Hàng trăm bác sĩ nội trú được đào tạo trong giai đoạn 2004 - 2014 của trường Đại học Y Hà Nội không được cấp bằng thạc sĩ. Trường đại học này cho rằng đã làm hết trách nhiệm, nhưng trả lời Tiền Phong, Bộ GD&ĐT lại khẳng định không phải như vậy.
Như Tiền Phong đã phản ánh, cùng học hệ bác sĩ nội trú (BSNT), trong khi học viên các trường đại học (ÐH) Y khác được cấp ít nhất 2 bằng (bằng BSNT, bằng Thạc sĩ và có thể cả bằng Bác sĩ chuyên khoa I), nhưng những người học tại trường ÐH Y Hà Nội (giai đoạn 2004 - 2014) chỉ được cấp duy nhất 1 tấm bằng.
Sau khi đối chiếu với thông báo và chương trình học đã hoàn thành, đối chiếu với các quy định về vấn đề này tại thời điểm đó, các BSNT cho rằng, việc làm này của trường trái quy định pháp luật và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Trong đó, đặc biệt ảnh hưởng đến mức lương họ được hưởng khi đi làm.
Sau khi đề xuất với trường ĐH Y Hà Nội nhưng không nhận được câu trả lời thấu đáo, các BSNT đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng.
Trả lời Tiền Phong về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho hay theo quy định Bộ này có trách nhiệm ban hành các quy chế đào tạo, tuyển sinh, xác định chỉ tiêu trình độ thạc sĩ và cấp bằng tốt nghiệp. Bằng Bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II và BSNT là bằng đào tạo sau ĐH thuộc chuyên khoa sâu của lĩnh vực sức khỏe do Bộ Y tế quản lý đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
Năm 2003, hai Bộ đã ban hành Thông tư liên tịch số 30 hướng dẫn việc chuyển đổi giữa các văn bằng và trình độ đào tạo sau ĐH trong lĩnh vực Y tế. Trong đó, đã có hướng dẫn việc chuyển đổi từ chuyên khoa cấp I sang thạc sĩ y học/dược học, thạc sĩ y học/dược học sang chuyên khoa cấp I, BSNT bệnh viện chuyển đổi sang thạc sĩ y học; chuyên khoa cấp II sang tiến sĩ y học/dược học và ngược lại. Do vậy, khi BSNT được đào tạo đáp ứng các yêu cầu về đào tạo thạc sĩ của Bộ GD&ĐT quy định thì được cấp bằng thạc sĩ.
Bộ GD&ĐT khẳng định các trường hợp BSNT đã hoàn thành chương trình học bổ sung và chuyển đổi kiến thức như trong Thông tư liên tịch số 30/2003 quy định được cấp bổ sung bằng thạc sĩ. Số lượng chuyển đổi từ bằng BSNT sang bằng thạc sĩ phải nằm trong tổng chỉ tiêu đăng ký đào tạo thạc sĩ của Trường.
Bộ GD&ĐT thông tin báo cáo của trường ĐH Y Hà Nội cho thấy đã có 440 BSNT đã được cấp bằng chuyển đổi từ năm 2000 đến 2010 trong số 1200 BSNT được tuyển sinh. Từ năm 2011 đến 2016, không có trường hợp nào được cấp bằng thạc sĩ cho các đối tượng BSNT do không được trường ĐH Y Hà Nội xác định chỉ tiêu đầu vào chương trình thạc sĩ. Vì vậy, những BSNT thuộc các khóa này không có đủ thông tin tuyển sinh như quy định nên không thể thực hiện cấp bằng thạc sĩ. Không những thế, từ trước năm 2014, các chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ và BSNT của trường ĐH Y Hà Nội đều tách biệt riêng, hay nói cách khác đối tượng tuyển sinh vào chương trình BSNT không có chỉ tiêu trong chương trình đào tạo thạc sĩ. Từ năm 2004 đến 2014, trường này xác định chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ đúng quy định là 235 – 488 chỉ tiêu/năm. Đây cũng chính là mấu chốt của vấn đề dẫn đến việc hàng trăm BSNT giai đoạn này của trường ĐH Y Hà Nội không được cấp bằng thạc sĩ.
Trách nhiệm thuộc về trường ĐH Y Hà Nội
Khi phóng viên đặt câu hỏi các BSNT tốt nghiệp từ năm 2007 đến năm 2017 đã được học bổ sung đầy đủ các môn của chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành tương ứng vậy xét về năng lực họ có đáp ứng tiêu chí quy định về trình độ thạc sĩ của Bộ GD&ĐT không, Bộ GD&ĐT cho biết nếu đảm bảo đủ các yêu cầu chuyển đổi từ chương trình BSNT sang chương trình đào tạo thạc sĩ như trong hướng dẫn và trong chỉ tiêu đào tạo theo ngành trình độ thạc sĩ, thì bảo đảm quy định về trình độ thạc sĩ của Bộ GD&ĐT. Nhà trường có thể xem xét làm hồ sơ, báo cáo và đề nghị Bộ GD&ĐT cấp bằng đào tạo theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế, họ đều không nằm trong chỉ tiêu đào tạo theo ngành trình độ thạc sĩ của trường trong giai đoạn đó nên không có phôi bằng được cấp theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT cho rằng cần làm rõ ràng, minh bạch giữa Nhà trường và người học về việc các BSNT chỉ được cấp 1 bằng BSNT duy nhất như phản ánh. “Trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2014, trường ĐH Y Hà Nội tách riêng nhóm trúng tuyển nhập học chương trình đào tạo thạc sĩ và trúng tuyển nhập học chương trình đào tạo BSNT, chưa bảo đảm quy định trúng tuyển do Bộ GD&ĐT quy định, đặc biệt là chỉ tiêu đầu vào lại ít hơn số lượng bằng đề nghị cấp. Do vậy, Bộ GD&ĐT chỉ đồng ý cấp bằng thạc sĩ cho những trường hợp thực hiện đúng quy chế đào tạo thạc sĩ”, Bộ GD&ĐT khẳng định. Từ năm 2015, ĐH này đã xác định chỉ tiêu đào tạo BSNT thuộc các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ trong chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ của từng ngành theo quy định của Bộ.
Theo tìm hiểu, các BSNT học tại các trường ĐH Y dược khác đều được cấp song song hai bằng (BSNT và Thạc sĩ) trong suốt thời gian qua. Vì trong quá trình xác định chỉ tiêu đào tạo tại thời điểm tuyển sinh, các trường này đều xác định chỉ tiêu BSNT nằm trong chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ.
Nguồn: Nghiêm Huê
Báo Tiền Phong Điện tử
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaĐể có thể trúng tuyển hệ đào tạo Bác sĩ nội trú của Đại học Y Hà Nội, nhiều bác sĩ đã phải trải qua quá trình sàng lọc khắt khe và học tập hết sức nỗ lực. Dù trong quy chế tuyển sinh có nêu rõ, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các bác sĩ nội trú sẽ được cấp 3 tấm bằng bao gồm: Bằng bác sĩ nội trú bệnh viện, bằng Chuyên khoa cấp I và bằng Thạc sĩ, tuy nhiên, Đại học Y Hà Nội chỉ cấp duy nhất một tấm bằng Bác sĩ nội trú cho hàng trăm bác sĩ. Điều này chắc chắn gây nên nhiều bức xúc, bất bình
Trả lờiXóa