Liên quan đến ông Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, báo chí đăng rùm beng, nhưng đa số đã không biết ông này là ai, đã từng vu cáo nhà nước Việt Nam "đàn áp tôn giáo" như thế nào. Người Việt nói, nghĩa tử là nghĩa tận, xin R.I.P ông.
Trước mắt, mình xin đăng lại bài này từ báo Công an Nhân dân và sau đó sẽ có bài viết về nhân vật này.
Trước mắt, mình xin đăng lại bài này từ báo Công an Nhân dân và sau đó sẽ có bài viết về nhân vật này.
Giới sân khấu TP HCM nói riêng và giới sân khấu cả nước nói chung, đều rất hân hoan khi tìm được người phóng tác vở kịch "Cậu đồng" từ nguyên tác của nhà viết kịch Molier. Tuy nhiên, vở kịch "Cậu đồng" cũng như ca khúc "Bông hồng cài áo" liên quan đến thiền sư Thích Nhất Hạnh như thế nào, là điều cần phải cân nhắc khi giới thiệu với công chúng.
Vở kịch "Cậu đồng" là một trong những tác phẩm đầu tiên làm nên thương hiệu Sân khấu IDECAF - TP. Hồ Chí Minh. Vở kịch "Cậu đồng" được đạo diễn Trần Minh Ngọc dàn dựng và công diễn vào năm 1998. Suốt 22 năm qua, vở kịch "Cậu đồng" vẫn thường xuyên tái diễn theo yêu cầu của khán giả.Vở kịch "Cậu đồng" gắn liền với tên tuổi diễn viên Thành Lộc.
Dù theo thời gian, vài vai phụ của vở kịch "Cậu đồng" được thay đổi, nhưng vai chính vẫn do diễn viên Thành Lộc đảm trách. Phải thừa nhận, vai chính trong vở kịch "Cậu đồng" là một dấu ấn để diễn viên Thành Lộc được xưng tụng là "quái kiệt sân khấu".
Vở kịch "Cậu đồng" thu hút công chúng ngay cả trong mùa dịch COVID-19 vừa qua. Sau đợt giãn cách xã hội tháng 4/2020, sân khấu IDECAF vừa mở màn trở lại thì vở kịch "Cậu đồng" cũng đã cháy vé, khi giới mộ điệu nối nhau đến rạp để xem diễn viên Thành Lộc trổ tài.
Tuy nhiên, điều đó không khiến những người thực hiện vở kịch "Cậu đồng" hớn hở bằng việc họ tìm ra người phóng tác kịch bản này. Tấm biển quảng cáo mới nhất của Sân khấu IDECAF vừa giới thiệu vở kịch "Cậu đồng" với dòng chữ lớn "Dịch giả và chuyển thể Việt hóa: Thiền sư Thích Nhất Hạnh". Sự hớn hở ấy bắt nguồn từ đâu?
Lâu nay, vở kịch "Cậu đồng" được dàn dựng dựa theo một tập kịch bản đánh máy không ghi tên tác giả, nên được mặc định là người vô danh cảm tác từ hài kịch Molier. Mới đây, giới sưu tầm sách cũ đã phát hiện cuốn sách "Cậu đồng" do Nhà xuất bản Hương Quê ấn hành tại Sài Gòn năm 1958. Trên cuốn sách chú thích "Việt hóa hài kịch Le Tartuffe của Molier". Người đứng tên cuốn sách "Cậu đồng" là Nhất Hạnh, trong lời tựa đã chứng minh hoàn thành việc phóng tác vào mùa xuân năm 1953.
Sự hân hoan loan báo "Dịch giả và chuyển thể Việt hóa: Thiền sư Thích Nhất Hạnh" của Sân khấu IDECAF có gì bất ổn không? Tìm được tác giả hoặc dịch giả cho một tác phẩm khuyết danh luôn là việc đáng mừng. Thế nhưng, khái niệm "dịch giả và chuyển thể Việt hóa" quá dông dài và hơi chệch choạc.
Mặt khác, ai cũng biết Nhất Hạnh là bút danh của thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhưng không thể đồng nhất danh phận và đạo phận. Khi viết lách, thì chỉ có tác giả hoặc dịch giả Nhất Hạnh. Còn khi tu hành, thì chỉ có thiền sư Thích Nhất Hạnh. Hai tư cách khác biệt của một con người, phải được tôn trọng tuyệt đối. Trừ khi chính tác giả tự chỉnh sửa việc ký tên trên tác phẩm, ngoài ra không ai được phép thay thế hoặc hoán đổi bút danh "Nhất Hạnh" và "Thiền sư Thích Nhất Hạnh".
Lẽ ra, nỗi hân hoan "Dịch giả và chuyển thể Việt hóa: Thiền sư Thích Nhất Hạnh", cần gọn gàng và đúng đắn hơn là "Phóng tác: Nhất Hạnh". Hãy lưu ý, thời điểm công bố "Cậu đồng", thì vai trò của người phóng tác cũng chưa được xưng tụng là "Thiền sư Thích Nhất Hạnh".
Phải gọi "Cậu đồng" là sản phẩm phóng tác hài kịch Molier, vì "Cậu đồng" không hề đảm bảo 100% nội dung của nguyên tác "Le Tartuffe". Vở kịch "La Tartuffe" được nhà viết kịch vĩ đại nhất của nước Pháp - Molier (1622-1673) viết năm 1664.
Ban đầu vở kịch "La Tartuffe" chỉ có 3 hồi, nhưng vừa công diễn đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các lãnh tụ tôn giáo. Bởi lẽ, nhà viết kịch Molier mỉa mai chính quyền và thần quyền lúc bấy giờ đã tạo ra những giá trị rởm cho xã hội. Suốt 3 năm, sau mấy suất diễn ồn ào, vở kịch "La Tartuffe" bị cấm trên toàn nước Pháp. Khi được tái diễn vào cuối năm 1667, nhà viết kịch Molier đã viết thêm hai hồi nữa cho vở kịch "La Tartuffe".
Chính vì "sự bất kính" từng dậy sóng trong lịch sử của vở kịch "La Tartuffe", mà khi phóng tác "Cậu đồng" thì ông Nhất Hạnh đã có vài dòng phân bua ở lời tựa, rằng: "Chúng tôi chỉ muốn nêu ra đây một vài sự thực về tín ngưỡng, để những nhà nhiệt tâm về nền đạo chân chánh thấy rõ mà lo".Vở kịch "Le Tartuffe" (Bịp bợm) được biểu diễn ở các quốc gia khác với tên tiếng Anh là "The Impostor" (Kẻ mạo danh) hoặc "The Hypocrite" (Đạo đức giả).
Tương tự vở kịch "Cậu đồng", ca khúc "Bông hồng cài áo" cũng có liên quan đến thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ca khúc "Bông hồng cài áo" không phải nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930-2009) phổ thơ, mà chỉ lẩy ra những ý quan trọng trong tùy bút "Bông hồng cài áo" dài hơn 2500 chữ của tác giả Nhất Hạnh viết năm 1962. Ca khúc "Bông hồng cài áo" được công bố lần đầu tiên vào năm 1967, ghi rõ: "Ý: Nhất Hạnh, soạn thành ca khúc: Phạm Thế Mỹ".
Ca khúc "Bông hồng cài áo" đã quen thuộc với người Việt hơn nửa thế kỷ qua. Mỗi dịp Vu Lan, ca khúc "Bông hồng cài áo" lại được hát vang lên trên môi những người hạnh phúc còn có mẹ, hoặc được hát thầm trong tim những người bất hạnh không còn mẹ. Ca khúc "Bông hồng cài áo" trở thành một phần nghi lễ của ngày Vu Lan.
Không chỉ đề xuất việc cài hoa vào ngày Vu Lan, tùy bút "Bông hồng cài áo" còn đề cao hình ảnh vĩ đại của người mẹ và tinh thần hiếu thảo của người con: "Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!".
Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?". Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?".
Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?". Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi, người lớn cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng".
Chính từ những ý ấy, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã viết ca khúc lay động công chúng đến tận hôm nay. Một ca khúc không chủ đích viết cho ngày Vu Lan, mà trở thành biểu tượng của ngày Vu Lan đối với người Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay những chương trình văn nghệ mỗi khi biểu diễn ca khúc "Bông hồng cài áo", vẫn có thói quen giới thiệu: "Ý thơ Thích Nhất Hạnh, nhạc Phạm Thế Mỹ". Đó là một thói quen cần chỉnh sửa, phải rành mạch là ý thơ của Nhất Hạnh, chứ không phải của Thích Nhất Hạnh. Chọn bút danh để đứng tên trên tác phẩm cũng là quyền nhân thân, được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Tuy Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét