Ngày 4/4, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng bảo vệ quyết định hồi năm 2008 của bà về việc ngăn Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bác bỏ chỉ trích của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi cuộc xung đột đang ảnh hưởng đến di sản 16 năm cầm quyền của bà.
Nước Đức dưới 4 nhiệm kỳ lãnh đạo của bà Angela Merkel đã thực hiện chính sách hợp tác gần gũi với Nga. (Ảnh: Getty)
Trong phát biểu vào đêm muộn ngày 3/4, ông Zelensky cho rằng quyết định do Đức và Pháp dẫn đầu tại thượng đỉnh NATO ở Bucharest về việc không kết nạp Ukraine vào liên minh này là “tính toán sai lầm”.
“Tôi mời bà Merkel và ông (Nicholas) Sarkozy (cựu tổng thống Pháp) đến Bucha để thấy chính sách sau 14 năm dẫn đến điều gì", ông Zelensky nói.
Sau khi phát hiện vài trăm thi thể thường dân ở Bucha, một thị trấn ngoại ô Kiev, Ukraine cáo buộc quân Nga phạm “tội ác chiến tranh”. Mátxcơva đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng đó là “hành động khiêu khích”.
Tổng thống Ukraine cũng cho rằng các lãnh đạo châu Âu đã cố gắng xoa dịu Nga bằng lập trường phản đối Ukraine.
Trong một tuyên bố ngắn do người phát ngôn đưa ra, bà Merkel nói rằng bà “giữ nguyên quyết định đưa ra tại thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Bucharest”.
Đức khi đó cho rằng còn quá sớm để Ukraine gia nhập NATO vào năm 2008, vì các điều kiện chính trị của nước này chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bà Merkel, người đã nghỉ hưu từ năm ngoái sau 4 nhiệm kỳ thủ tướng liên tiếp, từng được ca ngợi như một nhà lãnh đạo của thế giới tự do.
Tuy nhiên, những người chỉ trích hiện nay cho rằng việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine phơi bày những sai lầm trong di sản của bà, đẩy Đức nói riêng và châu Âu nói chung vào tình thế dễ bị tổn thương vì những chính sách mềm mỏng với Nga.
Một trong những vấn đề bị chỉ trích nhiều nhất là tình trạng Đức phụ thuộc nặng nề vào năng lượng Nga, chiếm tới 36% tổng nhập khẩu gas của Đức trong năm 2014 và tăng lên tới 55% trong thời gian trước khi nổ ra xung đột ở Ukraine.
Sự phụ thuộc đó "khiến Berlin không thể đáp lại lời kêu gọi của Mỹ và các đồng minh khác về việc áp lệnh cấm vận hoàn toàn đối với Mátxcơva", theo AP.
Ngày 4/4, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, người từng lại ngoại trưởng thời chính quyền Merkel, thừa nhận rằng ông đã “phạm sai lầm’ khi thúc đẩy dự án Dòng chảy phương Bắc 2, một tuyến đường ống gây tranh cãi nhằm tăng gấp đôi nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Mỹ và nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu như Ba Lan cực lực phản đối dự án trị giá 12 tỷ USD này, vì sẽ khiến tuyến đường ống đi qua Ukraine bị bỏ qua.
Sau nhiều tranh cãi, Đức cuối cùng đã đình chỉ cấp phép cho dự án hoạt động, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, ông Gerhard Schroeder, người tiền nhiệm của bà Merkel, từ chối từ bỏ vị trí chủ chốt trong hai tập đoàn năng lượng Nga là Rosneft và Gazprom.
Bình Giang
Theo AP
NHững người chỉ trích hiện nay cho rằng chiến dịch quân sự của Nga đối với Ukraine phơi này những sai lầm trong di sản của bà , để Đức nói riêng và cả phương Tây nói chung vào tình thế bị tổn thương vì những chính sách quá mềm mỏng với Nga
Trả lờiXóa