Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2022), trò chuyện với Tiền Phong, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, phải chủ động tạo ra nền hòa bình bền vững cho đất nước chứ không thể trông chờ vào thiện chí từ bên ngoài. Việt Nam không chọn phe mà luôn đứng về phía chính nghĩa.
“Vì hòa bình mà đánh”
Mỗi dịp cận kề ngày 30/4 lịch sử, thống nhất đất nước, Thượng tướng nghĩ gì về ý nghĩa lịch sử của ngày giải phóng, cũng như bài học rút ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước?
Cứ đến gần ngày 30/4 thì tất cả mọi người dân Việt Nam đều nghĩ đến một chiến thắng vĩ đại, một cuộc trường chinh hiếm có trên thế giới trong thế kỷ XX, với một quyết tâm sắt đá để giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, đem lại hòa bình cho đất nước. Chúng ta sống trong không khí hồ hởi, tự hào của người chiến thắng.
Song bên cạnh tự hào, niềm vui, sự hồ hởi đó nhiều người cũng nghĩ đến cái giá mà dân tộc ta phải trả để có được sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, không gì đắt, đau đớn bằng máu xương, sự hy sinh về tính mạng con người. Chúng ta đã chấp nhận tất cả để có được hòa bình, độc lập dân tộc.
Có câu hỏi đặt ra: Khi chính quyền Sài Gòn chủ trương xé hiệp định Geneva 1954; Mỹ thay chân Pháp thực hiện chế độ thực dân mới ở Việt Nam, với dã tâm thôn tính miền Bắc, biến cả đất nước Việt Nam nằm dưới sự chi phối, ách thống trị của ngoại bang, vậy có cách nào để tránh được cuộc chiến tranh này không? Nếu tránh được chiến tranh, Việt Nam sẽ tránh được “núi xương, sông máu” và cả những nỗi đau còn đến tận bây giờ? Câu hỏi trên đã được đặt ra ngay ở thời điểm đó chứ không phải bây giờ.
Thực tế quá trình cuộc chiến tranh diễn ra từ sau năm 1954 - 1975. Chiến thắng của Việt Nam đã trả lời cho dân tộc ta, cũng như đã cho thế giới một bài học rằng: Với cuộc chiến tranh xâm lược, với một đội quân xâm lược, với một dã tâm thôn tính của nước ngoài thì không có con đường nào khác là phải dùng bạo lực của chính nghĩa để đẩy lùi bạo lực phi nghĩa, làm thất bại cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Lịch sử cũng chỉ ra rằng, không có cuộc chiến tranh xâm lược nào mà nước bị xâm lược có thể giữ được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và hoà bình bằng sự thoả thuận, nhân nhượng.
Chúng ta phải dùng bạo lực để bảo vệ đất nước mình, phải dùng sức mạnh chính nghĩa để đè bẹp sức mạnh phi nghĩa của kẻ xâm lược. Đấy là bài học rất lớn mà thế giới học được ở Việt Nam. Đừng bao giờ ảo tưởng bởi những “viên kẹo” của kẻ xâm lược. Đừng bao giờ ảo tưởng trước lời hứa hẹn của kẻ xâm lược, nếu chúng ta muốn giữ được độc lập toàn vẹn lãnh thổ, cũng như nền hoà bình đích thực cho dân tộc mình.
Như vậy, để có hòa bình, chúng ta không thể tránh được cuộc chiến?
Những năm 1960 khi chúng ta chuẩn bị đối đầu trực diện với Mỹ thì lúc đó trên thế giới có xu thế đấu tranh hòa bình, cạnh tranh hòa bình, hàm ý có thể sử dụng biện pháp hòa bình để đẩy lùi các cuộc chiến tranh xâm lược.
Lúc đó, Đảng ta cũng đã nói hòa bình là mục đích đem lại cho nhân dân. Nhưng muốn đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược để có hòa bình thì phải dùng bạo lực cách mạng. Khẩu hiệu của chúng ta khi đó rất đặc biệt: “Vì hòa bình mà đánh!”. Chúng ta đánh thắng một cuộc chiến tranh vì hòa bình. Nếu xét về mặt lịch sử đây là bài học lớn nhất của Việt Nam đã làm cho thế giới thấy rõ nguyên tắc trong bảo vệ Tổ quốc: Không thể chấp nhận một cuộc chiến tranh xâm lược, không thể hy vọng và không thể ảo tưởng vào dã tâm của kẻ xâm lược.
“Đừng bao giờ ảo tưởng bởi những “viên kẹo” của kẻ xâm lược; đừng bao giờ ảo tưởng trước lời hứa hẹn của kẻ xâm lược, nếu chúng ta muốn giữ được độc lập toàn vẹn lãnh thổ, cũng như nền hoà bình đích thực cho dân tộc mình”.Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Sau chiến thắng 30/4/1975, chúng ta đã có hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, và khi đó mỗi người lính đều mong muốn đến ngày đưa súng vào kho, cởi bỏ quân phục về với gia đình - đó là khát vọng của cả dân tộc sau 20 năm chiến tranh. Nhưng rồi chúng ta có giữ được hòa bình không, câu trả lời là chưa. Nói thế để thấy rằng, chúng ta không bao giờ được chủ quan, không bao giờ được ảo tưởng rằng, đất nước ta vĩnh viễn hòa bình, không ai có thể động chạm, xâm phạm đến lợi ích của đất nước.
Trong một thế giới có nhiều lợi ích đan xen, thậm chí đối đầu nhau thì nguy cơ đối với một đất nước đều có thể xảy ra, nếu chúng ta không có đường lối đúng đắn. Thậm chí, kể cả khi có đường lối đúng rồi thì đôi khi chúng ta cũng không thể tránh khỏi nguy cơ bất ổn, vì dã tâm của kẻ xâm lược, tham vọng của kẻ xâm lược thường không phụ thuộc vào mong muốn của mình. Cho nên trong lúc hòa bình phải luôn luôn nghĩ đến bảo vệ để Tổ quốc không bị xâm hại.
Vì thế, bên cạnh bài học chiến thắng năm 1975, chúng ta có thêm bài học của gần 20 năm sau đó, để thấy rằng, không phải có hòa bình là có ngay được sự yên ổn, cần phải tiếp tục chuẩn bị để có được nền hòa bình bền vững, nền hòa bình không bị xâm phạm đến chủ quyền, độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ.
Chúng ta phải chủ động tạo ra nền hòa bình bền vững cho đất nước chứ không thể trông chờ vào thiện chí từ bên ngoài. Bởi những kẻ muốn dùng bạo lực để xâm hại lợi ích của quốc gia khác, thường quên bài học lịch sử rằng: Tất cả những kẻ xâm lược cuối cùng đều thất bại.
“Việt Nam không chọn “phe”
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Trung đoàn Không quân 937, ngày 16/4/2022. Ảnh: Nhật Bắc.
Chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến nên hiểu rõ giá trị của hòa bình. Vậy thời gian qua, chúng ta đã bảo vệ nền hòa bình bền vững đó bằng cách nào, thưa Thượng tướng?
Kinh nghiệm từ thời kỳ đổi mới đất nước đến nay đã để lại cho chúng ta những bài học rất lớn là làm thế nào để bảo vệ được nền hòa bình bền vững, không bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài. Đó chính là bài học của hơn 30 năm đổi mới, trong đó trước hết là phải ổn định và phát triển đất nước; thứ hai phải có mong muốn và thực tâm làm bạn với tất cả các nước, chúng ta chỉ có đối tượng và đối tác, không có địch nữa. Chúng ta phải có mối quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi trên cơ sở bình đẳng, tuân thủ luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó chúng ta phải có nền quốc phòng mạnh… Có những yếu tố đó chúng ta sẽ giữ được hòa bình.
Với tình hình đất nước hiện nay, chúng ta tự tin rằng sẽ giữ được nền hòa bình bền vững. Không chỉ chúng ta, mà thế giới cũng hiểu điều đó. Nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngoài những thế mạnh về kinh tế- xã hội của chúng ta họ còn tin rằng, Việt Nam có nền chính trị ổn định và không có chiến tranh. Nền hòa bình bền vững đó chính là sức mạnh vật chất để đất nước phát triển. Điều đó cũng tạo ra sức mạnh cho mỗi gia đình và mỗi người dân.
Trong bối cảnh thế giới phức tạp, thường dẫn đến áp lực về chọn “phe”. Vậy Việt Nam nên lựa chọn thế nào cho phù hợp?
Bài học lịch sử của Việt Nam là không chọn phe, chúng ta đứng về phía chính nghĩa. Vậy cái gì đảm bảo chính nghĩa - đó chính là đạo lý và luật pháp quốc tế. Đạo lý là quy luật cuộc sống, là cái dễ nhìn và theo sự phát triển chung của xã hội. Anh đánh tôi thì không thể nói đó là đạo lý được.
“Việt Nam không trung lập, Việt Nam độc lập. Độc lập hoàn toàn khác với trung lập. Chúng ta độc lập trên cơ sở đạo lý, luật pháp quốc tế và lợi ích của Việt Nam. Hôm nay, anh làm đúng thì tôi làm bạn, đồng hành. Nhưng ngày mai anh làm sai thì chúng tôi sẽ không tham gia vào câu chuyện đó. Còn nếu anh xâm hại đến tôi thì chúng tôi buộc lòng phải đáp trả. Chúng ta độc lập nên chúng ta sẽ giữ được hòa bình”.Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Tuy nhiên, nhìn cái đúng phải bằng con mắt của người Việt Nam. Chúng ta nhìn lợi ích chung của thế giới nhưng bằng chính lợi ích của chúng ta. Chứ chúng ta bất chấp lợi ích của mình, nhìn theo một cách không có định hướng thì dễ sa vào chủ nghĩa hư vô.
Những năm qua, với quan điểm đối ngoại đa phương, cân bằng chiến lược, chúng ta đã tự bảo vệ Tổ quốc mình, đồng thời đóng góp cho ổn định của thế giới. Thế giới muốn ổn định thì phải có sự cân bằng, chứ không thể một cực, không thể có một “ông chủ”. Một “ông chủ” thì anh minh đến mấy cũng đến lúc đi ngược quy luật của cuộc sống. Cho nên chúng ta phải tạo sự cân bằng chiến lược.
Sự cân bằng đó không phải là đi dây, đu dây. Việt Nam không trung lập, Việt Nam độc lập. Độc lập hoàn toàn khác với trung lập. Chúng ta độc lập trên cơ sở đạo lý, luật pháp quốc tế và lợi ích của Việt Nam. Hôm nay, anh làm đúng thì tôi làm bạn, đồng hành. Nhưng ngày mai anh làm sai thì chúng tôi sẽ không tham gia vào câu chuyện đó. Còn nếu anh xâm hại đến tôi thì chúng tôi buộc lòng phải đáp trả. Chúng ta độc lập nên chúng ta sẽ giữ được hòa bình.
Tình hình thế giới hiện rất phức tạp. Ở khu vực châu Á Thái Bình Dương có nhiều diễn biến, chiến lược mới của các nước lớn. Tình hình chiến sự Nga - Ukraine và các khu vực khác đe dọa hòa bình thế giới, tức là đe dọa hòa bình của Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta giữ nguyên tắc độc lập thì chúng ta sẽ giữ được vị thế để không nước nào xâm lược.
Tuy nhiên, muốn thế phải giữ vững được ổn định xã hội và đất nước phải mạnh lên. Nếu đất nước yếu thì dù có khôn khéo đến mấy cũng có nguy cơ bị xâm lược. Bây giờ làm sao để đất nước mạnh lên thật nhanh, quốc phòng ngày càng vững chắc hơn thì chúng ta sẽ tự bảo vệ được mình.
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Nhiều người nói rằng, muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị chiến tranh, và phải xây dựng được công nghiệp quốc phòng mạnh. Thượng tướng nghĩ sao về điều này?
Muốn bảo vệ được hòa bình thì phải có nền quốc phòng mạnh. Nền quốc phòng mạnh đến mức để ý đồ chiến tranh của các quốc gia bên ngoài bị dập tắt ngay khi chưa phát động. Chủ trương của chúng ta bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là thế.
Cho nên xây dựng quân đội chỉ để đánh thắng trong chiến tranh là chưa đủ mà phải đủ sức mạnh răn đe, dập tắt ý đồ xâm hại từ bên ngoài - cái đó mới là thượng sách. Quân đội thời bình vẫn bảo vệ đất nước, bằng biện pháp hòa bình, chứ không phải chờ đến chiến tranh mới bảo vệ.
Để quốc phòng mạnh thì yếu tố đầu tiên là chính trị, tinh thần. Một quân đội mạnh phải sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ giá trị cốt lõi của đất nước, bảo vệ nhân dân. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ chiến sĩ quân đội phải hết sức tinh nhuệ như Bác Hồ nói “người trước, súng sau”, từ người tướng, đến cán bộ, chiến sĩ phải thành thục nhiệm vụ của mình, bất kỳ thời bình hay thời chiến.
Quân đội phải được trang bị tốt nhưng không làm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, không phải cứ trang bị nhiều vũ khí là tốt mà phải vừa đủ. Quân đội phải làm chủ công nghệ, sản xuất vừa và đủ vũ khí, ngày càng hiện đại hơn, không lệ thuộc vào tình hình biến động bên ngoài.
Xin cảm ơn Thượng tướng!
Văn Kiên - Luân Dũng (Thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét