Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cảnh báo đạo luật mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua về cho mượn-cho thuê vũ khí sẽ khiến nhiều thế hệ người Ukraine phải gánh nợ nần.
Theo đài RT ngày 29/4, ông Volodin nhận định “cho mượn-cho thuê” không miễn phí và Ukraine sẽ phải trả tiền cho những vũ khí sẽ được Mỹ cung cấp theo chương trình này.
Ngày 28/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua “Đạo luật Cho thuê-Cho mượn Phòng thủ Dân chủ Ukraine”, giúp Mỹ dễ dàng gửi vũ khí tới Ukraine trong bối cảnh nước này đang xung đột với Nga.
Tuy nhiên, những đợt giao vũ khí đó có điều kiện là Ukraine phải trả tiền cho việc trả lại và hoàn trả cho các vật dụng quốc phòng đã mượn hoặc thuê. Dự luật nói trên hiện chỉ cần chữ ký của Tổng thống Joe Biden là trở thành luật. Dự luật này khác với các nỗ lực liên tục của Nhà Trắng nhằm trang bị vũ khí cho chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Volodin viết trên Telegram: “Động cơ của Mỹ rất rõ ràng”. Ông cho rằng việc cho Ukraine vay-mượn vũ khí sẽ làm tăng nhiều lần lợi nhuận của các tập đoàn quốc phòng Mỹ.
Ông Volodin nhắc lại các sự kiện trong Thế chiến thứ hai khi Liên Xô nhận được khí tài quân sự từ Mỹ theo một kế hoạch cho vay-cho mượn tương tự.
Ông nói: “Kế hoạch được mô tả là sự giúp đỡ từ các đồng minh, nhưng Liên Xô, quốc gia đã mất 27 triệu sinh mạng khi chiến đấu với Đức Quốc xã, đã phải trả lại những khoản nợ đó trong nhiều thập kỷ, cùng những thứ khác, gửi bạch kim, vàng và gỗ của mình tới Mỹ để dà xếp trả nợ”. Ông Volodin chỉ ra: “Các khoản thanh toán chỉ được hoàn tất 61 năm sau chiến thắng, tức là vào năm 2006”.
Ông Volodin cảnh báo cho mượn-cho thuê về cơ bản là một khoản cho vay hàng hóa và không phải là một khoản vay rẻ. Ông nói: “Nhiều thế hệ tương lai người Ukraine sẽ phải trả tiền cho vũ khí, đạn dược và nguồn cung cấp lương thực mà Mỹ chuyển giao… Khi đồng ý với kế hoạch cho mượn-cho thuê, ông Zelensky đang dẫn đất nước vào một hố nợ.
Theo dự luật Hạ viện Mỹ thông qua, Nhà Trắng cho mượn hoặc cho thuê các vật dụng quốc phòng đối với Ukraine hoặc quốc gia Đông Âu nào bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự của Nga để giúp tăng cường khả năng phòng thủ của các quốc gia đó và bảo vệ dân thường khỏi các cuộc xung đột tiềm tàng hoặc đang diễn ra.
Dự luật này không phải là một chương trình mới, mà chỉ giúp Tổng thống Joe Biden gửi vũ khí đến Kiev dễ dàng hơn bằng cách đình chỉ các giới hạn do hai luật hiện hành áp đặt, một trong số đó giới hạn thời gian viện trợ là 5 năm.
Toàn bộ điều kiện là Ukraine phải thanh toán cho việc trả lại, bồi hoàn cho những gì đã mượn hoặc thuê. Tuy nhiên, khả năng Kiev thực hiện các khoản thanh toán như vậy khó khả thi, vì Chính phủ Ukraine đang yêu cầu Mỹ và EU viện trợ 7 tỷ USD mỗi tháng chỉ để tiếp tục trả lương và lương hưu.
Cơ chế Cho mượn–Cho thuê được Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt ban hành lần đầu tiên vào tháng 3/1941 – tức 9 tháng trước khi Mỹ chính thức bước vào Thế chiến thứ hai - và đã chi tới 50,1 tỷ USD (tương đương 980 tỷ USD vào năm 2022) tới tháng 9/1945, khi chương trình kết thúc. Phần lớn vũ khí và thiết bị được chuyển đến Anh (trị giá 31,4 tỷ USD), 11,3 tỷ USD cho Liên Xô và 7,4 tỷ USD được chuyển đến các nước khác. Về lý thuyết, khoản viện trợ được cho là sẽ được hoàn trả, nhưng thay vào đó, Mỹ đã chấp nhận đổi lại bằng hợp đồng thuê các căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Thùy Dương/Báo Tin tức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét