Khoai@
Bài viết này không có ý dìm hàng ai, chỉ mong người đọc hiểu đúng cách cấp cứu trẻ bị đuối nước. Hành động của anh Hà Minh Hải ở dưới đây rất đáng quý. Tuy nhiên cách cấp cứu rất quan trọng, nó có thể cứu được cháu bé hoặc tiếp thêm rủi ro làm cháu bé vĩnh viễn ra đi.
Tờ SoHa đăng bài "Thượng uý công an bế ngược cháu bé đuối nước chạy quanh sân, cứu sống thần kỳ" kể chuyện phát hiện cháu bé bị rơi xuống hồ nước, Thượng úy Hà Minh Hải - Phó trưởng Công an xã Nga Bạch (Nga Sơn, Thanh Hóa) cùng một số người đưa cháu lên bời rồi sơ cứu. Sau khi kiên trì hà hơi, thổi ngạt và ép lồng ngực mà cháu vẫn không có biểu hiện gì, Thượng úy Hải đã bế xốc ngược cháu bé sau lưng rồi chạy lòng vòng xung quanh sân để nước thoát ra ngoài và cháu bé đã được cứu sống.
Bài báo lý giải rằng, "Thượng úy Hải bế cháu N. chạy nhiều vòng quanh sân để nước trong người chảy ra ngoài".
Bài báo nhận được nhiều phản hồi tích cực có lẽ nhờ vào hành động cứu người. Tuy nhiên, bạn đọc không nên làm theo cách cứu trẻ đuối nước như thế. Cấp cứu như thế là sai lầm.
Nhiều người khi thấy trẻ đuối nước vội vàng dốc ngược và vác trẻ lên vai chạy vì nghĩ rằng cách làm này sẽ cứu được trẻ, khiến trẻ ọc nước ra. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng điều này là sai lầm. Nhiều bệnh nhi đuối nước, do cấp cứu không đúng, đến khi chuyển đến bệnh viện thì hầu hết đã hôn mê sâu.
Đứng trước một bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim do đuối nước (hay cả hóc dị vật, tai nạn), sơ cứu là thời gian vàng quyết định đến sự sống của bệnh nhân sau đó. Với một người đã ngừng thở, ngừng tim, hãy mở đường thở, hà hơi, thổi ngạt liên tục đến khi tim đập trở lại, đến khi nhân viên y tế có mặt…
Vấn đề chính lúc này là do bệnh nhân bị chìm lâu trong nước, nước vào đường thở, thiếu oxy, gây suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim nên cấp cứu ngừng thở, ngừng tim là vô cùng quan trọng, quyết định sự sống của nạn nhân. Quan trọng nhất lúc này là cấp cứu cơ bản gồm hà hơi, thổi ngạt, ép tim để cấp oxy cho não. Vác lên chạy, hay dốc ngược bệnh nhân để ọc nước ra làm mất thời gian vàng cứu sống bệnh nhân”.
Khi gặp trường hợp này, cần phải theo quy trình:
Bước 1: Đưa nạn nhân từ dưới nước lên bờ. Chú ý không được phép biến mình thành nạn nhân thứ hai, chẳng hạn nếu không biết bơi thì không được nhảy xuống nước để cứu nạn nhân. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.
Bước 2: Khi nạn nhân đã được đưa lên bờ, đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Gọi hỏi nạn nhân xem còn tỉnh táo hay không. Đồng thời, gọi người đến hỗ trợ cấp cứu.
Bước 3: Kiểm tra bệnh nhân còn thở hay không bằng cách áp tai vào miệng và quan sát lồng ngực.
Bước 4: Dùng 2 tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.
Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt. Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Bước 5: Tiếp tục bắt mạch, nếu nạn nhân tỉnh lại, cho nạn nhân nằm nghiêng để đẩy nước và dị vật còn sót ra ngoài, sau đó chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục cấp cứu. Trường hợp nạn nhân chưa tỉnh, tiếp tục thực hiện các biện pháp hà hơi, ép tim ngoài lồng ngực trong lúc chờ cán bộ y tế.
Khi cứu được nạn nhân lên phải ưu tiên hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, tìm cách mở đường thở đến khi tim đập trở lại. Tuy nhiên cũng tuyên dương anh cảnh sát đã cứu được cháu bé khỏi cơn nguy kịch! Đôi khi lý thuyết không phải luôn đúng, quan trọng là hiệu quả đem lại thế nào
Trả lờiXóaChúng ta phải nhìn vào hiện thực là anh công an đó đã cứu thành công cháu bé, có lẽ cũng do số mệnh cháu bé may mắn nên tuy rằng cách cứu của anh ấy về mặt lý thuyết chưa đúng nhưng cháu bé vẫn thoát khỏi giai đoạn nguy kịch. Đấy là điều đáng khen ở hiện tại rồi.
XóaCách sơ cứu người khi đuối nước là một vấn đề cần được tuyên truyền giáo dục không chỉ đối với người lớn và các em học sinh cũng vậy. Đặc biệt cần làm rõ nhận thức rằng nếu như bản thân những người chứng kiến cảnh bị đuối nước cảm nhận không đủ khả năng cứu người thì không thể bất chấp xuống cứu rồi chẳng may lại biến mình trở thành nạn nhân
Trả lờiXóaĐừng để sư thiếu hiểu biết của chúng ta hại đến một ai đó. Nhiệt tình + ngu dốt chính là phá hoại. Không thể vì nhiệt tình mà cứ xông pha xuống dòng nước để rồi mình trở thành nạn nhân trong chính sự việc đó và để lại những đau thương mất mát nhiều hơn cho xã hội và đặc biệt là gia đình.
Trả lờiXóaCó lẽ tại thời điểm đó đang vội vàng + lòng mong muốn cứu người nên anh ấy đã phản ứng như vậy, vì cũng có rất nhiều trường hợp trước đó mọi người thường phản ứng như vậy khi cứu người đuối nước. Qua bài viết này thấy cần thiết phải tuyên truyền và hướng dẫn kỹ hơn nữa đối với người dân để họ cứu người đúng cách trong thời điểm đó.
Trả lờiXóaNhững bài báo chứa những thông tin này cần được lan tỏa tới nhiều người hơn thay vì những tin phốt drama của mấy cái người trong giới nghệ sĩ. Việc trang bị kiến thức cơ bản trong xử lý các tình huống đuối nước từ trước đến nay vẫn được chính quyền chú trọng để tuyên truyền nhưng vẫn chưa thực sự được nhiều người chú tâm học hỏi.
Trả lờiXóaTrong giây phút cấp bách , tính mạng người tính bằng giây thì khó mà trách được anh công an là sao lại hành động như thế. Vì nhìn vào thực tế việc bế người ngược chạy là hành động được rất nhiều người làm, chứng tỏ việc tuyên truyền giáo dục về cách cứu đuối chưa đi sát với từng cá nhân. Hy vọng những bài viết như thế này sẽ đến được nhiều người hơn.
Trả lờiXóaTrước tiên là phải hoan hô tinh thần cứu người của anh công an, dù có chưa đúng trong việc xử lý tình huống thế nhưng cuối cùng cháu bé đã được cứu sống rồi. Có thể nhiều khi lý thuyết với thực tiễn nó lại khác nhau, không nên nhìn vào quá trình quá nhiều mà nên quan tâm kết quả cuối cùng thế nào.
Trả lờiXóaKhi ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại theo phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu oxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp. Hậu quả cuối cùng là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong. Nếu trong tình trạng nguy hiểm, nạn nhân có dấu hiệu ngưng thở thì nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo, sau đó là ép tim ngoài lồng ngực. mong mọi người nên tiếp cận những thông tin này, tránh hiểu nhầm không đáng có
Trả lờiXóa