Chia sẻ

Tre Làng

Từ thiện không có nghĩa là bỏ đi...

Sau vụ các nhóm hành "nghề" từ thiện để trục lợi:

TỪ THIỆN KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ BỎ ĐI...

Gần đây nổi lên các nhóm từ thiện với hàng chục người không có nghề ngỗng gì ngoài làm từ thiện, nhưng lại giàu có, sở hữu tài sản kếch xù. Không cho gì, làm từ thiện được hưởng lương, nhưng suốt ngày nói chuyện đạo đức.

Điển hình là Jang Kều, hơn chục năm qua kêu gọi từ thiện chuyên nghiệp từ mạng xã hội, event, đấu giá... qua tài khoản cá nhân! Rồi để chuyên nghiệp hơn, Jang Kều xin thành lập Quỹ từ thiện (liên kết với GroupG Asia Pacific mờ ảo nào đó mang tên nước ngoài) để mở rộng kêu gọi từ thiện, nhưng vẫn qua tài khoản cá nhân!

Bộ Nội vụ cấp phép thành lập quỹ này, lại không kiểm soát nên nó đẻ ra đầy chương trình, mà giờ nhiều người dân đòi tiền lại hoặc tố cáo hứa nhà chống lũ mà chẳng nhận được...

Nói đi thì phải nói lại, sở dĩ quỹ ăn nên làm ra suy cho cùng cũng do sự dễ dãi của chúng ta!

Nhớ lại chuyện nhỏ cháu là sinh viên, nhắn tin cho mình xin ủng hộ chương trình từ thiện.

- Ok, fine, nhưng nhóm ủng hộ được bao nhiêu hay làm gì tạo quỹ chưa?

- Tụi con đang kêu gọi mọi người ủng hộ, tụi con sẽ đi trao...

- Vậy không được. Không thể có chuyện "của người phúc ta" như thế. Tụi con muốn làm từ thiện nếu không bỏ tiền túi, thì kinh doanh, bán hàng gì đó, kiếm lời rồi làm từ thiện thì mọi người sẽ ủng hộ thêm. Vậy nhé! Không cho.

Tôi có anh bạn gia đình trí thức, nhưng không bao giờ nộp tiền vào các quỹ từ thiện. Tưởng anh sống khép kín, ích kỷ. Nhưng không, năm nào cả gia đình anh cũng đi làm từ thiện. Anh dẫn mấy đứa nhỏ đến những trung tâm khuyết tật để con anh tận tay trao quà, trò chuyện với những bạn kém may mắn hơn mình. Từ đó để thấy mình may mắn hơn vì lành mạnh, để rồi lớn lên sống nhân ái, trách nhiệm hơn...

Không chỉ trẻ con, người lớn cũng vậy. Khi đến những với những người khó khăn, đồng bào dân tộc, những người bị thiên tai, bão lũ, sẽ thấu cảm tự bên trong. Mắt thấy, tai nghe, vét đồng bạc cuối cùng trong túi giúp họ rồi về mà mấy ngày sau vẫn còn rưng rức xúc động... Khi cảm nhận được nỗi khổ người khác thì thậm chí tiêu xài hay đi nhậu (dù được mời hay tiền mình mình xài) vẫn ray rứt vì còn bao người khổ cần chia sẻ...

Ngày nay, nhiều người bận nghĩ làm từ thiện bằng cách gởi gắm vào ai đó là xong. Những người làm ăn thường nghĩ, có ra mới có vào, nên làm từ thiện là một nhu cầu. Lướt trên mạng thấy bài xúc động là chuyển tiền, mà không cần kiểm tra. Lại an ủi rằng "người nào ăn tiền đó hay làm ác thì chịu quả báo...", thế là xong. Thế nhưng, họ đâu biết rằng chính việc cho tặng dễ dãi này đã góp phần tạo ra tội phạm - những con người độc ác, ăn trên nỗi đau của người khốn cùng.

Theo tôi, làm từ thiện phải bằng cái tâm, hãy đến tận nơi để chia sẻ và thấu cảm, để rồi học cách sống có trách nhiệm hơn, với bản thân và với đời...

Han Ni

***

Phản hồi vệt bài “Lên án trục lợi từ thiện”: Khuyến khích hoạt động thiện nguyện vô vụ lợi

Hiện nay, việc quản lý các quỹ từ thiện dựa trên các căn cứ pháp luật, tuy nhiên vẫn còn chồng chéo trong cách hiểu và vận dụng. Làm cách nào để khuyến khích người dân tham gia hoạt động thiện nguyện, và lòng tốt của người dân không bị lợi dụng, là câu hỏi cần lời giải từ các cơ quan chức năng.

Theo dõi vệt bài “Lên án trục lợi từ thiện” trên Báo SGGP những ngày qua, bạn đọc Nguyễn Thụy Minh Thi (38 tuổi, ngụ 49b, Bùi Minh Trực, phường 5, quận 8, TPHCM) cho hay, qua vụ việc “bác sĩ Khoa”, dư luận rất mong cơ quan chức năng sớm làm rõ có hay không việc trục lợi từ làm từ thiện. Chị đề nghị: “Với những thông tin mập mờ trong các quỹ từ thiện mà báo đã nêu, cần phải làm rõ để nhân dân biết, không mất niềm tin vào những việc làm tốt”.

Hiện nay, với quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP, việc thành lập quỹ từ thiện, quỹ xã hội vô cùng đơn giản. Chỉ cần có 3 sáng lập viên là cá nhân, tổ chức đăng ký, có tài sản đóng góp thành lập quỹ là đủ điều kiện.

Cụ thể, quỹ hoạt động cấp xã thì tiền, tài sản đóng góp là 25 triệu đồng; cấp huyện 130 triệu đồng; cấp tỉnh 1,3 tỷ đồng và liên tỉnh là 6,5 tỷ đồng. Thủ tục thành lập đơn giản, nhưng quyền hạn lại không rõ ràng. Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, theo Điều 8 Nghị định 93, quỹ được vận động quyên góp, phối hợp quyên góp.

Thế nhưng, Điều 39 của nghị định này lại quy định: “Đối với việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo quy định của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.

Có nghĩa là quỹ từ thiện chỉ được vận động từ thiện theo mục tiêu quỹ đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, còn hoạt động thiên tai, dịch bệnh hiểm nghèo thì phải tuân theo quy định khác.

Với hoạt động Quỹ Sống (như Báo SGGP đã nêu), Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập nên việc quản lý thuộc bộ (các quỹ phạm vi hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh thì do Chủ tịch UBND cấp tỉnh cho phép thành lập và quản lý; phạm vi cấp huyện, xã do Chủ tịch UBND cấp huyện cho phép thành lập và quản lý).

Thế nhưng, hiện các bộ, ngành chức năng chỉ thành lập mà không thanh tra, kiểm tra, làm rõ hoạt động của các quỹ; người dân lại nhầm tưởng các quỹ là của Nhà nước, nên sẵn sàng ủng hộ. Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Bộ không có chức năng thanh tra, kiểm tra những hoạt động không thuộc ngân sách Nhà nước. Vì đây là quỹ tư nhân nên hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho rằng, hiện nay, quy định về hoạt động, quản lý các hội từ thiện thực hiện theo Nghị định 45 về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội. Những hành vi lợi dụng danh nghĩa quyên góp, ủng hộ, kêu gọi chủ yếu là các cá nhân, nhóm xã hội.

Qua câu chuyện “bác sĩ Khoa”, chúng ta thấy đây là sự việc rất xấu, gây bất bình trong dư luận. Vụ việc đã được phát hiện kịp thời và các cơ quan chức năng đang xử lý. Trong bối cảnh hiện nay, chính quyền địa phương và Nhà nước đều khuyến khích hoạt động thiện nguyện để huy động các nguồn lực tham gia đẩy lùi dịch bệnh.

Tuy nhiên, các hoạt động này phải vừa có sự kiểm soát (đóng góp như thế nào, phân phối nguồn lực ra sao…), vừa bảo vệ người đóng góp. Trong đó, hạn chế việc đóng góp theo cách tùy tiện, tự đi vào các vùng dịch, vùng đỏ vì có nguy cơ mang mầm bệnh. Vì vậy, rất cần thiết có sự điều phối chung của các cấp thẩm quyền, lúc đó nguồn lực mới phát huy hiệu quả cao.

Ngày 14-8, Thanh tra Sở TT-TT TPHCM cho biết, Sở TT-TT đã mời các chủ thể đăng ký sử dụng tài khoản “JK”, “HMAĐ” và “NHT” lên làm việc để làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ “bác sĩ Khoa”. Cơ quan chức năng cũng đang tiếp tục làm rõ việc tài khoản “Trần Khoa” là giả mạo, nhưng vẫn tương tác, trao đổi thật trong một nhóm trên mạng xã hội, có dấu hiệu vụ lợi.

NHÓM PV

9 nhận xét:

  1. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động thiện nguyện tích cực nhằm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn có không ít các đối tượng lừa đảo tìm mọi cách trục lợi từ thiện. Giữa thời điểm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên khắp cả nước, ngoài những tổ chức, cá nhân chung tay cùng Đảng, Nhà nước và Chính phủ trên dưới một lòng hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vẫn còn đó những đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo từ thiện. Thủ đoạn của những đối tượng này hầu hết đều sử dụng công cụ mạng xã hội nhằm đăng tải những bài viết sai sự thật, bịa đặt những câu chuyện mang sức lan toả mạnh mẽ, lấy đi nhiều nước mắt của các nhà hảo tâm. Hi vọng rằng bên cạnh công tác phòng chống dịch cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra làm rõ các hành vi lừa đảo đó để xử lý, đồng thời mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác tránh không để lòng tự thiện bị lợi dụng và nếu muốn chung tay san sẻ giúp đỡ hãy để sự đóng góp đó được gửi đến những người cần thông qua các cơ quan chức năng của Nhà nước.

    Trả lờiXóa
  2. Thực ra thì việc có một bên trung gian đứng ra giúp cho những người có nhu cầu làm từ thiện cũng là một cái điều rất hay rất văn mình, vì thực tế không phải ai ai cũng có điều kiện đi đến tận nơi làm từ thiện. Như trong đợt lũ 2020 tại miền Trung, có rất nhiều người có tâm muốn được chia sẻ với những mảnh đời khó khăn thế nhưng họ làm sao có thể tự mình xông pha vùng lũ như vậy được, chẳng ai khuyến khích điều đó cả

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng nhưng đấy là chỉ trong trường hợp mà bên thứ 3 đứng ra làm đúng thôi ạ. Chứ nói thật là đứng trước số tiền như vậy con người khó mà kiềm lòng lắm, vì chẳng phải ai cũng dư thừa đến tầm có thể "làm ngơ" trước số tiền lớn như thế. Đặc biệt số tiền lớn thì chẳng ai đi theo kiểm soát từng nghìn một được nên rõ là dễ có tiêu cực ở đây

      Xóa
    2. Thế mới có chuyện để bàn đấy Trang Tran ạ. Thực tế dạo này có nhiều nghệ sĩ bị "tố" rằng đã có những chuyện không rõ ràng minh bạch trong việc sử dụng số tiền quyên góp từ thiện, đặc biệt đây là số tiền rất lớn, không phải chỉ 1 2 trăm triệu mà toàn là tiền tỉ. Động đến những người quyên góp họ cũng thấy bức xúc là phải thôi ạ

      Xóa
  3. Trong lúc dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp, tình trạng giãn cách gây ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân. Có nhiều hoàn cảnh vốn đã khó khăn nay càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, vậy thì việc giúp đỡ đến từ các mạnh thường quân là điều vô cùng cần thiết. Thế nhưng từ thiện nếu không phải tự bỏ ra mà do kêu gọi quyên góp thì cần có những giấy tờ làm bằng chứng cho sự minh bạch và sử dụng tiền rõ ràng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những người quyên góp là những người có nhu cầu và tấm lòng muốn cho đi nhưng họ không có điều kiện đến gặp trực tiếp, cũng không biết phải thông qua bên nào. Cứ nghĩ rằng những người đứng ra kêu gọi này thì họ có tiêng tăm có uy tín nên mình bỏ tiền gửi gắm họ cũng chẳng mấy nghi ngờ. Nhóm học sinh kia không có uy tín thì còn từ chối chứ mấy người như Hoài Linh rồi Thủy Tiên, toàn các nghệ sĩ độ phủ sóng cao thì dễ lấy được niềm tin của mọi người là đúng rồi

      Xóa
  4. Từ thiện là việc làm cao quý, cần đươc lan tỏa tới tất cả mọi người. Nhưng có lẽ nếu có thể tự làm ra và tự cho đi thì vẫn cảm thấy tự hào nhất, đấy là hành động đẹp nhất. Không nhất thiết phải mang danh tính uy tín của mình ra để đổi lấy được những đồng tiền từ thiện đó đâu. Số tiền càng lớn tỉ lệ thuận với trách nhiệm tăng, người ta cũng nhìn và quan sát kỹ việc mình làm. Giả sử mà sơ suất thì khó ăn nói lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cầm cả chục tỷ đi làm từ thiện công nhận cũng có gan. nếu không có giã tâm gì với số tiền đó thì phải công nhận là người nào dám đứng ra kêu gọi và chịu trách nhiệm với số tiền đó chắc cũng "ăn không ngon, ngủ không yên" khi vác trên vai trách nhiệm làm sao để mà giải ngân một cách minh bạch, để những đối tượng được nhận công bằng nhất có thể, chẳng khác nào là làm dâu trăm họ cả

      Xóa
  5. n. Thủ đoạn của những đối tượng này hầu hết đều sử dụng công cụ mạng xã hội nhằm đăng tải những bài viết sai sự thật, bịa đặt những câu chuyện mang sức lan toả mạnh mẽ, lấy đi nhiều nước mắt của các nhà hảo tâm. Hi vọng rằng bên cạnh công tác phòng chống dịch cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra làm rõ các hành vi lừa đảo đó để xử lý, đồng thời mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác tránh không để lòng tự thiện bị lợi dụng và nếu muốn chung tay san sẻ

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog