Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: “Những vi phạm có tính chất thách thức đường lối của Đảng, pháp luật, thách thức dư luận xã hội cần xử lý nghiêm minh”.
Ngày 31/3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, 4 cơ quan đã phối hợp điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là "vùng cấm, nhạy cảm"; đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi và xử lý nghiêm minh, công khai cả cán bộ cao cấp, đương chức và đã nghỉ hưu.
Việc này có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa mạnh mẽ, được cán bộ, Đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý vẫn còn những hạn chế trong phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc còn chậm so với kế hoạch của Ban Chỉ đạo; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn xử lý khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu, đánh giá chứng cứ, quan điểm xử lý... vẫn còn hạn chế.
Theo Thường trực Ban Bí thư, có lúc, có việc, công tác phối hợp vẫn chưa thực sự nhịp nhàng, có biểu hiện “quyền anh, quyền tôi”; có vụ, việc chậm được hướng dẫn, chỉ đạo xử lý hoặc hướng dẫn thiếu thống nhất, gây khó khăn, kéo dài trong xử lý một số vụ án, vụ việc ở địa phương.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị bốn cơ quan cần nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu các cơ quan tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Trong đó chú trọng phối hợp nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, giải pháp về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường phối hợp, tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt là các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư.
“Chúng ta không bao giờ giải quyết một vấn đề gì dựa trên dư luận xã hội hay chạy theo dư luận xã hội, nhưng những vấn đề tác động lớn đến dư luận xã hội, liên quan đến nhiều người, có sự thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội và được các đồng chí lãnh đạo các cấp, đặc biệt lãnh đạo chủ chốt đã có chỉ đạo thì phải đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, tránh bị suy diễn”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Dẫn 3 vụ việc chúng ta xử lý vừa qua: Vụ xử lý nhóm "Báo sạch", vụ khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng, vụ thao túng thị trường chứng khoán, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói rằng, chúng ta có cách xử lý nghiêm minh, kịp thời, có tính toán đảm bảo những yếu tố để không gây ảnh hưởng đến các hoạt động, cần làm tốt trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Thưởng đề nghị các cơ quan tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Trước mắt cần phối hợp tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
Phối hợp tham mưu chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp, không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ...
Các cơ quan đã phối hợp tham mưu đưa 965 vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ, trong đó Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 171 vụ án, 130 vụ việc. Các Cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý 123 vụ án, 925 bị can, 72 vụ việc; VKSND các cấp đã thụ lý 160 vụ án/1121 bị can, 124 vụ việc; đã truy tố 118 vụ/1056 bị can; TAND các cấp đã đưa ra xét xử sơ thẩm 112 vụ án/ 1008 bị cáo, xét xử phúc thẩm 77 vụ án/ 666 bị cáo...
Nguồn: VTV24
Mỗi người chúng ta cần phải cảnh giác và chủ động phản bác đối với các luận điệu sai trái, xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng mà các đối tượng đang rêu rao trên các trang mạng xã hội nhằm phá vỡ sự ổn định và phát triển của đất nước.
Trả lờiXóaTrách nhiệm chính là của ông này trong việc để các tờ báo chính thống trở thành báo bẩn, 2 mặt, chuyên đưa thông tin xuyên tạc, đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tuổi trẻ và thanh niên (từ thời ông này còn là Bí thư Trung ương Đoàn TNCSHCM); nhiều lúc đặt dấu hỏi tại sao bọn báo 2 mặt, báo bẩn chúng hoành hành như thế nhưng không thấy ai có động thái gì để xử lý, phải chăng chúng chính là những vùng cấm, được thế lực nào đó bảo kê nên chúng mới tác oai tác oái như vậy?
Trả lờiXóađề nghị các cơ quan tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp Các cơ quan tiếp tục tăng cường phối hợp, tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực
Trả lờiXóaViệc ở đây vẫn là trách nhiệm của chính cơ quan truyền thông và đặc biệt những cá nhân có biểu hiện thách thức, ngông cuồng chỉ trích, buông những lời miệt thị, chống phá đến đường lối chủ trương pháp luật của Đảng và Nhà nước. Do đó chúng ta phải nghiêm khắc xử lý những cá nhân và tổ chức có liên quan như vậy, những kẻ ngông cuồng và coi thường pháp luật
Trả lờiXóa