Bộ Công an đã nhận được tin báo tố giác tội phạm và đơn tố cáo một số cá nhân trong hoạt động gây quỹ quyên góp từ thiện, hỗ trợ cho người dân miền Trung bị lũ lụt.
Thông tin này được trung tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an), cung cấp tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều 2/10.
Trả lời câu hỏi về việc các nghệ sĩ quyên góp tiền từ thiện, trung tướng Tô Ân Xô cho biết vừa qua, Bộ Công an đã nhận được tin báo tố giác tội phạm và đơn tố cáo liên quan một số cá nhân trong hoạt động gây quỹ quyên góp từ thiện, hỗ trợ cho nhân dân miền Trung bị lũ lụt trong năm 2020. Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự thụ lý, kiểm tra, xác minh nguồn tin.
Ông Xô cho biết Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với các ngân hàng rà soát, xác định những tài khoản huy động tiền từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp và quá trình giải ngân.
Cũng theo người phát ngôn Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với UBND và MTTQ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi để xác định số tiền, hàng mà các cá nhân tiến hành cứu trợ, từ thiện tại các địa phương đó. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn mời làm việc với một số cá nhân, tổ chức đề nghị cung cấp thông tin có liên quan để sớm có kết luận về vấn đề này.
Cục Cảnh sát hình sự đã đề nghị cảnh sát hình sự ở các địa phương rà soát, nắm tình hình thực tiễn diễn ra trên các địa bàn để kịp thời phát hiện các cá nhân, tổ chức lợi dụng việc kêu gọi từ thiện để trục lợi, chiếm đoạt tài sản.
Trung tướng Tô Ân Xô chia sẻ thêm đây là vấn đề gây xôn xao dự luận thời gian qua. Ông đề nghị những cá nhân gửi đơn tố cáo và bị đơn cũng như công dân mạng bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc, không nên có ngôn từ không phù hợp gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người tố cáo và người bị tố cáo. Đặc biệt, phải tránh việc lợi dụng việc này để câu view, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Trước đó, ngày 28/9, Công an TP.HCM nhận được công văn của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đề nghị rà soát, đánh giá tình hình hoạt động kêu gọi từ thiện có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trên địa bàn.
Để thực hiện yêu cầu trên, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM (PC02) đề nghị Phòng PC01, PC03 và công an 21 quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp thực hiện 2 vấn đề.
Thứ nhất, rà soát đánh giá tình hình các cá nhân, tổ chức hoạt động tự phát, kêu gọi từ thiện trên địa bàn từ năm 2020 đến nay. Nếu có, thống kê cụ thể tên cá nhân, tổ chức, quy mô, cơ cấu tổ chức, mục tiêu hoạt động, cơ sở pháp lý.
Thứ hai là kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động tự phát kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản (có số liệu cụ thể kèm theo).
Nguồn: Hoài Thu
Nguồn: Hoài Thu
không ít người lại lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hoạt động từ thiện nhằm mục đích khác. Họ xem việc kêu gọi từ thiện như một cách đánh bóng, tạo tên tuổi cho bản thân, từ thiện nhằm mục đích tạo lợi ích cho bản thân mình. Mặt khác, một số kẻ còn nhẫn tâm khi lợi dụng những hoàn cảnh thương tâm để thu lợi, chúng copy những dòng kêu gọi của các nhà từ thiện chân chính, đổi số tài khoản của mình rồi sẵn sàng nhận bất kỳ khoản tiền chuyển khoản từ người khác, chúng trục lợi trên lòng thương của con người đầy tàn ác. Một số kẻ khác, trích một phần nhỏ nhận được sau khi kêu gọi từ cộng đồng cho những nạn nhân, phần còn lại giữ cho riêng mình, làm giàu trên sự lừa dối, ích kỉ, cơ hội, vô cảm trước khó khăn của người khác. Nhiều người thậm chí còn xem đó như là một "phong trào"cười cợt trên nỗi đau của người khác, điều này thật đáng lên án.
Trả lờiXóa