ nhốt trong tài khoản, hoặc quăng nguyên "cục" đó cho người quen để họ muốn làm gì thì làm. Hoặc mang đi phát từng nắm tiền, ít nhiều dày mỏng tùy theo cảm xúc. Như cách mà không ít nghệ sĩ nổi tiếng xứ ta đã và đang làm.

Có thể họ xuất phát từ cái tâm thực sự, cùng nỗi xót thương đồng bào mình đang gặp thảm họa, tai ương. Nhưng cảm xúc nhất thời cũng trôi nhanh, phần việc chính đòi hỏi tính tổ chức, kỹ năng và tuân thủ luật pháp lại thường để ngỏ không có chương trình, kế hoạch nào cụ thể.

Từ đây đã có những người "thân bại danh liệt", điều họ không thể ngờ tới. Nên mới rộ lên chuyện đòi sao kê, chuyện lạ chỉ có ở từ thiện kiểu Việt. Khi về nguyên tắc một đồng cũng phải trưng xuất sổ sách với nhà nước. Nhưng phát chẩn từng nắm tiền thì làm sao có chứng từ?

Chúng ta hay nói về các quỹ từ thiện lớn do những tỷ phú, người nổi tiếng thế giới lập ra hoặc tài trợ. Về chiến lược hoạt động bài bản và hiệu quả trên phạm vi toàn cầu của họ. Cùng với nhiều mô hình nhân đạo không liên quan trực tiếp đến tiền.

Từ thiện, với người này chỉ là cách trả tiền thuê phòng mà trái đất đã cho họ ở miễn phí, với người khác lại là quyền con người. Xem từ thiện như là thuốc phiện của những người có đặc quyền, Chinua Achebe - nhà văn Nigeria, người được ví là "Nelson Mandela trong văn chương" cho rằng giải pháp thực sự nằm trong một thế giới mà từ thiện trở nên không cần thiết. Nghĩa là hướng tới không còn sự bất công để có thể ban phát từ thiện. Thế giới ấy ở đâu, khi nào mới tới? Chưa ai sống đủ lâu để đợi câu trả lời.

Trở lại xứ mình, mặt trái cũng đầy những cao thủ từ thiện với "tay nghề" ghê gớm. Chuyên sưu tầm hoàn cảnh bất hạnh, ban phát nước mắt để gom tiền của bá tánh vào tài khoản riêng, rồi sau đó ai biết "ma ăn cỗ". Từ nhóm "bác sĩ Khoa" đang được điều tra, đến vô số than vãn về những nhóm từ thiện tự phát có nhiều dấu hiệu khuất tất.

Sáng nay bão Côn Sơn đổ bộ vào Trung bộ. Bão chồng dịch. Chua chát nhớ lại tuyên bố của mấy nghệ sĩ, rằng bão lụt gì cũng mặc, sẽ "cạch" không từ thiện gì nữa! Không phải vì thiếu sự cứu giúp, không người này sẽ có người khác ra tay.

Nghĩa đồng bào đã hàng ngàn năm, còn chồi nảy cây. Nhưng chua chát hơn cả, đó cho thấy tâm thế kẻ trên, mặc cả trong việc nghĩa của những "người của công chúng".

Đến lúc câu chuyện từ thiện cùng những hệ lụy, tổn thương từ nó buộc phải thay đổi.

TRÍ QUÂN

20 nhận xét:

  1. Chưa nói đến chuyện minh bạch, ở nước ngoài người ta từ thiện bằng chính tiền của mình, tiền của mình bỏ ra để đầu tư mang tính chiến lược nhằm ổn định lâu dài cho một số bộ phận người lúc khó khăn. Còn mình thì từ thiện tự phát, kêu gọi đúng lúc (thiên tai, dịch bệnh) bằng những chiêu trò hoành tráng, khóc lóc, bi thương để làm sao lấy được tiền bá tánh càng ngày càng nhiều, phân phát theo kiểu cảm tính. Thực ra không phải tiền của các anh chị nên anh chị không xót, các anh chị ném tiền qua cửa sổ thoải mái. thiếu minh bạch, tự do chi tiêu dẫn đến sai sót trầm trọng và thâm hụt...đi về đâu thì ai cũng biết. Vậy nên đã đến lúc có bộ quy tắc riêng để kiểm soát mấy cha này chuyên đi làm bậy bạ.

    Trả lờiXóa
  2. Có người lên án cũng có người thông cảm nhưng đều phản ánh một góc nhìn thiết thực hiện nay về văn hóa làm từ thiện. Nghệ sĩ vốn làm theo cảm tính, đơn giản trong cách nghĩ, thậm chí tùy tiện. Chính vì không chuyên nghiệp, không theo quy trình, thiếu một đội ngũ tư vấn, giám sát chặt chẽ khiến họ gặp rắc rối khi dư luận hoài nghi tính minh bạch trong công tác từ thiện của nghệ sĩ

    Trả lờiXóa
  3. Chưa bao giờ "Văn hóa từ thiện" lại được nhắc nhiều trên các mặt báo và mạng xã hội như hiện nay, nhất là các hoạt động từ thiện của nghệ sĩ - những người có sức lan tỏa và lượng người hâm mộ nhiều.

    Trả lờiXóa
  4. Trên thực tế, hoạt động từ thiện tự thân của nghệ sĩ đã là một hành động cao đẹp, ý nghĩa, từ lâu được công chúng ngưỡng mộ qua cách làm của nhiều nghệ sĩ, tuy nhiên phải là từ thiện một cách minh bạch để dân còn tin

    Trả lờiXóa
  5. Thời gian qua, việc nghệ sĩ tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng đã dẫn đến nhiều bất cập. "Họ được công chúng yêu mến, có sức hút mãnh liệt, nên dễ dàng huy động hàng chục tỉ đồng. Có điều, cách ứng xử với việc từ thiện lại nghiệp dư, chưa kể nghệ sĩ ngại đụng nhau trên phương diện "lăng-xê", nên né tránh, sợ bị cho là ăn theo trong cách PR mình, dẫn đến việc chậm trễ hoặc chưa rõ ràng trong công bố

    Trả lờiXóa
  6. Có một điều không thể không nói đó là, trước hết phải ghi nhận sự chân thành của người nghệ sĩ khi tham gia hoạt động thiện nguyện. Nhưng để không gây hiểu lầm, điều tiên quyết chính là tính minh bạch.

    Trả lờiXóa
  7. Từ những vụ lùm xùm từ thiện trong giới nghệ sĩ hiện nay, đã đến lúc tính đến những giải pháp căn cơ và dài hạn, chuyên nghiệp hóa hoạt động cứu trợ qua việc hình thành các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện hoạt động chuyên nghiệp và thường xuyên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một cá nhân dù có là nghệ sĩ nổi tiếng với những khối tài sản khổng lồ thế nào đi chẳng nữa mà một khi dám đứng ra tự mình kêu gọi rồi chịu trách nhiệm với bằng đó tiền từ thiện tội cũng cảm thấy vô cùng dũng cảm :) Thực sự sao có thể đảm bảo bản thân sẽ làm tốt việc phân bố số tiền đó vậy ạ

      Xóa
  8. Thiết nghĩ vấn đề pháp lý chính là các thiết chế bảo vệ uy tín của nghệ sĩ. Cộng đồng luôn đặt niềm tin nơi nghệ sĩ nên rất cần sự minh bạch và trên hết là sự tiếp ứng của các cơ quan quản lý.

    Trả lờiXóa
  9. Theo các nghệ sĩ tâm huyết với công tác từ thiện, để bảo vệ cho người đóng góp lẫn người nhận đóng góp từ thiện, nghệ sĩ làm từ thiện nên gắn với một tổ chức từ thiện chuyên nghiệp có chức năng pháp lý hoặc do mình lập ra, đặc biệt là phải minh bạch

    Trả lờiXóa
  10. Làm từ thiện, chia sẻ khó khăn với bà con trong tinh thần "lá lành đùm lá rách" là truyền thống đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, xoay quanh hoạt động này, đâu đó vẫn có những lùm xùm đáng tiếc.

    Trả lờiXóa
  11. Đó là việc làm tự nguyện, dựa trên niềm tin cộng đồng, nên việc đầu tiên là phải minh bạch. Khi có người làm từ thiện không minh bạch, thậm chí là trục lợi từ hoạt động này, sẽ dẫn tới những đổ vỡ niềm tin từ cộng đồng.

    Trả lờiXóa
  12. Làm từ thiện đúng là là việc có ý nghĩa nhân văn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc nhưng thời gian qua lại trở thành một sự việc gây tranh cãi, thiếu minh bạch làm con người ta nghi kỵ, đấu tố nhau trên mạng xã hội

    Trả lờiXóa
  13. Dạo gần đây thực sự vấn đề làm từ thiện đã gây tranh cãi và hoang mang vô cùng đối với tất cả mọi người. Cảm thấy lên mạng toàn những thông tin toxic liên quan đến chuyện nghệ sĩ làm từ thiện, từ chuyện sao kê không rõ ràng rồi cùng các phát ngôn chẳng mấy xứng đáng với một người làm nghệ sĩ, khiến cho khán giả không tránh khổi việc ngán ngẩm thất vọng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cứ lên mạng là mấy cái tên Hoài Linh, Trấn Thành, Thủy Tiên-Công Vinh.. lại hiện đầy trên các mặt báo. Tuy nhiên tôi thắc mắc là nếu bị oan thì tại sao không chỉ đơn giản là tung một bản sao kê thật đầy đủ chi tiết để khán giả có thể đối chứng thay vì lên mạng thắc mắc rồi phát biểu những cái khác gây mất thời gian còn chẳng thể mình oan cho chính họ?

      Xóa
  14. Chẳng hiểu sau một định nghĩa đẹp và đáng trân trọng đến vậy mà khi gắn liền với một phần không nhỏ các nghệ sĩ thì nó liền trở nên bê bối drama giống hệt cái đặc thù nghề nghiệp của họ vậy =)) Có vẻ như một vài người có xu hướng thể hiện ra là họ có nhiều hơn những thứ họ thực sự có để những người khác tin tưởng rằng họ không có "hứng thú" với số tiền quyên góp từ thiện rồi sau đó họ dễ dàng đút túi của mình những số tiền tỉ lớn

    Trả lờiXóa
  15. Chắc là nghệ sĩ thì nên chỉ làm nghệ sĩ , hoạt động văn hóa nghệ thuật thôi. Cái sự nổi tiếng của họ là do khán giả ưu án mà dành cho họ, vậy nên họ phải có trách nhiệm sống làm sao cho xứng đáng với điều đó, vì đấy là tình cảm của mọi người. Thật tiếc nếu như cứ sống vô trách nhiệm chỉ quan tâm mình vui và mình được lợi khi đã nhận những tình cảm thậm chí tiền bạc đó từ khán giả

    Trả lờiXóa
  16. Sau vụ này chắc là nhiều người chẳng riêng anh chị em nghệ sĩ cũng phải xem xét lại cái vấn đề đi làm từ thiện. Nếu đi làm mà tiền cho là tiền của mình chứ chẳng ngửa tay xin ai thì tôi thấy việc có lên mạng khua chiêng gõ trống làm ồn ào đến mức độ nào thì tôi vẫn thấy thế là đáng để chúng ta khâm phục. còn nếu ít hơn thì nên tìm cái tổ chức nhà nước nào uy tín mà góp sức mình

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Công nhận là họ nổi tiếng và uy tín để mà kêu gọi được số tiền lớn đến vậy. Nhưng chắc vì đứng trước con số tiền tỷ thậm chí chục tỷ đó họ cũng chẳng thể kìm nổi lòng bởi lẽ lòng tham con người là không giới hạn nên họ dễ nảy sinh lòng tham để mà hành động trái với lương tâm đạo đức

      Xóa
  17. Do không có ràng buộc cụ thể, đầu ra từ thiện mới khiến nhiều vấn đề phát sinh, không loại trừ cả những tiêu cực. Không phải tiền của bản thân, nhưng cho ai, dùng vào việc gì với số tiền từ thiện lại gần như hoàn toàn phụ thuộc vào ngẫu hứng của người nghệ sĩ.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog