Chia sẻ

Tre Làng

Vụ cô gái ăn cắp chiếc váy và Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Cuteo@

Vụ cô gái sinh năm 2004 ăn cắp chiếc váy giá 16.000 khiến nhiều người quan tâm. Phần đông lên án hành vi sử dụng bạo lực, làm nhục, và cưỡng đoạt tài sản của vợ chồng chủ shop và cho rằng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra là cần thiết, kịp thời và đúng đắn. 

Riêng trường hợp của cô gái, cho đến giờ phút này, tôi không rõ công an Thanh Hóa có khởi tố tội trộm cắp tài sản với cô này hay không. Trên mạng đã có 2 luồng ý kiến khác nhau, một bên thì cho rằng nếu như khởi tố vợ chồng chủ shop thì cũng phải khởi tố cả cô gái này, vì cả 2 đều vi phạm Bộ luật hình sự. Trong khi đó luồng ý kiến thứ hai thì cho rằng, sẽ không khởi tố vì cô này mới dưới 18 tuổi.

Nhân vụ việc này, tôi tổng hợp từ nhiều bài viết khác nhau của các luật gia trên các tạp chí chuyên ngành về quy định của pháp luật về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định của BLHS 2015 (Sửa đổi, bổ sung 2017) để cùng phân tích và mỗi người tự rút ra cho mình một kết luận.

So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 có sự thay đổi về tên gọi từ “người chưa thành niên” thành “người dưới 18 tuổi” và đề cao nguyên tắc bảo vệ lợi ích tốt nhất khi áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Điều 91 BLHS năm 2015 quy định bảy nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

Nguyên tắc thứ nhất: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Bảo đảm lợi ích tốt nhất và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi phạm tội là trong mọi tình huống, mọi trường hợp Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải tạo mọi điều kiện và áp dụng các biện pháp phi hình phạt đối với họ. Các cơ quan tiến hành tố tụng khi điều tra, truy tố, xét xử phải xác định độ tuổi của người phạm tội. Tuổi càng ít thì khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội càng hạn chế, ngay cả khi đối với những người cùng độ tuổi, không phải người nào cũng có khả năng nhận thức như nhau, người ở thành phố nhận thức khác người ở vùng sâu, vùng xa, người có trình độ văn hóa cao nhận thức khác người có trình độ văn hóa thấp …

Nội dung quan trọng của nguyên tắc này còn đòi hỏi Cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định nguyên nhân và điều kiện khiến người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội. Yêu cầu của nguyên tắc này là giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi phạm tội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó, việc áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi cũng phải thể hiện sao cho bảo đảm việc giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, chứ không nhằm trừng trị. Do đó ngay từ khi khởi tố, điều tra, Cơ quan điều tra không chỉ áp dụng các biện pháp pháp lý có lợi nhất, đồng thời phải quán triệt tinh thần là: Nếu không cần thiết bắt giữ tạm giữ, tạm giam đối với họ thì không được áp dụng các biện pháp này. Mặt khác, phải bảo đảm các quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với họ như: Phải có người bào chữa ngay từ khi bị bắt; nếu trường hợp buộc phải bắt giữ để ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội thì sau khi bị bắt, nếu có người bảo lĩnh hoặc thấy việc cho tại ngoại không gây ảnh hưởng cho xã hội thì cương quyết phải cho tại ngoại.

Nguyên tắc thứ hai: Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này.

Điều 29 BLHS năm 2015 quy định các trường hợp được miễn hoặc có thể được miễn TNHS đối với bất cứ người nào không phân biệt người dưới 18 tuổi hay trên 18 tuổi. Tuy nhiên, đối với người dưới 18 tuổi thì việc miễn TNHS, ngoài các quy định tại Điều 29 của BLHS thì Cơ quan tiến hành tố tụng còn phải căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS.

Các trường hợp mà người dưới 18 tuổi có thể được miễn TNHS gồm:

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;

- Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.

Nguyên tắc thứ ba: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Đây là nguyên tắc đã được quy định từ BLHS năm 1985, khi hành vi phạm tội của họ ở mức độ nghiêm trọng nhất định, nhân thân xấu và xét thấy việc áp dụng các biện pháp giáo dục và tác động khác của xã hội không đủ hiệu lực để phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung thì mới tiến hành truy cứu TNHS.

Nguyên tắc thứ tư: Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

Theo nguyên tắc này, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn TNHS hoặc áp dụng một trong các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại trường giáo dưỡng nhưng không có hiệu quả. Như vậy, trước khi Tòa án áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi thì phải áp dụng các biện pháp không phải là hình phạt trước. Tuy nhiên, trên thực tế Tòa án chỉ cân nhắc và xem xét tính chất mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội để quyết định có áp dụng hình phạt hay không. Nếu xét thấy không cần áp dụng hình phạt thì mới áp dụng các biện pháp giáo dục khác.

Nguyên tắc thứ năm: Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Đây là nguyên tắc xử lý, đồng thời cũng là căn cứ quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định từ BLHS năm 1985 và được nhắc lại tại BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015, thể hiện thái độ của Nhà nước ta dứt khoát không áp dụng hình phạt tử hình và chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; quy định này thể hiện được nguyên tắc không lấy trừng trị là mục đích của hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Nguyên tắc thứ sáu: Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Đây cũng là nguyên tắc xử lý, đồng thời cũng là căn cứ quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Nội dung của nguyên tắc này cũng tương tự như nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 91 BLHS. Tuy nhiên, đây là căn cứ áp dụng hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Quy định này nhằm hạn chế việc áp dụng hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi đồng thời việc áp dụng phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp này vẫn đảm bảo đạt được mục đích của hình phạt.

Nguyên tắc thứ bảy: Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Việc không quy định đối với người chưa đủ 16 tuổi bị coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm cũng là thể hiện nguyên tắc không coi việc trừng trị là mục đích đối với người dưới 16 tuổi và tạo điều kiện cho các em phát triển bình thường trong cuộc sống trước mắt và lâu dài, vì đối với người chưa đủ 16 tuổi còn cả một tương lai phía trước.

Như vậy, quy định của pháp luật đã tương đối rõ. Bạn đọc có thể đối chiếu vụ cô gái ăn chắp chiếc váy ở Thanh Hóa và tự mình đã có thể biết được vụ này có khởi tố cô gái đó hay không.

7 nhận xét:

  1. tôi thì quan điểm rõ ràng, thưởng phạt phân minh, nghĩa tình phải dứt khoát. hành vi của chủ shop Mai Hường quá rõ, làm nhục người khác, gây anh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần người khác, thế nhưng hành vi trộm cắp vặt của bé này là không chấp nhận được khi trẻ dưới 18t. Thế mà các ban ngành, mấy anh giang hồ mạng mẽo đến để ủng hộ tiền bạc các kiểu, đến động viên như lời cổ súy..Gía trị đạo đức chuẩn mực bị đe dọa nghiêm trọng, chán thật

    Trả lờiXóa
  2. Pháp luật đã quy định rõ ràng như vậy, đúng là cả hai bên trong vụ việc đều vi phạm quy định trong BLHS nhưng với cô bé 16 tuổi kia thì chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự nên hình thức xử lí lấy giáo dục và giúp đỡ cô bé sửa chữa lỗi lầm là chủ yếu. Còn hành vi của chủ shop Mai Hường thì không thể ngụy biện vì bất cứ lí do gì với hành vi hành hung người khác và chiếm đoạt tài sản.

    Trả lờiXóa
  3. Cô bé sai ở chỗ đã phạm phải tội ăn cắp, tuy nhiên đã có hành vi hối lỗi bồi thường giá trị chiếc váy, cô bé sai một thì chủ shop sai mười, khi đáng lẽ không nên có hành vi bạo lực, đánh đập, cắt tóc bé và bắt bồi thường gấp 10 lần giá trị chiếc váy.

    Trả lờiXóa
  4. Vì sao xã hội phân ra người trưởng thành và chưa trưởng thành, bởi lẽ người lớn sẽ có những cách ứng xử hợp lẽ, chứ không phải có cách ứng xử thiếu văn minh như chủ shop.

    Trả lờiXóa
  5. cái này là phải đưa cho anh tiến sĩ Chu Mộng Long đọc để anh ý ngộ ra thế nào là đúng thế nào là sai.Pháp luật thì có rồi, công an cũng chỉ làm đúng luật thôi mà anh này cứ kiểu thích táy máy cơ, đã thế lại còn ăn nói bố láo, không có căn cứ nữa chứ Tuổi trẻ mà ai chẳng mắc sai lầm,mà sai lầm của bạn này còn nhẹ nên chọn cách giáo dục là tốt nhất và hợp lý nhất rồi... Em ấy chưa đủ tuổi thành niên nên việc mắc sai lầm cũng dễ hiểu, xã hội nên có cái nhìn cảm thông và có các biện pháp giáo dục hợp lý


    Trả lờiXóa
  6. Rõ ràng hành vi nhục mạ, đánh đập nữ sinh của chủ shop Mai Hường là sai, thiếu đạo đức nhưng cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng nữ sinh trên đã có hành vi trộm cắp tài sản, cũng cần phải có sự giáo dục nghiêm khắc để sửa chữa lỗi sai, làm gương cho những trẻ vị thành niên khác

    Trả lờiXóa
  7. Việc không quy định đối với người chưa đủ 16 tuổi bị coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm cũng là thể hiện nguyên tắc không coi việc trừng trị là mục đích đối với người dưới 16 tuổi và tạo điều kiện cho các em phát triển bình thường trong cuộc sống trước mắt và lâu dài, vì đối với người chưa đủ 16 tuổi còn cả một tương lai phía trước.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog