Theo kênh CNN, OneWeb, một công ty khởi nghiệp vệ tinh tại London (Anh), đang nỗ lực kết nối internet toàn cầu và trở thành đối thủ cạnh tranh chính với chùm internet vệ tinh StarLink của tỷ phú Elon Musk. Công ty này có kế hoạch phóng một loạt 36 vệ tinh internet vào ngày 4/3 theo một phần trong kế hoạch phóng chùm 648 vệ tinh. Nhưng những kế hoạch đó đang gặp nguy hiểm khi cơ quan vũ trụ của Nga Roscosmos dường như sẽ cản trở kế hoạch này.
Bình thường, tên lửa Soyuz do Nga chế tạo và do Arianespace SA của Pháp vận hành làm nhiệm vụ đưa các vệ tinh vào quỹ đạo thấp của Trái đất, phóng từ Sân bay vũ trụ Baikonur của Nga ở Kazakhstan. OneWeb và Nga đã ký một thỏa thuận nhiều năm cho các vụ phóng vệ tinh, trong đó công ty OneWeb độc quyền phóng vệ tinh bằng tên lửa Soyuz của Nga.
Tuy nhiên, ông Dmitry Rogozin, Tổng giám đốc Roscosmos, đang từ chối tiến hành vụ phóng thường lệ để đáp trả các lệnh trừng phạt của Anh nhằm vào Nga sau khi Nga đưa quân vào Ukraine.
Theo một tối hậu thư được đăng trên tài khoản chính thức của Roscosmos trên Twitter, Roscosmos yêu cầu Chính phủ Anh bán tất cả cổ phần trong OneWeb và yêu cầu OneWeb đảm bảo các vệ tinh sẽ không được sử dụng cho mục đích quân sự. Roscosmos nhấn mạnh các yêu cầu là do lập trường thù địch của Anh đối với Nga. Ông Rogozin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Russia 24 rằng thời hạn cuối cùng để các bên đáp ứng yêu cầu là 9 giờ 30 tối 3/3 theo giờ Nga.
OneWeb đã có 428 vệ tinh trên quỹ đạo và lần phóng vệ tinh cuối cùng vừa diễn ra tháng trước. Công ty đang nỗ lực để thu hút khách hàng và trả tiền lại cho các nhà đầu tư sau khi Chính phủ Anh và công ty Bharti Global của Ấn Độ cứu công ty khỏi phá sản vào năm 2020.
Ông Rogozin đã từng đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea: “Sau khi phân tích các lệnh trừng phạt chống lại ngành vũ trụ của chúng tôi, tôi đề nghị Mỹ đưa các phi hành gia của họ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế bằng tấm bạt lò xo”.
Trước đây, bất chấp xung đột, Mỹ và Nga đã luôn hợp tác trong không gian. Ông Rogozin đã cam kết Nga sẽ vẫn là đối tác của NASA tại Trạm Vũ trụ Quốc tế ít nhất là cho đến khi trạm này bị đóng cửa.
Về phần mình, các nhà lập pháp Anh không có dấu hiệu làm theo yêu cầu của Roscomos. Ông Kwasi Kwerteng, Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Anh đã đăng lên Twitter ngày 2/3: “Không có cuộc đàm phán nào về OneWeb: Chính phủ Anh không bán cổ phần của mình. Chúng tôi đang liên lạc với các cổ đông khác để thảo luận về các bước tiếp theo”.
Cũng liên quan tới hợp tác trong vũ trụ, ngày 3/3, ông Rogozin tuyên bố Moskva sẽ ngừng cung cấp động cơ tên lửa cho Mỹ. Ông nói: “Chúng tôi không chỉ ngừng cung cấp các động cơ tên lửa RD-180 cho Mỹ, mà còn từ chối bảo dưỡng các động cơ còn lại. Chúng tôi đang nói về 24 động cơ nữa”.
Kể từ giữa những năm 1990, Nga đã cung cấp 122 động cơ RD-180 cho tên lửa đạn đạo liên lục địa Atlas của Mỹ. Trong đó, 98 động cơ đã được sử dụng.
Ông Rogozin cũng thông báo rằng Nga sẽ chấm dứt hợp tác về các thí nghiệm tại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) với Đức. Ông Rogozin nói: "Xét những hành động hoàn toàn không thể chấp nhận được của các đồng nghiệp Đức, đặc biệt là Trung tâm Hàng không và Vũ trụ Đức, tôi đã ngừng hoạt động một trong những kính thiên văn của đài quan sát không gian Spektr-RG. Đài quan sát này nằm cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km”. Ông cho biết thêm rằng Nga có tất cả nguồn lực cần thiết để tự mình tiến hành nghiên cứu không gian.
Spektr-RG, do Nga hợp tác với Đức chế tạo, là đài quan sát không gian thay thế Spektr-R, có biệt danh “Hubble của Nga”. Spektr-RG có nhiệm vụ quan sát các hố đen, sao neutron và trường điện từ, cung cấp thêm thông tin giúp con người hiểu sâu hơn về quá trình giãn nở của vũ trụ.
Theo người đứng đầu Roscosmos, chương trình vũ trụ của Nga sẽ phải điều chỉnh một số thứ. Ông cho biết rằng quốc gia này sẽ tập trung vào việc chết tạo các vệ tinh phù hợp với lợi ích của cả Roscosmos và Bộ Quốc phòng Nga. Ông nhấn mạnh cơ quan vũ trụ đảm bảo rằng các vệ tinh mà họ tạo ra sẽ đáp ứng mục tiêu kép và phù hợp với điều kiện của đất nước hiện nay.
Roscosmos là một trong số nhiều thực thể phải đối mặt với làn sóng trừng phạt chống lại Nga, sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trước đó cùng ngày, cơ quan vũ trụ này cũng tiết lộ rằng 56 nhân viên Nga đã rời Trung tâm vũ trụ ở Guiana của Pháp, sau khi Roscosmos dừng hợp tác với Liên minh châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt.
Thùy Dương/Báo Tin tức
Tuần trước người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, khẳng định Nga sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu sòng phẳng, ăn miếng trả miếng. Cuối cùng thì cũng làm căng thật. Rất nhiều lệnh cấm nhằm vào xuất khẩu, lĩnh vực tài chính, vận tải, năng lượng... không có gì bị loại trừ.
Trả lờiXóaMỹ và các nước đồng minh châu Âu nhiều lần khẳng định sẽ có các biện pháp trừng phạt quyết đoán với các mức độ leo thang căng thẳng của Nga với Ukraine, và hiện đã trừng phạt các cá nhân cũng như tổ chức của Nga sau việc Nga công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine là Donetsk và Lugansk. Hệ quả của cuộc chiến này sẽ là thiệt hại rất lớn về kinh tế của cả Nga và phương tây
Trả lờiXóa