Bài chép của Lê Quốc Vinh
Hôm nay tôi lọ mọ vào website của Viện Đại học Oxford, tìm hiểu xem trường Linacre College mai mốt sẽ được đổi tên theo chị Thảo Sovico là như thế nào. Một số trang ở Việt Nam dịch chữ “college” thành “cao đẳng” là không đúng đâu. Linacre được gọi là “graduate college”, nghĩa là trường đào tạo sau đại học, với một danh mục các khoá đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ ở hầu hết các môn khoa học thường thấy ở Oxford, từ triết học, nhân học, lịch sử cổ đại, đến các khoa học cơ bản như kinh tế học, tài chính, y khoa, sinh học, hoá học, khoa học máy tính... Có rất nhiều khoá nghiên cứu về các quốc gia, như Nhật Bản học, Do Thái học, Hàn Quốc học... Dự là mai mốt sẽ có ngành Việt Nam học không chừng.
Linacre College thành lập năm 1962, và cũng như 45 college khác tại Oxford, Linacre độc lập về tài chính, và là một môi trường đào tạo hoàn chỉnh như một cộng đồng nhỏ, nhưng thống nhất trong những nguyên lý giáo dục và quy chuẩn của Oxford. Việc tuyển sinh, với hệ thống học phí nằm trong cùng một hệ thống với Oxford University, nhưng học sinh được quyền lựa chọn trường (college) và có thể ứng tuyển cho các loại học bổng riêng của trường. Vì thế nên trong khoản tài trợ 155 triệu bảng Anh, chị Thảo có một quỹ học bổng 7,5 triệu bảng Anh dành cho sinh viên Việt Nam và các nước trong khu vực.
Trong biên niên sử của trường, tôi thấy họ trịnh trọng tuyên bố, vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, chiến dịch gây quỹ (kết thúc vào năm 2015) đã thành công với 8 triệu bảng Anh, vượt kỳ vọng ban đầu 500 ngàn bảng. Trước đó, vào dịp kỷ niệm 40 năm, Linacre cũng gây quỹ được 3 triệu bảng. Như thế, tôi hoàn toàn hiểu lời phát biểu ý nghĩa của Giáo sư Nick Brown, Hiệu trưởng đời thứ tư của Linacre College, về khoản tài trợ lớn nhất từ trước tới nay của Sovico Group.
À, Linacre College có truyền thống đặt tên cho các toà nhà, không gian của họ theo tên những người có đóng góp quan trọng cho nhà trường. Bản thân tên trường cũng đặt theo tên của giáo sỹ Thomas Linacre, một thầy thuốc tốt nghiệp từ chính trường All Souls của Oxford ở thế kỷ 15. Cho nên, nếu họ có lấy tên chị Nguyễn Thị Phương Thảo để đặt lại tên trường thì cũng là tự nhiên thôi.
Phong phanh tôi nghe có người cảm thán, rằng số tiền tài trợ cho Linacre ở Oxford có thể xây được một trường đại học đàng hoàng ở Việt Nam, hoặc tài trợ cho rất nhiều sinh viên Việt Nam đi du học. Đúng, nhưng không đủ. Để xây một trường đại học đẳng cấp thế giới như anh Vượng VinGroup không chỉ cần tiền, mà là một quá trình hợp tác xây dựng chương trình đào tạo, tuyển dụng con người, đầu tư trang thiết bị và đầu tư vào hệ thống lâu dài. Chị Thảo đi con đường khác, đầu tư thẳng vào một trong những cái nôi học thuật lâu đời nhất thế giới, hợp tác với một trong những tên tuổi hàng đầu của giáo dục đại học Anh Quốc. Tôi không dám so sánh cách làm nào hay hơn, nhưng chắc chắn cách nào cũng mang lại những lợi ích to lớn, không chỉ cho nền học thuật Việt Nam, mà còn xa hơn nữa, là sự đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và thực nghiệm của nhân loại.
Trong thông cáo báo chí, chị Thảo nói rằng, “Giáo dục và nghiên cứu là chìa khoá cho sự phát triển và thịnh vượng của nhân loại. Tôi tin tưởng những kết quả hợp tác lâu dài với Viện Đại học Oxford sẽ mang tới những cơ hội, những giá trị mới tốt đẹp cho cộng đồng, dành những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ trẻ tại môi trường giáo dục hàng đầu thế giới.” Tôi tin là chị Thảo đã tìm ra cách riêng của mình, ghi dấu ấn Việt Nam vào nền giáo dục đẳng cấp thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét