Chia sẻ

Tre Làng

Quá tải bệnh nhân, F0 “tự bơi”

Thời điểm hiện tại, số ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội tăng cao, hầu hết F0 điều trị tại nhà đều phải tự lo liệu, rất khó trông chờ vào sự hỗ trợ của y tế phường.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người nghi nhiễm

Tự túc toàn bộ

Ngay sau khi con gái có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính, chị Nguyễn Phương Thảo (Dương Nội, Hà Đông) gọi điện cho y tế phường, nhưng gọi cả ngày không ai bắt máy, nhắn tin cũng không nhận được hồi âm.

Chia sẻ qua nhóm cư dân trên mạng xã hội, chị được khuyên, cần thông báo cho ban quản trị khu chung cư để lập danh sách gửi tới phường. 3 ngày sau khi con trở thành F0, mới có một cán bộ y tế đến nhà chị dán biển hiệu cách ly y tế và đưa cho gia đình tờ quyết định cách ly, không hề thăm khám, tư vấn hay phát túi thuốc...

Một F0 khác là chị Nguyễn Thùy Linh (Sơn Tây, Hà Nội) cũng cho biết, chị không thể liên lạc với y tế cơ sở. Từ khi phát hiện bệnh, chị liên tục sốt cao, đau đầu, mà các thành viên trong gia đình đều bị cách ly, hàng xóm cũng lần lượt thành F0, F1, nên khó nhờ trợ giúp. Gọi điện cho y tế cơ sở, chị nhận được vỏn vẹn 1 câu là gửi kết quả test nhanh.

“Do mới bị sảy thai, sức khỏe còn yếu, nên tôi rất lo lắng, đành lên mạng, vào các hội nhóm hỗ trợ F0 để được tư vấn”, chị Linh kể.

Không những chưa được hỗ trợ, tại nhiều nơi, các F0 còn phải tự mang test nhanh đến phường thực hiện xét nghiệm và xếp hàng dài để chờ được công nhận là F0 hoặc công nhận khỏi bệnh.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, Phường đã mời người dân đến trạm y tế để xét nghiệm nhằm đảm bảo xác định đúng và khẳng định là F0.

Lý giải về việc làm có vẻ không phù hợp ở thời điểm hiện tại, khi Bộ Y tế đã cho phép công nhận ca dương tính bằng test nhanh, đại diện phường này lý giải, người dân tự test nhanh khó đảm bảo đúng kỹ thuật, nên không thể sử dụng kết quả mà họ cung cấp. Hiện nay, số lượng F0 tăng nhanh trong khi nhân lực của trạm y tế có hạn, nên công việc quá tải. Lãnh đạo phường Hoàng Liệt đã báo cáo lên cấp trên đề nghị được hỗ trợ nhân sự.

Phân tuyến điều trị

Lãnh đạo Hà Nội và Sở Y tế TP. Hà Nội nhiều lần khẳng định với báo chí là vẫn đang làm tốt công tác chăm sóc, điều trị F0 tại nhà bằng việc tăng số lượng túi thuốc kháng virus cho F0 điều trị tại nhà. Tuy vậy, thực tế cho thấy, hầu hết người dân khi điều trị Covid-19 tại nhà đều không nhận được trợ giúp tối thiểu, chưa nói tới việc được cấp thuốc điều trị, dẫn đến việc nhiều người không khai báo y tế khi mắc bệnh, bởi nghĩ rằng có khai báo cũng không có tác dụng.

Theo chuyên gia, điều này rất nguy hiểm. Nếu là F0, người dân cần liên hệ với trạm y tế lưu động, y tế phường để được hướng dẫn cụ thể. Khi khai báo, nếu có triệu chứng chuyển nặng, việc chuyển tuyến điều trị sẽ đơn giản hơn; còn nếu không khai báo, khi chuyển nặng phải nhập viện thì thủ tục sẽ lâu hơn. Các bệnh viện đang thực hiện rất nghiêm việc phân tầng điều trị để đảm bảo an toàn.

Về việc phân tuyến điều trị cho F0, Sở Y tế TP. Hà Nội quy định, bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch hoặc trong tình trạng cần hồi sức tích cực điều trị ở tầng 3, tại các bệnh viện: Đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây và Đống Đa; bệnh viện tầng 2 đáp ứng giường bệnh hồi sức tích cực đã phân công và các bệnh viện trung ương, bộ, ngành.

Bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình, có triệu chứng, từ 65 tuổi trở lên, mắc bệnh lý nền không ổn định và chưa tiêm đủ liều vắc-xin hoặc người mắc các bệnh lý có triệu chứng cấp tính cần điều trị nội trú, can thiệp chuyên khoa được điều trị tại bệnh viện tầng 2.

Người mắc bệnh lý nền ổn định hoặc không ổn định nhưng chưa cần nhập viện, chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (tầng 1). Bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện quản lý, cách ly thì điều trị tại nhà (tầng 1).

Về năng lực tiếp nhận bệnh nhân ở thời điểm hiện tại, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cho biết, Bệnh viện có 250 giường hồi sức tích cực (ICU). Hiện Bệnh viện đang điều trị cho gần 150 F0 và vẫn còn giường điều trị cho F0 nặng.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang điều trị cho hơn 100 F0, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 15 trường hợp nặng nhập viện. Bệnh viện có khoảng 250 giường ICU và 150 giường tầng 2, hiện vẫn còn giường trống để tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch.

Còn tại Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 thuộc Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, số F0 nặng gần đây tăng nhanh. Bệnh viện chuẩn bị sẵn 500 giường, chia thành 19 đơn vị, mỗi đơn vị đều có giường ICU, giường cho bệnh nhân nặng và phòng áp lực âm cho các trường hợp đặc biệt. Cùng với đó, Bệnh viện đã triển khai hệ thống điều hòa không khí riêng cho từng phòng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội, Thành phố đã yêu cầu các cơ sở y tế, bệnh viện đảm bảo giường thuộc tầng 2, tầng 3; chuẩn bị sẵn sàng tình huống có 100 - 500 ca nặng/ngày. Sở Y tế bảo đảm cung cấp túi thuốc C (thuốc kháng virus) cho bệnh nhân tại các tầng điều trị, đặc biệt là F0 điều trị tại nhà để hạn chế chuyển tầng điều trị.

Sở Y tế TP. Hà Nội khuyến nghị, người dân có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 liên hệ với trạm y tế phường/xã để xét nghiệm miễn phí, hoặc liên hệ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội qua số điện thoại 0969.082.115 hoặc 0949.396.115 để được tư vấn. F0 tại nhà cần nhận biết các triệu chứng nặng, điều trị kịp thời. Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, tổng đài 1022, các tổ hỗ trợ điều trị Covid-19, ATM oxy tư vấn, hướng dẫn người bệnh cách tự chăm sóc bản thân, giảm quá tải ở tuyến y tế cơ sở.

***
Đây là thực tế và tôi đồng tình với bài viết này, dưới đây là link nguồn của bài viết:
https://baodautu.vn/qua-tai-benh-nhan-f0-tu-boi-d161487.html

1 nhận xét:

  1. Một số nơi hiện nay vẫn để cho F0 tự điều trị tích cực tại nhà, tuy nhiên vẫn có sự hứng dẫn phát thuốc cũng như theo dõi của các cơ sở y tế. Không phải cách ly tập trung khi mà các ca không trở nặng mấy, cũng như đã tiêm vacxin đủ 2 mũi. Có những địa phương đã tiêm lên mũi thứ 3 cho trẻ từ 18. Mỗi người một ta, hy vọng chúng ta chiến thắng đại dịch

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog