Chia sẻ

Tre Làng

Hạt nhân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở

Bộ Công an đang trong quá trình soạn thảo dự thảo về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đây là dự luật có tính chất quan trọng để làm cơ sở pháp lý cho lực lượng bảo vệ trật tự trị an tại cơ sở hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Đồng chí Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an và các đồng chí lãnh đạo thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sỹ Công an xã bán chuyên trách xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Lực lượng hỗ trợ công an chính quy tại cơ sở

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động có sự tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như tham gia tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, tham gia tuần tra, kiểm soát, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bắt giữ người phạm tội quả tang, đối tượng truy nã, được sử dụng công cụ hỗ trợ… Do đó, việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng quy định của Hiến pháp.

Bảo vệ tổ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách là các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự (gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) tại địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là địa bàn cơ sở). Với vị trí, chức năng quan trọng làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và là hạt nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở, thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân, gắn bó mật thiết với nhân dân nên trong suốt quá trình hình thành và phát triển từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng tháng 8-1945 đến nay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày càng được củng cố, kiện toàn và đã có những đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Việc xây dựng Luật không phát sinh tăng biên chế, không tăng chi ngân sách nhà nước, thậm chí góp phần giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách nhà nước. Luật quy định theo hướng kiện toàn, sắp xếp, bố trí thống nhất lực lượng gắn với việc điều chỉnh, xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này tại địa bàn cơ sở.

Theo Ban soạn thảo, mặc dù bố trí Công an xã, thị trấn chính quy nhưng tính trung bình trên 1 xã chỉ có thể bố trí tối đa đến 5 Công an chính quy, trong khi địa bàn xã rất rộng, nhiều xã là nơi tập trung các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất - kinh doanh hoặc là xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, chia cắt, đi lại khó khăn… không thể bố trí đủ lực lượng Công an xã chính quy. Ở những địa bàn đó vẫn phải huy động, sử dụng các lực lượng quần chúng cùng phối hợp giúp lực lượng Công an chính quy chủ động, kịp thời phát hiện, giải quyết ngay tại chỗ các vụ, việc, không để bị động, bất ngờ.

Việc ban hành Luật bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xây dựng hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự đồng bộ, thống nhất, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Quá trình tham gia với Công an chính quy thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Do đó, cần sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, chức danh, mối quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Quy định thống nhất việc quản lý đối với các chức danh Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí Công an xã chính quy.

Hoàn thiện về mặt thể chế

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 6 chương, 36 điều. Trong đó, Chương II quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) gồm 7 điều (từ Điều 10 đến Điều 16). Các nội dung quy định trong chương này như: nắm tình hình liên quan đến an ninh, trật tự trên địa bàn và kịp thời báo cáo với cơ quan Công an, UBND cấp xã trực tiếp quản lý có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý; phối hợp tham gia phổ biến, tuyên truyền nâng cao cảnh giác, ý thức phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trên địa bàn; làm nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; theo hướng dẫn của lực lượng Công an tham gia đôn đốc, nhắc nhở nhân dân trên địa bàn chấp hành quy định của pháp luật...

Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 3) dự thảo Luật xác định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Lực lượng này có chức năng triển khai các yêu cầu công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan Công an có thẩm quyền. Trên cơ sở kế thừa có sự điều chỉnh quy định của pháp luật hiện hành, dự thảo Luật quy định về tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự của từng vùng, miền.

Xác định quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn (Điều 4, Điều 8). Dự luật quy định, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở xã, phường, thị trấn chịu sự lãnh đạo, điều hành, quản lý về tổ chức và chỉ đạo chung về công tác của Đảng ủy, UBND xã, phường, thị trấn. Đồng thời, chịu sự chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ bảo vệ an ninh, trật tự và tham gia phối hợp cùng Công an xã, phường, thị trấn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Đối với lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thể quần chúng và lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã, phường, thị trấn thì phối hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn theo chỉ đạo của Đảng uỷ và UBND xã, phường, thị trấn.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (chương II từ điều 10 đến điều 16) dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thành nhiệm vụ chung của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ”, tránh trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, phường, thị trấn chính quy và chính quyền địa phương. Các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bố trí thống nhất thành 1 lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự và được bố trí ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn xã, phường, thị trấn.

Về bảo đảm điều kiện hoạt động và giải quyết một số trường hợp khi lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ (chương III, chương IV): Dự thảo Luật quy định việc bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách địa phương hỗ trợ, cân đối kết hợp với huy động nguồn lực trong nhân dân. Theo đó, xác định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ được hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ hàng tháng khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định (pháp luật hiện hành đang quy định bảo vệ dân phố được hưởng phụ cấp hằng tháng và hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ; Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, được hưởng phụ cấp hằng tháng và mức bồi dưỡng, hỗ trợ).

Việc xác định cụ thể, thống nhất việc bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về giảm chi từ ngân sách nhà nước để chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, tiến tới giảm dần số lượng người hoạt động không chuyên trách.

Ngoài nội dung nêu trên, dự thảo Luật trên cơ sở kế thừa quy định của pháp luật hiện hành đối với bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đã quy định bao quát các điều kiện bảo đảm hoạt động và giải quyết một số trường hợp khi lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ, bao gồm: Bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bồi dưỡng, huấn luyện; bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang bị, quản lý công cụ hỗ trợ của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; giải quyết trường hợp lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo luật quy định (chương V từ Điều 30 đến Điều 33): Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn việc giải quyết chế độ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

***

Những năm qua, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong toàn quốc đã được củng cố, kiện toàn. Đã thành lập được 1.882 ban bảo vệ dân phố, 15.656 tổ bảo vệ dân phố, với tổng số là 72.456 thành viên; lập được 42.476 đội dân phòng với trên 543.095 đội viên. Toàn quốc có 126.084 Công an xã, thị trấn không phải là Công an chính quy đã kết thúc nhiệm vụ Công an xã và tiếp tục tham bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã.

Nguồn:
Bùi Tuấn HùngTrưởng Công an TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

4 nhận xét:

  1. Dân quân tự vệ, hay công an xã, lực lượng bán chuyên trách ở xã, chính là hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Mà cơ sở có vững chắc, có vững mạnh thì trung ương, thì cơ quan đầu não mới có thể vững mạnh, mới đủ sức thực hiện các hoạt động đối nội đối ngoại được.

    Trả lờiXóa
  2. Đó là hạt nhân đảm bảo những yêu cầu, đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra. phải nói rằng rất nhiều địa bàn xã là dân tộc miền nũi, địa bàn rộng, dân thưa, là con em dân tộc thiểu số nên việc à LA chính quy nắm rõ, nắm chắc địa bàn là rất khó. Do đó phải đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình hiện nay, sao cho đáp ứng được công việc

    Trả lờiXóa
  3. Cũng nên xem lại việc duy trì các lực lượng này vì đã là lực lượng thực thi pháp luật (nhất là ngành công an) phải được đào tạo bài bản cả về nghiệp vụ lẫn kiến thức pháp luật để thực hiện nhiệm vụ. Thứ 2 kinh phí để nuôi lực lượng này không thể bắt dân đóng tiền an ninh để trợ cấp cho họ được mà sử dụng kinh phí của nhà nước thì không ổn vì hiện tại bộ máy nhà nước của Việt Nam quá cồng kềnh rồi nên tốn rất nhiều ngân sách để duy trì, hãy học theo mô hình các nước phát triển để đỡ cho ngân sách của dân.

    Trả lờiXóa
  4. Công an xã phường thị trấn vẫn bộ phận nắm tình hình sâu sát nhất và gần dân nhất, ứng phó ngay khi xảy ra sự cố nên cần có đủ hành lang pháp lý để lực lượng này đủ quyền hạn trấn áp tội phạm và rộng đường xử lý các tình huống Tầng cơ sở vẫn là tầng sát sườn với đời sống người dân nhất nên càng phải chất lượng về mọi mặt

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog